Phật Giáo Bạc Liêu
Thứ Năm, Tháng Ba 30, 2023
  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Ban Chứng Minh
    • Ban trị sự
    • Các ban trực thuộc
  • Tin tức – Phật sự
  • Từ thiện xã hội
  • Lịch sử – văn hóa
    • Văn hoá phật giáo
    • Lịch sử văn hoá
  • Nhân vật – Sự kiện
    • Nhân vật
    • Sự kiện
  • Phật học
    • Tự viện
  • Trung cấp phật học
No Result
View All Result
Phật Giáo Bạc Liêu
No Result
View All Result

Báo chí Phật giáo xưa (Nguyễn Ngọc Phan)

Phạm Hảo Đăng bởi Phạm Hảo
5 năm trước
in Lịch sử - văn hóa
A A
0

BÁO CHÍ PHẬT GIÁO XƯA TRONG DÒNG CHẢY LỊCH SỬ

* Nguyễn Ngọc Phan

Trong lịch sử báo chí, Nam bộ là vùng đất đầu tiên xuất hiện báo chí Phật giáo. Từ những tờ báo đầu tiên, báo chí Phật giáo đã đóng góp rất lớn vào công cuộc chấn hưng Phật giáo, đồng thời phản ánh tâm tư nguyện vọng của người dân mất nước, kêu gọi bình đẳng giới và đặc biệt trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, báo chí Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong việc kêu gọi đoàn kết tăng ni Phật tử hành động cứu nước.

1. Những tờ báo đầu tiên trong phong trào chấn hưng Phật giáo.

Pháp Âm là tờ báo Phật giáo đầu tiên được xuất bản ngày 31.8.1929. Chủ nhiệm là hòa thượng Lê Khánh Hòa (1877 – 1947), trụ trì chùa Tiên Linh (Mõ Cày-Bến Tre). Năm 1929, ông có một số đệ tử thân tín ở chùa Sắc tứ Linh thứu, làng Thạnh Phú, Mỹ Tho (1) vì vậy tờ Pháp Âm được phát hành ở chùa nầy, đồng thời cũng là nơi trị sự. Tờ Pháp Âm được in ở nhà in Thạnh Mậu –Sài Gòn. Báo có 48 trang, khổ 14 x 20 cm. Hai bên có hai dòng chữ quốc ngữ và chữ Hán nêu chủ trương của tờ báo là “Từ bi, Bác ái, Tự giác và Giác tha”.  Theo dự kiến của người sáng lập, Pháp Âm là nguyệt san, mỗi tập loại 6 quyển, nhưng tờ báo nầy chỉ ra được 1 số duy nhất. Theo lịch sử địa phương, sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tờ báo Dân Cày –Tiếng nói của tỉnh Đảng bộ Mỹ Tho cũng được biên tập phát hành tại chùa Sắc tứ Linh thứu. Chính quyền Thực dân phát hiện, chùa bị lục soát, vị Thủ tọa bị truy nã, Hòa thượng Khánh Hòa phải ôm kinh sách đến sở Mật thám giải trình. Sau biến cố nầy, tờ Pháp Âm không ra được các số kế tiếp và nó trở thành kỷ yếu của cuộc vận động Chấn hưng phật giáo, các bài viết của Hòa thượng Khánh Hòa rất có giá trị trong việc tìm hiểu phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ trong những năm đầu của thế kỷ XX.

Trong bài “Tự Trần”, Hòa thượng Khánh Hòa viết: “Phật giáo suy đồi là bởi tăng đồ thất học. Nay chỉ còn một đôi ông bạn học rộng thấy xa, nhưng lải rải ở nơi lục châu (tức lục tỉnh Nam kỳ-NV), chưa biết có ai đồng chí nhiệt thành mà đề xướng thật hành cái phương pháp ấy” (2).

