CHẤT DÂN GIAN TRONG “QUỐC ÂM THI TẬP” CỦA NGUYỄN TRÃI * * Lê Xuân Nguyễn Mộng Tuân- bạn đồng khoa với Nguyễn Trãi, có nhận định: “Gío Tây hây hẩy gác vàng… người như một tiên ông ngồi trong toà ngọc. Cái tài làm hay làm đẹp cho nước từ xưa chưa có bao giờ”. Đó là cái tài văn võ song toàn của Ức Trai tiên sinh. Khi loạn, dùng võ giúp đời “trị quốc”. Khi bình, dùng văn toả sáng như sao Khuê để “bình thiên hạ”. Trong văn học nước nhà, Nguyễn Trãi là cây đại thụ, là nhà thơ- chiến sĩ, góp phần làm giàu thêm kho tàng ngôn ngữ dân tộc, đặc biệt là sự khẳng định giá trị của văn chương viết bằng chữ Nôm. 254 bài thơ Nôm của ông trong “Quốc âm thi tập” thấm đẫm chất dân gian. Như chúng ta đã biết, văn học dân gian luôn là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của văn học viết. Nó là một phần văn hoá phi vật của thể dân tộc. Các nhà thơ trước Nguyễn Trãi như Lý Thường Kiệt, Phạm Ngũ Lão, Đặng Dung, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Nhữ Bật… đã khơi dòng văn học dân tộc chảy suốt. Tới Nguyễn Trãi thì dòng văn học ấy được mở rộng và “cuộn cuộn nước triều đông”. Những tác giả cùng thời và sau ông vẫn tiếp tục dẫn dòng tới muôn nơi trên khắp miền đất nước, như: Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Nguyễn Nghiễm, Triệu Thái Trình, Trần Mật Liêu… Vườn hoa văn chương chữ Nôm cứ thế thắm sắc, ngát hương. Với Nguyễn Trãi, văn chương là cuộc đời “gắn liền với sự nghiệp kinh bang tế thế” (Phan Huy Chú). Nhà thơ Ngô Thế Vinh (Thế kỷ XIX) đã nhận định; “Văn chương của ông khi còn ẩn náu thì đủ để nuôi chí mình, khi đã hiển đạt thì đủ để đem dùng cho đời, khi còn giấu kín mình thì có thể khuây khoả cho bản thân, lúc ra làm nghiệp đời có thể thành được nghiệp lớn”. Thơ văn Nguyễn Trãi nói chung và “Quốc âm thi tập” nói riêng, bài nào cũng thắm đượm tinh thần dân tộc, mang hoài bão lớn của tấm lòng “tiên ưu, hậu lạc” (lo trước, vui sau). Sinh ra và lớn lên, được chứng kiến nhiều cảnh đảo điên, vui buồn sướng khổ của xã hội các triều đại Trần, Hồ, Lê, và điều đó phản ánh khá rõ trong thơ chữ Nôm, chữ Hán của ông. Hồn thơ trong “Quốc âm thi tập” có thể coi là một nét của hồn dân tộc. Mỗi hình tượng thơ, mỗi thể loại thơ, mỗi câu chữ ông dùng đều bộc lộ ý tưởng sáng tác, mang dấu ấn riêng, đậm chất dân gian. Cùng thời với ông, nhiều nhà thơ sa vào bút pháp ngâm vịnh và lệ thuộc vào nhiều điển cố, điển tích của văn học cổ Trung Quốc. Nguyễn Trãi cũng không thoát khỏi thi pháp cổ điển ấy, nhưng ta vẫn thấy ông có sự tiếp thu sáng tạo theo cách cảm, cách nghĩ, cách biểu hiện mới. Đề tài, nhân vật, cảnh vật trong “Quốc âm thi tập” là những gì rất gần gũi cuộc sống thôn dã. Đó là một cây chuối đang độ trẻ trung nguyên trinh, một cây xoan đầy hoa khoe sắc, một rừng cây luôn mở cửa đợi chim về, một ao sen chờ trăng lên in bóng, một áng chiều tà, một vầng trăng xao xuyến, một luồng gió thổi nơi rừng thông, một tiếng suối như cung đàn cầm…Từ con mèo, con chó, con ngựa đến ao rau muống, giậu mồng tơi, quả núc nác, củ ấu, lảnh mùng, khóm vầu, bụi tre… tất cả đều ùa vào thơ ông như chính sự sống vốn có. Những