CÂY ĐA LÀNG *PSS. Ninh Viết Giáo Hội VHDG Nghệ An Đã nhiều người viết về cây đa làng. Ca dao, dân ca cũng thường nói về cây đa làng. Sách vở, nhất là những hồi ký thường đề cập đến cây đa làng. Thế thì bây giờ còn gì mà viết nữa? Còn nhiều vấn đề lắm chứ! Đã có một chuyên đề nghiên cứu, thậm chí có một bài viết nào chuyên về cây đa làng. Giờ đây tuổi đã 80 mươi, tôi bỗng nhớ đến cây đa làng tôi cũng như bao cây đa làng xung quanh của cả xứ Nghệ, xứ Thanh. Tôi chỉ viết những gì có liên quan đến cây đa làng cả tư liệu trong dân gian và tư liệu trong thư tịch mà tôi đã tích lũy được. 1.Vị trí của những cây đa làng Nói cây đa làng không phải mỗi làng chỉ có một cây da. Đúng là có làng chỉ có một cây đa, nhưng cũng có làng có hai cây đa đến năm cây đa. Cây đa làng thường trồng ở ngã ba đường làng, ở giữa cánh đồng rộng, ở cạnh sân đình, sân đền, sân chùa, góc chợ, ở gần bến sông, giếng nước, bãi chăn thả, thậm chí trong các làng lớn, mỗi xóm cũng có một cây đa,… Nên ta thường thấy, thường nghe: Cây đa làng Ngò (Quỳnh Lưu), cây đa đình Nồi (Quỳnh Đôi), cây đa bến Kiềng ở Nho Lâm (Diễm Châu), cây đa Kẻ Nguôi (Diễn Tân), cây đa làng Thịnh Mỹ (Diễn Thịnh), cây đa chợ Đình (Thanh Chương), cây đa làng Sen ở xã Kim Liên, cây đa làng Vin (Diễn Thắng), cây đa đồng Chùa (Nhì Cam, Vĩnh Thành), cây đa đền Cờn (Phương Cần),… Nhiều nhất là những cây đa gần giếng nước, bến nước, sân đình, nên ca dao có câu: Cây đa, bến nước, sân đình, Đi xa ta nhớ nghĩa mình mình ơi. Nói cây đa là nói cây cổ thụ tiêu biểu, trong một làng có một số cây cổ thụ khác cũng được coi như cây đa, như cây đề, cây gạo, cây trôi, cây bàng, cây si, cây thông… Được giữ lại trong tâm khảm dân làng nhiều nhất vẫn là cây đa. Bài viết này chủ yếu nói về cây đa, song cũng là nói về các cây cổ thụ trên. 2. Tác dụng của cây đa làng Tác dụng thiết thực và phổ quát của cây đa cổ thụ ở làng là tỏa bóng mát che ánh nắng mặt trời cho những người nông dân lao động sau một buổi cày bừa khó nhọc (thường là buổi sáng), trên các cánh đồng làng; cho những bà, những chị đi chợ về dừng chân nghỉ; cho những người lữ thứ bộ hành, cho những người gồng gánh buôn bán kiếm ăn,…. Dưới bóng cây đa, họ có thể vừa nghỉ ngơi để uống bát nước chè xanh, ăn bửa trưa với bát cơm nắm và chút muối vừng mang theo; trao đổi nhau về những đồng ruộng, chuyện mùa màng, thời tiết, chuyện làm ăn, buôn bán. Đó là dưới bóng mát cây đa trồng giữa cánh đồng, hay cây đa cổ thụ trồng cạnh đường quan, đường liên huyện, liên hương. Còn dưới bóng mát cây đa trồng cạnh sân đình, bên giếng nước hoặc cạnh hồ, ao nào đó,… trong làng, lại là nơi nghỉ ngơi hóng mát của các cụ già, của những người dân khác. Buổi chiều bên cạnh gốc họ thường trao đổi với nhau ngoài những chuyện như trên, là chuyện làng nước, gia đình bản thân; chuyện hát ví hát giặm đêm qua, chuyện nói về vè châm biếm do ai sáng tác mới ra đời. Ấy là chưa kể cạnh gốc cây đa nào đó trong làng trai gái thường hò hẹn gặp gỡ nhau, trao duyên gửi phận cho nhau mà mà còn hò hẹn tập trung để đi củi, đi làm thuê; trẻ con