BÀN THÊM VỀ KIẾN TRÚC CHÙA KIM LIÊN VÀ CHÙA TÂY PHƯƠNG
* Trần Thị Kim Anh
Chùa Kim Liên và chùa Tây Phương là hai ngôi chùa cổ nổi tiếng ở nước ta về sự đặc sắc trong kiến trúc và điêu khắc. Chùa Tây Phương tọa lạc trên núi Câu Lậu, nay thuộc thôn Yên xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây; còn chùa Kim Liên được dựng trên đất làng Nghi Tàm ven Hồ Tây, nay thuộc phường Quảng An quận Tây Hồ Hà Nội. Cả hai ngôi chùa có chung một lối kiến trúc, đại để, qua tam quan đến ba nếp chùa dựng theo lối chữ tam (三), nếp chùa ngoài và giữa quay về hướng Tây, nếp chùa trong quay về hướng Đông. Tường xây gạch trần, có cửa sổ tròn lồng chữ Phạn. Giữa các nếp chùa có khoảng trống tạo độ thoáng và ánh sáng vừa phải. Cột gỗ lớn được kê chân, các chân kê bằng đá xanh hình trụ, chạm cánh sen. Mỗi nếp chùa có hai tầng mái theo kiểu chồng diêm, lợp ngói mũi lá đề. Diềm mái được chạm trổ tinh tế hình lá cuốn, đầu đao bằng đất nung uốn cong hình hoa lá rồng phượng. Các đầu bẩy, các bức cốn, xà nách, ván long đều có chạm trổ hình hoa lá, rồng phượng…
Các hoành rui đều được xoi mép, cho đến cả tấm gỗ sát mái ngói cũng được đục chạm trang trí. Đặc biệt chùa Tây Phương còn có hệ thống tượng phật khiến người xem phải kinh ngạc. Đó là gần 100 pho tượng gỗ lớn sơn son thếp vàng được chạm khắc hết sức sống động. Trong đó có nhiều pho được liệt vào hàng kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam. Chưa kể tam quan chùa Kim Liên còn là một kiến trúc độc đáo đẹp mắt, trông tựa như một tòa lầu thu nhỏ hay một đóa sen đang nở.
Về kiến trúc của hai ngôi chùa này thì từ lâu giới nghiên cứu đã quan tâm bàn luận rất nhiều, và cho đến nay hầu như người ta đều cho rằng hoặc đồng ý với kết luận rằng: hai ngôi chùa này “mang đậm phong cách kiến trúc thời Tây Sơn”
Đối với nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, chúng tôi vì là không phải Phật từ nên không giám lạm bàn. Song, do trong quá trình tìm hiểu tư liệu về tác phẩm Vũ trung tùy bút (VTTB) của Phạm Đình Hổ, chúng tôi bắt gặp hai đoạn văn có nhắc đến việc trùng tu xây dựng chùa Kim Liên và chùa Tây Phương. Trộm nghĩ những tư liệu đó có thể góp phần vào việc xác định niên đại kiến trúc hai ngôi chùa này, nên chúng tôi xin được trích dịch để bạn đọc tham khảo. Hai đoạn văn nói trên nằm trong văn bản sách VTTB ký hiệu R.1609 lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Hà Nội. Đây là văn bản được sao chép vào niên hiệu Thành Thái thứ 8 (1906), có nội dung sai khác khá nhiều so với văn bản VTTB do Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến dịch ra quốc ngữ vẫn quen thuộc với bạn đọc lâu nay. Hai đoạn văn này nằm ở tập hạ, xin được dịch ra như sau:
1. “… Nay khảo Hồng đức bản đồ thì Câu Lậu ở thừa tuyên Sơn Tây là chỉ vào ngọn núi ở làng Nguyễn Xá huyện Thạch Thất không còn nghi ngờ gì nữa. Trên núi có chùa Tây Phương. Thời Trịnh Uy vương(1) đại hưng công tu sửa suốt ba năm không xong. Dân ở Sơn Tây nhiều nhà vì việc này mà khốn khổ. Ông Trần Danh Tiêu (2) thân bị đánh đập xỉ nhục, triều đình nghị bàn khép vào tội chết, sau nhờ bỏ tiền ra chuộc mới được miễn. Sau Tiêu Trung hầu đi qua Di Ái Đan Phượng, bắt nhầm ông Trần Mô (3) sai khiêng võng đến Vân Canh. Dân tình chấn động, Tiêu mới thả Trần Công ra. Trần Công không chịu, ôm cả đòn lẫn võng đến phủ chúa trình tờ khải về việc sửa chùa, việc mới dừng”.
