CHÙA HƯNG THIỆN * Trần Phước Thuận Ngành du lịch của Bạc Liêu tuy còn non trẻ so với một số tỉnh ở Nam bộ, nhưng tiềm năng du lịch ở đây lại rất lớn, tiềm năng lớn nhất đó là du lịch văn hóa tâm linh, ngoài hai địa điểm có số lượng du khách vãng lai va khách hành hương đông đúc là Quán Âm Phật Đài và Nhà thờ Tắc Sậy, còn nhiều di tích, thắng tích Phật giáo trên khắp địa bàn tỉnh Bạc Liêu, nổi bật trong số này là chùa Hưng Thiện với thánh tượng Bồ tát Quán Thế Âm cao nhất Đồng bằng sông Cửu Long.
Chùa Hưng Thiện tọa lạc tại ấp Phú Tòng, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, cách thành phố Bạc Liêu khoảng 7 km về hướng đông. Đây là một ngôi chùa nông thôn xưa đã tồn tại trên trăm năm, có nhiều thành tích trong hoạt động Phật sự, góp phần tích cực trong việc hoằng hóa đạo pháp và đào tạo tăng ni cho thế hệ kế thừa. Hiện đang xây dựng thánh tượng Bồ tát Quán Thế Âm cao 43,5 mét. Trong tương lai, chùa Hưng Thiện sẽ là một trong những điểm chiêm bái và du lịch có sức thu hút lớn đối với du khách và đồng bào Phật tử. Trước mặt chùa Hưng Thiện có một con kinh nhỏ, bên kia bờ kinh là một khu đất trống, tại khu đất này hơn trăm năm trước đã có một am nhỏ bằng cây lá rừng do một người phụ nữ xây cất để tu hành. Theo lời kể của cụ Dương Văn Đời 91 tuổi và một số người lớn tuổi ở gần chùa thì người phụ nữ ấy được người quanh vùng gọi là cô Hai (tên thật là Ngô Thị Chức) sau khi chồng qua đời đã dựng am tu hành tại đây vào khoảng năm 1860 với một người con nhỏ tên Nguyễn Văn Tĩnh. Đến năm 1870, có một người giàu có trong vùng là Cả Muôn thấy cô Hai là người có tâm đạo, nên đã hiến cúng hai mẫu đất ở cạnh am, đồng thời bỏ tiền ra để xây dựng một ngôi chùa nhỏ bằng cây gỗ, mái lợp ngói. Ngôi chùa mang tên Hưng Thiện đã ra đời từ đó, ông Nguyễn Văn Tĩnh được giao trọng trách quản lý ngôi chùa, bà con Phật tử lúc bấy giờ gọi là ông Thủ tọa. Vị trụ trì này, pháp danh Thiện Tĩnh, vốn là đồng tử xuất thân, theo mẹ ở trong am cốc từ nhỏ, chuyên tâm học đạo, nguyện suốt đời quy ngưỡng Tam bảo, nên khi nhận trọng trách ông đã hết lòng phát dương Phật pháp, chùa Hưng Thiện chỉ mới thành lập được vài năm số lượng Phật tử đã khá đông, tăng chúng trong chùa cũng dần dần phát triển, các mạnh thường quân và Phật tử cúng dường nhiều pháp khí và đồ dùng trong chùa, hiện còn lưu lại một đại hồng chung có ghi niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924), đây là di vật duy nhất của chùa trong thời kỳ đầu còn gìn giữ đến ngày nay. Đến năm 1930, vị trụ trì viên tịch, thầy Thiện Chơn (thế danh Lê Hồng Hạnh) thay thế làm trụ trì, mọi người thường gọi ông là thầy Yết Ma. Khi chưa xuất gia ông xuất thân là một thầy thuốc giỏi nên trong thời gian làm trụ trì, ngoài công việc Phật sự, ông còn góp phần chăm lo đến sức khỏe cho Tăng ni, Phật tử và bà con trong thôn ấp. Tiếng lành đồn