thường đánh cù, đánh đáo,… chơi cùng nhau và không ít cuộc hát ví, hát ghẹo dưới đêm trăng thường diễn ra bên cạnh gốc cây đa làng. Đó là nói tác dụng thực tiễn trong đời sống hiện hữu, cây đa còn: – Là nơi tụ hội của gia súc, chim, bướm ong,… tại nhiều cây cây đa làng, chúng ta thấy con sáo đậu cành đa, tổ quạ làm trên ngọn đa, tu hú kêu lúc ban mai con chích chòe nhảy nhót, con chào mào hót líu lo, con bướm lượn, con ve sầu kêu ve ve giữa buổi trưa hè, con ong tìm hoa lấy nhị, con trâu, con bò nằm nghỉ mát với chủ, nghểnh mổm nhai lại mớ cỏ trong dạ dày. – Còn nói về che chở thì cây đa đâu chỉ che bóng mát cho dân làng mà che chở cả số phận, cả cuộc đời cho cả dân làng, cho từng thành viên trong cộng đồng dân làng, từ trẻ tới già. Thậm chí khi đã quy tiên rồi, cây đa vẫn che chở, ví như cây đa sầu ở Cổ Loa, thân to vài chục người ôm, hơn hai thiên niên kỷ nay, đã che, đã ôm ấp khối đá ngũ sắc tượng trưng cho nữa thân trên không đầu của nàng Mị Châu đó sao. Và bao cây đa nữa ở bãi tha ma, ở bãi chăn thả, dưới gốc có chùa trần. Ngay cạnh nhà sàn của Bác Hồ ở trong vườn Phủ Chủ tịch cũng có cây đa cổ thụ. 3. Cây đa với tâm thức và tín ngưỡng dân gian. 3.1. Cây đa bình vôi Nhiều làng thường thấy có cây đa, nhất là cây trồng giữa làng hay tại bãi chăn thả ở gốc cây có chùa trần (chùa không có nhà, không có mái che). Tại chùa trần này chúng ta thường thấy có những cái bình vôi, to nhỏ, màu sắc, hình dáng khác nhau, đã tịt lỗ lấy vôi ăn trầu, xếp thành hàng, thành lối trên bệ thờ (thường chỉ có cái bát hương, có thêm nữa là ông Bụt bằng đá) hay dưới chân bệ thờ. Nhân dân thường gọi là chùa bình vôi. Có không ít cái bình vôi như vừa nói trên được ngoắc hay treo ở thân cây đa, dù cây đa đó ở ngay sau chùa trần hay ở một vị trí nào đó trong làng. Nhân dân gọi đó là cây đa bình vôi. Trong dân gian có câu “Vì thân nên để cây đa”. Trước đây, ta có tục, nhà nào cưới dâu cả, đón dâu về đến nhà, mẹ chồng liền bê bình vôi sang nhà hàng xóm, chờ khi lễ tơ hồng xong, mới đưa bình vôi về nhà. Tục ấy thể hiện từ nay nàng dâu sẽ thay bà lo việc trong nhà. Như vậy bình vôi là một dụng cụ chứa vôi để dùng vào việc ăn trầu nhưng lâu ngày vôi dính vào lỗ miệng tịt lại cho công cụ vào lấy vôi không được nữa, chủ nhà không đập vỡ mà sai người nhà đặt ở chùa trần hay treo ngoắc ở cây đa. Phải chăng bình vôi cũng là một loại thần linh, tượng trưng cho người nội trưởng (có nơi gọi là nội tướng) tức là mẹ chồng rồi nàng dâu cả trong gia đình. 3.2. Cây đa cởi áo Lý Tế Xuyên trong Việt điện u linh chép về Sự tích Sóc Thiên Vương phần đầu như ta thường đọc trong các thư tịch hay thường nghe kể còn phần sau có đoạn: “Thiên Vương đi cùng sứ giả kinh đô (để đánh giặc Ân). Vua rất mừng, hỏi muốn xin gì? Thiên Vương xin một thanh gươm, một ngựa sắt, rồi lên ngựa thét lớn xông vào trận, quân giặc thua chạy toán loạn. Khắp các nơi đều yên. Thiên Vương liền phóng ngựa đến núi Vệ Linh, lên ngọn cây đa (cởi áo bỏ lại – NVG) rồi bay về trời. Nay chỗ Thiên Vương bỏ áo vẫn còn, người làng gọi là “cây cởi áo”. Nhân dân