2. “Chùa Kim Liên ở làng Nghi Tàm huyện Quảng Đức xưa kia không biết tên là gì. Khoảng thời Cảnh Hưng, Thánh tổ Thịnh vương (4) sai nhặt nhạnh vật liệu ở chùa Bảo Lâm để làm rồi ban tên là Kim Liên tự. Ông Phan Trọng Phiên có phụng chỉ soạn văn bia.
Xưa chùa Bảo Lâm ở phía tây phủ chúa, phía bắc gần chùa Báo Thiên. Thời Dụ tổ Thuận vương (5) cho trùng tu. Hoạn quan là Tiêu Trung hầu coi xét công việc, đã cho lấy gỗ lim từ Nghệ An, lợp bằng ngói kiểu mới ở các lò ngói công, cực kỳ tráng lệ. Trước tòa tam bảo thờ tượng Thuận vương đội mũ cổn, mặc áo cổ chéo, tay tả cầm ngọc khuê, tay hữu buông thõng, hai chân để trần. Đến khi Thịnh vương tổng chính, để tránh âm dương kị nhau mới dời điện và tượng đến Nghi Tàm… Khi Tây Sơn chiếm nước, Tư đồ Nguyễn Văn Dũng từng lên chùa này chỉ vào tượng nói:
– Sao lại có tượng này ở đây?
Người trụ trì trả lời đó là tượng vua. Dũng nói:
– Không được, đây là tượng chủ cũ của ngươi. Sau này cứ thờ ta như thờ chủ cũ của ngươi là được, sao không đem cất đi? Trụ trì bèn dời tượng xuống hậu đường thờ cúng với di tượng của Huệ hòa thượng”.
Hai đoạn văn trên cho ta thấy một số thông tin kể từ đó có thể suy đoán như sau:
1. Chùa Kim Liên được Trịnh Sâm cho dựng lại vào năm 1771 bằng chính vật liệu lấy từ chùa Bảo Lâm – một ngôi chùa được xây dựng cực kỳ tráng lệ vào thời Uy vương Trịnh Giang. Như vậy kiến trúc chùa Kim Liên phải chăng là một phần của kiến trúc chùa Bảo Lâm? Về việc sử dụng vật liệu có xuất xứ từ chùa Bảo Lâm, tấm bia có niên đại Tự Đức 21 (1867) hiện dựng tại nếp chùa trong chùa Kim Liên cũng cho biết: Dựa theo một số tàn biên thì chùa được chúa Trịnh Sâm sai chuyển vật liệu chùa Bảo Lâm đến để làm trên nền cũ của chùa Kim Liên. Văn bia dùng chữ 移 (di) nghĩa là chuyển, dời, còn chi tiết này trong đoạn trích ở trên, Phạm Đình Hổ dùng chữ 辍 (chuyết) nghĩa là nhặt nhạnh. Theo đó có thể hiểu, vào thời Trịnh Sâm, chùa Bảo Lâm vì lý do nào đó mà bị dỡ hoặc dỡ bỏ một phần, và số vật liệu đó đã được dùng để dựng lại chùa Kim Liên.
