CHỢ NỔI MIỀN TÂY * Nguyễn Thi Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn (trong thơ ca) Chợ nổi là một loại hình chợ thường xuất hiện tại vùng sông nước được coi là tuyến giao thông chính. Nơi cả người bán và người mua đều dùng ghe/thuyền làm phương tiện vận tải và di chuyển. Địa điểm có chợ nổi thường tại các khúc sông không rộng quá mà cũng không hẹp quá. Khúc sông phải tương đối rộng, không cạn quá mà cũng không sâu quá. Nếu sông sâu quá, lớn quá thì không thể neo đậu ghe, xuồng một cách dễ dàng và rất nguy hiểm. Ở Việt Nam chợ thường họp ở miền Tây Nam Bộ. Chợ nổi là nét văn hóa đặc thù của vùng sông nước miền Tây. Chợ họp trên sông, giữa một vùng sông nước bao la là hàng trăm ghe, thuyền, xuồng của cư dân. Chợ họp cả ngày, nhưng thường nhộn nhịp nhất vào buổi sáng. Trên thuyền chất đầy hàng hóa, phổ biến là các loại trái cây. Nét riêng của các thuyền là trên mỗi thuyền có một vài cây sào, trên đó treo lủng lẳng các loại sản phẩm mà mình có bán. Cho nên khách hàng chỉ cần nhìn vào cây sào đó là có thể biết trên thuyền, ghe đó có thứ mình cần hay không. Ở ĐBSCL, văn hóa sông nước đã có tự bao đời và ăn sâu vào cuộc sống của con người nơi đây. Khi đến ĐBSCL, bạn sẽ thấy chợ nổi trên sông chính là một trong số những hình ảnh đẹp nhất và ấn tượng nhất. MỘT SỐ CHỢ NỔI NỔI TIẾNG Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG Chợ nổi Cái Răng: là chợ nổi chuyên trao đổi, mua bán nông sản, các loại trái cây, hàng hóa, thực phẩm và ăn uống. Nét độc đáo và đặc điểm chính của chợ nổi Cái Răng là chuyên buôn bán các loại trái cây, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi đây cũng là đầu mối chuyên mua bán sỉ các loại trái cây, nông sản. Hàng hóa tập trung ở đây với số lượng lớn. Mỗi mặt hàng đã được phân loại cho đồng đều về chất lượng, kích cỡ. Nếu như dân địa phương và các vùng lân cận thường sử dụng các ghe, xuồng trung bình chở các mặt hàng nông sản đến đây tiêu thụ thì những ghe bầu lớn là của các thương lái thu mua trái cây tỏa đi khắp nơi, sang tận Campuchia và Trung Quốc. Chợ nổi Cái Răng, nằm trên sông cái răng, gần cầu cái răng, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6 km theo hướng quốc lộ về tỉnh Sóc Trăng. Tương lai chợ nổi Cái Răng sẽ trở thành chợ trung tâm tự sản tự tiêu lớn nhất vùng và nơi đây chính là điểm tham quan đặc sắc của quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Chợ Cái Răng thường họp khá sớm, thường từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn. Khách tham quan nên đi vào khoảng 7-8 giờ là tốt vì có thể tham quan đúng vào lúc chợ hoạt động đông đúc nhất. Chợ không hoạt động và hoạt động rất ít vào các ngày Tết Âm Lịch (mồng 1 và mồng 2 Tết, Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng Năm âm lịch). Chợ nổi Cái Bè : là chợ buôn bán rất đa dạng từ hàng vải, đồ gia dụng cho đến hàng gia cầm, thủy hải sản… cho tới cả đồ ăn, thức uống cũng không thiếu. Chợ nổi tiếng nhất là nơi trao đổi và là vựa trái cây lớn của tỉnh Tiền Giang, nổi tiếng nhất là trái cây chuyên canh của Tiền Giang như: vú sữa Lò Rèn, bưởi da