Chữ "nghĩa" trong tính cách của người Nam bộ * Kiều Quang Chữ “nghĩa” không phải là sản phẩm chỉ riêng của người Nam bộ, mà tất cả các địa phương trên lãnh thổ Việt Nam đều có. Tuy nhiên, do đặc điểm địa lý, xã hội của từng địa phương, cũng như do yếu tố thời gian mà chữ “nghĩa” ở từng thời, từng địa phương có thể thay đổi chút ít cho phù hợp. Dưới triều Lý – Trần, chữ Nghĩa được quan niệm là làm nghĩa vụ chống lại ngoại xâm. Trong “Bạch Đằng giang phú”, Trương Hán Siêu đã viết: Sông Đằng một dải dài ghê Sóng hồng cuồn cuộn trôi về bể Đông Những người bất nghĩa tiêu vong Nghìn xưa chỉ có anh hùng lưu danh.
Dưới thời Lê sơ, Nguyễn Trãi cũng rất đề cao nhân nghĩa, khi ông viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Nhưng càng về phương Nam thì chữ “nghĩa” lại có quan niệm khác đi một ít và chữ đã trở thành một phẩm cách quan trọng nhất. Nam bộ là vùng đất của dân tứ chiếng, những người không quen biết nhau tụ lại chung sống để tạo dựng xóm làng cho nên nhu cầu giúp đỡ lẫn nhau, cưu mang lẫn nhau đã trở thành một sợi dây liên kết lại với nhau, định hình nên một tính cách mà người ta gọi là “trọng nghĩa khinh tài”. Ở Nam bộ, sự “trọng nghĩa khinh tài” thể hiện ở chỗ không tham chức tước bổng lộc, kiên quyết cùng với nhân dân đề xướng và hưởng ứng việc nghĩa. Chữ “nghĩa” còn thể hiện ở chỗ coi nhẹ tiền tài, của cải vật chất. Tiền tài không quan trọng, quan trọng ở chỗ đối xử với nhau có nghĩa, có tình. Việc phải thì dù có liều cả mạng sống cũng làm, còn việc trái thì cho cả một núi vàng cũng không ham. Điển hình sự “trọng nghĩa” của người Nam bộ với khí phách hiên ngang, dám mạo hiểm điển hình như Lục Vân Tiên tay không bẻ cây đánh cướp để giải thoát cho Kiều Nguyệt Nga. Người Nam bộ rất thích và thuộc “Lục Vân Tiên”, bởi vì tác phẩm “Lục Vân Tiên” đã nói hộ họ một triết lý sống: Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng. Trong tình yêu nam nữ, họ đối đãi với nhau vì nghĩa, vì tình chứ không phải bằng tiền tài danh vọng. Mà đã ăn ở có nghĩa, có tình với nhau thì họ cũng hết lòng yêu thương lẫn nhau, yêu một cách quyết liệt không hề toan tính. Theo nhau cho trọn đạo trời Dẫu không có chiếu trải tơi mà nằm. Hay: Đó đi tu, đây xin ở sãi Ăn dĩa tương chùa trọn ngãi cùng nhau. Người Nam bộ sống rất thật, sống hết mình, sẵn sàng đùm bọc chia sẻ, kiểu hôm nay có tiền thì dốc túi đãi nhau, ngày mai thiếu thì tính sau. Khi bạn bè cần thì họ hết lòng giúp đỡ, trong cơn hoạn nạn thì cưu mang lẫn nhau, thậm chí họ chấp nhận hy sinh cả tính mạng của mình để giải nguy cho bạn. Liều mình vô chốn chông gai, Kề lưng cõng bạn ra ngoài thoát thân. Lao xao sóng bủa dưới lùm, Thò tay vớt bạn chết chìm cũng ưng. Vùng đất Nam Bộ thời khẩn hoang đầy thú dữ, thiên nhiên khắc nghiệt. Đất rộng người thưa cho nên con người ở đây rất hào hiệp, sẵn sàng cưu mang những người thất cơ lỡ vận, những người từ xa đến đây để cho có bạn, cùng hợp lực để khai khẩn đất hoang, chống lại thú dữ. Tính trọng nghĩa này dẫn đến tính hiếu khách của người Nam bộ. Ai tới xứ này cũng được họ xem là bạn. Là những người xa gốc gác, cội nguồn, phải sống nương nhờ bè bạn, tất cả cùng hoạn nạn có nhau – “Bán bà con xa mua láng giềng gần”. Khi có bạn bè đến chơi, khách đến nhà, dù gia cảnh có bần hàn đến đâu, họ cũng cố gắng đãi đằng bạn một cách cho tươm tất: Bắt con cá lóc nướng trui, Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa. Nghèo thì nghèo, lo cho bạn chu đáo cái đã. Tuy nhiên, những ai không có nhân nghĩa thì cũng đừng hòng họ đáp lại bằng nhân nghĩa: Tiền tài như phấn thổ, Nhơn nghĩa tợ thiên kim. Bởi đứt dây nên gỗ mới chìm, Tại ai ở bạc nên mới tìm nơi xa. Trong “Gia Định thành thông chí”, Trịnh Hoài Đức đã đề cập đến tính hiếu khách của người Nam bộ như sau: Ở Gia Định, có khách đến nhà, đầu tiên gia chủ dâng trầu cau, sau dâng cơm bánh, tiếp đãi trọng hậu, không kể người thân, sơ, quen lạ, tông tích ở đâu, ắt đều khoan nạp, khoản đãi, cho nên người đi chơi không cần đem tiền gạo theo, mà lại có nhiều kẻ lậu xâu thuế cũng đến xứ này ẩn núp, bởi có chỗ dung dưỡng vậy. Một hệ quả của tính trọng nghĩa là tính thẳng thắn, bộc trực. Người Nam bộ nghĩ sao nói vậy, nói sao cho thiệt bụng mình. Họ không quá giữ kẽ, quanh co, úp mở. Ngay cả trong tình yêu họ cũng không hề vòng vo, ưỡm ờ, mà thường chọn cách nói thẳng, nói thật. Yêu thì nói là yêu, không yêu thì nói không yêu. Để chứng tỏ tấm chân tình, thủy chung, người Nam bộ nói thẳng đuột: Dao phay kề cổ, máu đổ không màng, Chết tôi tôi chịu, buông nàng không buông. Cũng là tình yêu, cũng là quan hệ luyến ái, nhưng cái yêu, cái thương của các chàng trai, cô gái đồng bằng Nam Bộ thường thể hiện tình thương nỗi nhớ, thể hiện tình yêu một cách bộc trực, tự nhiên. Phải chăng đã có một phần kỷ cương phong kiến bị phá bỏ? Họ thể hiện tình yêu thật mãnh liệt : Phải chi cắt ruột đừng đau, Chiều nay tui cắt ruột, tui trao anh mang về. Hoặc : Tui xa mình không chết cũng đau, Thuốc bạc trăm không mạnh, mặt nhìn nhau mạnh liền. Người Nam bộ có phong cách rõ ràng, dứt khoát. Họ nói như rựa chém xuống đất, như đinh đóng cột. Làm ra làm, chơi ra chơi. Làm thì làm tới chết, còn ăn chơi thì chơi xả láng sáng về sớm. Họ đã hứa thì phải làm. Nói một là một, hai là hai, không thay đổi, cho dù sự thay đổi có khi đem lại điều lợi cho họ: Thuyền dời mà bến chẳng dời, Khăng khắng một lời quân tử nhất ngôn. Lợi lộc thì ai mà không ham. Nhưng họ không vì danh lợi mà phải làm những công việc không tương xứng với công sức mình bỏ ra, và nhất là trong quyền lợi đó ẩn chứa bao điều phi nghĩa, trái với tinh thần nghĩa khí hào hiệp của họ: Đừng ham hốt bạc ghe chài, Cột buồm cao, bao lúa nặng, tấm đòn dài khó đi. Nổi bật trong tính cách của người Nam bộ mà người ta thường nhắc đến là, tính hiên ngang hay dân gian gọi là tính ngang tàng. Ngang tàng không phải là ngang ngược, lỗ mãng, mà chính là tính nghĩa khí, chí khí hiên ngang. Họ đối đãi với nhau rất là điệu nghệ, sẵn sàng vị nghĩa khinh sinh. Bằng ngược lại, trái với đạo nghĩa, họ nhất định không làm, dù phải trả giá bằng sinh mạng, họ vẫn một lòng phản đối: Trời sinh cây cứng lá dai, Gió lay mặc gió, chiều ai không chiều. Chữ “nghĩa” đã giúp những cư dân Nam bộ sống hòa thuận với nhau, liên kết cộng đồng, cùng chung sức khẩn hoang lập ấp, biến mảnh đất hoang vu thuở nào nay trở nên trù phú, thành những cánh đồng bát ngát xanh tươi. Từ đó họ thêm tự hào và yêu quí mảnh đất này hơn. Vì vậy, cảm nghĩ về quê hương đất nước cũng là một trong những tính cách của con người Nam bộ. Đây thật sự là tính cách bao trùm. Nó vừa mang nét chung về lòng yêu quê hương đất nước của tất cả con người Việt Nam, nhưng lại vừa thể hiện nét riêng của con người Nam bộ. Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường, có người chăm chăm vào cái lợi của mình mà quên việc nghĩa. Trong bối cảnh đó, nhắc lại chữ nghĩa truyền thống với nguyên tắc trọng nghĩa khinh tài như là một thứ di sản quý giá mà cha ông để lại, để có một sự kế thừa hợp lý là điều rất có ý nghĩa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí. Văn hóa tùng thư – 1972. 3. Tài liệu lưu hành trong Hội thảo khoa học – Nam bộ thời kỳ cận đại – Tp. Cần Thơ, ngày 04 tháng 3 năm 2008. 4. Tạp chí Xưa và Nay – số 130 tháng 12 năm 2002. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com