CA TRÙ TRÊN ĐẤT THĂNG LONG
* Anh Chi
Ngay khi Lý Thái tổ định đô ở Thăng Long, thì ở Kinh thành đã có một đời sống múa hát khá phong phú. Không có thư tịch nào chép rõ rằng sinh hoạt ca múa được đưa từ các vùng quê, các miền đất khác đến Thăng Long vào thế kỷ XI. Một số thư tịch cổ có ghi rằng, từ thời đó, ở Kinh thành đã có Đào Thị, một phụ nữ rất giỏi nghề hát múa. Đến mức, nhiều vương gia, các quan lớn, và có lần cả vua Lý Thái Tổ, đã ban thưởng cho Đào Thị, người ta quá hâm mộ Đào Thị, nên sau đó, thấy các cô gái khác hát hay thì đều gọi là ả Đào (Người sính chữ nghĩa thì gọi là Đào nương). Ả Đào tức là cô đào. Từ ả đào có trong đời sống từ thuở ấy, sau này, người ta mới gọi lối hát truyền thống này là hát ả đào.
Vào năm 1025, Lý Thái Tổ đặt ra chức quản giáp để quản các nhóm ca múa hát tại các cửa đình trong những ngày hội ngày lễ thần hoàng của các xã, phường. Bởi thế mới có tên gọi hát cửa đình. Đến năm 1041, vua Lý Tông cho tuyển chọn.
Được hơn trăm ca nữ, nhạc kỹ, để thành lập Ban nhạc chuyên phục vụ những dịp khánh tiết của cung đình. Như vậy, hát cung đình sinh ra trên cơ sở chọn lựa các tài năng nổi trội của hát cửa đình ở nhân gian. Các vua Lý tiếp theo đã duy trì và đã làm phát triển Ban nhạc cung đình. Quan trông coi việc này gọi là linh nhân. Những điệu ca, nhạc dân tộc có từ lâu đời được phát triển, nâng cao thêm.
Ngày xưa, hát cửa đình thường tổ chức suốt cả ngày cả đêm. Có những làng vào đám hội còn tổ chức cho hát liên tục mấy ngày mấy đêm liền. Cuộc vui thật là bất tận. Người xem, những bậc giàu có, các quan lớn, khi muốn ca ngợi các ca kỹ thì thưởng tiền bằng cách tung cho những đồng tiền kẽm đương thời. Dùng tiền kẽm vào việc đó vui thì vui, nhưng hay hỏng và mất, rất nhiêu khê. Sau người ta nghĩ ra cách phát thẻ. Thẻ làm bằng tre nhẵn, có ghi dấu mức thưởng, Ca kỹ được thưởng thẻ, mãn cuộc, cứ theo thẻ mà lãnh tiền. Vậy mà có lệ hát thẻ. Người sính chữ thì gọi là lệ ca trù. Và, các ca nữ danh tiếng thường dạy các con, em nghề hát múa. Học thành tài, mỗi khi đi hát đình đám, được tiền thưởng, bọn con, em đều trích ra một món để cung dưỡng thầy. Tiền đó gọi là tiền đầu.
Những ca kỹ lão luyện có nhiều trò giỏi, nên được nhận nhiều tiền đầu, người đời gọi là cô đầu để đề cao tài nghệ sênh ca. Vậy nên, gọi đúng nhất, cô đầu là người ca kỹ bậc thầy. Nghệ thuật hát cửa đình được nâng cao dần thêm theo thời gian. Rồi đến mức, khi hát ở cửa đình, các ca nữ lại phải múa uốn éo. Lượn, múa lên múa xuống, gọi là múa bỏ bộ. Và lại có những kép múa tứ linh mang lột bốn con vật, hạt phượng, lân, quy, múa phụ họa theo nhạc bát âm… đến mức độ này, người ta gọi là hát nhà trò. Đến hát nhà trò thì tính dân dã tự nhiên của ca sênh đã nhạt đi một phần.
Theo tiến trình của hát ả đào, thì thấy, đến giai đoạn hát thể là hay nhất. Các nghệ sĩ, ca nương ganh đua nhau phô tài năng của mình, ganh đua nhau một cách tự nhiên, nên nghệ thuật đạt tới đỉnh cao! Vậy nên ca trù (hát thẻ) tự nhiên là tên gọi có đóng góp cho nghệ thuật ca trù. Vua Lê Dụ Tông (1680 – 1731) là người sành ca trù nổi tiếng ở Thăng Long xưa. Ông đặt ra điệu ngâm vọng rất trữ tình của ca trù. Chúa Trịnh Sâm sáng tác khá nhiều thơ lục bát 4 câu mà các cô đầu ngâm, gọi là thổng. Bởi thổng do chúa Trịnh viết, nên thời đó người ta gọi là thổng cửa quyền; và hát cung đình thuở ấy được gọi là hát cửa quyền. Sau này, cái tên hát cửu quyền mất đi theo sự tàn lụi của nhà chúa, nhưng một số bài thổng vẫn còn lại với ca trù trên đất Thăng Long.
Trên đất Thăng Long xưa, có thôn giáo phường rất nổi tiếng thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện thọ Xương (nay thuộc địa bàn phố Huế, Mai Hắc Đế, Trần Xuân Soạn). Đất này trải nhiều đời nổi tiếng xênh phách cầm ca. Cho đến đầu thế kỷ XX là Quách Thị Hồ từng diễn ở đây nhiều năm, ở địa chỉ 83B Phố Huế còn có một di tích, trên cổng đền có ba chữ giáo phường từ, và hai câu đối đắp ở hai cột trụ cửa đền, gần đây vẫn còn. Ở khu vực Đống Đa vốn có ngôi đền Ca Công, cũng mới bị hủy hoại mất những năm gần đây. Ở đình Đông Các, Phố Nam Đồng, may còn lại tấm bia do tiến sĩ Nguyễn Độn soạn năm Chính Hòa đời Lê (1962), còn đọc rõ: …ả đào ngâm khúc hát thái bình, ca câu dân yên vật thịnh… Tiến sĩ Ninh Tốn, một nhà thơ nổi tiếng của Thăng Long thế kỷ XVIII, có viết về phường Hòe Nhai và những nhà hát ả đào nơi đây từng làm say mê bao cao nhân, mặc khách. Cho đến đầu thế kỷ XX, phường Hòe Nhai, Phố Hàng Giấy vẫn là phố ca trù nổi tiếng trên đất Thăng Long, lối hát ca trù đã đạt đến đỉnh cao văn hóa thẩm mỹ. Cả ngàn năm qua, ca trù và sinh hoạt hát múa này còn ghi những dấu ấn trên kinh thành Thăng Long – Hà Nội, và đặc biệt đã khắc sâu vào đời sống văn hóa con người Thăng Long – Hà Nội nói riêng và con người Việt Nam nói chung.
Vậy là xuất phát từ lối hát tín ngưỡng cửa đình, vào môi trường văn hóa Thăng Long, đã cất cánh thành ca trù, tinh hoa của một loại hình nghệ thuật diễn xướng. Và từ thế kỷ XIX, ca trù thăng hoa trong loạt bài hát nói của các danh sĩ như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến, Phan Bội Châu… Đó là thơ và nhạc hòa cùng hơi thở. Cùng nỗi lòng của con người Thăng Long, con người Việt Nam.
|
Cập nhật ( 17/01/2010 ) |