CHÙA BỬU LÂM PHẢI CHĂNG MỘT DẤU VẾT CỦA PHÁI THIỀN TRÚC LÂM YÊN TỬ Ở NAM BỘ
* ThS Nguyễn Hữu Hiếu
Chùa Bửu Lâm còn được gọi là chùa Tổ Cái Bèo, hiện nay thuộc ấp III, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp. Mặc dù đã qua nhiều lần trùng tu, nhưng chùa vẫn còn giữ được nét nghiêm trang cổ kính; với dạng chữ tam, gồm 3 dãy nhà ngang nối tiếp nhau như các chùa cổ khác ở Nam Bộ. Chùa còn lưu giữ được nhiều câu đối khoán thủ mang tên chùa, nội dung ca ngợi Phật giáo cao siêu…
Trên bàn thờ hậu tổ có nhiều long vị, trong đó có hai long vị xưa nhất; có lẽ ít chùa nào ở Nam Bộ có được. Long vị thứ nhất ghi: “tế thượng chánh tông 33 thế húy Tánh Nhẫn, thượng Thiện hạ Châu, đường thượng giác linh, Tổ sư nghê tòa”. Long vị thứ hai ghi: “Lâm tế chánh tông 34 thế húy Hải Nguyện, thượng Thiện hạ Ý, đại sư giác linh tọa vị”. trong khuôn viên chùa có nhiều bảo tháp, ngôi tháp xưa nhất là của tổ sư Tánh Nhẫn-Thiện Châu.
Qua long vị và bảo tháp có người cho rằng chùa được xây dựng vào thế kỷ XVIII. Song, điều mà mọi người phải thừa nhận là quá trình hình thành và phát triển của chùa gắn liền một cách liên tục với lịch sử địa phương, từ lịch sử khai hoang qua kháng chiến chống Pháp xâm lược Nam kỳ đến kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ sau này. Chùa Bửu Lâm chẳng những là một di tích lịch sử-văn hóa, đang được chính quyền địa phương chuẩn bị hồ sơ đề nghị Bộ VHTT công nhận và xếp hạng, mà còn là một trung tâm truyền bá Phật giáo ở đồng bằng sông Cửu Long kế thừa và phát huy truyền thống gắn bó giữa đạo pháp và dân tộc của Phật giáo Việt Nam.
Vấn đề đặt ra ở đây là hai bài vị lạ nêu trên. Trong lịch sử Phật giáo Nam Bộ chưa thấy xuất hiện trường hợp tăng sĩ Phật giáo người Việt nào thuộc đời 33 phái Lâm Tế và thuộc đời 33 phái Lâm Tế mà húy lại khởi đầu bằng chữ Tánh chứ không phải chữ Nguyên (theo bài kệ Đạo Bổn Nguyên)…) hay chữ Siêu (theo bài kệ Tổ Đạo Giới…) như Nguyên Thiều, được xem là tổ sư của phái Lâm Tế ở Đàng Trong.
Đối chiếu hai long vị cổ nhất hiện thờ ở hậu tổ, đã nêu ở trên với các bài kệ truyền phái của các dòng đạo thuộc phái Lâm Tế ở Đàng Trong, chúng ta thấy có thể là Tổ Tánh Nhẫn- Thiện Châu (đời thứ 33 phái Lâm Tế) và hòa thượng Hải Nguyện-Thiện Ý (đời thứ 34, phái Lâm Tế) không thuộc các dòng sau đây:
Dòng “Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên…” của Đạo Mẫn, trong đó Bổn Quả-Mộc Trần, trong đó Bổn Quả (Hành quả)- Khoáng Viên thuộc đời thứ 32 và Nguyên Thiều-Thọ Tông, thuộc đời thứ 33, cả hai đều là người Trung Quốc được xem là Tổ sư của phái Lâm Tế Đàng Trong, vì trong bài kệ truyền phái của phái này không có chữ “Tánh” và chữ “Hải”.