Ước nguyện chấn hưng Phật giáo của vị Hòa thượng nầy được thể hiện bằng 3 mục tiêu hành động cụ thể là: Chỉnh đốn Tăng già; Kiến lập Phật học đường; Diễn dịch và xuất bản Kinh sách bằng chữ quốc ngữ.  Trong suốt thời gian Hòa thượng Khánh Hòa đi đến các ngôi chùa nổi danh ở Nam kỳ và sang xứ Chùa Tháp để kêu gọi tăng ni tín đồ Phật giáo đoàn kết chấn hưng Phật giáo được thể hiện qua bài Hành trình nhựt ký. Đây là bài ký sự quan trọng, chiếm 12 trang trên tờ Pháp Âm và được viết với giọng văn truyền cảm, có sức thu hút. Hành trình nhựt ký không chỉ là thiên ký sự ghi chép tỉ mỉ công việc đi cổ động chấn hưng Phật giáo; ngoài những mẫu đối thoại sinh động phản ánh nhiệt tâm của người viết, bài ký mô tả nhiều chi tiết, cảnh vật những nơi tác giả trải qua, đồng thời bày tỏ tâm trạng thất vọng của mình trước sự bàng quan của đồng đạo: “…Tối qua tôi cũng bàn qua việc lập học đường nữa, té ra Hoà thượng cũng từ quyết, cứ nói mắc công kia việc nọ không thể chung lo. Ôi ! thất vọng rồi! Thật buồn.  

Sau khi Pháp Âm đình bản, trợ thủ đắc lực của Hòa thượng Khánh Hòa là sư Thiện Chiếu cho ra đời Phật hóa Tân Thanh niên. Đây là tạp chí khổ nhỏ 14 x 20 cm, dày 49 trang, in tại nhà in Thạnh Thị Mậu, 186 Rue d`Espague, Sài Gòn, phát hành tại chùa Chúc Thọ, xóm Thuốc, xã Hạnh Thông, Gò Vấp. Phật hóa Tân Thanh niên thể hiện tư tưởng Phật giáo cấp tiến của giới tăng sĩ trẻ trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở giai đoạn này. Mục đích của Phật hóa Tân Thanh niên  là “để gây cái nền chánh tín cho dân tộc nào ưa cái chủ nghĩa hòa bình và muốn cái hạnh phúc sanh tồn trên thế giới”. Nhưng tờ Phật hóa Tân Thanh niên cũng chỉ ra được một số thì phải đình bản.

Đây là hai tờ báo Phật giáo đầu tiên đồng thời là diễn đàn khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo.

2. Báo chí Phật giáo và những ưu tư trăn trở trước hoàn cảnh mất nước.

 Giai đoạn 1936-1939, mặt trận Bình dân thắng thế và lên nắm quyền ở Pháp. Do vậy chính sách của chính phủ Pháp đối với thuộc địa có sự thay đổi. Cuối năm 1936 phong trào Cách mạng Dân chủ Việt Nam bắt đầu đi lên với khí thế mới, tiếp tục phát triển trong năm 1937. Năm 1938 có thể coi là đỉnh cao với phong trào Đông Dương Đại hội, đồng thời cũng là thời kỳ đỉnh cao phong trào Chấn hưng Phật giáo nhắm mục tiêu phục hồi lại giá trị truyền thống của mình. Do đó báo chí Phật giáo cũng hòa nhập vào dòng chảy lịch sử và đã không hề bàng quan trước những sự kiện xã hội quan trọng. Tập chí Duy Tâm Phật học số 17, ngày 1-1-1937 ngay trang đầu đăng bức thư như sau: “Quan thủ hiến J.Brevié Toàn quyền Đông Dương và quan Tổng trưởng đại biểu chánh phủ Bình Dân Justin-Godart mới đến Đông Pháp lần thứ nhứt mà chúng ta được thấy hai ngài có lẻ hai ngài là Bửu tinh giáng lâm hai ngài đến xứ nầy cũng vì lòng chan chứa đức từ bi tâm công bình để thay mặt cho nước Pháp. Sau khi quan sát trực tiếp, có lẻ dân trong năm xứ được hưởng cái hạnh phúc giải phóng: chánh trị, xã hội kinh tế, học thuật giáo dục vệ sanh, ngôn luận….

