Báo chí là nơi khơi dậy nguồn tài nguyên tinh thần của cộng đồng * Trọng Trà Lâu nay, khi nói đến tài nguyên, thường người ta đề cập đến nguồn tài nguyên thiên nhiên, như tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản, thủy hải sản… Nhưng còn có một nguồn tài nguyên mà chúng ta ít quan tâm chú ý cũng như chưa có một chiến lược phát triển thích hợp, đó là nguồn tài nguyên tinh thần. Theo các chuyên gia xã hội học thì "tài nguyên tinh thần" là nguồn vốn tinh thần được kết tinh từ trong quá trình lao động và sáng tạo của các thế hệ cha ông chúng ta với bề dầy cả nghìn năm. Nguồn tài nguyên này do tiền nhân tạo ra chứ không phải tự nhiên mà có. Trong đó, các di sản vật thể và phi vật thể, các giá trị văn hóa thể hiện trong nếp ứng xử, phong tục tập quán, trong văn học nghệ thuật… là những tài nguyên tinh thần vô giá của con người, của dân tộc. Người Nhật tự hào về nghệ thuật trà đạo, hoa đạo của nền văn hóa hoa anh đào và nâng nó lên tầm vóc một nghi thức đặc biệt không chỉ trong sinh hoạt cộng đồng mà còn là điểm nhấn nhằm tiếp thị với cộng đồng thế giới trong việc tạo ra một giá trị đặc trưng có ý nghĩa quyết định trong chiến lược kinh doanh. Đó là do cư dân xứ Phù Tang đã biết phát huy và khai thác triệt để nguồn vốn tinh thần của dân tộc mình một cách khôn khéo để tìm cách chinh phục thế giới . Cũng vậy, cư dân đảo quốc Sư tử cùng một vài con rồng Châu á khác như Đài Loan, Hàn quốc… đã chắt lọc nội hàm của chữ Tín trong học thuyết của Khổng tử để vận dụng và làm mới nội hàm đó trong một chiến lược kinh doanh độc đáo, tạo ra các sản phẩm gắn với chất lượng và thương hiệu uy tín hàng đầu thế giới. Đó chính là sức mạnh thần kỳ của những con rồng châu Á trong xu thế vươn mình ra biển lớn – hội nhập nền kinh tế toàn cầu bằng việc phát huy những giá trị văn hóa một cách khôn ngoan từ nguồn vốn tinh thần của tiền nhân. Trở lại với đất nước chúng ta, vấn đề là làm sao ta có thể khai thác tốt nhất nguồn tài nguyên tinh thần của dân tộc mình vốn có bề dầy và sức nặng nghìn năm văn hiến, văn vật. Có phải đã đến lúc chúng ta phải chung tay để cùng nhau đề cao việc bảo tồn, bảo vệ những giá trị tinh thần đã trở thành quốc bảo của dân tộc trước sự xâm thực ồ ạt của những giá trị lai căng, lệch lạc, kệch cỡm của văn hóa ngoại lai. Đồng thời, chúng ta cũng phải nhanh chóng biết khai thác triệt để nguồn tài nguyên tinh thần vô giá của dân tộc mình, cũng như của cả nhân loại. Chí ít chúng ta cũng góp phần định hình những giá trị thuộc về triết lý sống khôn ngoan và giàu nghĩa tình của người Việt để cháu con chúng ta biết được cái kho tàng vô giá cha ông đã trao truyền cho chúng là gì, sức mạnh to lớn như thế nào. Một xã hội khôn ngoan, sáng suốt và nhân văn thì biết tận dụng tối đa cơ hội bảo tồn và phát huy nội lực dân tộc, trong đó biết cách giới thiệu với cộng đồng thế giới những giá trị thuộc về tinh hoa của nguồn tài nguyên tinh thần đó. Nếu không, chúng ta tự tước bỏ cơ hội cạnh tranh lành mạnh trên chính sân nhà khi xã hội thời hội nhập vốn có nhiều mảng đang tranh tối tranh sáng. Một xã hội chú trọng vào phát triển kinh tế, đề cao quá mức những tiện