BIA SỰ TÍCH NGÔ SĨ LIÊN Niên hiệu Chính Hòa thứ 18 (1697), sử thần Lê Hy và Nguyễn Quý Đức viết lời tựa bộ Đại Việt sử ký toàn thư để khắc in, có đoạn mở đầu rằng: "Nước ta có sử ký chép các đời, do các bậc tiên hiền Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên làm trước, rồi Ngô Sĩ Liên và Vũ Quỳnh nối theo sau. Trong ấy không việc gì không chép đầy đủ…". Vậy Ngô Sĩ Liên là một bậc tiên hiền của ngành sử học nước ta, đã được xưa nay nêu cao tên tuổi. Tác phẩm của ông là một bộ sử lớn còn truyền lại đến nay và là bộ sử xưa nhất, đầy đủ nhất. Phần đóng góp lớn lao của Ngô Sĩ Liên không chỉ riêng ngành sử học, mà còn đóng góp chung cho nhiều ngành khoa học khác của đất nước. Khu di tích có nhiều đền nhiều bia. Đây là tấm bia do dân thôn Ngọc Giả dựng tại đền thờ ông ở xã Chúc Sơn huyện Mỹ Đức (nay thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây). Bia đá hình trụ, cao 1,55m, rộng 60cm, chân bia cao 30cm. Phần thân bia cao 80cm, rộng 35cm, phần trán bia cao 25cm, rộng 35cm, búp dần lên cuối chóp rộng 15cm. Bia có 4 mặt, chỉ 2 mặt trước và sau có khắc chữ. Mặt trước khắc tên bia và văn bia, mặt sau khắc niên hiệu dựng bia. Các đường diềm khắc hoa cúc dây lượn uyển chuyển, mềm mại. Phần nội dung bia, chúng tôi xin lần lượt phiên âm, dịch nghĩa, chú giải như sau: Phiên âm : Ngô Sĩ Liên Di Tích Ký Ngô tiên sinh Sĩ Liên, Chương Đức huyện, Chúc Lý xã, Ngọc Giả thôn nhân dã. Lê Thái Tông Đại Bảo tam niên, Tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, Thanh Oai Bối Khê, Trạng nguyên Nguyễn Trực bảng dã. Thánh Tông Hồng Đức thập niên dĩ Lễ bộ Hữu thị lang Triều liệt đại phu, kiêm Quốc tử giám Tư nghiệp, kiêm Sử quán tu soạn, toản tu Đại Việt sử ký toàn thư. Kỳ thư hiệu chính Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên nhị thư, tăng nhập ngoại kỷ, phàm thập ngũ quyển; biên niên tắc pháp Lân kinh, tỷ sự tắc hiệu Mã sử. Chí ư kỷ chí chi bị, nghĩa lệ chi đáng, văn tự chi an, dữ khuyến trừng chi công luận, các hệ vu hậu tắc hựu phi Lê, Phan nhị đại nho sở khả cập, nhi vi hậu lai tu sở tổ. Lưu Tử Nguyên vân: "Sử hữu tam trường: tài, học, thức", tiên sinh phi kiêm dự, hà năng nhược tư ? Thử kỳ khả khuy chi vạn nhất dã. Lão nhi trí sự, thọ cửu thập hữu cửu tuế. Kỳ hậu thôn nhân kiến chỉ từ vu Hỏa Tinh chi tây, xã nhân diệc kiến chỉ từ chi, tuế tế dĩ xuân thu nhị đinh. Gian hữu cựu thạch nhị phiến, lệnh doãn Phạm mệnh xã, thôn các khởi kiến vu từ sở. Huấn đạo Bùi nhân thuật sở truyền tỷ đăng chi thạch, kỳ bất truyền giả khuyết yên. Thị ký. Hoàng triều Tự Đức thập tứ niên, Xuân, Thanh minh hậu bát nhật. Ngọc Giả thôn phụng tự. Dịch nghĩa: Bia Ghi di Tích Ngô Sĩ Liên(1) Ngô Sĩ Liên tiên sinh người thôn Ngọc Giả, xã Chúc Lý, huyện Chương Đức(2). Ông đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân năm thứ 3 niên hiệu Đại Bảo thời Lê Thái Tông (1442), đỗ cùng bảng với Trạng nguyên Nguyễn Trực(3) người xã Bối Khê, huyện Thanh Oai. Đến triều Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức năm thứ 10 (1469) ông được trao chức Hữu thị lang bộ Lễ, Triều liệt đại phu, kiêm Quốc tử giám Tư nghiệp, kiêm chức Tu soạn ở Quốc sử quán, soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Khi soạn bộ sử này, ông đã hiệu chính 2 bộ sử có trước do Lê Văn Hưu(4), Phan Phu Tiên(5) vâng sắc soạn và thêm vào phần Ngoại kỷ, gồm 15 quyển(6); chép thời gian thì theo phép biên niên ở kinh Xuân thu, cách so sánh cân nhắc sự kiện thì bắt chước thể sử kỷ truyện của Tư Mã Thiên(7). Đến các phần ký phần chí cũng đầy đủ, các nghĩa lệ đều chép thỏa đáng, cách hành văn thật hoàn thiện, cùng những lời bình luận để nêu người tốt răn