lấy làm lạ, lập đền thờ, tế lễ thì dùng bánh trái đồ chay, cầu khẩn mọi việc đều linh ứng” (1) 3.3. Cây đa và chú cuội Trong một truyện cổ tích cây đa gắn liền với chú Cuội. Chú Cuội được ngồi dưới gốc cây đa trong lòng chị Hằng Nga, đêm đêm soi bóng xuống thế gian, để đến nỗi Đường Minh Hoàng được “Du Nguyệt cung” một lần sau này thành cái tích cắt nghĩa cội nguồn của tết Trung thu. Sau này, vào một đêm “Rằm tháng tám”, Tản Đà ngắm trăng mơ màng nghĩ tới ả Hằng đã làm bài thơ: Nhắn chị Hằng Nga Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi Trần thế em nay ngán nửa rồi, Cung quế đã ai ngồi đó chửa? Cành đa xin chị nhắc lên chơi… …Rồi cứ mỗi năm rằm tháng Tám Tựa vai trông xuống thế gian cười. Rồi trong gia tài văn nghệ dân gian của nhân dân ta cũng có một bài “đồng”. Thằng cuội ngồi gốc cây đa, Để trâu ăn lúa kêu cha ời ời. Bố mi cắt cỏ trên trời, Mẹ mi cởi ngựa đi mời quan viên. Một tay cầm bút cầm nghiên, Một tay cầm tiền đi chuộc lá đa… Con ngựa xuống giếng được ba đồng tiền, Một đồng mua trống mua kèn Một đồng mua mở thắp đèn cầu vong… 3.4 Cây đa và ma cây đa
Nhân dân ta có câu: “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”. Ở đây hãy nói ma cây đa. Trong nhiều làng, nhân dân thường lưu truyền hoặc về ma cây đa. Đại khái những mẩu truyện nhân dân lưu truyền là: Những đêm tối trời thấy người đội nón trắng mặcc quần áo trắng từ gốc đa đi ra, đi lượn vào vòng quanh gốc cây đa, đi dạo như lướt trên đường làng, đường ruộng rồi lại trở về gốc đa thì biến mất. Đôi khi thấy hai ba hình bóng như vậy. Người thì cho đó là tinh cây đa. Kẻ thì cho đó là hồn người treo cổ chết tại một cành ở cây đa ấy. Ở đâu chưa rõ, tại xứ Nghệ hai con ma hay lẩn quẩn ở cây đa là “ma bợ” hay “quỷ bợ” và ma Ngô Bát Ngạo). Bợ, là một nhân vật huyền thoại. Bợ hay đốt nhà, hay trêu ghẹo cô nọ, bà kia, hay lấy của nhà giàu cho nhà nghèo, hay đi hát ví, đã từng thi tài, trổ tài với Mai Hắc Đế, với cả vua Lê, An Dương Vương,… Nhân dân Nghệ An gọi Bợ là ma, là quỷ, là thằng nhưng cũng có người gọi là cố Bợ, ông Bợ, anh Bợ,… Cây đa là nơi Bợ thường trú ngụ để trêu gái, trêu các anh ả tình tứ hẹn hò với nhau, trêu các bà đi chợ, trêu các gã nhà giàu,… Bợ gần mà xa, là quỷ mà là người quen, hay đùa cợt hay nghịch ngợm,… Còn Ngô Bát Ngạo? Gã là người Bắc quốc, thông minh học giỏi, đã đậu trạng nguyên kia đấy. Nhưng cái tính mê gái của gã ít ai bì. Đi sứ sang Việt Nam, vì ham gái, gã đắc tội với Đại Nam Hoàng Đế, làm hỏng việc đi sứ. Về Tàu, gã bị vua Tàu chém cổ. Chết rồi trở thành con quỷ cụt đầu, gã lò mò sang Việt Nam để trêu người đẹp. Đến Thăng Long, bị Long thần đánh đuổi, gã chạy vào xứ Nghệ. Vào đây gã thường làm những trận gió nổi lên cuốn bụi đường xoái tròn để hất nón và tung váy các cô gái. Có một đạo nhân bày cho các cô gái hãy thấy hiện tượng như vậy thì xắn váy đái tung tóe ra đường, thì tự nhiên gió sẽ ngừng bặt, bụi không xoáy tròn trên đường nữa. Không ghẹo gái được, gã phải xoay kế kiếm ăn, nay làm người này ốm, mai làm người kia đau, nhân dân cho gã là hung thần. Nên đó đây