2. Chùa Bảo Lâm ở về phía tây phủ chúa, được trùng tu vào thời Uy vương Trịnh Giang, lấy gỗ lim từ Nghệ An và lợp bằng ngói kiểu mới, cực kỳ tráng lệ. Sách Đại Việt sử ký tục biên (ĐVSKTB) cho biết: năm Long Đức thứ 3 (17434), làm chùa Quỳnh Lâm, lấy dân phu ba huyện của Hải Dương phục dịch, khai sông để thông đường chở gỗ đá. Như vậy chùa Quỳnh Lâm cũng là một ngôi chùa được xây dựng với quy mô lớn vào thời Trịnh Giang. Vậy rất có thể chùa Bảo Lâm chính là chùa Quỳnh Lâm mà sau đó đã được đổi tên hoặc do chữ quỳnh và chữ bảo có tự dạng gần giống nhau mà người đời sau chép nhầm chăng? Nếu đúng như vậy thì chùa Bảo Lâm là ngôi chùa thuộc hàng quốc tự, với quy mô xây dựng lớn.
3. Chùa Tây Phương và Quỳnh Lâm (hoặc Bảo Lâm?) cùng được trùng tu xây dựng vào thời Uy vương Trịnh Giang, có quy mô lớn, kéo dài trong nhiều năm, huy động nhiều nhân lực vật lực. Thực tế cũng cho thấy, với quy mô kiến trúc còn lại như hiện nay đủ biết hai ngôi chùa này phải thuộc về những công trình xây dựng mang tầm cỡ quốc gia, và phải vào thời kỳ xã hội ổn định, kinh tế phát triển mới có thể thực hiện được. Cũng vẫn theo ĐVSKTB thì vào thời Uy vương tổng chính, đất nước thái bình đã lâu, trong nước bình yên, biên thuỳ vô sự, chính sự nhàn hạ, nên Trịnh Giang thường đi du ngoạn, lại cho xây dựng nhiều chùa quán và hành cung ở tứ trấn.
4. Chùa Tây Phương và Bảo Lâm (hoặc Quỳnh Lâm?) cùng được một viên hoạn quan có thế lực của Trịnh Giang là Tiêu Trung hầu giám sát thi công. Rất có thể kiến trúc của hai ngôi chùa này được quyết định theo ý của Tiêu Trung hầu nên đã có sự tương đồng (về kiến trúc giữa hai chùa) như hiện nay.
5. Chùa Tây Phương chưa xong hoàn toàn thì bị đình chỉ thi công do sự khiếu kiện của tiến sĩ Trần Danh Tiêu. ĐVSKTB cũng cho biết: Năm Vĩnh Hựu 6 (1740), bãi việc xây dựng ở các chùa Quỳnh Lâm, Tây Phương… Như vậy về cơ bản, chùa Tây Phương đã được hoàn chỉnh dưới thời Trịnh Giang. Còn về các dấu ấn của triều Tây Sơn tại đây thì rất có thể là do thời bấy giờ – sau chiến tranh – để tích âm đức, một số quan chức của Tây Sơn đã bỏ tiền của ra sửa chữa, hoàn chỉnh những phần dở dang của ngôi chùa. Theo thiển ý của chúng tôi – thời Tây Sơn – với khoảng thời gian tồn tại ngót một chục năm, lại phải đương đầu với biết bao khó khăn để đề ra những chính sách đối nội đối ngoại hợp lý nhằm ổn định một đất nước vừa tan hoang sau trận dâu bể thì không thể đủ sức huy động nhân lực, vật lực để thực hiện các công trình kiến trúc có tầm cỡ lớn. Hơn nữa nhiều ý kiến cho rằng chùa Tây Phương được xây dựng lại hoàn toàn vào niên hiệu Cảnh Thịnh 2 (1794), còn chùa Kim Liên có được diện mạo như ngày nay là do lần đại tu vào năm 1792, tức là chỉ sau khi Quang Trung mất được hai năm và Tây Sơn làm chủ đất nước mới có bốn năm, thì liệu có lý hay không, khi trong những lúc khó khăn như vậy người ta lại cho xây dựng những công trình tốn nhiều công của đến thế?
6. Chùa Kim Liên có tượng Uy vương Trịnh Giang (hiện nay ở nếp chùa ngoài, bên tả chính diện có một pho tượng cầm ngọc khuê nhưng không hoàn toàn giống với miêu tả của Phạm Đình Hổ). Tượng này nguyên đặt trước tòa Tam bảo chùa Bảo Lâm. Sau do Tĩnh vương Trịnh Sâm vì muốn tránh âm dương kỵ nhau (do chùa ở gần phủ chúa) nên đã chuyển đi. Như vậy, chùa Bảo Lâm chính là chùa Quỳnh Lâm được nhắc trong ĐVSKTB. Và như vậy chùa Kim Liên vào thời Trịnh Sâm đã có kiến trúc ổn định theo dạng kiến trúc của chùa Bảo Lâm – một ngôi chùa được xây dựng lớn ở thời Uy vương Trịnh Giang. Còn vào thời Tây Sơn thì có lẽ chỉ được sửa sang tu tạo nhỏ mà thôi. Trong tác phẩm Tang thương ngẫu lục của mình, Phạm Đình Hổ ghi lại cuộc viếng thăm chùa của ông và bạn bè vào năm 1797. Ông có tả lại quang cảnh chùa lúc bấy giờ và cho biết chùa được dựng vào thời Cảnh Hưng (1740-1786) và được chế rất tỉ mỉ kiên cố. Phạm Đình Hổ là người sống qua thời Tây Sơn, trong thời gian đó ông thỉnh thoảng có đến chơi chùa Kim Liên, việc này được ông nhắc đến qua bài thơ Quá Kim Liên tự chép trong tập thơ Đông Dã học ngôn thi tập của mình. Bài thơ có hai câu thơ mở đầu như sau: Bình ngạnh phiêu phù khách cố kinh. Kim Liên tự lý kỷ hồi kinh. [Cánh bèo trôi nổi, làm khách cố kinh. Chùa Kim Liên đã mấy lần qua lại]. Là một nhân chứng, lại là một học giả luôn có ý thức ghi lại những điều mắt thấy tai nghe để giúp cho những bậc hiếu cổ sau này có căn cứ để khảo cứu thì lẽ nào khi nhắc đến lịch sử chùa, Phạm Đình Hổ đã chú ý đến cả chi tiết Tư đồ Nguyễn Văn Dũng – một viên tướng của Tây Sơn – đến chùa nói những gì mà chuyện chùa được xây dựng lại hoàn toàn vào thời Tây Sơn lại không được ông nói đến?
Tóm lại từ tất cả những điều vừa trình bày trên đây, chúng tôi muốn đưa ra ý kiến: phải chăng chùa Tây Phương và chùa Kim Liên là hai ngôi chùa có kiến trúc của thời Hậu Lê, hay cụ thể hơn là mang niên đại kiến trúc thời Uy vương Trịnh Giang (từ 1729-1740)?
Chú thích:
1. Trịnh Uy vương: Uy vương Trịnh Giang, cầm quyền chính dưới thời Lê Thuần Tông, từ 1729-1740. Còn gọi là Thuận vương.
2. Trần Danh Tiêu (1709-?), người làng Yên Sở huyện Đan Phượng, nay thuộc xã Yên Sở huyện Đan Phượng tỉnh Hà Tây. Đỗ Tiến sĩ năm 1733 đời Lê Thuần Tông. Làm quan đến chức Đông các Đại học sĩ.
3. Trần Mô (1694-?), người xã Di Ái huyện Đan Phượng, nay thuộc xã Di Trạch huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây. Đỗ Tiến sĩ năm 1733 đời Lê Thuần Tông, làm quan đến chức Thị độc, tước Bá.
4. Thịnh vương: Trịnh Sâm, cầm quyền chính dưới thời Lê Hiển Tông, từ 1767-1782.
5. Dụ tổ Thuận vương: Uy vương Trịnh Giang.
Cập nhật ( 18/12/2012 )