xanh, khốm Tân Lập, cam, bưởi, quýt Cái Bè. Chợ nổi Cái Bè, thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Nằm dọc theo cù lao Tân Long ở đoạn sông Tiền Giang giáp ranh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre dài cả cây số. Chợ còn là nơi trao đổi mua bán hàng hóa và là điểm tham quan du lịch, thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Hiện nay, chương trình tham quan Chợ nổi Cái Bè thuộc chương trình 3, 4, 5 của công ty cổ phần du lịch Tiền Giang. Chợ nổi Phong Điền: Rất phong phú và đa dạng, có đặc điểm khác với chợ nổi Cái Răng, chỉ buôn bán nông sản là chủ yếu. Trong chợ có các ghe hàng bán những vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động sản xuất như: xuồng, ghe, lá lợp nhà, dao, cuốc, rựa; các dụng cụ đánh bắt thủy sản như: chài, lưới, lờ, lọp… ; các sản phẩm của nghề đan đát như: thúng, rổ, nong, nia, sàng, sịa, cần xé… và các loại hàng bách hóa tổng hợp trong và ngoài nước. Ngoài ra , chợ còn bán cả thức ăn thứ thức ăn: hột vịt lộn, bún nước lèo, bún thịt nướng, cháo lòng, gỏi vịt, hủ tiếu, cà phê… Ngày nay chợ Phong Điền còn có các dịch vụ mới như: trạm xăng dầu nổi có sức chứa vài ngàn lít bán cho tàu ghe qua lại, tiệm sửa cân, sửa máy, tiệm may. Nói chung, mặt hàng nào ở phố chợ có thì cũng đều có mặt ở chợ nổi, phục vụ cho những khách hàng. Chợ nằm ngay ngã ba sông, nơi sông Cần Thơ phân lưu khỏi sông hậu, cách trung tâm thành phố Cần Thơ 17 km về phía đông nam. Chợ thường nhóm vào khoảng 4-5 giờ sáng và kéo dài cho đến 8-9 giờ là lúc chợ cũng tan dần. Chợ nổi Phụng Hiệp: mênh mông chợ nổi ngã bảy Phụng Hiệp.Hàng hoá rất đa dạng phong phú, ở đây có bảy nhánh sông, rẽ về 7 ngả. Từ các ngả, thuyền bè tấp nập tụ về đây trao đổi hàng hoá. Chợ ở trên mặt đất có những thứ gì, thì chợ nổi ngã 7 cũng đủ những mặt hàng mà người dân cần, từ cái kim sợi chỉ cho đến quần áo, thức ăn, rượu thịt… còn các loại trái cây thì nhiều vô kể. Từ chợ nổi, du khách sẽ được cập bến để lên chợ rắn. Cái tên chợ rắn Phụng Hiệp cũng đã rất quen thuộc với du khách quốc tế. Đến tham quan chợ rắn, du khách sẽ được mời uống rượu rắn và được xem những màn biểu diễn múa rắn rất mạo hiểm. Chợ Phụng Hiệp quanh năm có rắn, rùa, chim, sóc, kỳ đà … phục vụ du khách. Chợ nổi Phụng Hiệp thuộc thị xã Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, chợ tập trung ở ngã bảy Phụng Hiệp. Bán cả ngày và cho đến tận 10 giờ đêm. Ngoài những chợ nổi trên thì ở miền tây Nam Bộ còn có chợ nổi Châu Đốc (An Giang) : gần thị xã Châu Đốc…Chợ nổi Trà Ôn : thuộc huyện Trà Ôn – tỉnh Vĩnh Long. Đây là chợ nổi cuối cùng trên sông Hậu trước khi đổ ra biển. Chợ nằm ngay giữa ngã ba sông Hậu và sông Mang Thít. Về thăm Đất Mũi quý khách sẽ dịp chiêm ngưỡng nét văn hoá độc đáo cư dân vùng sông nước này. Đó là chợ nổi cuối đất, (chợ nổi Cà Mau) chợ thuộc địa phận khóm 8 phường 7 nằm cách trung tâm TP. Cà Mau khoảng 5 km về hướng đông. Điều thú dị ở đây là các chợ nổi khác không có là thỉnh thoảng có một vài chiếc ghe bán chiếu rong. Những chiếc chiếu Tân Thành nhiều màu sắc ấy là loại chiếu đẹp, bền, nổi