xa, chùa Hưng Thiện càng lúc càng đông Phật tử. Năm 1942, thầy trụ trì tổ chức trùng tu, thay thế những chỗ cây ván hư mục, nhưng kiểu dáng ngôi chùa vẫn giữ nguyên như lúc đầu. Đây là lần trùng tu thứ nhất kể từ ngày xây dựng chùa Hưng Thiện. Năm 1945, Chi bộ Đảng Sóc Đồn thành lập, bà Ngô Thị Năm đã chọn chùa Hưng Thiện làm nơi hoạt động để chuẩ bị hưởng ứng cuộc Tồng khởi nghĩa ngày 23 tháng 8 năm 1945 ở Bạc Liêu. Đầu năm 1946, Thực dân Pháp đánh chiếm lại thành Bạc Liêu, thầy Yết Ma bị giặc phục kích bắn chết. Học trò của ông là thầy Thiện Tấn (thế danh Trần Văn Thu) thay thế làm trụ trì, thường gọi là huynh Thu hoặc thầy Ba. Lúc bấy giờ tình hình đất nước đã sang trang sử mới, Cách mạng tháng 8 đã đạt được những thành quả vẻ vang, nhiều người tham gia Cách mạng để đóng góp cho quê hương xứ sở, thầy Ba là một trong những người này, ông đã tích cực tham gia công tác địa phương trong lớp áo nhà tu, ông dùng chùa làm địa điểm hoạt động, trú đóng, hội họp cho quân dân và cán bộ Cách mạng. Năm 1963, thầy Ba bị giặc bắt và bị xử bắn tại Hòa Bình, cùng bị bắt và cùng bị giết chung với ông có một Phật tử tên Phan Văn Xì người ở xã Hưng Hội. Hai ông lúc bị hành quyết còn đang bị còng chung với nhau, sau đó giặc chôn chung hai người vào một hố đất, đến khi thân nhân lấy cốt không phân biệt xương của người nào, nên chùa Hưng Thiện đã đưa xương cốt hai người vào tháp để thờ chung với sư phụ là thầy Lê Hồng Hạnh ở khuôn viên chùa. Hai ông đã được Nhà nước công nhận liệt sĩ. Tình hình chùa Hưng Thiện đến năm 1963 đã hư hại nặng, một phần lớn là hậu quả của chiến tranh. Hòa thượng Hiển Giác đã hỗ trợ việc xin giấy phép trùng tu, vì không có trụ trì kế nhiệm, nên những người lớn tuổi trong địa phương như các ông: Lâm Kim Xưng, Võ Văn Thanh, Trần Văn Mùi, Phạm Văn Xoan cùng với bà con Phật tử đảm trách xây dựng. Sau khi chùa được trùng tu, bà Võ Thị Nghị (thường gọi cô Tư) được giao trách nhiệm quản lý chùa. Năm 1972, Đại đức Quảng Thuận một tăng chúng của chùa Vĩnh Đức được bổ nhiệm về làm trụ trì đời thứ năm. Năm 1973 chùa Hưng Thiện được xây cất lại, lần này có trụ trì đứng ra kêu gọi sự đóng góp của bà con Phật tử, nhưng cũng do hai ông Võ Văn Thanh và Trần Văn Mùi thay mặt Ban Hộ tự thực hiện việc điều hành. Lần trùng tu này, ngôi chùa được xây dụng bằng tường gạch và lợp ngói khá khang trang, ngôi chánh điện cũ này vẫn còn bên hong chùa đến nay. Có một sự kiện vô cùng đặc biệt và cảm động, đó là việc rước tượng Phật Thích Ca ngày 19 tháng 3 (âm lịch) năm 1973 từ Sài Gòn về ấp Bạc Liêu. Thời gian này còn tồn tại hai chánh quyền, chánh quyền Miền Nam và Mặt trận Giải phóng. Tượng Phật được chánh quyền tỉnh Bạc Liêu cũ cho phép chuyển từ thị xã Bạc Liêu về ấp Quốc Kỷ thuộc xã Hưng Hội (nay thuộc xã Hưng Thành), từ đây Mặt trận Giải phóng tổ chức cho Ban Hộ tự ra rước tượng Phật về ấp Phú