Chiếc áo bà ba – nét duyên phụ nữ Nam bộ * Bùi Thị Phượng – TTHL Cần Thơ Không biết tự bao giờ nhắc đến áo bà ba người ta nghĩ ngay đến vẻ đẹp thuần hậu, mộc mạc, dịu dàng của người phụ nữ Nam Bộ, đặc biệt là ở vùng miệt vườn, miệt ruộng của vùng sông nước Cửu Long. Tất cả đã tạo nên nét duyên dáng mà không nơi nào có thể so sánh được. Nét đẹp dịu dàng, giản dị và duyên dáng của chiếc áo bà ba đã làm xao động trái tim bao lữ khách khi có dịp ghé qua Miền Tây. Hình ảnh chiếc áo bà ba thấp thoáng trên những nhịp cầu tre lắt lẻo, mềm mại trên chiếc đò ngang, trên chiếc xuồng ba lá đã hòa quyện vào những lời ca, tiếng hát sao mà ngọt ngào:
Chiếc áo bà ba trên giòng sông thăm thẳm Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ lướt mong manh Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời ( Chiếc áo bà ba – nhạc sỹ Trần Thiện Thanh) Hình ảnh chiếc áo bà ba và cô em gái Miền Tây đang nhẹ nhàng đưa mái chèo trên dòng sông Hậu sao duyên dáng, giản dị đến lạ thường, đến người lữ khách phải thốt lên: “Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba” ( Chiếc áo bà ba – nhạc sỹ Trần Thiện Thanh) Lời thốt lên như thế như thêm một lần sự khẳng định không thể nào chối bỏ được về sự thuần khiết, mộc mạc của chiếc áo bà ba. Áo bà ba vốn là áo không cổ. Thân áo phía sau may bằng một mảnh vải nguyên, thân trước gồm hai mảnh, ở giữa có hai dải khuy cài chạy dài từ trên xuống . Áo chít eo, xẻ tà vừa phải ở hai bên hông. Áo có độ dài trùm qua mông, gần như bó sát thân làm tôn lên những đường cong tuyệt mỹ của cơ thể người phụ nữ. Áo kết hợp với chiếc quần đen hoặc trắng dài chấm cổ chân hoặc gót chân đã làm đẹp thêm hình hài vóc dáng của người phụ nữ với chiếc lưng ong nhẹ nhàng, thanh thoát, mềm mại. Ngày xưa, người nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long thường mặc bộ bà ba đen đi cấy lúa, bởi nó vừa sạch, vừa dễ giặt. Bên cạnh đó, chiếc áo bà ba được xẻ ở hai bên hông làm cho người mặc cảm thấy thoải mái, gần vạt áo có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng cần thiết. Chính nhờ tính tiện dụng và thoải mái đó, chiếc áo bà ba được cả nam lẫn nữ ở Đồng bằng sông Cửu Long mặc cả lúc đi làm, đi chợ hay đi chơi. Áo bà ba gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Nam bộ đôn hậu, mạnh mẽ, trung kiên trong hai cuộc chiến tranh giữ nước. Khăn rằn, nón lá, áo bà ba theo các mẹ, các chị xông pha trong các cuộc nổi dậy, đồng khởi. Nhạc sĩ Hoàng Thơ đã viết: “Áo bà ba, súng quàng vai sáng sớm ra đi, mái tóc xanh quyện hương trái ngọt, mặt mịn hoa dáng đẹp tình yêu, son sắt thủy chung giữ quê nhà. Dưới đạn bom xanh xanh lúa vẫn vượt lên, ngày đêm trên khắp xóm thôn, ghi chiến công giết giặc lẫy lừng. Đẹp thay tuổi xuân con gái quê tôi cùng toàn dân viết đẹp những bản hùng ca” (Những cô gái ĐBSCL). Có biết bao chiếc áo bà ba nâu chàm, lam lũ, đã thấm đẫm