Chiếu lá chiều thu* Trần Tử Văn Tôi nhận quyết định về hưu khi đất trời chuyển sang những ngày tháng tư oi ả. Ở miền Nam, thời khắc ấy là cao điểm hanh khô và đó cũng là chu trình giao thoa giữa hai mùa mưa, nắng. Ngày cuối cùng ở nhiệm sở, tôi thả bộ dọc vỉa hè đường Huyền Trân Công Chúa, con đường có hàng dầu thẳng đắp nên thơ, có điệu ru ve sầu trong những buổi trưa hè, có chiếc bóng người lữ hành nghiêng nghiêng khi ráng chiều ngã dài qua kẽ lá. Tôi sinh trưởng ở Sài Gòn, nhiều khu vực đã quá đỗi thân quen, không ít góc phố cũng gợi lên cảm xúc thi vị, nhưng tôi vẫn thích con đường ấy.
Không rõ gót giày của tôi in trên hành lang này đã bao lần, song trong ký ức những giọt mồ hôi đã chan hòa trên nền đá, tạo nên một màu sương muối sâu đậm ân tình. Con đường Công chúa ta đi lại Dấu vết hằn in mỗi tháng ngày Một mai hình bóng kia xa vắng Lá cỏ có buồn nhớ chân xưa? Tạm biệt nhé ! Một kỷ niệm êm đềm hiếm hoi trong chuỗi cuộc sống luôn sục sôi, cuồng nộ. xxx Ngày trở về, người đầu tiên vui mừng đón tôi trong vòng tay thân ái chính là nội tướng của gia đình. Cô chậm rãi nhìn tôi từ đầu đến chân, chừng như kiểm tra xem có… sứt mẻ chỗ nào không, rồi nở nụ cười tươi tắn: – Hạ cánh an toàn rồi ! Chỉ còn vương một chút bụi bặm trần gian thôi. Chúc mừng nhé ! Vợ tôi chỉ là một người nội trợ, nhưng sự bươn chãi từ thời son trẻ cộng với trí thông minh đã tạo cho cô có cái nhìn sâu sắc, sự nhận định tinh tế và cách giải quyết nhiều vấn đề khá nhuần nhị, khôn ngoan. Khác với nhiều người, vợ tôi trông đợi ngày về của chồng đã lâu, cô muốn nó đến nhanh, muốn sự kiện ấy như là một cơ hội để tôi trút bỏ mọi lo toan, khổ nhọc đã quằng nặng đôi vai trong suốt bao tháng ngày. Với vợ tôi, địa vị hay quyền lợi không có gì phải tiếc nuối, cô chỉ mong người thân yêu của mình sẽ trở về trong danh dự, sẽ sống xứng đáng với sự tin cậy của xã hội, của gia đình. Với nhà nước, tôi chỉ là một ông quan nhỏ nhưng với dòng tộc hai bên gia đình, tôi lại là người làm nên danh phận. Một ít tên tuổi của tôi đã làm hãnh diện người trên, kẻ dưới và nó cũng có thể sẽ biến thành nỗi đau cho tất cả nếu tôi không biết vun đắp, giữ gìn. Nhiều bài học ở đời cho thấy, khi con người mãi lao theo những dục vọng thấp hèn của cuộc sống, khi nhận ra hướng đi của mình là sai lầm, thì không còn cơ hội hoặc thời gian để quay về được nữa. Có không ít người rời khỏi chốn quan trường với hai bàn tay trắng, có người phải lặng lẽ ra đi với cái đầu cúi gầm xuống mặt đất, rồi cũng có kẻ để lại những vết nhơ không có cách nào gột rửa cho được. Tôi là người ham hoạt động, cứ mãi mê, quay cuồng với công việc, nhưng không phải tất cả mọi việc đều tốt. Trong những lần suy nghĩ hoặc hành động quá đà, may mắn cho tôi là có người vợ khôn ngoan bên cạnh. Cô ấy đã uốn nắn những bước chân chệch choạch của tôi, đặt trở lại đường ngay, nẻo thẳng, thậm chí còn lưu ý những gai góc mà tôi có thể sẽ dẫm phải trên cuộc hành trình xây dựng cơ nghiệp. Cô thường khuyên nhũ tôi: “Khi làm việc gì cũng phải nghĩ đến vợ con, hình ảnh của anh luôn có tác động tinh thần rất lớn đối với cuộc sống của gia đình ”. Chính những lời mong cầu nầy đã khiến tôi phải suy nghĩ, kềm