BẾN ĐỖ BÌNH YÊN *Kim Lý Hôm nay đã là ngày 20 tết. Giờ nầy những đứa trẻ trong gia đình có đủ đầy cha mẹ chắc hẳn đã sắm sửa xong quần áo mới. Còn các em trong trại mồ côi đã có hay chưa? Thật ra tôi đã trăn trở về các em. Làm con người quan trọng là “Nơi ăn, chốn ở”. Giờ đây chỗ ở đã ổn, còn cái ăn cái mặc sau nầy ? ? ?. Hơn 30 em nhỏ của Nhà trẻ chùa Long Phước, thì cũng hơn 30 cảnh đời bất hạnh khác nhau. Có những em mới được chào đời ít ngày thì bị bỏ rơi trước cổng nhà trẻ. Có lẽ là những bà mẹ trẻ lỡ lầm. Rồi sáng ngày thầy giám đốc mở cửa ra nhìn thấy và lượm vào đặt cho tên họ, làm giấy khai sinh cùng những giấy tờ thủ tục khác, hợp thức hóa. Cuối cùng là chăm sóc, dưỡng nuôi. Rất nhiều những hoàn cảnh đặc biệt, đã đưa đẩy các em đến với nhà trẻ. Có nhiều em không nơi nương tựa, không người nuôi dưỡng sống lang thang lây lất ở đầu đường xó chợ, hoặc theo xóm theo làng xin ăn và những người dân tốt bụng giúp đở đã đưa chúng đến làm thành viên của trẻ. Cũng có một số em ngủ ở vỉa hè, góc phố. Kiếm sống bằng nhiều cách chụp giựt, tranh dành không biết đến ngày mai, cũng không có cả tương lai. Đó là những tệ nạn nguy hiểm cho xã hội mai nầy. Đến khi chính quyền phát hiện ra và đưa các em vào nhà trẻ. Lại có một số em cha mẹ đã chết hết, hay chết một trong hai người, hoặc trường hợp ly hôn không khả năng nuôi dưỡng. Đó các em đến với trại mồ côi bằng nhiều con đường khác nhau. Nói chung ngày nay các em đã có một gia đình lớn, một mái ấm hay một bến đỗ bình yên. Tuy nhiên giờ đây thì phải nói đến Ban giám đốc. Liệu gánh nặng này các vị có kham nỗi không? Những tấm lòng, những vòng tay có ôm choàng hết các em không? Kinh tế hiện nay đang đà xuống dốc. Mà có vật chất, có tài chánh các em mới được no cơm ấm áo, mới đủ điều kiến đến trường tiếp thu kiến thức trong học tập, ngõ hầu có thể chuyển hóa cuộc đời đen tối của mình thành một tương lai tươi sáng, có lợi ích cho bản thân và hữu dụng cho xã hội sau nầy. Do nhận thấy công tác từ thiện nầy rất khó khăn lâu dài, tôi mới thường xuyên tổ chức các cuộc vận động ủy lạo, thăm viếng nhà trẻ. Về tinh thần để động viên Ban giám đốc, các bảo mẫu và an ủi quan tâm chăm sóc các em, về vật chất thì mỗi người cùng góp một bát cơm, một manh quần, một tấm áo cho các em. Tuy không nhiều, nhưng “miếng khi đói, bằng gói khi no”. Đó là tấm lòng, là tình thương, là tình người mà tất cả chúng ta ai ai cũng có… Thật ra, việc làm từ thiện chẳng những phước báo, mà còn là một niềm vui lớn lao. Khi chúng ta thăm viếng, tặng quà cho trẻ mồ côi, người khuyết tật, người bệnh hoặc người nghèo họ đều nhận trong niềm vui mừng hớn hở. Ngược lại người tặng cũng đồng cảm chung sự mừng rỡ như nhau. Cũng để lợi mình lợi người, tôi xin mời các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân và tất cả những người có tấm lòng vàng hãy cùng chúng tôi chia sẽ gánh nặng với ban giám đốc nhà trẻ và tích cực làm các công việc từ thiện khác, vì có câu: “Dầu xây chín đợt phù đồ, Không bằng làm phúc cứu cho một người”./. |
Cập nhật ( 31/01/2018 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com