mảnh đời bất hạnh hay đạo vợ chồng, tình cha con, bằng hữu luôn ẩn chứa trong mỗi hình tượng thơ. Nguyễn Trãi đã xử lý các đề tài, các điển tích, điển cố tưởng đã sáo mòn trong văn học cổ Trung Quốc bằng cách thổi vào đó cái hồn của những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt Nam. Nói một cách khác là ông đã Việt hoá những phần vay mượn từ Hán học. Từ câu: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (nghĩa là: lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ – Phạm Văn Chính). Nguyễn Trãi đã diễn đạt ý đó bằng hai câu ở bài Ngôn chí (bài 18): Ta ắt bằng lòng Văn Chính nữa Vui sơ chẳng quản đeo âu. Từ câu: “Nhân tâm chi bất đồng như kỳ diện yên” (nghĩa là: lòng người khác nhau hiện ra ở nét mặt – Tả truyện), và từ câu tục ngữ Việt Lòng người tựa mặt ai ai khác Sự thế bằng cờ bước bước nghèo. (Mạn thuật – bài 10). Từ một câu ngạn ngữ Hán học: “Bần cư trung thị vô nhân vấn/ Phú tại sơn lâm hữu khách tầm” (nghĩa là: người nghèo dù ở giữa chợ cũng không có người hỏi/ người giàu ở tận núi rừng vẫn có khách tìm tới), Nguyễn Trãi đã diễn đạt ý đó ở bốn bài thơ khác nhau: Của nhiều sơn dã đem nhau đến Khó ở kinh thành ít kẻ han (Bảo kính cảnh giới – bài 6) Giàu người hợp, khó người tan Hai ấy hằng lề sự thế gian (BKCG- bài 12) Phú quý thì nhiều kẻ đến chen Uốn đòi thế thái tính chưa quen (BKCG-bài 13) Yêu trọng người dưng là của cải Thương vì thân thích nghĩa chân tay (BKCG- bài 18) Với những triết lý về lẽ sống ấy, ông đã phê phán những ai xem “của nặng hơn người”. Đó là những kẻ luôn lấy tiền bạc làm thước đo giữa người và người trong các mối quan hệ xã hội. Nguyễn Trãi đã lên án hạng người đó. Đây cũng là một khía cạnh của triết lý nhân sinh mà ông hằng ôm ấp. Điểm nổi bật nhất về mặt hình thức của “Quốc âm thi tập” là việc ông sử dụng sáng tạo ngôn ngữ dân tộc. Nhiều quán ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao được dùng khá linh hoạt, như: đôi ba khóm, sừng qua tai, quanh co ruột ốc, nên thợ nên thầy, no ăn no mặc… Đó là thứ ngôn ngữ của người lao động được ông gọt giũa, cách điệu hoá và nâng lên để diễn đạt những ý tưởng cô đúc, nhuần nhị. Ta hãy làm một phép so sánh đối chiếu ở một số câu thơ giàu chất dân gian của ông:
Chính vì sử dụng tài tình ngôn ngữ văn học dân gian nên những câu thơ Nôm của Nguyễn Trãi có giá trị gợi thanh, gợi hình sinh động, bám rễ sâu vào lòng dân tộc. “Thơ của ông là tấm kính hội tụ những ánh hào quang của quá khứ” (Đinh Gia Khánh). Nguyễn Trãi không bị gò bó bởi luật thơ Đường. Thơ Nôm của ông thường có sự phá thể, thay nhịp. Nhiều câu thơ 5 chữ, 6 chữ xen lẫn câu 7 chữ nhằm diễn đạt một nội dung tự do, hợp với cách cảm và nghĩ của người bình dân, song vẫn giữ được sự hàm súc sâu sắc. Bài Thuật hứng (số 8) là một điển hình: Hễ kẻ làm quan đã có duyên (7 chữ) Tới lui mặc phận tự nhiên (6 chữ) Thân xưa hương hoả chăng còn ước (7 chữ) Chí cũ công danh đã phỉ nguyền (7 chữ) Trẻ hoà sang ấy phúc (5 chữ) Gìa được lọn là tiên (5 chữ) Cho về cho ở đều ơn chúa (7 chữ) Lọ phải chôn chân đến cửa quyền (7 chữ) Nhịp thơ có khi ngắt 2/3, 3/4, 4/3, 3/3…Vần