kẻ xấu ghi sau mỗi phần thì hai vị đại nho Lê (Văn Hưu), Phan (Phu Tiên) không thể sánh kịp và được các nhà viết sử sau này kế thừa. Lưu Tử Nguyên(8) nói rằng: "Người viết sử phải giỏi cả ba mặt: tài, học, thức", nếu tiên sinh không giỏi cả thì sao có thể làm được như thế ? Điều này chỉ mới thấy một phần trong muôn phần tài năng của tiên sinh ! Khi tuổi đã già tiên sinh nghỉ việc, hưởng thọ được 99 tuổi(9). Sau khi tiên sinh mất, dân thôn dựng đền thờ ở phía tây gò Hỏa Tinh, rồi người trong xã cũng dựng đền, hàng năm chọn ngày Đinh(10) của mùa xuân và mùa thu mà cúng tế. Nơi đây sẵn có 2 tấm đá cũ, quan Lệnh doãn họ Phạm sai các xã thôn dựng vào trong đền thờ. Quan Huấn đạo họ Bùi nhân đó thuật những điều được truyền khắc lên bia, điều gì không truyền lại thì còn để khuyết. Nay làm bài ký. Ngày 8 sau tiết Thanh minh mùa xuân năm Tự Đức thứ 14 (1861). Thôn Ngọc Giả thờ cúng. T.B.C CHÚ THÍCH (1) Dòng này dịch 6 chữ lớn ở trán bia, tức tên bia. Thác bản này do PGS,PTS Hoàng Văn Khoán cung cấp. (2) Huyện Chương Đức có từ thời Quang Thuận triều Lê Thánh Tông, thuộc phủ ứng Thiên, trấn Sơn (3) Nguyễn Trực sinh năm 1417, đỗ Trạng nguyên năm 1442 lúc 26 tuổi, mất năm 1474 chỉ thọ 57 tuổi. (4) Lê Văn Hưu (1230-1322) là nhà soạn sử đầu tiên của nước ta.Ông soạn bộ Đại Việt sử ký gồm 30 quyển, chép từ thời Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng, dâng vua năm 1272. (5) Phan Phu Tiên người huyện Từ Liêm, đỗ khoa Hoành từ thời Lê Thái Tổ, nhậm chức ở Quốc sử viện. Năm 1455 ông được vua Lê Nhân Tông sai chép tiếp phần sử Lê Văn Hưu, vẫn gọi là Đại Việt sử ký, chép từ đầu triều Trần Thái Tông (1225) đến năm người Minh về nước (1428). Phần viết của ông, người sau thường gọi Sử ký tục biên. (6) Năm 1471 đại thắng Chiêm Thành, vua Lê Thánh Tông chọn Ngô Sĩ Liên làm Sử quán Tu soạn. Đến ngày 26 tháng Giêng năm Kỷ Hợi (1479) Ngô Sĩ Liên dâng bộ Đại Việt sử ký toàn thư lên vua Lê Thánh Tông gồm 15 quyển. Có lẽ 5 quyển là Ngoại kỷ, 10 quyển là Bản kỷ. (7) Bia ghi "tỷ sự", chỗ này đáng ghi kỷ truyện thì thích hợp hơn, vì câu trên về Lân kinh đã ghi biên niên. Hoặc giả thời đó sách hiếm hoi, Huấn đạo họ Bùi không nhớ ra thể sử kỷ truyện do Tư Mã Thiên khởi đầu chăng ? (8) Câu nói này là của Lưu Tri Cơ, một sử gia nổi tiếng của Trung Quốc thời Đường, xuất sắc về môn bình luận lịch sử. Ông có hiệu là Tử Huyền, bia này khắc Tử Nguyên. Không rõ họ Huấn đạo họ Bùi nhớ nhầm, hay thợ khắc nhầm vì chữ "Huyền" và chữ "Nguyên" có tự dạng gần giống nhau. (9) Ngô Sĩ Liên thọ 99 tuổi, nhưng chưa tra được năm sinh năm mất. Xin nêu số tuổi vài bạn đồng khoa với ông để góp phần liên tưởng, suy đoán. Nguyễn Trực sinh 1417 thọ 57 tuổi; Nguyễn Như Đỗ sinh 1424, thọ 102 tuổi, mất 1525; Nguyễn Hữu Phu sinh năm 1413; Lê Lâm đậu Tiến sĩ năm 32 tuổi, tức sinh năm 1411; Nguyễn Nghị sinh năm 1412. Có lẽ những năm 1510, 1511 Ngô Sĩ Liên đã lui khỏi triều. Vì những năm đó, vua giao Vũ Quỳnh làm Tổng tài Sử quán, đến năm 1511 Vũ Quỳnh dâng bộ Đại Việt thông giám thông khảo 26 quyển, tham khảo sử liệu người trước, chép từ họ Hồng Bàng đến 12 Sứ quán gọi là Ngoại kỷ, từ Đinh Tiên Hoàng đến năm đầu Lê Thái Tổ (1428) gọi là Bản kỷ. Như vậy bộ sử của Vũ Quỳnh đã dựa trên thành quả của Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên. (10) Theo Cương mục cbb.XXII. 31 thì ngày Đinh thuộc Hỏa. Hỏa là lửa sáng, biểu tượng của văn minh, của sự phát huy trí tuệ. Tế Khổng Tử và Tiên nho phải chọn ngày thượng Đinh, tức ngày của Thượng tuần (từ mồng 1 đến mồng 10) của tháng 2 và tháng 8 âm lịch. |
Cập nhật ( 06/07/2010 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com