hãm bớt lối sống văn nghệ của mình, dần bỏ đi những thói quen vui chơi, sa đà, dành nhiều thời gian hơn cho việc rèn luyện tinh thần, thể chất, chăm sóc gia đình. Biển đời không yên ả. Thân phận của tôi cũng không ít lần gặp bão tố, phong ba, lắm lúc con thuyền sự nghiệp tưởng như đã vùi trong sóng cả. Không ai hình dung nổi chuyện này, nhưng tôi không muốn nhắc lại những điều đã qua, chỉ biết rằng khi tôi rời chốn chính trường… cởi bỏ áo giáp thấy người còn rướm máu. Một sự thật không thể không nói đến. Khi tôi lui về cuộc sống gần như ẩn dật, thì không ít người bạn cùng lứa lần lượt từ giã cõi đời hoặc gia đình tan nát hoặc nghề nghiệp không đi đến đâu. Họ trả giá cho những ngày mãi mê bên men rượu, suối tình, những cuộc vui chơi làm lụn bại ý chí, phung phí sức lực, quên lãng nhiệm vụ làm cha, làm chồng. Một danh nhân đã nói: Con người ta có nhiều con đường để đi nhưng chỉ có một lối để về, đó là gia đình ! Đúng là không có nơi nào để con người sống hạnh phúc bằng mái nhà của mình. xxx Trong một bữa cơm chiều, vợ tôi hỏi: – Anh còn luyến tiếc điều gì không? Sau bao tháng năm nổ lực, gần như tôi đã thực hiện đầy đủ những điều ước muốn của mình. Với lãnh vực sáng tác, nghệ thuật, tôi đã có hơn ba mươi đầu sách và gần chục bộ phim; Với nghiệp báo chí, trong gần 38 năm cầm bút, tôi đã có hơn 20 năm giữ chức Phó tổng biên tập phụ trách nội dung một tờ báo có số lượng rất lớn, nổi tiếng quốc gia. Về việc nhà, ngoài người vợ giỏi giang, phẩm hạnh, hai đứa con trai sống đàng hoàng, có tư cách, tôi còn có những đứa cháu xinh đẹp, đáng yêu. Đó là thành quả trong suốt 35 năm mà vợ chồng tôi đã vững tay chèo chống để đưa con thuyền gia đình đến bến bờ vinh quang, hạnh phúc. Tuy nhiên, bên cạnh cuộc chiến đấu chống lại những thủ đoạn của con người, hơn 20 năm qua, tôi còn phải ra sức chống chọi với những căn bệnh trầm kha. Từ 2003, bệnh thiếu máu não bộc phát, nhiều buổi sáng đến cơ quan tôi phải nằm vật vã, người mất thăng bằng, đầu tê buốt. Rất nhiều thời gian tôi phải sống trong trạng thái ngầy ngật, mọi công việc được xử lý trong khoảng năm mươi phần trăm suy nghĩ. Mười năm sau một chứng bệnh hiểm hơn lại ập đến. Do bị vôi hóa, tôi phải đặt Sten hai động mạch cơ tim và buộc phải hạn chế nhiều vấn đề trong sinh hoạt cũng như công việc. Sức khỏe của tôi suy giảm nhanh chóng và đến lúc nầy mới thấy đó là cái thứ quan trọng bậc nhất của mỗi con người. Tôi nhớ những ngày còn xỏ giày ra sân bóng đá, nhớ những buổi chiều chạy hàng chục cây số trên đường Piste còn hâm nắng, nhớ cái lần leo lên tận đỉnh núi Yên Tử để chiêm ngưỡng chùa Đồng… Giờ đây lại không đủ sức chế ngự những bậc thang dẫn lên lầu trong ngôi nhà của mình. Vợ tôi nói chân tình: – Thời gian bây giờ anh nên dành cho việc chữa bệnh, hồi phục sức khỏe. Hãy loại bỏ mọi vấn đề còn vương vấn trong đầu, để lòng thanh thản, để tâm nhẹ nhàng. Là một tín đồ thuần thành của Phật giáo, vợ tôi khuyên mỗi ngày nên ngồi thiền và lấy kinh đọc cho tôi nghe những bài nói về tu dưỡng đạo đức, tu luyện làm người, đặc biệt là không sát sanh, không ăn đồ sống, mở tâm bố thí, giúp đỡ người nghèo. Khi các chùa hành lễ có tổ chức đi bát, vợ tôi còn đưa cả