trong một số bài thơ cũng rất phóng túng, phần lớn là cước vận (vần chân), thể yêu vận (vần lưng) ít. Lối diễn đạt theo phú, tỉ, hứng của ca dao được ông kết hợp ở nhiều bài. Côn Sơn ca là một bài tiêu biểu của lối kết hợp ấy. Đó là sự kết hợp hài hoà giữa chất dân gian và bác học: Côn Sơn có suối nước trong Tai nghe suối chảy như cung đàn cầm … Cơm rau nước lã nuôi thân Muôn chung ngàn quý có cần quyền chi… Qua khảo sát 254 bài thơ trong “Quốc âm thi tập” ta thấy tỉ lệ những bài được Nguyễn Trãi vận dụng tục ngữ, ca dao-dân ca để sáng tạo trên 40 bài, chiếm khoảng 15,74%. Những bài thơ ấy cùng với “Ức Trai thi tập” và “Bình Ngô đại cáo” luôn chứa chan lý tưởng nhân nghĩa cao đẹp, một tấm lòng vì nước vì dân cuồn cuộn như nước triều đông. Những câu thơ Nôm của Nguyễn Trãi có khi trần trụi, sần sùi như quặng quý còn vùi trong đất cát, có khi long lanh như ngọc bích đã qua tay người thợ kim hoàn chế tác. Nó mang vẻ đẹp của thơ Đường, thơ Tống đã được sáng tạo bằng ngôn ngữ nước nhà. “Quốc âm thi tập” đã góp phần quan trọng tạo nên phong cách văn chương của Nguyễn Trãi: dân tộc, dân gian và trí tuệ. Đánh giá một cách khái quát về sự thành công trong các tác phẩm của Nguyễn Trãi, nhà văn Nguyễn Năng Tĩnh trong lời tựa “Ức Trai di tập” có viết: “Văn chương của tiên sinh tinh vi, thâm thúy, rộng rãi, chính đáng, cứng rắn… Tiên sinh vốn không có ý đúc chuốt văn chương nhưng một khi lời nói thổ lộ đều sáng sủa, đẹp đẽ, mạnh mẽ, dồi dào, không có cái gì có thể che lấp được”. Với những đóng góp về văn chương và quân sự của ông cho dân tộc, năm 1965, Unesco (Tổ chức Văn hóa- Khoa học- Giáo dục của Liên hợp quốc) đã công nhận ông là Danh nhân văn hoá. Sự nghiệp kinh bang tế thế và sự nghiệp văn chương của Nguyễn Trãi tuy hai mà một, vằng vặc như sao Khuê. Suốt đời ông ôm một hoài bão lớn vì dân, vì nước đậm tính nhân văn. Đúng như lời ngợi ca của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc, văn võ song toàn. Văn là chính trị, chính trị cứu nước, cứu dân, nội trị, ngoại giao, “mở nền thái bình muôn thuở, rửa nỗi thẹn nghìn thu”. Võ là quân sự: chiến lược và chiến thuật “yếu đánh mạnh”, “ít địch nhiều”, “thắng hung tàn bằng đại nghĩa”. Văn và võ đều là vũ khí, mạnh như vũ bão, sắc như gươm dao”. LÊ XUÂN
* Bài sẽ tham luận tại Hội thảo Ngữ học toàn quốc của Hội Ngôn ngữ học Việt
Tài liệu tham khảo: 1- Nguyễn Trãi toàn tập (NXB KHXH- Hà Nội, 1976) 2- Giáo trình lịch sử Văn học VN (Tập II giai đoạn TK X- XV) 3- Hợp tuyển thơ văn Việt 4- Trong dòng chủ lưu của văn học Việt Nam- Tư tưởng yêu nước (Trần Văn Giàu – NXB Văn Nghệ TP HCM, 1983) 5- Từ điển văn học (Tập I- II – NXB KHXH- Hà Nội, 1983) 6- Việt 7- Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ (Phạm Văn Đồng – NXB Văn học – Hà Nội, 1980) 8- Việt ——————————————————————- -Địa chỉ liên hệ: Lê Xuân Bột -Nhà số: 55/5 đường CMT8 – TP Cần Thơ -Điện thoại: NR: 0710.3828363 – DĐ: 0947.615119 -E-mail: Địa chỉ email này đang được bảo vệ khỏi chương trình thư rác, bạn cần bật Javascript để xem nó |
Cập nhật ( 08/04/2011 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com