Báo Đuốc Tuệ số ra ngày 1-2-1938 đăng bài Đuốc tuệ mừng tuổi bộc lộ tâm tình ước nguyện “Lại nhờ có ngày hôm nay, nhân lễ mừng xuân được lúc thanh nhàn, khắp cổ công sĩ nông, có dịp ngồi mà tính cuộc tiền trình, mong cho năm nầy hơn năm trước. Cho đến những người trù mưu việc nước, thấy tin xuân cũng cầu cho thế vận nhật tân”. Đáng chú ý trong mục Văn uyển số nầy có bài “hài văn” giải ách đầu năm của Quảng Tràng Thiệt cư sĩ nêu thực trạng xã hội đương thời và kêu gọi tu tâm dưỡng tánh, giáo dục trong gia đình, lập thêm trường học, mở nhiều bệnh viện, mở mang kỹ nghệ, tôn trọng nhân đạo, giảm thuế, hạ sưu, tăng tiền công….Đặc biệt, trong bài Nhiệm vụ của tăng chúng đạo phật đối với xã hội ngày nay, tác giả ĐNT viết “Ngày nay là thời đại ngày càng thịnh hành về chủ nghĩa xã hội, là cái chủ nghĩa giải phóng triệt để cho loài người. Thế mà đạo Phật chính lại là vì cái mục đích giải thoát cho chúng sinh được thoát mọi sự khổ nảo mà hưởng mọi sung sướng, cái tông chỉ của chủ nghĩa từ bi đạo phật là hoàn toàn ở đó. Như vậy tông chỉ giải thoát của đạo Phật với tông chỉ giải phóng của chủ nghĩa xã hội ngày nay thực là khác đường mà lại cùng về một chỗ” (3).

Từ sau thất bại cuộc Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940, tình hình chính trị xã hội ở Nam bộ u ám hơn sau những cuộc đàn áp khốc liệt của nhà cầm quyền, báo chí Phật giáo nói chung trong giai đoạn nầy cũng không thoát khỏi tâm tư ấy “Nông nổi thống khổ của loài người từ khi có lịch sử tới nay, thực chưa thấy có bao giờ thống khổ ác liệt đến như ngày nay. Chẳng nói đâu xa cứ xem ngay những biến cố trên thế giới bây giờ cũng đủ thấy cái nổi thống khổ của loài người đã không thể hồi đầu được nữa…”(bài “Chúng ta phải nương theo lời Phật mà xây đắp nên cái nền dân gian Phật giáo – Đuốc Tuệ xuân 1941, ngày 1-1-1941).

“Xuân về, xuân đã mang đến cho mọi người mọi vật mỗi điều toại chí, nên muôn vật vui tuơi, còn riêng ta, đối với xuân ta không hi vọng…Đã vậy mà mỗi lần xuân về muôn vật vui tuơi thì riêng ta lại lo nghĩ trong người không an….Nghĩ cách súc dưỡng năng lực để đảm nhận cái trọng trách chấn hưng phật giáo, hoằng pháp lợi sanh và cải tạo cỏi ta bà trở nên cảnh cực lạc” (Xuân về -Thích Hiển Thụy-Từ Bi Âm số 217, tháng 1-1944).

Hòa thượng Thích Minh Nguyệt trong Bác nhã âm số 17, 1940 tổng kết “Thế giới hiện nay đương bồng bột phấn khởi cái thảm khốc về nổi chiến tranh mấy triệu lương dân của các dân tộc, mặc dù không thù khích nhau, chỉ vì cái quan niệm sâu ác của kẻ có thế lực trong một quốc gia gây nên mà phải xô xát đẩm dẫm nhau, chẳng những biến máu non xương mà không khí oán sầu của nhơn loại đang phiêu diêu giữa vũ trụ kết nên cái thảm họa bi oan.” (4)

Từ khi tờ báo Phật giáo đầu tiên ra đời, ở cấp độ đậm nhạt khác nhau, ta thấy báo chí Phật giáo trong sự nghiệp xiển dương Phật pháp và chấn hưng Phật giáo luôn gắn liền với nhân sinh thời cuộc, bộc lộ những ưu tư trăn trở trước hoàn cảnh mất nước và sự cùng khổ của đồng bào.

3. Ni giới cũng tham gia diễn đàn.

Bán nguyệt san Từ Bi Âm ra mắt số đầu tiên ngày 31 tháng 4 năm 1931, đến ngày 26.8.1931, tờ báo nầy là cơ quan ngôn luận của Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học hội, do Hòa thượng Khánh Hòa làm chủ nhiệm. Trụ sở tờ Từ Bi Âm đặt ở số 149 đường Douaumont (nay là đường Cô Giang) Sài Gòn. Tờ báo nầy phát hành vào ngày mồng 1 và 15 mỗi tháng. Nhờ phần đông độc giả là các chùa và đồng bào Phật tử nên số lượng xuất bản khá nhiều.