con cháu đến nghe kinh, đặt bát nhằm giáo giục chúng sống có lòng nhân, xa lánh những điều xấu xa, tội lỗi. Từ sự hiểu biết Phật pháp và lòng kiên trì giáo hóa của người vợ, đạo giáo dần trở thành một phần sinh hoạt tinh thần trong ngôi nhà của tôi. Triết lý nhà Phật là những phương châm dạy dỗ hết sức cụ thể và hiệu quả, mà hiệu ứng của sự tiếp thu là các con tôi sống lành mạnh, hiền từ, không ăn chơi, không mắc những thói quen xấu như một số bạn bè cùng lứa. Những đứa cháu mới lên bốn, lên bảy thì quen thuộc với việc đi chùa chiền, thân thiện với các sư, thầy. Một ngày đầu tháng bảy âm lịch, sau chuyến đi nghỉ mát ở Phú Quốc, vợ tôi gợi ý nên xuất gia vào chùa, một phần để báo hiếu cha mẹ, một phần để được phước xua đuổi bệnh tật. Tôi không bất ngờ trước lời đề nghị ấy, cách đây tám năm, được phép của sư trụ trì, vợ chồng tôi đã xây dựng một cái cốc trong chùa Bửu Quang, ngày ấy trong thâm tâm của tôi đã gợi lên ý nghĩ có lúc mình sẽ vào chùa tu tập, sinh hoạt, sẽ đặt bước chân đến một nơi thoát tục, sẽ thay đổi một lối sống vốn làm cho con người luôn phải mưu tính, tranh giành. Với nghề nghiệp, đây là một cuộc trải nghiệm đặc biệt nhằm giúp tôi có thêm hiểu biết về một thế giới khác biệt, một nơi mà con người có thể nhận ra chân, giả của chính bản thân mình. Rời bỏ một mái nhà yên ấm, đầy đủ tiện nghi, thay đổi cách sinh hoạt quen thuộc hàng ngày, đồng thời phải khép mình vào những nội qui chặt chẽ của nơi thiền tự là một thử thách không phải ai cũng có thể dễ dàng thích nghi. Hiểu được điều đó, vợ tôi đã chuẩn bị hành trang cho chồng, không thiếu một vật dụng gì, hầu giúp người ra đi yên tâm tu tập. Hai năm trước, cũng vào Vu lan báo hiếu, vợ tôi đã xuống tóc xuất gia một tháng, sự trải nghiệm ấy như những bước chân mở đường giúp tôi thong thả đi theo. Đứa con trai thứ hai của tôi cũng tham gia cuộc dấn thân nầy, vì thế ngày xuất gia trở thành một sự kiện hy hữu của gia đình. xxx Tổ đình Phật giáo Nguyên thủy còn có tên gọi là chùa Bửu Quang, tọa lạc tại phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, trên mảnh đất rộng hơn 3 héc ta. Tổ đình được thành lập từ năm 1938, là ngôi chùa Phật giáo Nam tông đầu tiên ở VIệt Nam. Trải qua bao nhiêu biến cố và thời gian, cho đến nay cơ sở vật chất của chùa còn khiêm tốn, duy chỉ có rừng cây bao phủ khắp nơi tạo nên một khung cảnh thiên nhiên hiếm có, là môi trường lý tưởng để Tăng Ni yên tâm tu tập. Năm 2001, Đại đức Thích Thiện Minh được Giáo hội đưa về làm trụ trì và cũng từ đó ngôi chùa ngày càng phát triển, hoạt động rất có sinh khí, thu hút được nhiều Phật tử tham gia. Với gia đình tôi, sư Thiện Minh là người quá đỗi thân quen, không chỉ nhiều lần giao tiếp trong chùa mà còn phối hợp các chuyến đi thuyết pháp, cứu trợ. Ông là một tiến sĩ trẻ, năng động, chân thành, hơn thế sư còn là dịch giả của nhiều quyển sách giáo lý được phổ biến rộng rãi trong công chúng và là Phó tổng Biên tập thường trực của tạp chí Phật giáo Nguyên thủy. Chiều ngày 14 tháng 7 âm lịch, chính sư Thiện Minh là người đã xuống tóc xuất gia cho tôi và bảo chuẩn bị tư thế để sáng hôm sau đến khu văn hóa du lịch Suối Tiên hành lễ Vu lan báo hiếu. Trong bộ y màu