dưới gốc đa làng, có một bệ thờ có một cột nhỏ bằng đá, người ta nói đó là nơi thờ và yểm Ngô Bát Ngạo. 4. Cây đa với tín ngưỡng Phật giáo Lịch sử Phật giáo cho chúng ta biết đức Phật Thích Ca, rời bỏ kinh thành, vợ con và vua cha Tịnh Phạn, xuất gia tu hành để tìm con đường có thể giải thoát những đau khổ và phiền não của chân tâm. Ngài đến bờ sông Ni – Liên – Thiền cùng tu hành khổ hạnh với một nhóm người. Sáu năm trời, trải qua muôn vàn cay đắng, cái đạt được chỉ là một thân thể suy nhược và một dung nhan khô héo. Ngài xuống sông Ni – Liên – Thiền, tắm gội sạch sẽ, tiếp nhận sữa bò của một mục đồng cúng dâng, thể lực được phục hồi, Ngài đến ngồi dưới gốc cây bồ đề dưới ngọn Hy mã Lạp Sơn, trầm tư mặc tưởng. Sau bảy ngày đêm, vào một buổi ban mai, Ngài thấy thoát nhật đại ngộ, thấu tỏ được nguồn cội các khổ não của đời người và phương pháp giải thoát khỏi luân hồi. Và từ đó ngài trở thành Phật Di Đà Thích Ca Mâu Ni vô thượng đại giác. Cây đa thường đi sóng đôi với cây đề. Lá cây đề hình quả tim lại tương tự ngọn lửa nên trong nhiều tượng Phật ta thấy trên đài sen hoặc trên bệ rắn năm đến bảy đầu thường mang hình lá che đầu. Bởi Phật là gì? Phật là quả tim và khối óc, là lòng từ bi bao la nhưng cũng là trí tuệ vô song. Rồi rằm tháng bảy, ngày tết trung Nguyên, nhân dân ta nhà nào cũng làm cỗ cúng ông bà tổ tiên rồi gia đình ăn tết vui vẻ. Đoái tưởng hôm nay các vong hồn được xá tội, bà con nấu nồi cháo hoa, có thêm bỏng gạo hoặc bỏng ngô với hoa quả, hương vàng để trên bàn đặt giữa sân rồi làm lễ cúng mời các vong hồn về cùng hưởng. Cho rằng các vong hồn sẽ rất đông nên nhiều nhà làm đài bằng lá đa hoặc lá mít, múc chút cháo đổ vào rồi găm ở hàng rào, bụi cây trong vườn, lối ngõ để các vong hồn cô đơn, yếu đuối, già cả, nhỏ bé,… không đủ sức vào tranh cướp lễ vật cũng được hưởng. Tại nhiều chùa, nhà sư hay ông thầy chùa vào đêm rằm tháng bảy cũng làm lễ Vu Lan, ngoài lễ vật là hoa quả, bánh kẹo, cái châu, cái nào cũng có nồi cháo với bỏng ngô, bỏng gạo và dùng đài lá đa, lá mít có chút cháo đặt la liệt xung quanh trong một cái nống trước bàn lễ. Nên Nguyễn Du trong bài văn, Văn chiêu hồn thập loại chúng sinh mới có đoạn: Cũng có kẻ lỡ làng một kiếp, Liều tuổi xanh buông nguyệt bán hoa. Ngẩn ngơ khi trở về già, Ai chồng con tá biết là cậy ai. Sống đã chịu một đời phiền não, Thác lại nhờ hớp cháo lá đa. Đau đớn thay phận đàn bà. Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu!?. (2) 5. Cây đa ở những nơi chẳng thấy cây đa Trong tập hợp cây đa của một làng, người nào đó, nhân vật nào đó hiểu biết rộng, từng trải, có uy tín nắm được nhiều kiến thức sách vở, kiến thức đời sống, nắm được nhiều kinh nghiệm làm ăn, kinh nghiệm ứng xử, làm chỗ dựa cho dân làng, cho cộng đồng. Người ấy, nhân vật ấy thường bày vẽ cho dân làng những điều về lễ tục, lễ hội, về đạo lý, về lịch sử, về hiểu biết nhiều mặt nào đó kể cả những bài thuốc thông thường cũng được cộng đồng dân làng tôn là cây đa, cây đề của dân làng. Từ đó nói rộng ra, nếu nhân vật ấy có uy tín, hiểu biết uyên bát hơn,… thì