Trong lịch sử báo chí Phật giáo có thể nói Từ Bi Âm là diễn đàn đầu tiên của ni giới. Người xuất hiện đầu tiên là ni sư Diệu Tịnh. Ni sư tên thật là Phạm Thị Thọ, pháp danh Hồng Thọ, hiệu Diệu Tịnh, sinh năm 1910, người Gò Công. Năm 1933, Ni sư viết bài “Lời than phiền của một cô vải” đăng trên Từ Bi Âm số 27- 1933, tiếp theo là bài “Cái án nguỵ truyền Chánh pháp” số 73-1935. Hai bài viết trên đã gây chú ý trong cả tăng giới và ni giới. Tất cả các bài đăng về sau của ni sư trên tờ báo nầy cũng đều tập trung vào mục đích kêu gọi chấn hưng ni phái và sự bình đẳng.

Điểm nổi bật và xuyên suốt trong các bài viết hay diễn thuyết (được đăng tải trên Từ Bi Âm) của ni sư Diệu Tịnh là đánh thức ý thức tự lực, tự cường của ni giới nói riêng và phụ nữ Việt Nam thời bấy giờ nói chung. Kêu gọi họ tham gia gánh vác những công việc của xã hội. “…ta hô bè rủ bạn, đậu của chung công, mà tổ chức những việc bổ ích cho phần trí dục, thể dục, đức dục của nhơn loại, hoặc lập trường phật học để hoằng dương Phật giáo mà cứu vớt chúng mê tâm, hoặc lập sở dục anh, hoặc lập nhà dưỡng lão, hoặc khai viện thí thuốc v..v…nhứt thiết những việc nhu yếu của nhơn sanh, ta đều ra sức cung cấp, ta không nên để cho trong xã hội Phật giáo của ta còn một điều gì khuyết điểm, thì ta mới gọi là “người trong đạo phật” (bài giảng tại chùa Linh Sơn hôm khai nhóm đại hội của NKCNPH).

Là người rất nỗ lực đóng góp cho phong trào chấn hưng Phật giáo, các bài viết của Ni sư Diệu Tịnh gióng lên tiếng chuông tập hợp ni giới tham gia trùng hưng Phật giáo nước nhà; Đồng thời kêu gọi ni giới dẹp bỏ tính tự ti mặc cảm, tập trung ý chí nghị lực cho việc hoằng hóa, trùng hưng Phật giáo. Văn ngôn của ni sư Diệu Tịnh ngắn gọn, đanh thép, mang tính thuyết phục cao, tác động mạnh mẽ đến nhận thức của tất cả mọi người kể cả nam giới. “Như trong tỉnh Gia Định, về làng Tân Sơn Nhì có cô vải Diệu Tịnh, trụ trì chùa Hải Ấn, xuất gia từ nhỏ, nay tuổi gần ba mươi, tánh tình thanh tịnh, giới hạnh nghiêm minh. Hớn tự quốc văn cả hai đều am hiểu, thường thấy đắp y lên diễn đàn mà thuyết pháp, làm trong phái tòng lâm có nhiều người thấy vậy mà bắt hổ thầm” (Một cuộc điều tra về ni giới-cư sĩ Minh Ký – TBÂ số 117, ngày 1-12-1936).

Có thể nói những đóng góp trên diễn đàn của Ni giới ở bán nguyệt san Từ Bi Âm trong giai đoạn nầy rất đáng trân trọng, không chỉ làm phong phú trang lịch sử báo chí Phật giáo, mà góp phần không nhỏ trong việc làm thay đổi nhận thức của mọi người về nữ giới nói chung và về ni giới nói riêng.

3.Và đến tờ báo của hội Phật giáo cứu quốc.

Thực dân Pháp trở lại tái chiếm nước ta. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phật tử không đứng ngoài cuộc. Năm 1946, sư Minh Nguyệt cùng các tu sĩ, cư sĩ ra chiến khu Đồng Tháp Mười lập Ban Chấp hành Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ, đặt Văn phòng Trung ương tại chùa Ô Môi, xã Mỹ Quý, Đồng Tháp Mười. Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ được tổ chức tại Gia Định, Chợ Lớn, Sài Gòn, Bà Rịa, Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Long Xuyên, Bạc Liêu, Rạch Giá… Hội đã xuất bản báo Tinh Tấn, do sư Tam Không (Thích Minh Nguyệt) làm chủ nhiệm.