Dòng “Tổ Đạo Giới Định Tông…” của Tổ Định Tuyết Phong, trong đó đời thứ 33 nằm vào chữ Siêu (như Nguyên Thiều vốn thuộc dòng “đạo bổn nguyên…”, sau cầu pháp với dòng này, nên có pháp danh là Siêu Bạch-Hoán Bích) và trong bài kệ này cũng không có hai chữ Tánh Hải.
Dòng Thiệt Diệu- Liễu Quán thuộc đời thứ 35, nhà sư người Việt đầu tiên có bài kệ truyền phái “Thiệt Tế Đại Đạo, Tánh Hải Thanh Trừng…” theo bài kệ truyền thừa này thì Tổ Thiện Châu thuộc đời thứ 39 tức là sau cả người kế thế của mình là Minh Thông-Hải Huệ đời thứ 38.
Ngoài bài kệ truyền phái có hai chữ Tánh và Hải của dòng Liễu Quán, phái Lâm Tế ở Việt Nam còn truyền thừa theo hai bài kệ khác có hai chữ Tánh, Hải. Một của thiền sư Trí Bảng-Đột Không, thuộc đời thứ 25 phái thiền Lâm Tế; bài kệ truyền pháp này có 16 chữ: Trí Huệ Thanh Tịnh, Đạo Đức Viên Minh, Chân Như Tánh Hải, Tịch Chiếu Phổ Thông. Hai là bài kệ truyền pháp của thiền sư Minh Hành- tại (đời thứ 32 phái Lâm Tế) gồm 20 chữ: Minh Chân Như Tánh Hải , Kim Tường Phổ Chiếu Thông, Chí Đạo Thành Chánh Quả… Giác Ngộ Chứng Chơn Không.
Nếu là truyền thừa của một trong hai bài kệ truyền phái ấy, thì thầy trò sư Thiện Châu đều thuộc đời thứ 35 và 36. Vậy sư Tánh Nhẫn-Thiện Châu và Hải Nguyện-Thiện Ý thuộc truyền thừa của bài kệ truyền phái nào? Chúng ta biết rằng thiền sư Minh Hành (đời 32) cùng sư phụ là Chuyết Chuyết (đời 31), đã có một thời gian hoằng hóa ở Đàng Trong (Đồng Nai, Bình Định, Thuận Hóa), trước khi ra đến Thăng Long (1633), nhưng chưa rõ trụ trì ở chùa nào và trong thời gian bao lâu (2). Hơn nữa bài kệ truyền phái của thiền sư Minh Hành chỉ xuất phát sau năm 1644, tức là khi thièn sư Chuyết Chuyết viên tịch thì thiền sư Minh Hành mới trụ trì chùa Phật Tích (Vạn Phúc) và Bút Tháp (Nhạn Tháp) ở Bắc Ninh (Đàng Ngoài) và bài kệ này chủ yếu chỉ truyền thừa ở Đàng Ngoài. Tuy nhiên, điều rõ ràng nhất là phái Lâm Tế dòng Minh Hành đã chịu ảnh hưởng của phái thiền Trúc Lâm truyền thừa theo bài kệ truyền pháp của thiền sư Trí Bảng- Đột Không (đời thứ 25) mà trong bài kệ truyền phái của thiền sư Minh Hành (đời thứ 32), có một số chữ giống như bài kệ của thiền sư Trí Bảng như: “Minh, Chân, Như, Tánh, Hải”. Do đó, chúng ta có thể cho rằng thiền sư Tánh Nhẫn-Thiện Châu không thể là truyền thừa của dòng Minh Hành, mà thuộc truyền thừa theo bài kệ truyền pháp của thiền sư Trí Bảng-Đột Không; có nghĩa là thiền sư Tánh Nhẫn-Thiện Châu thuộc phái tiền Trúc Lâm đời thứ 35.