tiếng như bài vọng cổ làm nên “danh phận” của nó qua bài “Tình anh bán chiếu” của soạn giả Viễn Châu với giọng ca điêu luyện Út Trà Ôn. ĐẬC ĐIỂM CHUNG Chợ là nơi mua bán thật sự của cư dân địa phương, là nơi người dân địa phương trao đổi sản vật, nông sản, thực phẩm… cho tới cả đồ ăn, thức uống củng không thiếu.Các cửa hàng hay các ghe thuyền thường không có bảng hiệu, chợ bán sản vật gì người ta treo sản vật đó lên cây sào hoặc trên mũi thuyền. Người ta gọi cây này "cây bẹo". Người bán dùng cây chống ngay trước mũi xuồng, ghe của mình rồi treo tượng trưng lên đấy những loại nông sản mà mình muốn bán. Chẳng hạn như bán cam thì người ta treo lên vài quả cam; bán xoài thì treo vài trái xoài; bán chuối thì treo nải chuối, bán mía thì dựng lên bó mía… Với cách tiếp thị độc đáo này, những người mua tới chợ từ xa đã quan sát thấy. Chợ nổi là nơi tụ họp của rất nhiều cư dân đến từ khắp miền đất nước, người ta phân biệt ghe thuyền đến từ địa phương nào, chỉ cần nhìn vào mạn thuyền có ghi mã tỉnh được viết tắt bằng 2 chữ cái đầu. Ví dụ, trên thuyền ghi "TG" thì thuyền đó đến từ Tiền Giang. Tuy rằng người dân "treo gì bán đó" thông qua những cây bẹo, tuy nhiên có 3 trường hợp ngoại lệ: 1/ "Cái gì treo mà không bán?" Chính là quần áo. Cư dân chợ nổi thường sinh sống và sinh hoạt ngay trên thuyền, vì thế, quần áo họ thường phơi cả trên thuyền, do đó "mặt hàng" này họ không bán. 2/ "Cái gì bán mà không treo?" Chính là các thuyền bán hàng ăn uống và nước giải khát. Những thứ này không thể treo lên được. 3/ "Cái gì mà treo cái này, bán cái khác?" Chính là treo lá dừa nhưng lại bán thuyền. Người dân muốn bán ghe thuyền của họ thường treo lên thuyền một cây sào, trên đó có gắn một miếng lá dừa Có thể nói đây là nơi mua bán sản phẩm miệt vườn hay người dân tự làm ra. Các chợ nổi này hoạt động tự phát từ xưa đến nay, không có sự quản lý hành chính, thu thuế nào một cách chặt chẽ. Chợ nổi tự phát là do những người buôn bán trên sông đã lâu, cùng với những người nông dân làm vườn địa phương và một số người buôn bán nhỏ lẻ ở địa phương hình thành nên. Những người buôn bán trên sông rất tin vào vận may, hên xui may rủi. Họ cho rằng buôn bán trên sông là nghề “bà cậu”, đầu xuôi thì đuôi lọt, mua nhanh bán nhanh, mua mai bán đắt. Vì vậy vào buổi sáng họ cầu mong gặp được một người mở hàng có duyên cho một ngày bán đắt. Miền Tây Nam Bộ với khí hậu nhiệt đới gió mùa và dòng sông Cửu Long chở nặng phù sa đã bồi đắp nên một vùng cây trái trĩu cành cùng những dòng sông đầy ắp cá tôm. Vì vậy mà ở chợ nổi miền Tây, mặt hàng phổ biến nhất vẫn là hoa quả và thuỷ sản. Qua bao đời nay, các chợ nổi Nam Bộ vẫn giữ nguyên nét sinh thái đặc trưng này. Từ đây, cây trái hoa quả và thủy sản sẽ theo các thương lái xuôi dòng toả đi khắp cả nước… Người buôn bán nhóm họp bằng xuồng. Người đi mua cũng bằng… xuồng. Những chiếc xuồng con len lỏi khéo léo giữa cơ man nào là ghe thuyền, mặc dù vậy vẫn rất hiếm khi có một vụ va quệt nào xảy ra. Người miền Những chiều tà, chợ nổi đìu hiu bập bềnh đậu hết một vạt áo nắng vàng hoe hoe, đỏ hoe hoe. Những