Tinh Tấn (5) là cơ quan ngôn luận của Phật giáo cứu quốc Nam bộ.  Báo in ở nhà in Trí Thiền (Nguyễn Văn Đồng) (chưa rõ địa chỉ này ở đâu). Báo có 4 trang khổ lớn, ngoài các bài viết có mục Công tác kháng chiến đăng tin tức các phật tử tham gia kháng chiến, các chùa chiền hiến chuông và đồ đồng đóng góp cho công binh xưởng đúc đạn…Số đặc san in khổ nhỏ, có 12 trang, bài viết khá phong phú, có cả mục phóng sự. Chứng tỏ tờ báo không ra định kỳ nhưng số lượng phát hành khá cao 5.000 số mỗi kỳ. Theo lời giới thiệu, mục đích Tinh Tấn ra đời là:

1.Tấn triển công tác kháng chiến cứu quốc cũng như kiến quốc, thiết thực của người Phật tử.

2. Nghiên cứu Giáo lý đại thừa để phát huy tinh hoa Phật giáo.

3. Nâng cao chánh pháp để chỉnh đốn giáo hội Tăng già.

4. Đem chánh tín diệt trừ mê tín cho hợp với “đời sống mới” của toàn dân (6)

Trên tờ Tinh Tấn số 2 ngày 25-7-1949, ta có thể bắt gặp những bài đáng chú ý như sau: Tường thuật cuộc lễ kỷ niệm sinh hận Đức Thích ca mâu ni và bài diễn văn khai mạc của Hội trưởng Tam Không,: Bài Diễn văn giáo lý của Phó hộ trưởng, cư sĩ Bạch Liên. Trong bài này, ông viết “ Đạo phật có cái tinh thần đặc biệt của nó khiến cho những phép tắc đặt ra, có đặc tính riêng. Phật tổ cho cái khổ là gốc, nhưng không có quan niệm yếm thế, vì vậy kỷ luật của giáo hội tăng già không có tánh khắc khe, cứng rắn mà lại ôn hòa, nên gọi là lục hòa (7)… Đặc biệt là bài xã luận thể hiện rõ tôn chỉ mục đích của báo “Tinh tấn là không tiếc thân mạng, không tham sống sợ chết, là hăng hái siêng năng bền bĩ, cương quyết cho thành đạo. Bài xã luận kêu gọi “Giờ này giặc càn thua càng dữ, đồng bào càng chịu khốn khó, chúng ta là phật tử,đã thề vì nước vì dân, xông ra chống giặc thời phải kiên quyết thêm lên. Chúng ta phải nói: Phật tử tinh tấn, phải tinh tấn hơn nữa, để thi hành đúng lịnh chuẩn bị tổng phản công, hoàn thành sứ mạng phật tử kháng chiến (8).

Báo Tinh Tấn ắt hẵn có nhiều độc giả ủng hộ, nhất là trong giới Phật tử. Sau khi đăng bài thơ Mấy lời tâm huyết của sư Tam Không, trên Tinh Tấn đăng ý kiến hưởng ứng của Hòa thượng Quảng Ân, chùa Linh Phước Mỹ Tho “Sau khi đọc Mấy lời tâm huyết, tôi thiết tưởng nó là một hồi chuông cảnh tỉnh, để phật giáo đồ thực hành ngay bàn nguyện lợi sanh của chư phật. Sứ mạng của tăng già trong giai đoạn này là diệt trừ bọn tàn ác xâm lăng, đem lại hòa bình tự do cho dân tộc. Tôi mong lối thi này đủ hiệu lực rền vang cùng chuông khánh mỏ kinh mà phấn khởi tất cả tăng ni đương ẩn khuất trong chốn thị thành đứng lên kháng chiến”

Tờ Tinh Tấn cũng có những số đặc biệt như số 3, số kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Độc Lập, in khổ lớn, trang đầu trích tuyên ngôn độc lập của Bác. Trang chót trích lời di giáo của Hòa thượng Khánh Hòa “Giết một con kiến mà lợi riêng cũng có tội; giết một ngàn giặc Pháp để cứu nước là làm phước”

Tóm lại, báo chí Phật Giáo Việt Nam nói chung và ở Nam bộ nói riêng thực sự khai sinh và phát triển từ khi có phong trào chấn  hưng Phật Giáo vào đầu thập niên 1930. Tuy từng thời điểm thăng trầm trong sự biến chuyển của lịch sử đất nước, nhưng tất cả đều nỗ lực thực hiện sứ mệnh hoằng pháp, đồng thời qua đó ta thấy được thực tế hoạt động Phật giáo trong từng giai đoạn. 