Như vậy thiền sư Tánh Nhẫn-Thiện Châu có thể là huynh đệ hoặc đồng thế hệ với các thiền sư phái Trúc Lâm thuộc đời thứ 35, như Tánh Đề- Đạo Nguyên (1656-1716) trụ trì chùa Thập Tháp Di Đà (Bình Định) năm 1683, sau khi Nguyên Thiều ra Thuận Hóa và thiền sư Tánh Ban- Giám Huyền (tức Tịnh Giác-Thiện Trì hay ông Núi), trụ trì chùa Linh Phong (Bình Định); và có thể là pháp tôn của thiền sư Hương Hải, người có công phục hưng phái Trúc Lâm ở Đàng Trong, như sư Tánh Đề-Đạo Nguyên và Tánh Ban-Giám Huyền.
Thế nhưng, sẽ giải thích thế nào về dòng phái Lâm Tế và thế hệ 33 ghi trong linh vị của sư Tánh Nhẫn-Thiện Châu, linh vị này ghi: “Tế Thượng Chánh Tông, 33 thế húy Tánh Nhẫn…”
Cũng có thể như thiền sư Tánh Đề-Đạo Nguyên và các vị khác thuộc phái Trúc Lâm đời thứ 35 (húy khởi đầu bằng chữ Tánh), sư Tánh Nhẫn vì hoàn cảnh nào đó phải hòa nhập vào phái Lâm Tế để ẩn thân; nhưng có lẽ không thông qua thủ tục cầu pháp; vì khi cầu pháp phải có pháp danh khác, theo bài kệ truyền thừa mới. Đằng này các vị vẫn giữ nguyên pháp danh bắt đầu bằng chữ “Tánh” (Tánh Đề, Tánh Ban, Tánh Nhẫn…) thuộc thế hệ thứ 35 theo bài kệ truyền pháp của phái Trúc Lâm, chỉ có nâng từ đời 35 lên thành 33. Nghiên cứu phổ hệ truyền thừa của chùa Thập Tháp Di Đà (Bình Định), ta thấy rất rõ. Chùa do tổ sư Nguyên Thiều (đời 33 phái Lâm Tế) khai sơn và hoằng hóa từ năm 1677 đến năm 1683 do phải ra Phú Xuân lập chùa ở Hà Trung, phải giao chùa cho thiền sư Tánh Đề, lúc bấy giờ mới 27 tuổi trụ trì. Thiền sư Tánh Đề trụ trì chùa Thập Tháp suốt 33 năm cho đến khi viên tịch (1716), tì sư Minh Giác-Kỳ Phương (đời thứ 34 phái Lâm Tế, đệt ử của tổ sư Nguyên Thiều), mới kế tục. Thiền sư Tánh Đề (đời thứ 35 của phái Trúc Lâm) nhỏ hơn Nguyên Thiều 8 tuổi, mặc nhiên được tăng chúng lúc bấy giờ xếp ngang hàng (cùng thế hệ 33) với tổ sư Nguyên Thiều. Vô hình trung, các thiền sư phái Trúc Lâm thuộc thế hệ 35 (có pháp danh đứng đầu bằng chữ “Tánh”) ở Đàng Trong trở thành thế hệ 33 của phái Lâm Tế. tổ sư Tánh Nhẫn –Thiện Châu của chùa tổ Bửu Lâm đã trở thành đời thứ 33 của phái Lâm Tế trong trường hợp này.
Qua nội dung trình bày trên, chúng ta có thể tạm tái hiện hành tung của tổ Tánh Nhẫn-Thiện Châu. Tổ là người Trung bộ pháp tôn của thiền sư Minh Châu-Hương Hải, thuộc đời htứ 35 của phái Trúc Lâm, theo bài kệ truyền phái của thiền sư Trí Bảng-Đột Không. Khoảng năm 1680, thiền sư Minh Châu-Hương Hải bị chúa hiền Nguyễn Phước Tần (1648-1687) bắt giam vì bị nghi ngờ có quan hệ với chúa Trịnh. Qua điều tra, xét thấy chưa đủ chứng cớ nên được tha. Đến năm 1682, thiền sư Hương Hải cùng khoảng 50 đệ tử Trúc Lâm chốn ra Đàng Ngoài (3). Biến cố này có tầm ảnh hưởng hết sức quan trọng đối với Phật giáo Đàng Trong sau này.
Cập nhật ( 05/10/2010 )