Ý nghĩa lễ Vu lan và ngày rằm tháng bảy
* Thích Minh Hạnh
Nguyên nghĩa của lễ này gọi là: “Vu lam hay Vu lan bồn là dịch âm Phạn tự (Uiiambana). Còn có một dịch âm nữa là Alamnàna. Trí Húc đại sư nói, Vu lan bồn dịch là Cứu đảo huyền: giải cứu cái khổ như sự bị treo ngược. Như vậy, Vu lan có nghĩa là bản kinh chỉ cách giải cứu cái khổ khốn cấp trong đường dữ, đó là nghĩa chính, và Vu lan bồn toàn là dịch âm phạn tự. Tuy nhiên, nhờ trùng âm ngẫu nhiên chữ Bồn lại có nghĩa của chữ Trung Hoa, và quan trọng là chữ ấy, kinh văn dùng để nói đến dụng cụ đặt đồ hiến cúng, trong cách cứu đảo huyền. Như vậy Vu lan bồn ngẫu nhiên mà có cái nghĩa Vu lan bồn. Nhưng nghĩa này chỉ phụ thuộc dầu theo kinh văn, nghĩa này khá quan trọng”. (Kinh Vu lan, Trí quang dịch, bản in 2004, tr.52).
Nói đến ý nghĩa lễ Vu lan và ngày rằm tháng bảy, trước tiên chúng ta thấy nổi bậc lên tinh thần hiếu đạo một cách sâu sắc. Tinh thần hiếu đạo ấy đã được đức Phật khẳng định rõ ràng trong kinh Tăng Chi như sau: “Những ai đền đáp ơn cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng, dâng cúng với của cải tiền bạc thì không bao giờ đủ để đến đáp ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỳ kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin tam bảo, thì khuyến khích cha mẹ có lòng tin tam bảo, đối với cha mẹ sống tà giới thì khuyến khích cha mẹ vào chánh giới, đối với cha mẹ tham lam thì khuyến khích bố thí, đi vào con đường chánh kiến của Phật. Cho đến như vậy, này các Tỳ kheo là làm đủ và đáp đền ơn đủ cho cha và mẹ”.
Một đoạn khác, đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo có hai hạng người, ta nói không thể trả ơn được; thế nào là hai? Đó là cha và mẹ. Nếu một bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ, làm như vậy suốt một trăm năm cho đến khi cha mẹ trăm tuổi. Như vậy này các Tỳ kheo, cũng chưa đủ để trả ơn cho cha và mẹ. Nếu đấm bóp, xoa xức, tắm rửa, xoa gọi và dù tại đấy cha mẹ có vãi đại tiện tiểu tiện, dù như vậy, các Tỳ kheo cũng chưa làm đủ để trả ơn cha và mẹ”. (kinh Tăng Chi I, số 751)
Qua hai đoạn kinh trên, chúng ta thấy Phật dạy người con được gọi là có hiếu thì không những phải biết lo cho cha mẹ đầy đủ đời sống vật chất mà còn phải biết hướng song thân đi vào con đường chân chánh. Là người con hiếu thảo, chúng ta phải biết kính trọng, vâng lời cha mẹ dạy bảo, tối sớm viếng thăm. Khi cha mẹ đau ốm, chúng ta tận tình chăm sóc. Đặc biệt, chúng ta phải hướng dẫn cha mẹ quy y Tam bảo, trở thành người Phật tử thuần thành trong chánh pháp.
Theo dòng lịch sử, chúng ta thấy ngày lễ Vu lan bắt nguồn từ sự tích về lòng hiếu thảo, tìm cách báo ân dưỡng dục của đức Mục Kiền Liên. Chuyện kể rằng sau khi đức Mục Liên tôn giả xuất gia theo Phật, tu tập chứng quả lục thông. Vì biết mẹ mình lúc còn sống đã gây nhiều ác nghiệp, nên Ngài dùng thần thông tìm thấy mẹ mình bị đọa vào kiếp ngạ quỷ đói khát nơi địa ngục A tỳ. Nhìn thấy thân hình tiều tụy da bọc xương vì đói khát của mẹ, Ngài rất đỗi thương cảm xót xa nên liền đi khất thực xin được bát cơm đem dâng mẹ, nhưng vì nghiệp tham lam bỏn xẻm của bà chưa dứt, đã chiêu cảm làm cho bát cơm hóa thành than lửa, không thể nuốt được. Đức Mục Liên đau đớn vô cùng, khóc than thảm thiết rồi trở về bạch chuyện với đức Phật để xin phương pháp cứu mẹ. Những lời Phật dạy được ghi lại thành Kinh Vu Lan và ngày ấy trở thành đại lễ truyền thống hiếu đạo cho mọi người con Phật trên khắp nẻo hành tinh. Và hạnh nguyện ấy được thể hiện cụ thể qua tấm gương hiếu thảo của Tôn giả Mục Kiền Liên và đã thắp lên thành ngọn đuốc hiếu đạo rực sáng như là bức thông điệp hiếu kính cha mẹ để chúng ta noi theo.