Báo chí Phật giáo trong giai đoạn từ khia khia sinh đến 1965 cũng có những lúc đấu tranh quyết liệt để vươn lên tìm lối đi đúng với chánh pháp, cũng có những sự xung đột trong cuộc đấu tranh nội bộ nhưng vẫn giữ được sự ôn hòa, độ lượng. Nét chủ đạo của nhiều tờ báo là cân bằng việc đời việc đạo, không thoát ly thời cuộc nhưng không xem nhẹ việc tu tập hướng về sự giải thoát giác ngộ để giải quyết vấn đề khổ đau của con người.  

Chú thích:

(1) Nay là xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang

(2) Tự Trần, Pháp Âm tr.18, nguyên văn.

(3)  Nhiệm vụ của tăng chúng đạo phật đối với xã hội ngày nay – ĐNT- Đuốc tuệ số 79, tháng 2-1938

(4) bài Một nguyên nhân sẽ đưa thế giới và nhân sanh vào con đường tuyệt diệt

(5) Theo phái đại thừa. Lục độ Ba la mật là trụ cột của đại thừa. Trong lục độ (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ), tinh tấn là điều kiện duy nhất để đi đến công việc mỹ mãn.

(6) Tinh Tấn năm thứ nhất, số 2 ra ngày 25-7-1949.

(7) Lục hòa:

1.Giới hòa đồng tu (đã nhận xét giới là phải thời cùng nhau giữ giới)

2.Kiến hòa đồng giải (giảng giải cho nhau những chỗ hiểu biết, những kiến thức đã cảm thông được)

3.Thân hòa đồng trụ (sống chung và thương yêu nhau)

4.Lợi hòa đồng quân(chia nhau cho công bình, lợi tinh thần cũng như lợi vật chất.

5. Khẩu hòa vô tranh (nói năng cùng nhau dịu hòa)

6.Ý hòa đồng diệt ( tâm ý vui vẻ với nhau) .

Bài diễn văn giáo lý- đăng trên Tinh Tấn số 2, ngày 25-7-1949, tr.5

(8) Xã luận Tinh Tấn cứu bịnh giải đải- Tinh tấn số 2, ngày 25-7-1949, tr.5 

Tài liệu Tham khảo:

+ 100 câu hỏi đáp về Báo Chí ở Thành Phố Hồ Chí Minh. Trương Ngọc Tường – Nguyễn Ngọc Phan-Nxb Văn Hoá Sài Gòn 2007.

+ Hành trạng Chư ni Việt Nam – Chủ biên Tỳ kheo Thích Như Nguyệt- NXB Tôn Giáo 2007.

+ Các tạp chí Từ Bi Âm, Tinh Tấn, Pháp Âm…

Cập nhật ( 07/06/2014 )

Related Posts

Hành trình đưa Khóa tụng thống nhất đến với Phật tử

3 tuần trước
0

Pháp phục Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ

3 tuần trước
0

ĐẨY MẠNH ĐỀ ÁN PHÁP PHỤC, NGÔN NGỮ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

3 tuần trước
0

Bạc Liêu: Lễ ký kết hợp tác giữa Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh

3 tuần trước
0

Tham luận 40 năm thành lập GHPGVN: Đặc trưng Văn hóa Phật giáo Việt nam (HT. Thích Thọ Lạc)

1 tháng trước
0
Thiện nam tín nữ, Phật tử gần xa thành tâm lễ bái Bồ Tát Quán Thế Âm tại Quán Âm Phật Đài

Bạc Liêu: Tết Nguyên tiêu nơi mái chùa dân tộc

2 tháng trước
0
Next Post

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi (Tâm Hà Lê Công Đa)

Bốn mươi ba công án (Nhất Hạnh dịch)

