CHIẾT TỰ CHỮ HÁN TRONG CA DAO NGƯỜI VIỆT * Trầm Thanh Tuấn Trường THPH Long Hiệp, huyện Trà Cú tỉnh Trà Vinh I. Chiết tự hữ Hán Theo Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, (Trung tâm từ điển ngôn ngữ) “Chiết tự là phân tích chữ (nói về chữ Hán) ra từng yếu tố mà đoán việc lành dữ theo một thuật bói toán ngày xưa. Chiết tự là dựa theo các ý nghĩa của các yếu tố cấu thành mà xác định nghĩa của cả chữ hoặc của cả từ”. Ban đầu chiết tự chữ Hán nảy sinh trên cơ sở nhận thức về hình thể của chữ Hán, cách ghép các bộ, cách bố trí các bộ, các phần của chữ. Như chúng ta đã biết chữ Hán có 214 bộ (1). Thông thuộc bộ thủ này chúng ta sẽ được một cơ sở rất thuận lợi để ghi nhớ văn tự Hán về cả ba mặt: Hình thể, âm đọc và ý nghĩa. Trên phương diện nào đó, chiết tự chính là sự vận dụng phân tích chữ Hán một cách linh hoạt sáng tạo. Chiết tự đã được vận dụng trong nhiều lĩnh vực như bói toán (2), thử tài trí tuệ, sự uyên thâm về chữ nghĩa, thậm chí sau này chiết tự đã đi vào văn chương nghệ thuật như là một thủ pháp nghệ thuật đặt biệt (các nhà nghiên cứu phong cách ngôn ngữ Việt Nam thường xếp chiết tự trong biện pháp nghệ thuật tu từ chơi chữ) Trong một thời gian dài chúng ta sử dụng chữ Hán như một thứ văn tự chính thống. Chữ Hán được dùng trong những văn bản mang tính quan phương lẫn trong sáng tác văn học. Cũng chính vì thế mà ta đã tiếp nhận thi liệu của văn học Trung Quốc kể cả những “trò chơi chữ nghĩa” thông qua thứ văn tự ấy như một điều tất yếu. Thế nhưng điều đặc biệt là chúng ta tiếp nhận mà không rập khuôn. Người Việt luôn xem quá trình cải biên là một biện pháp để bảo vệ đồng thời cũng làm phong phú thêm nền văn hóa đặc trưng dân tộc và việc vận dụng nghệ thuật chiết tự cũng không nằm ngoài quy luật đó. Trong bài viết này chúng tôi chỉ xin khảo các cách vận dụng chiết tự độc đáo sáng tạo của người Việt với tư cách là một nghệ thuật tu từ đặc biệt vận dụng trong ca dao trữ tình, một bộ phận quan trọng trong kho tàng văn học dân gian dân tộc. Chữ Hán là thứ văn tự có sự kết hợp gắn bó ba mặt hình thể – âm đọc – ý nghĩa. 鳥 Điểu: Loài chim, con chim 象 Tượng: Con voi 明 Minh: Sáng, sáng suốt, trong sạch Thế nên chiết tự không chỉ dừng lại ở việc phân tích các bộ phận cấu thành chữ Hán dựa trên phương diện hình thể mà còn liên hệ ở trên phương diện âm đọc và ý nghĩa. Có một số hình thức chiết tự mà người Việt đã vận dụng như: Chiết tự về hình thể là phương thức chiết tự dựa vào những đường nét, hình dáng và cấu trúc của chữ (3). Ví dụ: Hai người đứng giữa cội cây, Tao chẳng thấy mày, mày chẳng thấy tao. Đó là hình chữ Lai 來. Chữ lai 來 có hình hai chữ nhân 人 ở hai bên, chữ mộc 木 ở giữa. Thực ra hai chữ nhân 人 này vốn là tượng hình hai cái gai. Lai 來 là tên một loại lúa có gai, sau được dùng với nghĩa là đến. Chiết tự về âm đọc là phương thức chiết tự sử dụng các tri thức mang tính ngữ âm học như nói lái và phiên thết (4). Ví dụ: Con gái mà đứng éo le, Chồng con chưa có kè kè mang thai. Đây là câu đố chiết tự chữ thủy 始. Chữ thủy 始 vốn là một chữ hình thanh, có chữ thai 台 chỉ âm, chữ nữ 女 (con gái) nói nghĩa. Chiết tự về ý nghĩa là cách chiết tự dựa vào bản chất biểu ý của chữ Hán. Ví dụ: “Ba xe kéo lê lên đàng, âm vang như sấm”. Chữ đang được đề cập ở câu trên chữ Oanh [轟]. Chữ Oanh được viết với ba chữ Xa [車] và có nghĩa là "tiếng động của nhiều xe cùng chạy". Tuy nhiên trong thơ ca, khi vận dụng chiết tự chữ Hán, người sáng tác đa số thường vận dụng phương thức chiết tự về hình thể và ý nghĩa. 2.Chiết tự chữ Hán trong ca dao người Việt Muốn thắc mắc hoặc muốn giãi bày những vấn đề tế nhị khó nói như chuyện tình duyên hoặc chuyện hôn nhân người bình dân thường chọn những cách nói bóng gió. Chiết tự là một trong những giải pháp thường được tác giả dân gian sử dụng. Một chàng trai ướm lời hỏi thăm: Thấy em cũng muốn làm quen Lại sợ em có chữ Thiên trồi đầu. Cô gái thành thực trả lời: Anh ơi chớ nói thêm rầu Chữ Thiên trồi đầu lại có vết vai. Để hiểu được lời đối đáp này, người đọc cần phải giải mã bằng “chìa khóa” chiết tự. Trong lời của chàng trai: Thấy em cũng muốn làm quen – Lại sợ em có chữ Thiên trồi đầu. Ý chàng trai muốn làm quen với người phụ nữ nhưng lại sợ người ta có chồng rồi. Vì chữ Thiên [天] thêm nét đầu cho nhô cao một chút nữa sẽ thành chữ Phu [夫] Chữ Phu [夫] có nghĩa là chồng. Trong ca dao thể hiện lời đáp của ngời phụ nữ: “Chữ Thiên trồi đầu” tức chỉ chữ phu [夫] nhưng lại có thêm “vết vai” thành chữ Thất [失] nghĩa là mất. Ý người phụ nữ muốn nói, tuy cô đã có chồng nhưng chồng cô cũng đã mất rồi. Ở một số câu ca dao khác cũng có hình thức tương tự. Có khi chàng trai ngõ lời: Bấy lâu em vắng đi đâu Bây giờ thiên đã mọc đầu ra chưa? Và cô gái cũng đã chân thành chia sẽ: Từ ngày thiếp vắng mặt chàng Bây giờ liễu đã có ngang ra rồi. Cũng giống như bài ca dao trên, chàng trai muốn hỏi cô gái có chồng chưa. Cô gái trả lời: “Liễu đã có ngang” tức chữ Tử [子] (chữ Liễu [了] nghĩa là rõ hoặc hết, đồng âm với chữ Liễu [柳] chỉ cây liễu vốn là hình ảnh tượng trưng cho người con gái trong thơ ca cổ liễu yếu đào tơ, phận liễu bồ…), nếu chữ Liễu [了] thêm một nét ngang thì thành chữ Tử [子] có nghĩa là con). Ý cô gái muốn nói, chẳng những cô đã có chồng mà còn có con nữa. Hoặc: Ông trời đội mũ đi chơi Em xin một tấm… ông thời nghĩ sao? Ông trời tức chữ Thiên [天] mà lại “đội mũ” tức là thêm một nét nhô trên đầu, sẽ thành chữ Phu [夫] có nghĩa là chồng. Hơn nữa, ở câu cuối: “Cho em xin một tấm…” rồi ba chấm thì người học cũng sẽ đoán ra đó là tấm chồng tức chữ Phu [夫]. Để thử tài chữ nghĩa cùng sự hiểu biết về thiên tuyệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, người con gái trong bài ca dao sau đã thách đố: Truyện kiều anh giảng đã tài Đố ai giảng được câu này anh ơi Biết thân đến bước lạc loài Nhị đào thà bẻ cho người tình chung. Bài ca dao tài hoa ở chỗ vận dụng cùng một lúc hai thủ pháp nghệ thuật: lấy Kiều và chiết tự chữ Hán. Đoạn “Biết thân đến bước lạc loài – Nhị đào thà bẻ cho người tình chung” đã lấy từ đoạn Kiều như sau: Phẩm tiên rơi đến tay hèn Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai Biết thân đến bước lạc loài Nhị đào thà bẻ cho người tình chung. Chàng trai cũng ất am tường truyện Kiều đặc biệt là sự tinh tế tài hoa trong việc nhận diện nghệ thuật chiết tự đã được cô gái khéo léo đan cài vào ba chữ cuối cùng của câu thơ “Nhị đào thà bẻ cho người tình chung” nên chàng đã từ tố trả lời: Tình chung nào phải ai xa Chính chàng Kim Trọng vào ra sớm chiều. Hai chữ Kim Trọng [金重] nếu ghép lại thì thành chữ Chung [鍾], ý nói chung tình. Lưu ý, ở đây tác giả dân gian đã mượn hiện tượng đồng âm vì thực chất chữ Chung [鍾] này có nghĩa là cái chuông còn chữ chung với nghĩa chỉ sự chung tình, chung thủy thì lại có tự dạng [終]. Hơn thế nữa, trong nguyên tác Kim Vân Kiều truyện, chữ Trọng [重] còn được chiết tự ra thành chữ Thiên [千] và chữ lý [里], ý nói chàng kim dầu xa cách Thúy kiều ngàn dặm vẫn khăng khăng đòi kết lại duyên xưa. Trong hai hồi đầu ở câu mào đầu chính Thanh Tâm Tài Nhân cũng đã gọi Kim Trọng bằng Kim Thiên Lý. Hồi thứ hai: “Kim Thiên Ký miến đông từng dao định đồng tâm ước” (Kim Trọng ngấp nghé tường đông định buộc câu tâm ước). Hồi thứ hai mươi: “Kim Thiên Lý khổ ai ai chiêu sinh hồn” (Kim Trọng đau thương chiêu hồn người sống). Trong kho tàng ca dao Nghệ Tĩnh có một bài ca dao hiện đại đã được tác giả dân gian vận dụng thủ pháp chiết tự chữ Hán hết sức độc đáo. Trăng xưa dọi tỏ lòng người Treo gương nhật nguyệt;cho đời soi chung (5). Tiếp cận một cách sơ lược cứ tưởng đây là một bài ca dao trữ tình thuần túy nhưng khi phân tích bằng chiết tự chữ Hán, ta sẽ khám phá ra những điều lí thú về nghệ thuật chơi chữ của tác giả dân gian. Trăng xưa dịch từ chữ Cổ Nguyệt [古月], Cổ và Nguyệt [月] ghép lại thành chữ Hồ [胡] (6) lòng người là thầm nói đến chữ Sĩ [士] và Tâm [心], ghép lại hai chữ này lại ta có chữ chí [志]; còn chữ Nhật [日] và chữ Nguyệt [月] ghép lại thành chữ Minh [明]. Vậy ba chữ chiết tự từ câu ca dao ra là Hồ Chí Minh [胡 志 明]. Bài ca dao thể hiện tình cảm tôn kính mến yêu của nhân dân đối với vị cha già của dân tộc. Thật tinh diệu làm sao! Mà cũng thật tài hoa làm sao! Trong một bài ca dao khác, người con gái nơi thôn dã đã ra vế đối hóc búa để thử tài chữ nghĩa của chàng trai: Quế, hòe, tùng, cúc, liễu, mai Sum sum lục mộc, chàng tài đối đi. Vế thách đố của cô gái đưa ra sáu loại cây: Quế [桂], Hòe [槐], tùng [松], cúc [菊] liễu [柳] mai [梅] “Sum sum lục mộc” [森 森 六 木] ý muốn nói sáu loại cây này sum xum xuê, rậm rạp. Đặc biệt, chữ “Sum” cũng đọc là “Sâm” nên “Sum sum” tức “Sâm sâm” [森 森 Từ đó, ta có thể hiểu được hàm ý của cô gái: “Sum sum lục mộc” nghĩa là trong sáu loại cây có sáu chữ mộc [木] và hai chữ “Sum sum” [森 森] cũng có sáu chữ Mộc [木] Chàng trai cũng