Riêng dân tộc Việt Nam chúng ta, Lễ Vu lan là ngày hội của truyền thống hiếu đạo, trở thành bản sắc văn hóa ăn sâu vào tâm thức toàn dân mấy nghìn năm rồi. Cho nên, ngày rằm tháng bảy là ngày dân tộc Việt Nam luôn luôn nhớ đến và xem đó như là “ngày hội về chữ hiếu của dân tộc”, và trong một phương diện nào đó cũng có thể gọi là “ngày xá tội vong nhân”,… Vậy chúng ta cần làm gì để thể hiện mình là người con có hiếu?… và ngoài tinh thần hiếu đạo ra, Lễ Vu lan và ngày rằm tháng bảy có ý nghĩa thế nào?…
Ý nghĩa thứ nhất: Đó là ngày Chư phật hoan hỷ.
Ngày rằm tháng bảy được gọi là ngày chư Phật hoan hỷ, bởi vì trong thất chúng của đức Phật, hàng Tỳ kheo là chúng đệ tử thường gần gũi đức Phật nhiều nhất, cũng là hàng trưởng tử thừa sự chư Phật giáo hoá chúng sanh, mang y pháp đức Phật mà làm gương mẫu cho chúng sanh ở thế gian. Theo tư tưởng Bắc truyền thì truyền thống này được đức Phật dạy cho các Tỳ kheo phải an cư tại một trú xứ để tu niệm trong ba tháng mùa mưa; và suốt ba tháng an cư kiết hạ thúc liễm thân tâm, trao dồi giới định tuệ được kết thúc vào ngày rằm tháng bảy âm lịch. Nhưng tại sao Tỳ kheo phải an cư trong ba tháng mùa hạ? Vì: thứ nhất, thời tiết ấn độ mùa hạ là mùa mưa, cho nên rất nhiêu côn trùng sinh sản, mà sa môn khất thực đi đường sẽ dễ dẫm đạp lên côn trùng, làm tổn thương đến lòng từ bi muôn vật; thứ hai, sa môn đi khất thực bị mưa ướt y bát nên làm mất trang nghiêm hạnh sa môn, vô tình làm cho người thế gian sanh lòng bất kính; thứ ba, đức Phật dạy chúng Tỳ kheo trong ba tháng mùa mưa, tùy mỗi nơi mà hạn chế việc đi lại để tập trung vào sự tu niệm, đồng thời thực hiện nếp sống lục hòa trong Tăng đoàn để tấn tu đạo hạnh. Do vậy, đệ tử Phật phải thúc liễm tu học trong ba tháng viên mãn thanh tịnh, kết thúc ba tháng an cư chư Phật hoan hỷ, cho nên ngày này gọi là ngày chư Phật hoan hỷ.
Ý nghĩa thứ hai: Đó là ngày Chúng tăng tự tứ.
Ngày tự tứ là ngày chúng Tăng tự quán xét nơi thân khẩu ý của mình, xem trong ba tháng an cư đã cố ý hay vô tình sai phạm điều gì để tự phát lồ (nêu ra), rồi nhờ chư Tăng có giới đức chứng mình cho mình được sám hối. Đây là một cử chỉ rất đẹp, chúng ta nên trân trọng giữ gìn vì nó có một ý nghĩa hết sức đặc biệt trên hành trình đi đến giác ngộ. Ở thế gian, khi một người bị lỗi lầm thì họ cố ý tìm cách tránh né, chạy trốn lỗi lầm ấy; nếu để người khác biết thì sẽ xấu hổ, cho nên họ thường che dấu và vì vậy nên tội lỗi ngày càng chất chồng. Nhưng theo đạo giác ngộ thì sau ba tháng hạ an cư xong, đức Phật dạy hàng sa môn phải cầu người khác chỉ lỗi cho mình, có nghĩa là không để người khác chỉ lỗi mà phải thật tâm mình cầu người khác hoan hỷ chỉ cho, để đối trước Tăng chúng mà thưa: “Bạch đại đức, ngày nay chúng Tăng tự tứ, con cũng tự tứ, con có điều chi sai phạm mà đại đức thấy, nghe, hoặc nghi, xin đại đức thương xót chỉ cho, nếu con thấy có phạm thì xin như pháp sám hối”. Đó chính là sự phát tâm cầu thanh tịnh, không có chút che dấu, bạch ra cho đại chúng chỉ dạy để được trong sạch, để không còn tội lỗi nữa. Vì vậy, ngày này được gọi là ngày Chúng tăng tự tứ.
