CÀNH MAI BẤT TỬ * Lưu Thủy Đôi khi đứng nhìn dòng nước chảy, rồi liên tưởng tới cuộc đời, ta sẽ thấy dòng nước và cuộc đời sao mà giống nhau. Sông núi, cảnh vật, thế giới, con người và những câu chuyện của con người… đều luôn biến đổi. Bởi cái gì cũng biến đổi như thế, nên đôi khi con người không biết lấy gì để làm điểm tựa trong cuộc sống. Nhưng qua một bài thơ của thiền sư Mãn Giác (Việt Nam, 1052–1096), tạm gọi là bài kệ Cáo Tật Thị Chúng, chúng ta sẽ được biết đến một nhân sinh quan rất siêu tuyệt của Phật giáo đối với vấn đề này: Cáo tật thị chúng Xuân khứ bách hoa lạc Xuân đáo bách hoa khai Sự trục nhãn tiền quá Lão tùng đầu thượng lai. Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, Đình tiền tạc dạ nhất chi mai! Bài thơ này được thiền sư sáng tác trước khi thị tịch vào năm 1096, đời vua Lý Nhân Tông, Việt Nam. Lời thơ chính là lời nhắn gởi cuối cùng của thầy đến các đệ tử thân yêu. Đã có nhiều học giả dịch bài này, nhưng phổ biến nhất là bài dịch sau: Bảo có bệnh dạy chúng Xuân đi trăm hoa rụng Xuân đến trăm hoa cười Trước mắt việc đi mãi Trên đầu già đến rồi. Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết, Đêm qua, sân trước một cành mai! Thiền sư ra đi vào tháng 11 trong năm. Vào tháng đó, mùa đông đang qua, mùa xuân sắp về theo những nụ đào nụ mai nở sớm. Hoá thân vào những đóa hoa, trở thành một với thiên nhiên, thiền sư đã nhận ra được điều gì đó rất tế nhị. Mà qua bài thơ, ngài đã nhắn gởi lại đôi điều cho chúng ta… “Xuân khứ bách hoa lạc” dịch thành thơ: “Xuân đi trăm hoa rụng” là đúng nghĩa. Số từ vẫn đồng: năm từ. “Khứ, bách” thuộc thanh trắc, “đi, trăm" thuộc thanh bằng. Vậy âm điệu của câu đầu sau khi dịch đã hơi khác. Nhưng không hề gì khi ghép câu này vào toàn thể bài dịch. Mùa xuân đi qua với rất nhiều hoa đã rơi rụng. Điều này tự nhiên quá, ai cũng đồng ý. Câu này hợp với câu sau thành đoạn mở đề của bài. “Xuân đáo bách hoa khai” đã dịch thành thơ: “Xuân đến trăm hoa cười”. Số từ vẫn đồng: năm từ. Âm điệu vẫn đồng: vì “đến” có âm trắc đã kéo khoảng giữa câu dịch lên, không đều đều như câu dịch đầu nữa. Nhưng về nghĩa thì chúng ta hãy chú ý: “khai” là “nơ”, đối với hoa, sao lại dịch thành “cười”? Nở, là bình thường. Chứ cười, là có một cái gì khác. Phải chăng dịch giả đang là hoa nên mới biết rằng hoa đang cười? Một đoá hoa khi bung ra, về vật lý thì gọi là hoa nở. Nhưng nhà thơ nào phải là nhà vật lý học. Nếu ai đó ngắm hoa mà chỉ thấy rằng hoa đang nở, thì người ấy sẽ không biết làm thơ. Nhìn một mặt người tươi tắn với nụ cười, ta sẽ thấy như một đoá hoa vừa xoè cánh, tươi rói. Vậy “hoa khai” là “hoa cười” đối với thi nhân. Còn đối với thiền sư thì sao? Nếu “hoa khai” dịch là “hoa cười” thì “hoa lạc” nên dịch thành “hoa sầu, hoa thảm”. Nếu một thiền sư mà còn thấy vui và buồn trên những đoá hoa thì thiền sư ấy đang còn vương vấn trong phàm tình. Như vậy, “hoa cười” vẫn là hoa nở chứ không có ẩn ý tình cảm gì ở đây. Có vậy mới gọi là thiền. Mùa xuân đến rồi đi, có những đóa hoa nở rồi rụng, chuyện bình thường quá. Tác giả muốn đưa chúng ta đến đâu đây? Chúng ta hãy tìm hiểu hai câu luận kế tiếp. “Sự trục nhãn tiền quá” nghĩa là “Việc đuổi theo, trước mắt qua”, dịch thơ là “Trước mắt việc đi mãi”. Ta thấy, trong nguyên tác không hề có “đi”, cũng không hề có “mãi”. Nhưng “đi mãi” ở đây cũng hợp lý. “Đi mãi” là chỉ cho việc đời cứ đuổi theo, đuổi theo, nối nhau, như nước chảy qua cầu, không ngừng… “Lão tùng đầu thượng lai” nghĩa là “Cái già theo trên đầu đến”, dịch thơ là “Trên đầu già đến rồi”. Trong nguyên tác làm gì có chữ nào mang nghĩa là “rồi”. Vì sự không tương đồng giữa Hán ngữ và Việt