Tòng để làm lễ an vị. Tượng Phật lịch sử này vẫn còn tôn trí trên chánh điện cho đến ngày nay. Năm 1975, Sư cô Diệu Hiếu đệ tử của Ni sư Diệu Hữu chùa Bạch Liên được bổ nhiệm làm trụ trì, sau khi viên tịch được xây tháp ở sau chùa. Trong thời gian này, miền Nam mới vừa giải phóng, nước nhà mới độc lập, mọi việc chưa ổn định nên công tác Phật sự ở đây cũng chỉ là công việc thường nhật của chùa. Sư cô Diệu Hiếu là một người có tánh tình hài hòa, vui vẻ, năng nổ và nhiệt tình, tuy làm trụ trì chỉ có năm năm, nhưng đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng người. Năm 1980, Ban Hộ tự chùa Hưng Thiện thỉnh hai Sư cô Huệ Thường (thế danh Đinh Thị Nhơn) và Huệ Lạc (thế danh Cao Thị Điệp) từ chùa Phước Trí ở xã Tân Quới, Bình Minh, Vĩnh Long về chùa Hưng Thiện; được Giáo hội Phật giáo tỉnh bổ nhiệm trụ trì từ thời điểm đó và hoạt động xuyên suốt đến nay. Hai Sư cô xuất gia với thầy Thích Giác Hạnh, sau đó y chỉ với Sư cô Như Đạo ở Vĩnh Long. Từ khi nhận trọng trách đến nay, hai Sư cô Huệ Thường và Huệ Lạc đã tạo ra nhiều thành tích lớn trong các công tác Phật sự, chỉ riêng về lực lượng kế thừa đã đào tạo được nhiều tăng ni đệ tử. Về phía Tăng có các Đại đức: Thiện Phúc, Thiện Hiếu, Thiện Hạnh, Thiện Huệ, Thiện An… Về phía Ni có các Sư cô: Diệu Bạch, Diệu Hải, Diệu Lý, Diệu Hiền, Diệu Hiếu, Diệu Hạnh, Diệu Quý, Diệu Hoa, Diệu Ngân, Hạnh Nhã, Hạnh Nhiên, Hạnh Thảo, Hạnh Nguyên… Trong số Tăng ni này đã có bốn vị đươc bổ nhiệm trụ trì: Sư cô Diệu Lý trụ trì chùa Chánh Huệ huyện Giá Rai, Sư cô Diệu Hiền trụ trì chùa An Phước thị trấn Ngan Dừa, Sư cô Diệu Bạch trụ trì chùa Phổ Đà xã Vĩnh Hưng, Đại đức Thiện Phúc phụ trách cơ sở nuôi trẻ Phật Quang tại thành phố Bạc Liêu. Năm 1995, ngôi chánh điện đã trải qua bao mùa mưa nắng đã xuống cấp, không thể đáp ứng những yêu cầu Phật sự lúc bấy giờ, Sư cô trụ trì đã viết thông bạch kêu gọi bà con Phật tử đóng góp sức người sức của để trùng tu lần thứ tư. Tuy nói là trùng tu nhưng thật ra lần này ngôi chánh điện được xây dựng hoàn toàn mới ở bên cạnh ngôi chánh điện cũ. Công trình hơn một năm mới hoàn tất và tồn tại cho đến ngày nay. Cuối năm 2007, với hoài bảo tôn tạo một danh lam Phật tích để đồng bào có nơi an trú, hướng thiện, đồng thời cũng để thực hiện tinh thần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, cũng để góp phần phục vụ ngành du lịch tỉnh nhà đang trên đà phát triển, hai sư cô Huệ Thường và Huệ Lạc sau khi bàn bạc đã làm thủ tục xin phép Nhà nước xây dựng một thánh tượng Bồ tát Quán Thế Âm trong khuôn viên chùa với chiều cao 43,5 mét. Chân đế cách mặt đất 8 mét, phía trên chân đế là một sàn bê tông hình lục giác có đường kính 29 mét, đi lên bằng ba cầu thang. Phía trước thánh tượng là một cái sân rộng để đồng bào Phật tử chiêm bái, hai bên sân là 36 hóa thân của Bồ tát trông thật uy nghi. Thánh tượng Bồ tát