nghi vật chất rất dễ tạo ra sự rối loạn, xuống cấp về văn hóa, lối sống, sự mai một của bản sắc dân tộc. Một khi khu vực nông thôn bị đô thị hóa cấp tập, người nông dân chạy theo tiện nghi, lối sống đô thị hóa sẽ phản bội ngay bản sắc của mình, coi thường, vứt bỏ tài nguyên tinh thần mình đang có để trở thành một dạng lai căng “nửa quê, nửa chợ”, hàm ẩn đủ thứ bi kịch và tệ nạn xã hội. Cho nên phát triển kinh tế bền vững phải hài hòa với xây dựng văn hóa. Bởi vì nói như Hồ chủ tịch thì “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Do đó, một trong những điều kiện để xây dựng thành công văn hóa là phải biết khai thác, phát huy nguồn tài nguyên tinh thần của dân tộc, của cả nhân loại. Thời gian qua Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương như tôn trọng, bảo tồn, khai thác, quảng bá, phát huy tài nguyên tinh thần của người Việt, nhưng những giá trị tinh thần, đặc biệt là văn hóa dân tộc không phải muốn khai thác là có ngay sản phẩm, nó đòi hỏi một quá trình đầu tư có chiều sâu, có gạn lọc, có phân loại để tránh bị lợi dụng, mai một. Ông cha ta đã để lại một nguồn tài nguyên tinh thần rất to lớn thể hiện trong văn hcj, tư tưởng, lịch sử… nhưng vẫn chưa được khảo cứu đến nơi đến chốn, để phổ biến rộng rãi. Một trong những phương tiện quan trọng hàng đầu giúp chúng ta có thể khai thức từ nguồn vốn tinh thần đó chính là các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó báo chí là một kênh thông tin rất quan trọng để ngày ngày miệt mài tải tới bạn đọc xa gần những bài học về đạo lý làm người, về gương sáng danh nhân, về nhân tài đất Việt, về những Ngô Bảo Châu trong mọi lĩnh vực của xã hội, về những tấm gương học tập và làm theo lời Bác… Chắc chắn những tấm gương đó bao giờ cũng vận dụng một cách thông minh và khéo léo những giá trị tinh thần của truyền thống để tạo ra những giá trị mới, bổ sung vào thực tiễn vốn phong phú và đa dạng. Họ chính là cầu nối giữa con người hiện đại với truyền thống, nối liền bạn bè năm châu lại với nhau. Báo chí phải trở thành một diễn đàn thật sự, là nơi gặp gỡ, giao lưu học hỏi giữa các nhà trí thức, các chuyên gia trong mọi lĩnh vực… để có thể cùng nhau giải quyết những vấn nạn cả xã hội đang quan tâm như bạo lực học đường, bạo hành gia đình, văn hóa giao thông… Báo chí phải là nơi hội ngộ của tinh hoa, của tình người, của những sáng kiến hay, những việc làm tích cực. Cần có một thái độ “Góp nhặt cát đá” từ kho tàng kinh nghiệm và lối ứng xử khôn ngoan của cả cộng đồng. Đã có một thời, chúng ta lầm tưởng tài nguyên thiên nhiên là vô tận, nhưng dù nguồn tài nguyên này giàu có mấy khai thác mãi rồi sẽ đến lúc cạn kiệt, nhưng tài nguyên tinh thần càng khai thác càng làm đất nước lớn mạnh thêm, giàu có thêm. Vì vậy, cần giáo dục cho thế hệ trẻ biết quý trọng và biết cách khai thác, phát triển nguồn tài nguyên tinh thần thì chính họ càng biết gìn giữ, bảo vệ các nguồn tài nguyên tự nhiên cho việc phát triển kinh tế – xã hội bền vững, hợp lý, để giới thiệu và quảng bá tinh hoa của cha ông đến với cộng đồng nhân loại. |
Cập nhật ( 18/03/2011 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com