Bài viết xem nhiều

  • Chư Tôn đức quang lâm điện Dược Sư

    Bạc Liêu: Trang nghiêm Lễ An vị tôn tượng Đức Phật Dược Sư tại chùa Giác Hoa

    0 shares
    Share 0 Tweet 0
  • Bạc Liêu: Chùa Giác Viên trao 200 phần quà cho bà con nghèo và người già neo đơn

    0 shares
    Share 0 Tweet 0
  • Bạc Liêu: Khóa tu thanh thiếu nhi chủ đề “Quá trình tu học” tại chùa Hải Triều Âm

    0 shares
    Share 0 Tweet 0
  • Bạc Liêu: Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh trao 100 phần quà tại thị xã Giá Rai

    0 shares
    Share 0 Tweet 0
  • Bạc Liêu: Lớp Giáo lý Phật học tại chùa Phong Lợi chủ đề “Lược sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni”

    0 shares
    Share 0 Tweet 0

Thông báo

Lưu trữ

Bạc Liêu: THÔNG BẠCH ĐẠI TRÙNG TU KHU QUÁN ÂM PHẬT ĐÀI (MẸ NAM HẢI BẠC LIÊU)

2 tuần trước
0
Lưu trữ

Bạc Liêu: Thư mời Quý Phật tử tham dự Lễ đặt đá xây dựng khu Quán Âm Phật Đài

3 tuần trước
0
Lưu trữ

Bạc Liêu: Thường Trực Ban Trị sự thông báo hành trì Đại bi chú-đảnh lễ Ngũ bách danh cầu nguyện xây dựng – đại trùng tu khu Quán Âm Phật Đài

3 tuần trước
0
Lưu trữ

Bạc Liêu: Thường Trực Ban Trị sự thông báo hành trì Đại bi chú-đảnh lễ Ngũ bách danh cầu nguyện xây dựng – đại trùng tu khu Quán Âm Phật Đài.

4 tuần trước
0
Lưu trữ

Thông bạch: Tổ chức an cư kết hạ – Phật lịch 2567

4 tuần trước
0
Lưu trữ

Thông bạch của Hội đồng Trị sự GHPGVN về việc trao tặng quà Xuân 2023 cho người có hoàn cảnh khó khăn

4 tháng trước
0

Ban trị sự

Tự viện

Từ thiện

Lịch vạn niên

03/2023
CNT2T3T4T5T6T7
 
 
 
 
 
 
1
10/2
2
11
3
12
4
13
5
14
6
15
7
16
8
17
9
18
10
19
11
20
12
21
13
22
14
23
15
24
16
25
17
26
18
27
19
28
20
29
21
30
22
1/2
23
2
24
3
25
4
26
5
27
6
28
7
29
8
30
9
31
10
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Liên kết website

  • Phật Giáo Việt Nam
  • Phật Giáo Org
  • Thư Viện Hoa Sen
  • Báo Bạc Liêu

Thống kê truy cập

  • 0
  • 130
  • 1.626
  • 201.470

GHPGVN TỈNH BẠC LIÊU

  • Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
  • Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
  • Điện thoại: 0949 111 848
  • Email: giacnghithich@gmail.com

VĂN PHÒNG & LIÊN LẠC

  • Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
  • Trụ sở: Chùa Long Phước 2/234 Nguyễn Thị Minh Khai, P.5, Tp.Bạc Liêu
  • Điện Thoại: 0291.3696968
  • Email: phatgiaobl@gmail.com

THÔNG TIN TÀI KHOẢN:

  • Tên tài khoản: Quán Âm Phật Đài
    - Ngân hàng ACB: 949111888
    - Ngân hàng BIDV: 78510000999899
    - Chi nhánh Bạc Liêu.
  • Tên tài khoản: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
    - Ngân hàng BIDV: 78510000556869
    - Chi nhánh Bạc Liêu

© 2022 Phật Giáo Bạc Liêu - Trang Tin Điện Tử Phật Giáo Bạc Liêu

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Ban Chứng Minh
    • Ban trị sự
    • Các ban trực thuộc
  • Tin tức – Phật sự
  • Từ thiện xã hội
  • Lịch sử – văn hóa
    • Văn hoá phật giáo
    • Lịch sử văn hoá
  • Nhân vật – Sự kiện
    • Nhân vật
    • Sự kiện
  • Phật học
    • Tự viện
  • Trung cấp phật học