đỏ của phái Nam tông, tôi soi gương, rồi nhủ thầm: Sư thì chưa giống lắm, còn mái tóc và bộ ria nghệ sĩ thì đã… tiêu mất rồi ! Như một cơ duyên, tôi được bố trí ở ngay cái cốc mà mình đã xây dựng trước đó. Công việc đầu tiên là tôi đi quanh nhặt những chiếc lá vàng vung vãi trên mặt sân và cảm nhận không khí của nơi thiền tịnh. Với người tâm trí còn lao xao thì nơi đây có vẻ không phù hợp, nhưng với người thích tĩnh lặng, muốn xa lánh đua chen, thì khung cảnh nầy là một… bài thơ tứ tuyệt. Ngày đầu tiên làm sư, được tham dự đại lễ có tinh thần như tâm mình phát nguyện, tôi hơi lúng túng và chỉ biết làm theo những động tác của các sư trong đoàn. Người tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi trong một hình dạng khác chính là người bạn lâu năm, sâu đậm ân tình, ông Đinh Văn Vui, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công trình văn hóa du lịch Suối Tiên. Một khắc định thần, ông hết sức hoan hỉ và bảo tôi đã làm một việc rất tốt. Là một kỹ sư nông nghiệp ở tỉnh Sóc Trăng, năm 1995 ông Vui lên thành phố Hồ Chí Minh mở lâm trại nuôi động vật bò sát để xuất khẩu. Qua cảm nhận của một người có tầm nhìn rộng, ông dần biến mảnh đất hoang sơ nầy thành một khu du lịch trù phú. Vốn là người có tâm huệ, ngay từ ban đầu ông đã định hướng, nâng tính tư tưởng các loại hình giải trí theo truyền thống văn hóa dân tộc và giáo lý Phật giáo. Không chỉ nhằm mục đích kinh doanh, người sáng lập còn mong muốn gởi đến khách tham quan những thông điệp về uống nước nhớ nguồn, đạo nghĩa làm người, từ bi, bác ái… Nói như thế không có nghĩa khu vui chơi nầy mang nặng tính triết lý, trên 55 mẫu Tây, 150 loại hình hoạt động mang màu sắc Tây phương lẫn Đông phương, thiên nhiên lẫn nhân tạo đủ sức thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu của người lớn lẫn trẻ em, đáp ứng những đòi hỏi từ tinh thần đến vật chất cho du khách. Món ăn nào cũng phải thay đổi khẩu vị, Suối Tiên luôn phát triển những chương trình mới, có công trình đầu tư tới 50, 60 tỷ đồng, vì thế số lượng khách đến tham quan, vui chơi mỗi năm đều tăng, nhiều tổ chức, đoàn thể còn chọn nơi này làm điểm sinh hoạt truyền thống, dã ngoại, nhiều tỉnh xa còn đưa cả hàng trăm người đến tham quan tập thể. Năm 2014 Suối Tiên đón hơn 5 triệu lượt khách, đó là con số mà nhiều địa phương đang đầu tư ngành du lịch hằng mơ ước. Mới đây, sau khi quan sát các hoạt động của Suối Tiên, chủ tịch nhiều hiệp hội vui chơi, giải trí thế giới đều mở lời khen ngợi, tỏ ra thích thú trước sự đa dạng, phong phú và rất riêng của đại diện Việt Nam. Nhiều năm trước đây, trong một số bài viết nói về các khu du lịch, tôi đã từng đặt cho ông Đinh Văn Vui một mỹ danh: “Ông vua của ngành công nghiệp giải trí quốc gia”. Đánh giá nầy có lẽ không có gì quá đáng so với óc sáng tạo, sự nổ lực và lợi ích mang đến cho cộng đồng của một Phật tử thuần thành. Ngoài một số lễ hội truyền thống mang tầm vóc khu vực như giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội trái cây Nam Bộ, ngày hội Thiện tâm nhân ái của người khuyết tật, đại lễ Vu lan Báo hiếu hằng năm của Suối Tiên luôn thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp công chúng. Năm