tỏ ra thua kém: Chữ rằng diễm thảo quy hoang Viêm viêm tứ hóa nay chàng đối cho. Câu trả lời rất thông minh: Chàng dùng “Diễm thảo quy hoang” [艷草歸荒] (cỏ đẹp trở thành hoang dã) để có thể “Viêm viêm tứ hỏa” [炎炎四火] (lửa cháy bốn bề) hàm ý phủ định lục mộc bộn bề của vế thách. Đặc biệt, trong hai chữ Viêm viêm [炎炎] có bốn chữ Hỏa [火] (tứ hỏa) đối lại với “Sum sum” [森 森] có sáu chữ mộc [木] (lục mộc). Qua những điều đã trình bày chúng tôi nhận thấy phương thức chiết tự chữ Hán được vận dụng trong ca dao người Việt đã vượt qua giới hạn của trò chơi chữ nghĩa thuần túy hình thức mà dần dà đã trở thành một thủ pháp nghệ thuật tu từ phô diễn sự tài hoa của người tạo tác nên những bài ca dao đậm chất trí tuệ nhưng vẫn dạt dào hơi thở nồng nàn tươi mới của văn chương bình dân. Chú thích: (1) Thực ra lúc đầu trong thuyết văn giải tự, Hứa Thuận, một nhà nghiên cứu văn tự đời Hán đã chia toàn bộ 9352 chữ đem ra phân tích thành 540 đơn vị tập hợp gọi là “bộ”. Đến đời Minh, Mai Ưng Tộ, một nhà từ vựng học, đã phân chia xắp xếp lại các bộ chữ Hán của Hứa Thuận chỉ ghi lại 214 bộ. (2) Chiết tự, là một phương thức bói toán ngày xưa, phương pháp này không dựa vào tử vi tức ngày sinh tháng đẻ (mạng) mà chỉ dựa vào sự thăng trầm của (vận) số con người. Thông thường nhà chiết tự yêu cầu thân chủ của họ viết ra một chữ, rồi họ dựa vào những nét trong chữ viết mà đoán được những điều hung kiết trong một tương lai gần. (3) Với chữ đơn thể là các nét còn với chữ hợp thể là các bộ phận hợp thành. Ví dụ như chữ Thiên [天] gồm có bốn nét là chữ đơn thể, chữ Tư [思] gồm chữ Điền [田] và Tâm hợp thành, là chữ hợp thể. (4) Phiên thiết Hán – Việt là dùng cách phiên thiết [反切], tức là dùng âm của hai chữ khác (được coi là đã biết cách đọc) ghép lại để chú âm cho cách đọc âm Hán – Việt của một chữ Hán mà người đọc chưa biết cách đọc. Phiên thiết là một phương pháp ghi chú cách đọc của người Trung Quốc, dùng trong các tự điển chữ Hán, trước khi có phương pháp dùng chữ cái Latinh để ghi chú cách đọc (gọi là bính âm). Người Việt Ví dụ: bạn không biết cách đọc chữ [同], tra từ điển sẽ có phiên thiết [德紅切] (âm Hán Việt là đức hồng thiết). Như vậy chữ [同] sẽ đọc là đồng, vì đồng = đức + hồng, theo quy tắc lấy phụ âm đầu (thanh mẫu) của chữ hán thứ nhất ghép với vần (vận mẫu) của chữ Hán thứ hai, riêng điệu thì xem quy tắc ở phần dưới. Như vậy có thể có rất nhiều cách phiên thiết cho một chữ Hán. (5) Ca dao Nghệ Tĩnh (Dẫn theo tài liệu của Hoàng Trọng Canh (2009), “Hình thức chơi chữ trong thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh”, Ngôn ngữ và ,đời sống, số 1-2). (6) Thực ra chữ Hồ là bao gồm chữ cổ và bộ nhục tạo thành. Khi viết chữ Hồ bộ nhục lại được viết cứ tự dạng giống với chữ nguyệt (Tự điển Hán Việt của Thiệu Chửu, Từ điển Hán Việt của Nguyễn Tôn Nhan đều xếp chữ Hồ trong bộ nhục) |
Cập nhật ( 02/06/2011 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com