mồ hôi và máu của những nữ anh hùng Nam bộ, những người phụ nữ đã chiến đấu, hi sinh cho Tổ quốc. Hình ảnh các mẹ, các chị trong chiếc áo bà ba vẫn đẹp, vẫn mãi mãi lung linh trong sáng, dệt nên trang sử đẹp một thời hào hùng của dân tộc. Trải qua nhiều giai đoạn và thăng trầm của cuộc sống chiếc áo bà ba tồn tại vẫn mang nét đẹp mộc mạc của Miền Tây, nét dịu nhưng quyến rũ của người phụ nữ Nam Bộ. Ngày nay, giữa nhịp sống ồn ào náo nhiệt, áo bà ba vẫn giữ nguyên nét đẹp dịu dàng, đằm thắm, nét duyên dáng thướt tha của người phụ nữ. Áo bà ba thấp thoáng bên những rặng dừa xanh, áo bà ba thơm mùi khói bếp, áo bà ba đảm đang giữa chợ đông người, hay những thiếu nữ e ấp trong chiếc áo bà ba đang chèo thuyền trên sông, áo bà ba phấp phới bay trên những chiếc cầu lắt lẻo qua sông. Áo bà ba thấp thoáng trên những cánh đồng ngày mùa, rộn ràng, e ấp trong các lễ hội, lung linh duyên dáng trên sông trăng và đậm chất dân dã, say lòng người. Dù ở đâu, khi nào đi nữa, người ta cũng dễ dàng say đắm trước vẻ đẹp mộc mạc, duyên dáng của chiếc áo bà ba, và nhớ người con gái trong chiếc áo bà ba nền nã đó đến nao lòng…Hình ảnh hiếc áo bà ba, chiếc khăn rằn với chiếc nón lá nghiêng nghiêng vẫn mang đậm nét đặc trưng truyền thống rất riêng của người dân vùng sông nước: “Tự bao giờ áo bà ba Đi vào câu hát dân ca quê mình Em xinh – cái nón cũng xinh Áo bà ba nữa cho tình them say”. (Thơ Bùi Văn Bồng) Nếu so sánh các trang phục truyền thống trong và người nước, thì có lẽ áo bà ba Nam bộ là bộ trang phục đơn giản nhất. Sự khiêm tốn này phù hợp với quan điểm sống của người Việt luôn đề cao sự giản dị, nền nã. Tất cả đã dệt nên những bản hòa tấu nhẹ nhàng trầm bổng nối hai bờ quá khứ và hiện tại, làm nao lòng bao lữ khách qua đây. Chiếc áo bà ba gắn với hình ảnh người con gái Nam Bộ vóc dáng nhỏ nhắn vươn mình đẩy mái chèo cho con thuyền lướt nhanh trên dòng nước. Trong chiến tranh lửa đạn, tà áo bà ba ấy đã in sâu trong ký ức của biết bao người dân Việt, nó gắn bó với hình ảnh các mẹ, các chị Nam Bộ bất khuất, kiên cường. Phụ nữ Nam bộ nói riêng và những người yêu mến đồng bằng sông nước Cửu Long nói chung – mấy ai không biết tới lời ca khúc “Chiếc áo bà ba” của Nhạc sỹ Trần Thiện Thanh. Vì thế, “Dẫu qua đây một lần Nói sao cho vừa lòng Nói sao cho vừa thương.” Ai đã từng ngồi trên những con xuồng nhỏ xuôi dòng Hậu Giang, lắng nghe câu hò, điệu lý Nam Bộ ngọt ngào, ngắm tà áo bà ba mềm mại bay trong gió, chắc chắn sẽ còn mãi trong lòng những dư vị không quên.
Tài liệu tham khảo: 1. Đồng bằng sông Cửu Long – Nét sinh hoạt xưa và Văn minh miệt vườn, Sơn Nam (2005), Nxb. Trẻ 2. Vùng văn hóa Nam Bộ: Định vị và đặc trưng văn hóa, TS. Lý Tùng Hiều 3. Nói về miền Nam, Cá tính miền Nam, Thuần phong mỹ tục Việt Nam, Sơn Nam, NXB Trẻ 2009
|
Cập nhật ( 31/07/2013 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com