do nghệ nhân Châu Viết Thạnh tôn tạo, nghệ nhân này cũng chính là tác giả xây dựng thánh tượng Bồ tát Quấn Thế Âm cao 70 mét tại Đà Nẵng, tượng đứng cao nhất nước Việt Nam, tác giả đã hoàn tất xong năm 2009. Thánh tượng tại chùa Hưng Thiện, riêng phần thân tượng do nghệ nhân Châu Viết Thạnh phụ trách, các hạn mục còn lại của công trình đều do người trong chùa thực hiện theo thiết kế. Thánh tượng được khởi công xây dựng vào ngày 19 tháng 2 năm 2008, hiện nay công trình đã hoàn tất. Theo kế hoạch, lễ khánh thành được tổ chức vào ngày 15 tháng 11 năm 2013, nhưng đến nay chưa thực hiện được vì con đường ba ngàn mét vào chùa đã xuống cấp trầm trọng, nhiều chỗ bị hư, chỉ đi được xe hai bánh, nhiều đoạn bề ngang không còn đầy một mét. Hiên nay, khách hành hương du lịch đã đến tham quan, chiêm bái thật đông đúc, con đường nhỏ dẫn vào chùa đôi lúc bị nghẹt cứng, con đường quá nhỏ sẽ khó giải quyết được một lượng khách đông đúc. Để tạo điều kiện tốt trong việc phục vụ du lịch trong địa bàn tỉnh nhà, Nhà nước cũng đã có kế hoạch chi từ ngân sách bảy tỷ đồng để trùng tu con đường nói trên, dự kiến sẽ bề ngang của mặt đường là 3,7 mét. Nếu thực hiện theo kế hoạch này sẽ cải thiện được tình hình hiện tại, nhưng lượng du khách càng ngày càng đông con đường lại không đáp ứng được và phải lâm vào cảnh “kệt xe kẹt cầu” như ở Quán Âm Phật Đài từ mấy năm trước. Thiển nghỉ bề ngang mặt đường vào chùa phải từ bảy mét mới đủ cung và cầu. Con đường được mở rộng thêm như thế thì việc đi lại của du khách sẽ dễ dàng và vấn đề an ninh trật tự cũng đảm bảo hơn. Chùa Hưng Thiện tồn tại đến nay đã gần hai trăm năm, qua nhiều thời kỳ với bảy đời trụ trì, mỗi thời kỳ đều có sự phát triển, nhất là từ năm 1995 đến nay, chùa Hưng Thiện như thay da đổi thịt tạo được nhiều thành tích trong các hoạt động Phật sự, công tác từ thiện xã hội… nhất là sự ra đời của thánh tượng Bồ tát Quán Thế Âm lại càng góp phần tích cực cho việc xiển dương Phật giáo, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch tỉnh nhà có những bước phát triển tốt đẹp. Tỉnh Bạc Liêu giờ đây, mỗi ngày đều có đón tiếp khách du lịch hành hương trong và ngoài nước, mong rằng sẽ có một tuyến du lịch tới chùa Hưng Thiện để du khách đến tham quan và chiêm bái thánh tượng Bồ tát Quán Thế Âm. Phần cuối bài viết, tạm nượn lời giới thiệu về thánh tượng của chùa Hưng Thiện để kết thúc như sau: “Chúng ta một lần đến Bạc Liêu sẻ muốn trở lại lần thứ hai, bởi ở đây mảnh đất màu mở nhiều chất Phật, nhiều giai thoại mầu nhiệm với oai lực của Bồ tát Quán Thế Âm, vùng đất đang từng ngày từng giờ thay da đổi thịt với nhiều tiềm năng phát triển về du lịch văn hóa tâm linh… Chính vì thế chúng ta không còn lạ gì khi nghe khách hành hương bảo nhau về đến Bạc Liêu là về đến đất Phật”. |
Cập nhật ( 22/09/2015 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com