ngữ, nên buộc lòng phải thêm thắt khi dịch để sáng tỏ nghĩa. Chắc khi nhìn lên trên đầu, vị thiền sư 45 tuổi đã thấy dấu hiệu mùa thu của cuộc đời nơi mái tóc hoa râm. Do đó thiền sư bảo: trên đầu già đến rồi! Đến, đi, nở, rụng là biến đổi, thuật ngữ nhà Phật gọi là vô thường. Khi mở đề, tác giả lấy ngoại cảnh, gồm mùa xuân và hoa, để nói về vô thường. Qua phần luận, tác giả nói về việc đời và con người. Việc đời thì cứ liên tục tiếp diễn, con người thì phải già, phải biến dị, không riêng gì tác giả. Vậy từ ngoại cảnh, cho tới xã hội và cả chính con người đều vô thường. Nhưng ở đây, chúng ta thấy rằng thiền sư chỉ đưa ra nhận thức khách quan. Cả bài thơ không hề có một từ nói về sự bệnh hoạn đau thương. Đó là thực tại, là tính cách của thiền. Thiền không bao giờ có kết luận, nhưng một tác phẩm thi ca thì phải có kết thúc. Bởi vì tác phẩm là hữu hạn so với thiền là vô cùng. Hai câu kết, thiền sư đã phủ định trước khi đưa ra một gợi ý. “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận” dịch là “ Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết”. Câu dịch này rất hay, đúng và đủ. Tuy hiện tượng của mùa xuân là như vậy đấy, tuy hiện tượng của việc đời là như vậy đấy, tuy hiện tượng của con người là như vậy đấy, nhưng bảo rằng “đã hết” thì có đúng không? Xuân khứ và hoa lạc, sự thật này là khách quan. Nhưng bảo “lạc tận”, “rụng hết” thì thiền sư không chấp nhận. Ngài bảo: “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”, dịch thơ là “Đêm qua, sân trước một cành mai”. Xuân xem như qua rồi. Kìa trong đêm hôm vẫn có một cành mai vươn lên ở trước sân. Sự thật đó có ý nghĩa gì? Một cành mai, dĩ nhiên là cành có lá, có nụ. Nếu chỉ là cái cành trơ trụi thì nói làm chi. Xét “đình tiền” nghĩa là “trước sân”, là chỉ vị trí cây mai trước cái sân, có thể là một cây mai mọc hoang, tự nhiên. Còn “sân trước một cành mai” là chỉ vị trí cây mai ở trong cái sân trước, có thể là một cây mai được người chăm sóc, cắt tỉa… Tuy nhiên, chúng ta không nên câu nệ từng chữ. Thiền sư đã chỉ ra ít nhất là một cành mai để khiến chúng ta phải xem lại nhận thức “rụng hết” của mình đã đúng chưa, đó là ý nghĩa của câu cuối. Nhất chi mai, thật mỏng manh, nhưng vẫn là một mầm sống, cho thấy cuộc sống vẫn tiếp diễn, trong đêm âm thầm, ở một góc nào đó của thế giới. Chúng ta thường có tính nông cạn. Khi biết đến vô thường theo giáo lý, ta vội đóng khung cuộc sống vào khái niệm vô thường, mà ta quên rằng vô thường là thực tại. Chính vì không xem xét tinh tường như thiền sư, ta đã trở thành kẻ nông cạn. Rồi khi hiểu chưa trọn, ta đã e ngại, là có thái độ, có phản ứng. Ta thường có khuynh hướng bắt mọi việc xảy ra đúng như nhận thức của mình thì mới yên tâm. Sao chúng ta không bình tĩnh như thiền sư, để có thể thấy rằng cuộc sống có trước khái niệm, cuộc sống nằm ngoài khái niệm, và thực tại không có tên cũng như không có chặng đầu hay chặng cuối? Nhất chi mai đã vươn lên trong tâm hồn chúng ta chưa?… Tóm lại, theo quyển Thiền Sư Việt Nam của hoà thượng Thích Thanh Từ, vào cuối tháng 11 năm 1096, thiền sư Mãn Giác đã gọi các đệ tử lại dạy bài Cáo Tật Thị Chúng rồi an nhiên ra đi. Qua bài thơ này, ngài gián tiếp nói về sự ra đi của mình. Ý tứ bài kệ của ngài thì sâu sắc như vậy, mà nghệ thuật dùng trong bài kệ cũng rất thi vị, uyển chuyển và mang tính khái quát rất cao. Bốn câu đầu năm chữ, còn hai câu cuối bảy chữ, làm cho bài kệ uyển chuyển hơn hẳn các bài thơ theo thể Đường luật. Cổ điển, sâu sắc và thi vị, chính vì vậy bài thơ đã trở thành bất tử trước dòng thời gian. |
Cập nhật ( 24/01/2011 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com