CÁI LỚN CỦA ĐÀO TẤN QUA BỘ TUỒNG PHONG THẦN * Nguyễn Thế Khoa Trong các vở tuồng kiệt xuất của Đào Tấn, có hai vở mượn tích truyện “Phong thần” của Trung Hoa là “Trầm hương các” và Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan” với các nhân vật chính đều là Trụ Vương, Đát Kỷ, Hoàng Phi Hổ. Hai vở tuồng ấy có thể coi là một bộ tuồng nói về sự diệt vong tất yếu của một triều đại bi hài, vua thành hôn quân, gian thần lộng hành, tà chính đảo điên, trắng đen lẫn lộn, người ngay lâm vạn, tiểu nhân đắc ý. Tuy vậy, mỗi vở lại có một nhiệm vụ riêng. Nếu “Trầm hương các” là câu chuyện về lũ yêu ma tràn ngập cung cấm, bắt đầu làm hư hỏng vua, đình đốn triều chính và quyết tâm trừ diệt chúng của những bậc trung thần thì “Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan” là tiếng kêu tuyệt vọng “Trung quân chi chí cánh nan thành”, cho thấy mọi ý đồ chấn hưng triều chính điều thất bại, Trụ Vương đã thật sự là một hôn quân vô đạo, triều Thương Trụ đã thành một thứ quái thai lịch sử cần phải loại bỏ. Đã từ rất lâu, người ta quen theo lối đánh giá trong một bài viết của nhà nghiên cứu Hà Văn Cầu, coi “Trầm hương các” là “một mô hình cung cấm thời Đồng Khánh”. Thực ra, đây là một chỉ định khá mơ hồ, khiên cưỡng. Trong “Trầm hương các”, quả là có một số lớp Đào Tấn mô tả đầy tính hài hước những hành động lố bịch của một ông vua hám gái quên hết trách nhiệm với dân nước bằng những chi tiết “sâm banh” “bít tết”, “sửa bò”, “cháo gà”, thay câu “muôn tâu bệ hạ” cổ xưa bằng câu “Dám đạt quốc trưởng” hiện đại, rõ ràng có ý ám chỉ một triều đại tuổi nhục như thời Đồng Khánh cũng như các vị vua Nguyễn cam tâm làm bù nhìn cho ngoại bang, yên hưởng lạc thú, mặc non nước nghiêng ngèo. Nhưng “Trầm hương các” không nhằm mô tả một mô hình cung cấm cụ thể nào. Đây được coi là một trong những tác phẩm lớn nhất, giàu tính tư tưởng, nhiều chất tâm linh nhất của nhà soạn tuồng Đào Tấn. Giá trị tư tưởng cũng như nghệ thuật của một vở tuồng như thế không thể chỉ được đánh giá qua một vài chi tiết ám chỉ thông thường mà phải được nhận diện qua sự phát triển chuyện kịch, hệ thống nhân vật và kết cấu của tác phẩm. “Trầm hương” bắt đầu từ một trung thần như Thương Dung, Hoàng Phi Hổ coi là thái bình thạnh trị. Có thể thấy điều đó qua những lời giáo tuồng của tể tướng Thương Dung: Rày thấy thương triều thịnh trị Lại thêm thánh chúa khang cường Trong quần thần trọn giữ Ngoài trăm họ lòng dân tin mến Mọi chuyện chợt đảo lộn từ khi Thương Dung đưa Trụ vương ngự giá hành hương thăm “Trầm hương các”, ngôi đền thờ tượng thần Nữ Oa bằng gỗ trầm hương nổi tiếng linh thiêng, để cầu quốc thái dân an và xin giữ vững ngai vàng. Trước bức tượng người đàn bà quá đẹp, Trụ Vương nổi máu háo sắc, buông lời cợt nhã giữa chốn tôn nghiêm. Thần Nữ Oa hết sức tức giận, cho Trụ Vương phạm thượng, tội bất khả dung, sai Hồ Ly tinh nhập hồn vào Đát Kỷ, cô con gái nhan sắc vô song mà biên quan Tô Hộ sắp đem dâng lên Trụ Vương, quyết làm mê muội Trụ vương, khuynh đảo Thương triều. Từ đó, Hồ Ly mượn lốt Đát Kỷ nhập cung, hút hồn trụ Vương, biến vị vua “khang cường” thành một chú hề dại gái