người đàn bà cúi đầu ngó chăm chăm xới nồi cơm nghi ngút khói, những người đàn ông xếp bằng ngồi trên mui ghe vấn những điếu thuốc to đùng bằng đầu ngón chân cái, phì phà nhả khói lên trời. Những đứa trẻ con ngồi tênh hênh trên mũi ghe câu cá chốt, cá mè. Những cô con gái sau một ngày bán hàng mệt mỏi tìm niềm vui bằng việc nụm nịu chăm nom cho mấy bụi hẹ, chòm rau húng lủi, vài cây ớt ốm nhom trong cái khạp bễ để trên mui ghe mà nghe phảng phất niềm thương nhớ đất. Tôi còn nhớ, và sẽ nhớ hoài, nhớ mãi ông Sáu, bác Năm, cô Bảy, bà Hai… mỗi khi cặp xuồng vào ghe của họ, mua những trái mãng cầu xiêm, những quả mít nghệ, sầu riêng thơm ngon, những trái xoài tượng to và vàng ươm, những quả dưa căng tròn mọng nước… hay những con cá lóc, cá rô còn quẫy nước trong thau. Tôi nhớ tiếng họ cười, lòng ấm áp hơn khi nhìn những khuôn mặt hằn vết thời gian và mái tóc cháy nắng mang dấu ấn của những tháng ngày lênh đênh mưu sinh trên sông nước nhưng lúc nào cũng yêu đời, cũng rạng rỡ tươi vui…Vào những ngày Tết có nhiều ghe/thuyền xa quê không về thăm được người thân. ngày 30 tết, họ làm mân cơm, đặt trước mủi ghe, khấn vái rước ông bà cùng về ăn Tết với họ. Những ghe/thuyền neo cạnh nhau, cùng tổ chức một cái Tết trên sông thật đầm ấm. kẻ có gà – người có vịt, cùng nhau chuẩn bị những món ăn ngon và cùng thưởng thức một mùa xuân xa xứ. Nhiều khi đang lang thang giữa thành phố ồn ào náo nhiệt, tôi lại thấy nhớ không khí đông đúc rất đặc trưng của vùng chợ nổi, nghe tiếng xe lại nhớ tiếng máy nổ của ghe tàu ngược xuôi, nhìn những sạp trái cây hàng hóa lại nhớ những cây bẹo nhiều màu sắc treo đầy trên ghe thương hồ v.v… và thèm được ngồi trên thuyền dập dềnh sông nước, vừa ăn tô bánh canh, vừa nhìn những em bé đang chơi đùa, ngắm nụ cười bẽn lẽn, đáng yêu của những cô gái má đỏ màu mận hồng đào dịu dàng, đằm thắm… Và để được nghe hoài, nghe mãi tiếng rao hàng, tiếng gọi nhau í ới… giữa lòng chợ nổi đông vui, tấp nập. Chợ nổi là một nghề buôn bán trên sông thật chênh vênh và lắm thăng trằm. cuộc sống của cư dân thương hồ càng khó khăn hơn khi ngày nay, siêu thị mọc lên ở khắp nơi, sức mua sức bán của chợ nổi đã giảm. Tuy nhiên, cho dù văn minh hiện đại đến đâu đi nữa thì chợ nổi vẩn tồn tại. Chỉ khi nào sông cạn nước thì khi đó, chợ nổi mới không còn. Đó là triết lý sống của người dân nơi đây. Tham khảo : 1. Huỳnh Mẫn Chi, Người và đất Tiền Giang, NXB. Công An Nhân Dân 2. Huỳnh Minh, Định Tường (Mỹ Tho) xưa, NXB. Thanh Niên 3. Huỳnh Minh, Cà Mau xưa, NXB. Thanh Niên 4. Nguyễn Ngọc Tư, Chợ nổi Cà Mau – Chút tình sông nước 5. Mai Lan, Nhớ lắm chợ nổi miền tây 6. Theo định nghĩa chợ: chợ là nơi mua bán và trao đổi hàng hóa của con người, trong khi đó, chợ nổi của Thái Lan chỉ bán cho khách du lịch và không có hoạt động trao đổi và mua bán giữa cư dân với cư dân địa phương. "Bẹo" ở đây là bẹo hình, bẹo dáng. Vốn cư dân xưa của vùng đất Nam Bộ là những cư dân chưa biết chữ, họ dùng cây bẹo để nói lên cái mà bán, tập tục lưu giữ đến ngày nay.
|
Cập nhật ( 07/05/2009 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com