CHÙA “ĐỆ NHẤT TÙNG LÂM” * Vinh Hiển Một khu vườn rộng thoáng, có những hàng cây cổ thụ cao um tùm, tỏa bóng rợp mát che kín, chùa Láng- nơi thờ Tổ sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông, thuộc triều đại nhà Lý đã có công sáng lập thành Thăng Long, Hà Nội…
Chùa Láng có từ thời Lý, chùa có tên gọi là chùa Cả, tên chữ là Chiêu Thiền Tự. Chùa ở làng Láng, xưa là làng Yên Lãng, nay là phố Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội. Sự tích chùa gắn liền với sư Từ Đạo Hạnh, sư Giác Hải và sư Khổng Minh, là ba vị sư nổi tiếng dưới triều Lý. Từ Đạo Hạnh chính là Từ Lộ, người làng Láng. Theo truyền thuyết để lại, nhà sư Từ Đạo Hạnh đã đầu thai làm con trai nhà quý tộc Sùng Hiền hầu, em vua Lý Nhân Tông ( 1072-1127). Vì vua Nhân Tông không có con, nên con trai của Sùng Hiền hầu được nối ngôi tức là vua Lý Thần Tông (trị vì từ năm 1128-1138). Tương truyền chùa Láng được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông (1138-1175). Trải qua gần 10 thế kỷ, chùa Láng đã nhiều lần đựơc sửa chữa và tu bổ, nhưng chùa vẫn giữ nguyên được nét cổ xưa. Chùa rộng khoảng hơn 2.000m, quần thể kiến trúc hiền hòa, trong chùa trồng nhiều cây muỗm và cổ thụ quý, hàng cây chạy dài suốt từ cửa tam quan vào trước nhà bái đường. Ba cổng tam quan nằm trên đường lát gạch lớn dẫn vào sân chùa lát bằng gạch Bát Tràng. Nhà Bát Giác là một công trình nghệ thuật kiến trúc cổ nổi bật nhất trong chùa, được xây bằng gạch cổ nung già để trần ở 8 cạnh. Mái lợp kiểu mái trồng, 2 tầng, gồm 16 mái mềm mại, trang trí các nét chạm nổi rồng mây, mai điểu, tùng lộc, long mã, phượng hoàng… đây là nơi đặt kiệu thành vào những ngày hội làng. Hai bên nhà hậu cung chùa có hàng tượng phật đứng uy nghiêm, chùa có hai pho tượng cổ là tượng Từ Đạo Hạnh đan bằng mây và phủ sơn bên ngoài, tượng vua Lý Thần Tông ngồi ngai vàng, tạc bằng gỗ mít. Tấm bìa đá cổ được tạc khắc từ năm 1656, trên mặt bia có chạm nổi hình hai tiên nữ đang bay. Trong chùa còn có nhà chuông, nhà khánh, khu thờ tổ và thờ mẫu, vườn tháp mộ, giếng chùa và ao chùa. Cách khoảng 80m hai đường vào cổng chùa, còn thấy hai tấm bia đá cổ nhỏ và đặt ở mỗi hướng đường vào một tấm, trên bia có khắc chữ Hán “xuống ngựa”, đây là chiếc biển báo giao thông cổ xưa nhất ở thành Thăng Long, nhắc nhở mọi người đi gần đến cổng chùa thì xuống ngựa, ngả mũ nón để tỏ lòng tôn kính nơi tôn nghiêm. Trên tấm bia đá “ Chiêu Thiền Tự tạo Lê bi” do Tiến sĩ khoa Tân Mùi (1631) Nguyễn Văn Trạc soạn năm Thịnh Đức 4 (1656) và Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1619) Dương Trí Trạch, hiệu Nghi Trai, hiệu duyệt đã tả chùa như sau: “Thật là danh lam bậc nhất thế gian không chùa nào sánh kịp, khí tốt Phượng thành bên hữu tỏa khắp, dòng Tô Lịch bên tả lượn vòng. Nhĩ Hà nghìn dặm quanh kinh đô uốn khúc như rồng xanh lớp lớp chầu về. Tản Viên dãy núi đầy thế đẹp hướng vào, như hổ trắng đàn đàn đến họp…”. Thời vua Lý Thái Tông đã ban dụ cấp cho các quan viên, chức sắc, bình dân An Lãng, lời dụ ghi: “… trong xã, tô ruộng công truyền cho con cháu được hưởng, các thứ thuế ao chuông, bế đò và các thứ thuế khác đều để phục vụ cho chùa Chiêu thiền. Ân Huệ này được truyền lại muôn đời con cháu, để tiện việc dâng hương thờ cúng, coi trọng đạo phật, lâu dài hạnh phúc…”. Năm 1946, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm chùa và ngôi chùa đã trở thành nơi lưu niệm về danh nhân vĩ đại của dân tộc(theo sách “Hà Nội di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng”, Tác giả: Doãn Đoan Trinh). Chùa Láng từng được gọi là “ Đệ nhất tùng lâm” ở phía Tây kinh thành Thăng Long(rừng thông cổ thụ nhất ở kinh thành Thăng Long). Chùa Láng là một điểm di tích lịch sử cổ kính, nơi nghi lại một minh chứng lịch sử vùng đât Thăng Long có từ thời Lý, gắn liền với truyền thuyết lịch sử dựng nước, giữ nước và đánh giặc ngoại xâm của dân tộc. Vào những ngày mồng , rằm hàng tháng và những ngày hội làng, nhân dân và du khách thập phương tấp nập về thắp hương thành kính tại chùa, tưởng nhớ tới các vị vua Lý đã có công dựng nước va giữ nước, đồng thời nhắc nhở và khơi dậy niềm tự hào về lịch sử dân tộc ông cha ta…/. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com