đó là cây đa, cây đề của cả xã, của một vùng, thậm chí cả quốc gia. Ngay giờ đây, trong một tập hợp đoàn thể nào đó như Hội Văn nghệ, Hội Kiến trúc sư, Hội Giáo chức,… chẳng hạn, hội viên nào vừa có kiến thức văn hóa sâu sắc, rộng rãi bao gồm cả Đông Tây kim cổ, có nhiều tác phẩm hay, có nhiều kinh nghiệm sáng tạo, có nhân cách sống,… cũng được toàn thể tôn là cây đa, cây đề của Hội mình. . Như thế là cây đa đứng cố định tại một vị trí nào đó, đã đi ra ngoài xã hội. Đó là những cây đa đi vào lòng người, đi vào sử sách trở thành nhân vật của một vùng, một xứ sở và cả dân tộc. Bản thân cây đa cổ thụ với những điều nói trên đã là một hiện tượng văn hóa hơn khi cây đa đi vào lòng người với nghĩa bóng của nó được nhân dân tôn vinh, ca ngợi. Trong đất nước ta, những anh hùng dân tộc, những danh nhân văn hóa chẳng phải là những cây đa, cây đề, cây cổ thụ thân to, cành lá cứng cáp, sâu bền gốc rễ, đã tỏa bóng che chở cho muôn dân, chiếu hào quang khắp nẻo đường đất nước và suốt chiều dài của lịch sử đó sao. Như vậy, đâu phải chỉ có cây đa trong không gian một làng mà có nhều cây đa ở những nơi chẳng thấy cây. 6. Cây đa, đối tượng thờ cúng và ban phát. Đó là những cây đa cổ thụ, cùng sống với dân làng hàng trăm năm, chứng kiến bao thăng trầm, bao nỗi đau cũng như bao sướng vui của cả dân làng. Những cây đa như vậy được coi như là linh vật. Đã là một linh vật thì có sinh linh. Trong hệ thống thần linh của nhân dân ta, không ít mộc thần được tôn là Đức Thánh Thái Giám Giá Mộc, Đại Mộc tôn thần, Mộc lôi linh ứng tôn thần, kể cả Thượng Ngàn công chúa cũng là Mộc thần… Người nguyên thủy cho vạn vật có linh hồn; việc tôn trọng và thờ cúng mọi sinh linh, người sau cho đó là đa thần giáo là tín ngưỡng tô-tem, tín ngưỡng vật tổ của mỗi thị tộc. Huống chi cây đa đã từng sống với dân làng, tắm gội với tín ngưỡng và tâm thức dân gian, tắm gội với tín ngưỡng Phật giáo, có tác động tốt đẹp nhiều mặt tới đời sống dân làng nên được dân làng tôn là một đối tượng hoặc biểu tượng thờ cúng. Hơn nữa trong quần thể cây cối ở đồng bằng, cây đa sống lâu hơn cả, rễ độc, rễ chùm bám sâu vào lòng đất, gió mưa bảo tố ít bị lung lay hay làm đổ ngã; mùa hè nắng nóng cành lá vẫn tươi xanh, ít bị khô héo và như đã nói trên tán lá luôn che chở ánh nắng mặt trời. Trong mạch nhựa sống của cây đa có giọt từ bi của Phật giáo, có đạo lý và cốt cách của nhân dân, luôn sinh phúc, sinh lợi cho nhân dân nên đã cùng với một số cây cổ thụ khác như chúng tôi đã kể, được coi là những cây cổ thụ bền vững, tiêu biểu cho ý chí, cho cốt cách, cho sự từng trải, sự hiểu biết được ca ngợi là bậc thế thần, xếp vào hàng thánh triết như tác giả bài Văn tế chúng tôi sẽ dẫn như sau: Được tôn là đối tượng thờ cúng nhưng nghi thức thờ cúng lại rất đơn giản, đơn giản như bản thân cây đa vậy. Có gì đâu thường là một bát hương để trên hòn đá vuông vắn đặt tại gốc cây đa hay trong hốc cây đa (nếu đó là cây đa sầu) hoặc một bàn thờ nhỏ treo lủng lẳng dưới một cành đa. Một số làng có miếu thờ cây đa cùng với miếu thờ thổ thần. Dù thế, cây đa có