nay, có đến hơn 1000 tăng ni thuộc Hệ phái Nam Tông về tham dự, khi di hành khất thực, những chiếc áo cà sa uốn lượn quanh Chánh điện Long Hoa Thiên Bảo như một vầng hào quang nhân ái tỏa sáng lên khu vực. Tôi mang chiếc bát khất thực đi theo tăng đoàn 1000 vị Tăng Ni, nhận những vật dụng cúng dường bằng tất cả tấm lòng bố thí cúng dường của gia đình ông Tổng giám đốc Suối Tiên và đồng bào Phật tử đến tham dự Đại lễ hôm đó. Tôi thật sự hoan hỷ và xúc động tận đáy lòng, không diễn tả hết tâm trạng, nỗi niềm của mình trong hình thức tu sĩ khất thực. Đi khất thực xong, tôi theo Tăng đoàn đến ngồi dưới chân Đức Phật thiền định bên cội bồ đề với tâm thức thanh thản. Tôi mong một ít phước báu của mình sẽ đến được với những người quá vãng, trong đó có cha mẹ tôi, hai đấng sinh thành suốt một đời gian nan, khổ nhọc với con cái. Tôi cũng mong những đứa em nghèo khổ của mình sẽ có cuộc sống khá hơn, không giàu có nhưng đừng mắc phải những tai ương, hoạn nạn. Rồi tôi cũng mong những người hiện tại trong gia đình sẽ được sống an vui, hạnh phúc, nhất là những đứa cháu xinh đẹp, ngoan hiền đang dần lớn với đời, chúng sẽ mạnh mẽ tung bay sau những ngày sống trong sự bảo bọc, thương yêu của ông bà, cha mẹ. Đêm nằm trong căn phòng yên ắng, tôi cố ý lắng nghe tâm tư của mình. Cho đến bây giờ, sau bao năm đấu tranh với đời, kể cả mặt công danh, sự nghiệp, kể cả mặt gia đình, vợ con, hầu như tôi đã có trọn vẹn tất cả. Tôi không phải là người duy nhất hưởng được diễm phúc ấy, nhưng ở trên đời không phải ai cũng hái được những quả ngọt như thế. Điều quan trọng là phải sống như thế nào trong những tháng ngày còn lại. Có một người nổi tiếng đã nói: “Cuộc đời là một dòng sông, ai không học bơi sẽ bị nước nhấn chìm !”. Tôi đã “bơi” với đời gần 40 năm, hiện tại, khi đặt chân vào nơi trang nghiêm nầy, cuộc sống sẽ sang một khúc ngoặc khác, tôi lại phải tiếp tục “học bơi”. Không bữa cơm chiều, thèm một lon bia, muốn có chiếc giường nằm rộng rãi, êm ái, thích xem một chương trình ti vi trước khi đi ngủ… tất cả đều phải đấu tranh gạt bỏ, phải khép mình vào một nội qui của tổ chức cho dù đó là sự hiến thân tự nguyện. Từ lâu tôi đã quen sống trong kỷ luật khắc khe của nghề nghiệp do chính mình đặt ra, một nghề vốn dĩ đơn độc và đòi hỏi sự kiên nhẫn, ý chí, thì nay tiếng lòng nhắc nhở phải phấn đấu buông xả, đưa tâm thức đi vào cõi tĩnh lặng, hướng đến những điều bác ái, từ bi. Trong những ngày sống dưới vầng hào quang của Đức Phật, ngoài tiếng kêu sầu não như mong được thoát xác của bầy ve, một âm thanh đã trở thành ấn tượng trong tiềm thức của tôi, đó là tiếng chuông vọng từ chánh điện. Ngày ba thời, sau mấy hồi chuông là tiếng kinh trầm bổng ngân xa hoặc một không gian lắng đọng chỉ nghe nhịp đập của trái tim. Những thời khắc đưa tôi nhìn lại xác thân và tư tưởng của mình. Tiếng chuông ngân như quyện vào tâm thức Tôi lại nhặt những chiếc lá rụng quanh liêu cốc. Một buổi chiều thu yên ả. Những chiếc lá nầy rồi sẽ trở thành một hoài niệm khó phai, một hình ảnh êm đềm, sâu lắng trong những ngày tôi ngồi gột rửa thân tâm dưới bóng Phật đài. |
Cập nhật ( 28/12/2015 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com