Ý nghĩa thứ ba: Đó là ngày nhận thêm tuổi đạo.
Đây là ngày được nhận tuổi đạo. Ở thế gian cha mẹ sanh con, khi người con tròn một năm thì được gọi là một tuổi. Nhưng ở đạo Phật, hàng xuất gia thọ Tỳ kheo, không tính theo kiểu thế gian mà tính theo tuổi hạ lạp, có nghĩa là vị Tỳ kheo sau ba tháng an cư kiết hạ thì được tính một tuổi. Tuổi hạ lạp này cũng nói lên quá trình tu học chuyên cần trong quá trình thúc liễm thân tâm, trau dồi giới định tuệ.
Ý nghĩa thứ bốn: Đó là ngày xá tội vong nhân.
Cứ đến ngày rằm tháng bảy, người con Phật nói chung và người Việt Nam nói riêng, trong lòng ai ai cũng có một điều gì thiêng liêng nhắc nhở: ngày Vu lan đã về, cũng là dịp cầu siêu độ cho những tiền nhân quá cố. Trong Kinh Vu lan có dạy:
“Người nào có sắm ra vật thực
Đặng cúng dường tự tứ tăng thời
Hiện tiền phụ mẫu của người
Bà con quyến thuộc thảy đều nhờ ơn
Tam đồ khổ chắc rằng ra khỏi
Cảnh thanh nhàn hưởng thọ tự nhiên
Ví như cha mẹ hiện tiền
Nhờ đó cũng đặng bá niên thọ trường
Như cha mẹ bảy đời quá vãng
Sẽ hoá sanh về thẳng thiên cung”.
Qua đoạn kinh, chúng ta thấy ý nghĩa và phương pháp báo hiếu, xá tội cho vong nhân đã được ghi lại cụ thể. Tuy nhiên, chúng ta làm sao để tin rằng thực hiện phương pháp đó sẽ có kết quả tốt. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì chúng ta nương nhờ oai thần Tam bảo và sức tu tập của chư Tăng trong ba tháng an cư kiết hạ, hợp thành sức chú nguyện hồi hướng vi diệu nên vong hồn nhờ vào phước báo đó mà siêu thoát chốn tối tăm.
Do đó, ý nghĩa Vu lan chính là bức thông điệp gồm những nội dung trên và lời đức Phật dạy cho người con hiều thảo muốn đền đáp công ơn cha mẹ sẽ mãi mãi in sâu vào trái tim dòng máu của những con người tu Phật. Đồng thời thức tỉnh bao tâm hồn đang lạc lõng giữa chốn trần gian khổ lụy, cũng là tiếng chuông thức tỉnh bao người con mang tội bất hiếu trong quốc độ này. Mùa Vu Lan sẽ nhắc nhở cho những người con biết được ánh sáng giác ngộ mà quay về với nguồn cội bằng tinh thần tự giác.
Hôm nay, mùa Vu lan báo hiếu lại trở về trong lòng nhân loại, ngày mà bao con tim, bao nỗi niềm hiếu tâm đan thành tâm nguồn hạnh phúc dâng lên hai đấng sanh thành dưỡng dục. Cha ơi, mẹ ơi! Hãy cho con niềm tin vào chân lý Phật đà, và hãy chứng giám cho tâm lòng hiếu thảo nhân mùa báo hiếu của những người làm con. Giờ đây, quỳ dưới ánh từ quang của ba ngôi báu, noi theo gương đức Mục Kiền Liên chúng ta hãy dồn hết bao nhiêu điều cao quý của mình và thành tâm, nhờ diệu lực của Tam bảo để giải thoát cho cha mẹ. Được như vậy mới mong báo đáp được thâm ân của cha mẹ chúng ta trong muôn một.
Cập nhật ( 22/08/2015 )