CHỢ TẾT CHỢ XUÂN * Tô Hùng Nhắn em có về quê ăn Tết Nhớ ghé chợ Đình để gặp anh Không biết hai câu thơ này của ai mà làm tôi xao xác mãi mỗi khi năm hết Tết đến không về quê được để đi phiên chợ Huyện đông vui vào ngày sát Tết. Ở ta, một nước nông nghiệp, với nền kinh tế cấp tự túc trước đây, những phiên chợ Tết, chợ xuân không còn là bán mua đơn thuần nữa mà nó đã trở nên như một lễ hội – Hội chợ xuân.
Tại những phiên chợ này, bên cạnh việc mua sắm là một dịp để người ta gặp gỡ, những cuộc gặp gỡ đã sau một năm, có khi là sau cả nhiều năm của những người xa quê tứ xứ bây giờ mới có dịp trở về. Đây cũng là những phiên chợ người đi chợ chỉ cốt để sống trong không khí khẩn trương, náo nức của những người dân quê suốt năm làm lụng tất bật, còn một ngày cuối năm mới dịp ngửng lên đem bán bớt đi một vài thứ dư giả và mua sắm những gì mình không làm ra được cho cả nhà chuẩn bị đón một năm mới đến. Đi chợ Tết, chợ xuân để những trai gái đến tuần cập kê đầu mày cuối mắt tìm bạn. Chợ Tết. Chợ xuân là một dịp thật tiếc cho những ai không dự được, nhất là tại những vùng quê truyền thống. Ở Hà Nội đã nhiều năm nay có hội chợ xuân Giảng Võ hay chợ hoa xuân là các hình thức chợ Tết, chợ xuân ngày xưa nhưng đã ít nhiều quy mô quá, công nghiệp quá mà ở đó ta khó tìm lại được tâm trạng hân hoan, nô nức như ở những hội chợ quê.
Trong cả nước có khá nhiều những chợ Tết, chợ xuân nhưng chỉ có một số chợ tại một số nơi là đã trở thành hội chợ độc đáo. Xin mời bạn nếu không có điều kiện về đi trẩy hội chợ quê mình, hãy đến với những phiên chợ này. Chợ Đồng làng Yên Đỗ: Tục truyền ngày 25 tháng Chạp, nhân dân làng Yên Đỗ muốn kỷ niệm công đức các tiền nhân đã có một phiên chợ Đồng vào cuối năm ngay trên cánh đồng làng. Ngay từ trước ngày 25 tháng chạp, các hàng quán đã dựng lên san sát trên các cánh đồng khô ráo, rồi đến tờ mờ sáng ngày 24 các vị thân hào, các nhà buôn bán, trẻ con, người lớn, thanh niên, phụ nữ khắp khắp trong cả vùng đã tề tựu rất đông. Tại đây, mọi người gặp gỡ trong cảnh tưng bừng náo nhiệt. Nổi bật là tục thi rượu. Những cô hàng rượu đon đã mời chào và mong cho gánh rượi của mình làm được mềm môi, say lòng các văn nhân, quân tử. Trong phiên chợ này, người ta chọn ra một hàng rượu ngon nhất. Ở phiên chợ này còn có tục thi thơ. Các văn nhân quân tử khi rượu đã ngà ngà thì đọc những bài thơ của mình sáng tác. Thật là một hình thức dạ hội thơ độc đáo và dân dã. Cụ Tam Nguyên Yên Đỗ có để lại bài thơ vịnh chợ Đồng như sau: Tháng Chạp, 24 chợ đồng Năm nay chợ họp có đông không? Gió trời mưa bụi còn hơi rét Nếm rượu Tường điền được mấy ông? Hàng quán người về nghe xáo xác Nợ nần năm hết hỏi lung tung Dăm ba ngày nữa tin xuân tới Pháo trúc nhà ai một tiếng “Đùng”. Chợ thịt heo Mỹ Lợi: Làng Mỹ Lợi thuộc Vĩnh Lộc, tỉnh Thừa thiên, có một ngôi chợ, nhưng thịt heo lại không bán tại đây mà bán trong những chòi cao ở đầu cổng chợ. Chợ thịt heo được họp vào hai ngày 29 và 30 tháng Chạp trên độ ba chục chiếc lều cao. Trong phiên chợ này bao nhiêu heo lớn trong làng đều được mổ bán Tết. Đặc biệt trước mỗi chòi được treo một con lợn khổng lồ. Đến chợ thịt Tết Mỹ Lợi cứ như là dự một triển lãnh thành tựu chăn nuôi cả vùng trong một năm. Phiên chợ thật đông vui náo nhiệt và nhà nào cũng có mặt vì Tết đến ai mà không cần ít nhiều thịt lợn ăn Tết. Rồi ra Tết, sang xuân, những chòi cao bán thịt lợn lại biến thành nơi để dân làng hát chòi vui xuân. Phiên chợ cưới: đây là phiên chợ cuối năm họp vào ngày 25 tháng Chạp tại làng Tam Lộng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Yên ngày xưa. Phiên chợ này họp ngay lối vào trong làng, giữa cánh đồng bên một con sông đào nhỏ. Đúng ngày họp chợ, nam nữ mấy tỉnh kéo nhau tới rất đông, có cả ông già, bà cả đi theo để chứng kiến lời giao ước của họ và cũng để hồi tưởng lại cái thưở đương thì một đi không trở lại của mình. Trai gái dắt nhau tới đây thường là những đôi đã quen biết nhau, đã thương yêu nhau từ trước, hôm nay đi chợ để cha mẹ chứng kiến sự yêu đương và tác thành cho họ, cũng có những nam thanh, nữ tú lần đầu đến đây để kén người vừa