tội nghiệp, đắm chìm trong tửu sắc, bỏ bê triều chính, chiếm ngôi hoàng hậu, đòi xây Bá Lộc đài làm chốn trác táng, nhân việc mở quần tiên hội để tụ tập yêu ma nhiễu loạn cung đình. May nhờ sự cảnh giác của tể tướng Thương Dung và Võ Thành vương Hoàng Phi Hổ, lũ tiểu yêu của Đát Kỷ Hồ Ly đã bị phát hiện và tiêu diệt. Như vậy, “Trầm hương các” dừng lại ở chuyện yêu ma xâm nhập hoàng cung, làm trụy lạc quân vương, bối rối quần thần và cuộc chiến giữa những người trung nghĩa với yêu ma đang bất phân thắng bại. Hồ Ly dù đã bắt ngôi hoàng hậu nhưng lũ tiểu yêu tay chân vừa đội lốt tiên nhập cung đã bị thiêu sạch. Vở tuồng kết thúc với câu nói đầy hy vọng của Hoàng Phi Hổ “Cơ nghiệp ngàn năm sẽ được yên”. Với kết cấu trên, chưa thể coi vở tuồng này là bản cáo trạng một vương triều phong kiến như có nhà nghiên cứu khẳng định. Bản cáo trạng ấy Đào Tấn sẽ viết, nhưng ở vở tuồng sau, “Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan”, còn “Trầm hương các” mới chỉ là tiếng chuông báo động khẩn cấp về một nguy cơ, một thảm hoạ sẽ tới nếu không được kịp thời ngăn chặn. Cái lớn lao, sâu sắc, thâm thúy của Đào Tấn trong “Trầm hương các” là ở lời cảnh báo: bọn ma quỷ thường dấu tâm địa tăm tối, mưu mô quỷ quyệt dưới một khuôn mặt đoan trang nhan sắc, trong bàn tay dịu dàng êm ái, giữa những ngôn từ ngon ngọt chân thành. Đó có thể là bọn xâm lượt Pháp đang đến nước ta dưới chiêu bài đô hộ khai hóa mỹ miều mà cũng có thể là các thế lực xấu xa mọi thời. Và điều này nữa, qua “Trầm hương các”, Đào Tấn muốn nhắc ta: khi đắc ý, thỏa mãn, không kiềm chế được bản năng, dục vọng, khinh nhờn những điều linh thiêng, nhạo báng thánh thần, thì con đường từ đấng minh quân trở thành kẻ đần độn, từ thời thịnh trị đến hồi mạc vận của một con người, một triều đại, chỉ là gang tấc. “Trầm hương các” là một tác phẩm lớn, rất lớn của Đào Tấn, vì đã diễn đạt rất hay, rất tuyệt diệu những gắn gửi cần cho muôn đời đó. “Trầm hương các” là vở tuồng có sự xuất hiện, can thiệp vào thế giới người của cả Thánh thần (thần Nữ Oa), Tiên Phật (Văn Xương Tử, Bồ Tát, Địa Tạng), Yêu quỷ (Hồ Ly và đám tiểu yêu). Đào Tấn đã kết hợp rất tài tình cái thực và màu sắc huyền thoại trong vở tuồng này. Một số vở khác của Đào Tấn cũng có sự xuất hiện của yếu tố Thần, Phật, Yêu nhưng không đậm đặc như trong “Trầm hương các”. Hầu như không có những lớp giao tranh võ công như các vở tuồng khác (chỉ có một lớp Hoàng Phi Hổ đánh yêu gần cuối vở), hầu hết là những cảnh sinh hoạt, “Trầm hương các” được coi là một vở tuồng văn tiêu biểu của Đào Tấn, có nhiều lớp tuồng rất hay, rất lạ như lớp “Trụ vương giỡn tượng”, “Hồ ly nhập hồn Đát Kỷ”, “Trụ vương – Đát Kỷ”, “Quần yêu tụ hội”, Lớp tuồng “Trụ vương – Đát Kỷ”, là một lớp quan trọng trong “Trầm hương các”. Lớp tuồng này cho thấy chỉ trong một thời gian ngắn nhập cung, Đát Kỷ Hồ Ly đã hoàn toàn mê hoặc Trụ vương, biến tên vua háo sắc này thành một con rối dễ dàng sai khiến. Lớp tuồng này được ca ngợi việc Đào Tấn đã “đời thường hóa” cũng tức đã “hiện đại hóa” rất tài tình ngôn ngữ của Trụ vương và Đát Kỷ nhằm gợi đến những điều chướng tai gai mắt