cần chi, cây đa chỉ biết ban phát, ban phát vô tư, ban phát bóng mát cho nhân dân, ban phát chỗ ở, chỗ vui chơi, nhảy nhót, ca hát và thức ăn cho chim chóc như đã nói ở trên. Ngoài ra còn: – Ban tài lộc cho nhân dan, nên hằng năm ngày tết đến, cúng giao thừa xong, bà con ta thường đi hái lộc cành đa. Sách Từ điển văn hóa cổ truyền Việt Nam (3) trong mục từ Hái lộc tết nói “Đúng giao thừa, người trong nhà ra vườn hái một nhành lá bất kỳ, mang vào nhà xem rồi trân trọng đặt lên bàn thờ ngày Tết hoặc cắm vào lọ hoa”, tôi cho biết như vậy không chính xác. Người dân Hà Nội trước đây, cúng giao thừa xong đi chùa Ngọc Sơn và các chùa khác hái lộc cành đa là chủ yếu. Người dân quê tôi (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cúng giao thừa xong ra chùa Súng Nghiên ở huyện Hậu Lộc hái lộc cành đa. Ở nhiều nơi khác cũng vậy, họ không hái nhành lá bất kỳ đâu. Cành đa nho nhỏ chỉ vài lá với cái lộc non còn được cùng với dăm thỏi vàng, vài cái lá dứa và cái bùa buộc ở ngọn cây nêu và buộc ở ngay gian giữa hè nhà chính trong mỗi gia đình vào ngày tết. Ngoài ra cây đa còn là nơi trú ngụ vào ban đêm, vào mùa hè của những kẻ hành khất, cái sập hay cổ ván ngồi, nằm của nhiều gia đình, cái hộp (quan tài) của những người già cả lúc qua đời. 7. Phần kết thúc Như vậy, tôi đã đề cập cây đa trong hiện thực cuộc sống từ xưa đến nay; cây đa với tâm thức và tín ngưỡng dân gian, cây đa với tín ngưỡng Phật giáo, cây đa ở những nơi chẳng thấy cây đa, cây đa một đối tượng thờ cúng và ban phát,… thế mà có cô gái “hĩm” “cái sự đời” của cô ta trong một bài ca dao: Sáng trăng em ngỡ tối trời, Em ngồi em để sự đời em ra. Sự đời như cái lá đa, Đen như mõm chó, chém cha sự đời. (4) Và trong một bài thơ, Chêu Hồ đã “lỡm” Hồ Xuân Hương: Bao giờ thong thả lên ngơi nguyệt, Cho cả cành đa lẫn củ đa. Âu cũng chỉ có một số câu như vậy thôi. Sự đời là thế, Thánh nhân, Hoàng đế còn có kẻ dèm pha, khích bác huống chi cây đa, cành đa, lá đa,… còn nói chung, trong ca dao, hình ảnh cây đa thật nên thơ, gợi cảm, gắn bó bao trái tim, bao lời lẽ ân tình. Xin dẫn vài câu. Trăm năm dù lỗi hẹn hò, Cây đa bến cũ con đò khác đưa. Cây đa bến cũ còn lưa, Con đò năm ngoái xưa mô rồi. – Cây đa bến hẹn, Cây đa bến chờ Mặn nồng là thế, hững hờ được sao! – Cây đa rụng lá đầy đình Bao nhiêu lá rụng thương mình bấy nhiêu. Để kết thúc bài viết này, tôi xin mượn bài Văn tế gãy trôi của cụ Nguyễn Hữu Xước ở làng Phan Thôn, xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) để nói lên tấm lòng, sự găn bó, tiếc nuối một cây cổ thụ trong làng chẳng may bị chết như thế nào (5). Trên tôi đã nói, trong làng quê trước kia có nhiều cây cổ thụ. Ngôn ngữ và hình ảnh tác giả sử dụng để nói về cây trôi cũng đúng như để nói về cây đa. Hỡi ơi! Đất lệch trời nghiêng, sao dời vật đổi. Ngao ngán cây cao trăm thước, búa trăng rìu sấm nỡ cầm lòng; Ngậm ngùi cành rũ tứ bề, gươm gió giáo xương chi đến nỗi! Trăm kẻ qua nghìn người lại, cơn vinh khô (6) trông thấy cũng xinh ghê; nghìn năm có một lát không, lối kim cổ nghĩ thêm càng tủi hổ Nhớ trôi (đa) xưa: Cơn (cây) cả hơn bồ; cành to bằng cối Lớn hết hai ôm, cao không kẻ với Muốn giống dây leo; tứ bề u nổi Chống trời rũ xuống lòa xòa; đạp đất lên vọi vọi Dẻo dai gan sắt, trải xuân thu những mấy trăm năm; Súc sỉu da mồi kể giáp tí biết bao nhiêu tuổi. Lời ca vịnh vào hàng thánh triết (7), há bất tài mà được sống lâu: câu ví, đem sánh với bậc thế thần (8), phải vô dụng chi mà thác vội. Mấy dạo trồng sương trổ tuyết, cắm tiêu lên cho thiên hạ quan chiêm; Đòi phen quạt nắng che mưa, ghé bóng lại để hương thôn tụ hội. Ong giữa mùa xuân vui vẻ, cánh cắp hoa bay tới lừng lừng; Trẻ đang tiết hạ sum vầy, dùi ném quả vứt lên thụi thụi. Những ước bền quai dai cuống, trong làng cũng một cảnh xinh thay; Càng mong rậm lá xây cành, trên đất hãy muôn đời rắn rỏi. Ai ngờ! Cành nọ héo khô; lá kia rụng trụi Gốc thiên thu thôi phút chốc đã xơ bơ; cơn nhất đán (9) còn gì mà nấp nuối. Sự cơ xem như thế cũng buồn; Cơn cơ biết vì đâu mà nói …Thương ôi! Muôn kiếp cây trôi; Đôi dòng nước xối Chua xót lòng hoa dạ cỏ, sầu nằm canh đồng nội dế kêu; Sụt sùi bác gió thấy mưa (10) , khóc ba tháng đường đi bùn lội. Chim nhớ tổ bay qua lại, con xỉa lông, con đạp cánh lung tung; kiến tiếc hang leo xuống leo lên, lũ cắp trứng lũ tha mồi tủi hủi. Đau lòng khôn cất mặt, dãy tre làng cúi mãi xuống khong khong; Xót ruột phải trằn mình đoạn đường cái nằm dài ra thuội thuội,,, Rày nhân Tháng chạp mới đầu, năm đầu đã cuối. Bát tà đông tiết, mượn lò tạo hóa đun sôi; Đĩa bánh xuân hoa, cậy thợ thiên công đùm gói Cưa cắt cây sầu khôn đứt, anh mai em trúc đứng bày hàng; Vang lừng tiếng khóc chưa thôi, con yếu vợ cưa ngồi chật lối Ở dưới sông hay trên núi, hồn đi đâu về hưởng tấm lòng thành; Trỏ mặt nước với chân mây, lễ là vậy xin yên trong một cõi. Ôi, than! Chú thích (1) Lý Tế Xương, Việt Điện u linh, phần Quốc Tử giám tu nghiệp, Nguyễn Chất lục bổ Nxb. Khoa học xã hội Hà Nội, 1972, tr.114. (2) Nguyễn du, Cuộc đời và tác phẩm, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001. (3) Hữu Ngọc (chủ biên), Từ điển văn hóa cổ truyền Việt Nam , Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1995. (4) Bốn câu này có người dịch sang tiếng Trung Quốc: Nguyệt minh ngã ngộ hôn thiên, Muội tọa muội trí trần duyên muội bài. Trần duyệt tự nguyệt diệp đài. Hắc nhi uyển khẩu trảm xài trần duyên. (5) Ở làng tác giả có một cây trôi sống đã lâu năm, nhưng một năm tự nhiên khô héo rồi chết. Theo người đọc ghi lúc cây trôi làng Phan Tôn chết cũng là lúc dân tộc ta bị thực dân Pháp xâm lược, liên hệ gắn bó giữa cây trôi và dân tộc lúc đó, trong bài văn tế này chăng! (6) Cơn vinh khô: Cũng như lúc xinh tươi (7) Thánh triết: Thánh nhân hiền triết, chỉ cây cổ thụ này đã sống lâu năm; chứng kiến hiểu biết nhiều việc đổi thay trong làng xóm, có thể sánh với thánh hiền. (8) Thế thần: đời đời làm quan đại thần, ví cây cổ thụ này như những danh nhân, cột trụ của quốc gia. (9) Nhất đan: Cũng như phút chốc (10) Bác gió thấy mưa: cho chữ Phong bá vũ sư. |
Cập nhật ( 08/04/2011 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com