đôi, phải lứa. Già trẻ, nhất là thanh niên, thanh nữ đều đến chợ với những bộ quần áo đẹp nhất, đội chiếc khăn mới nhất. Các cô mặc những chiếc yếm màu sặc sỡ và có bao nhiêu đồ trang sức lộng lẫy như vòng tay, vòng cổ, hoa tai, đều đeo vào hết. Trai gái gặp nhau hân hoan, phấn khởi, nhắc lại những lời êm dịu đã từng nói với nhau, những đôi mới quen thì bày tỏ nỗi niềm cùng nhau. Họ sửa soạn đón một mùa xuân của đất trời và của riêng lòng mình. Sau những lời giao ước, được cha mẹ hoặc ông già, bà cả chứng kiến, họ dắt nhau vào các quán chợ ăn uống trước khi từ giã. Phiên chợ họp từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều thì tan. Một năm một lần trai gái dắt nhau tới đây để định đoạt cuộc hôn nhân của đời mình. Phiên chợ này vì vậy mà được gọi là Chợ Cưới. Hội chợ xuân Gia Lạc: Chợ Gia Lạc mỗi năm chỉ họp một lần vào ngày mùng một Tết. Gia Lạc là một địa danh cách trung tâm thành phố Huế 3km, ngay cạnh bờ sông Hương. Tương truyền chợ này do Đinh Viễn Công Nguyễn Phước Bình – con thứ tư của Gia Long lập ra dưới thời Minh Mạng, cách 170 năm. Lúc đầu chợ được lập ra theo ý mấy ông Hoàng để có chỗ tập trung vui chơi, giải trí ngày xuân. Dần dần, chợ trở thành không những là một tụ điểm vui chơi, mà còn là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa đặc sản và những món ăn ngày xuân. Sáng tinh mơ mồng một Tết, người từ các nơi nườm nợp đổ về mảnh đất trống trong các ngôi lều dựng tạm bên bờ sông Hương. Kẻ bán, người mua, người đi xem, đi chơi thật nhộn nhịp. Hàng hóa bày ra đủ loại. Cũng có người mua kẻ bán, và người bán muốn bán đi để lấy may, người mua cũng chỉ mục đích lấy may đầu năm. Tập trung nhất và thu hút đông người nhất vẫn là nơi tổ chức các trò chơi như bài chòi, bài thai ghế… khách vui xuân có thể thử vận may đầu năm bằng một vài ván bài chòi, nghe tiếng hô thai trầm bổng, xen đôi chút tiếu lâm, pha trò để hồi hộp chờ được “bài chòi” hay chia xẻ niềm vui được bài của người bên cạnh, giữa tiếng hoan hô hò reo và những tràng pháo tưng bừng sau hồi mõ báo kết quả. Những đôi trai thanh, gái lịch rủ nhau đến chợ để xem cảnh, xem người, mua vài thứ kỷ niệm, tham gia trò chơi dân gian hay thưởng thức những câu hò, câu đố trữ tình. Ai ai đến đây cũng cố giữ một phong thái đứng đắn, một dáng vẻ tươi tắn để tỏ ra là người cố đô. Qua các thời kỳ trận mạc, hội chợ xuân Gia Lạc có khi bị gián đoạn. Ngày nay khi đất nước đã yên bình, bên dòng sông Hương thơ mộng đến dịp xuân sang lại tưng bừng vui mở hội, nhưng nào không còn được sôi động như xưa. Hội xuân còn có chợ Gò: Đây là phiên chợ họp vào sáng mồng một và mùng hai Tết tại chợ Gò, Trường Úc xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước (Bình Định). Cho đến nay chưa ai xác định rõ tục vui xuân chợ Gò có từ bao giờ. Theo các cụ già trong vùng thì ngay khi các cụ còn để chỏm đã từng chứng kiến cảnh tấp nập, đông vui của hội chợ Gò ngày Tết. Tương truyền, nơi đây xưa là tiền đồn của quân Tây Sơn đóng để giữ cảng Thị Nại và Thành đồ bàn. Tết đến, binh sĩ ở đây tổ chức chợ xuân bên cạnh bến đỗ Trường Úc để bà con cùng binh lính mua bán, vui chơi, có cả tổ chức đánh bài chòi và hát hội… rồi lâu dần thành nếp, cứ Tết đến là người ta kéo về đây họp chợ. Cũng như chợ Tết, ở mọi vùng quê khác, trong một hội xuân chợ Gò, trong hội xuân chợ Gò, người ta cũng bán đủ thứ, từ bánh, trái cây, hương đèn, hoa mai… Tại phiên chợ này kẻ bán, người mua ít khi nói thách và mặc cả. Ở đây cũng có khá nhiều trò chơi nhưng đặc sắc nhất có lẽ là tục hát bài chòi là lưu dấu của một hình thức vui xuân của binh sĩ đồn trú Tây sơn khi xưa trong dịp Tết xa nhà; còn chọi gà là thú chơi thời thượng võ của người dân Bình Định, nơi đã sinh ra người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Trên khắp đất nước ta còn có nhiều phiên chợ Tết, chợ xuân khác như chợ viềng (Hà Nam) chợ Cầu may (Thanh Hóa). Cuối năm, dạo qua chừng ấy phiên chợ tưởng cũng đã đến giờ vội về nhà mình thắp mấy nén nhang thơm lên bàn thờ tổ, tâm niệm những điều tốt lành cho một năm mới đến. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com