trong hoàng cung triều Nguyễn thời ấy. Tình tiết đáng chú ý nhất trong lớp tuồng là việc Đát Kỷ, chỉ bằng một chút õng ẹo đã buột Trụ vương cho đốt Gươm tùng, bửu bối trừ yêu do đạo sĩ Văn Xương Tử dâng tặng khi phát hiện thấy hoàng cung có yêu khí, để từ đó hoàn toàn tự do tác yêu tác quái. Nếu Đát Kỷ Hồ Ly được coi là hình ảnh ẩn dụ của bọn phú lăng sa xâm lược thì chi tiết này mang một ý nghĩa đả kích rất lớn: một chút hờn mát của bọn xâm lược cũng đủ khiến nhà Nguyễn vô hiệu hóa toàn bộ sức mạnh chống ngoại xâm của nhân dân và giới sĩ phu yêu nước, biến đất nước thành miếng mồi ngon trước tham vọng của ngoại bang… Với “Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan”, câu nói tràn đầy niềm tin để kết vở tuồng “Trầm hương các” của Võ Thành Vương Hoàng Phi Hổ mà ta vừa nhắc trên đã trở thành một câu thậm hài hước khi vị tướng quân trừ yêu giữ lấy ngai vàng cho Thương triều ấy đã phải gánh chịu thảm họa từ chính cái triều đình, cái ông vua mà mình đã thành tâm sùng tín, bảo vệ. Khác với sự thong thả, từ tốn của “Trầm hương các”, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan” đã khởi đi rất “nóng”, rất quyết liệt bằng lớp tuồng “Gián thập điều”. Thái sư Văn Trọng, bậc khai quốc công thần sau những năm xuất quan chinh phạt miền biên viễn phía Bắc “ngày những lo đại thắng chiến trường/đêm mơ việc trừ tà tôn chính”, giặc tan, vội vã hồi kinh thành, ông bất ngờ nhìn thấy Bá Lộc đài cao nghìn trượng được xây bằng sự cực nhọc của trăm họ, trên mọi đau khổ của bá tính, lại nghe bá quan trần tình nguyện Trụ vương bất chấp mọi “dĩ nghĩa trực ngôn”, chỉ nghe theo Đát Kỷ và hai kẻ gian nịnh Bí Trọng, Vưu Hồn, “tửu sắc hoang dâm tháng tháng/cương thường vận loạn ngày ngày”, xây Bá Lộc đài làm chốn ăn chơi, lập Bảo Lạc hình thiêu chết mọi trung thần, dám tỏ lời can gián, thực sự trở thành một hôn quân vô đạo. Văn trọng nổi giận đánh trống triệu vua “gián thập điều” đời Trụ vương thực hiện. Với kim giản do tiên đế truyền lại có quyền “tiên đả hôn quân hậu đả gian thần”, văn trận buộc vua phải chấp thuận tất cả mười điều yêu cầu cứu vãn sơn hà của mình, kể cả ba điều Trụ vương nhất định không phê bút: phá Bá Lộc đài, phế Đát Kỷ, giết Bí Trọng, Vưu Hồn. Tuy vậy, lúc Văn Trọng đang ra lệnh khẩn cấp phá Bá Lộc đài, giết Bí Trọng, Vưu Hồn thì có tin báo giặc tràng đến biên cương phía Đông, như được phao cứu xin, Trụ vương liền yêu cầu Văn Trọng gấp rút “lĩnh án đề binh thảo tặc”, hứa sẽ sửa mình, tu nhân tích đức. Văn Trọng đành phải tuân chỉ lên đường. Trước khi đi Văn Trọng nhường chén rượu tống hành của vua cho Hoàng Phi Hổ, cậy nhờ vị nguyên súy trung chính nầy ở lại “Khuôn phò nội trị” và dặn lời tâm huyết “vua có lỗi, tôi phải can, can bằng không được thì lấy cái chết mà can”. Văn Trọng đi rồi, Trụ vương không những không hề sửa mình như lời hứa với Văn Trọng mà càng mê muội hơn trong vòng tay Đát Kỷ, dấn sâu thêm vào tội ác. Một hôm, Giả Thị – vợ Phi Hổ, vào cung thăm Thứ phi, vốn là em ruột Phi Hổ, Trụ vương gặp, định cưỡng dâm, không được, đã đá Giả Thị cùng Thứ phi ngã xuống lầu chết. Nghe báo tin dữ Phi Hổ vô cùng đau đớn, từ trong vô thức chợt bật lên thành lời cái câu nổi tiếng “Lệnh phụ hữu ân hà nhẫn phế/ Trung quân chi chi cánh nan thành” (chồng vợ ân sâu, tình sao bỏ/ cái chí trung quân thật khó thành). Tuy vậy, khi các tướng tâm phúc quá căm hận, đòi đi tìm Trụ vương trả thù, Phi Hổ hai lần gạt phắt, bởi ông vẫn không vì mối thù nhà mà quên hết ơn vua. Mãi đến khi họ thẳng thắn công kích không thương tiếc thái độ ngu trung, khích rằng ông chỉ vì quyền cao chức trọng mà sẳn sàng hi sinh cả Thứ Phi, Giả Thị, Hoàng Phi Hổ uất quá ngất đi. Từ đó Phi Hổ tỉnh ngộ, ông không dùng cái chết để can gián vua như căn dặn của Thái sư Văn Trọng mà cùng các đồng chí đồng đội dấy binh trả thù nhà, rồi tìm cách thuyết phục cha mình, một bậc công hầu trấn ải Giới Bài quan, phế Trụ đầu Chu, “một đoàn chí ái chí thân” cùng tìm đến một miền đất mới. Hai nhân vật trung tâm của “Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan” là Văn Trọng và Hoàng Phi Hổ, là hai trung thần điển hình và cũng là hai kẻ bất trung điển hình. Cả hai vì vua mà vào sinh ra tử, chinh Đông phạt Bắc, diệt quỷ trừ yêu, tận trung với triều Thương với vua Trụ. Nhưng trước những tội chứng rành rành của Trụ vương, mỗi người một cách, cả hai đều đã phản kháng quyết liệt và điều trở thành những kẻ bất trung theo quan niệm quân thần phong kiến. Văn Trọng không ngần ngại xem vua như một đứa trẻ hư hỏng lầm lạc, cần phải nghiêm khắc răng dạy. Không chỉ dâng biểu “Gián thập điều”, ông còn buộc Trụ vương nhất thiết thực hiện mười điều can gián đó. Hình ảnh vị thái sư già cương trực đứng bên ngai vàng, trước tất cả quần thần, buộc vua làm theo ý mình, cầm tay Trụ vương buộc bút phê phế Đát Kỷ, giết Bí Trọng, Vưu Hồn, phá Bá Lộc đài chính là hình ảnh thật lẩm liệt của tội “khi quân”, cái tội nặng nhất trong luật pháp của một vương triều. Không lẫm liệt như Văn Trọng, là nạn nhân của ông vua mà mình hết lòng thờ phụng dù rất dằn xé và đau đớn, dứt áo ra đi nhưng vẫn “Lụy san san nữa đi, nữa ở/nặng tất lòng vì nợ quân thần” Hoàng Phi Hổ cũng đã đoạn tuyệt được với chữ trung quân mù quáng mà mình hằng canh cánh, sẳn sàng lựa chọn hành động bất trung lớn nhất: đem binh mã bao vây hoàng cung để khỏi tội vua và cuối cùng quyết tâm phế bỏ triều đại mình đã từng tận trung, để đến với một triều đại anh minh hơn, nhân ái hơn, xứng đáng cho mình phục vụ hơn. Với “Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan”, Đào Tấn đã thực sự chôn vùi hai chữ trung quân mù quáng. Ông đã đưa một cách hiểu mới đầy tinh thần dân chủ, đầy tính cách mạng vào quan hệ “quân thần” “theo quan niệm” “tam cương ngủ thường” phong kiến: khi “quân” đã không anh minh, đã thực sự vô đạo thì thần không thể một dạ trung thần là lẽ đương nhiên và sự “khi quân”, hành động phản loạn bát trung lại là biểu hiện cao nhất của chữ trung. Cái mới nữa ở đây là thức tỉnh của Hoàng Phi Hổ, quyết tâm từ bỏ chữ trung phi nhân, lỗi thời được quyết định bởi sự tham gia của các tướng tâm phúc, ở khía cạnh nào đó là đại diện cho lực lượng quần chúng nhân dân đông đảo./. |
Cập nhật ( 30/05/2010 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com