CÁC NGÀY LỄ QUAN TRỌNG TRONG PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY * Bình Anson Đa số Phật tử chúng ta đều quen thuộc với các ngày lễ trong truyền thống Phật Giáo Đại Thừa (Mahayana). Ở đây, chúng tôi xin vắn tắt ghi lại để giới thiệu đến quý đạo hữu về các ngày lễ chính trong truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravada). 1. Rằm tháng Giêng – Ngày Đại hội Chư Thánh Tăng (Magha Puja): Kỷ niệm ngày 1250 vị A La Hán đệ tử của Đức Phật, tuy không hẹn trước mà cùng nhau về đảnh lễ Ngài. Trong dịp nầy, các vị tỳ kheo cùng nhau tụng đọc lần đầu tiên 227 điều giới luật. Sau đó, Đức Phật có giảng một bài pháp, tóm tắt qua các câu kệ được ghi lại trong kinh Pháp Cú:
Thành tựu các hạnh lành, Tâm ý giữ trong sạch, Chính lời chư Phật dạy. (PC 183) Chư Phật thường giảng dạy; Nhẫn, khổ hạnh tối thượng; Niết bàn quả tối thượng; Xuất gia không phá người; Sa môn không hại người. (PC 184) Không phỉ báng, phá hoại, Hộ trì giới căn bản, Ăn uống có tiết độ, Sàng tọa chỗ nhàn tịnh Chuyên chú tăng thượng tâm, Chính lời chư Phật dạy. (PC 185) Đây cũng là ngày kỷ niệm Phật Di Chúc, như đã ghi lại trong kinh Đại Bát Niết Bàn (Trường Bộ Kinh), khi Đức Phật cho biết rằng Ngài sẽ nhập diệt sau 3 tháng. 2. Rằm tháng Tư – Ngày Tam Hợp (Vesakha Puja): Lễ Tam Hợp là lễ kỷ niệm 3 dịp trọng đại,:Phật Đản, Phật Thành Đạo, và Phật Nhập Niết Bàn. Đây là ngày lễ quan trọng nhất của Phật Giáo, và ngày Đản Sinh nầy đều được mọi tông phái tôn trọng. Theo kinh điển nguyên thủy, Đức Phật sinh năm 623 T.C.N, xuất gia năm 29 tuổi, thành đạo năm 35 tuổi. Ngài hoằng dương Chánh Pháp trong 45 năm và nhập diệt năm 543 T.C.N. khi Ngài 80 tuổi. 3. Rằm tháng Sáu – Ngày Chuyển Pháp Luân (Asalha Puja): Đây là ngày Đức Phật giảng bài pháp đầu tiên — Chuyển Pháp Luân (Tương Ưng Bộ Kinh) — về Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo, cho 5 anh em Kiều Trần Như. Còn gọi là ngày Tăng Đoàn (Sangha Day), vì sau khi giảng bài pháp đó, anh em Kiều Trần Như xin quy y với Đức Phật và trở thành những vị tăng sĩ đầu tiên của Phật Giáo. Trong truyền thống Nam Tông, sau ngày nầy là các vị tỳ kheo bắt đầu nhập hạ (an cư kiết hạ) trong 3 tháng. 4. Rằm tháng Chín – Ngày Tự Tứ (Pavarana Day): Còn gọi là ngày Xuất Hạ, sau 3 tháng nhập hạ của chư tăng. Sau đó, một buổi lễ Dâng Y Ka-thi-na được cử hành trong tháng do các cư sĩ tổ chức, cúng dường tứ vật dụng đến chư tăng để các ngài tỳ kheo xuất viện đi hoằng dương đạo pháp. 5. Rằm tháng Mười – Ngày Quán Niệm (Anapanasati Day): Còn gọi là ngày Tĩnh Tâm, kỷ niệm ngày Đức Phật giảng một bài kinh rất quan trọng trong việc hành thiền. Đó là bài kinh Quán Niệm Hơi Thở (Anapanasati Sutta), đã được ghi lại như là bài kinh số 118 trong Trung Bộ Kinh. |
Cập nhật ( 28/02/2010 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com