Bánh cộ của các chùa xứ Huế
* Võ Văn Dần Chúng tôi gọi các cô làm bánh cộ ( bánh in ) ở chùa Hồng Ân (thôn Thượng I, xã Thủy Xuân, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế) là những người “xây tháp’. Bởi họ không chỉ đơn thuần tạo ra chiếc bánh cộ rực rỡ sắc màu, mà còn thể hiện tài trang trí, liên kết các bánh thành từng tầng, tháp có hình tròn hoặc hình lục giác, bát giác…Trông thật đẹp mắt. Bên cạnh việc kinh kệ sớm khuya hay công tác Phật sự, học hành…quý cô, quý sư còn tổ chức làm các nghề như bánh cộ, làm nước tương, làm hương, trầm…Để có thu nhập đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của nhà chùa. Có thể nói, nghề bánh cộ ở Huế ra đời hàng chục thập kỷ qua và đang ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực, đáp ứng phần nào nhu cầu lễ nghi cúng tế của người dân xứ Huế và các vùng lân cận. Trong các ngày lễ, ngày rằm, mồng một hàng tháng, và nhất là dịp Tết Nguyên đán; trên bàn thờ tổ tiên, ngoài hoa quả còn có bánh cộ rực rỡ sắc màu được thờ cúng trang nghiêm và ấm cúng. Đó là thành quả lao động miệt mài và bàn tay khéo léo của quý cô, quý sư ở các chùa Huế. Bánh cộ có nhiều loại như bánh đậu xanh, bánh nếp, bánh bột bình tinh. Hình dạng cũng rất phong phú như hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật, lục giác, bát giác…Kích cỡ to nhỏ, dày mỏng cũng khác nhau để khách hàng tùy sở thích mà chọn lựa. Nguyên vật liệu để làm bánh, quý cô mua ở các chợ, siêu thị hoặc đặt hàng cho các Phật tử đem đến tận chùa. Bánh cộ được nhà chùa làm quanh năm, đặc biệt là 3 tháng cuối năm phải tăng công suất mới đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong dịp tết Nguyên đán. Loại bánh thông dụng nhất mà quý cô hay làm là bánh đậu xanh. Cô Thích Nữ Tịnh Thảo (chùa Hồng Ân-Huế) cho biết: Bánh đậu xanh muốn để được lâu khi cúng (khoảng 6 tháng đối với bánh đã được xây tháp) thì khâu quan trọng nhất là phải sấy bột cho thật kỹ, thật khô, đều. Nếu không bánh sẽ bị nhanh mốc. Bánh bột nếp thì các công đoạn làm đơn giản hơn so với làm bánh đậu xanh, nhưng khâu quan trọng vẫn là sấy bánh cho thật khô, đều và tỷ lệ pha trộn giữa đường và bột thế nào là thích hợp. Điều này đòi hỏi kinh nghiệm của người làm, chứ rất khó diễn giải chính xác?! |