BÀN VỀ BẢN DỊCH SẮC THẦN ĐÌNH TÂN HƯNG TRONG SÁCH BẠC LIÊU XƯA VÀ NAY * Trần Phước Thuận Bạc Liêu xưa và nay là một trong những tác phẩm nói về Bạc Liêu xưa đã được nhà nghiên cứu Huỳnh Minh biên soạn năm 1966, nội dung sách rất phong phú đã đáp ứng một phần lớn các nhu cầu tìm hiểu về đất nước con người Bạc Liêu trong tiền bán thế kỷ XX và các thế kỷ trước, có thể nói đây là một tập tài liệu có giá trị về mặt sử học hiện đang được nhiều nhà nghiên cứu dùng làm tài liệu tham khảo cho các đề tài khoa học xã hội có liên quan đến vùng đất Bạc Liêu. Tuy nhiên trong sách cũng có một số điểm hạn chế, cần nên xem lại; điển hình như bản dịch sắc thần đình Tân Hưng ở trang 148 – 149, cả phần phiên âm lẫn phần dịch nghĩa đều có sai sót nhiều chổ. Nhận thấy đình Tân Hưng là một trong những ngôi đình cổ ở Bạc Liêu đã được xây dựng gần 200 năm trước, đây là một di tích lịch sử có liên quan rất lớn đến công cuộc khai mở đất hoang xây dựng làng xã của người Bạc Liêu. Ngôi đình này đã được triều Nguyễn ban tặng sắc`thần từ niên hiệu Tự Đức thứ 5 và hiện nay đã trở thành một trong những đối tượng nghiên cứu của các công trình văn hóa lịch sử tỉnh Bạc Liêu và bản dịch sắc thần trong sách Bạc Liêu xưa và nay lại được thường xuyên sử dụng, cho nên việc bổ sung và hiệu đính bản dịch này theo chúng tôi, đó cũng là những việc làm cần thiết. Bản phiên âm và dịch nghĩa sắc thần đình Tân Hưng trong sách Bạc Liêu xưa và nay có nội dung như sau : * Phiên âm Sắc bổn cảnh Thành hoàng chi thần, nguyên tặng quản hậu chi thần. Hộ quốc tí dân nẫm trứ, linh ứng chí kim phỉ ứng, đích mạng niên niệm thần hựu. Khả gia tặng Quản – hậu chính – trực hựu thiện đôn ngưng chi thần. Nhưng chuẩn Phong – thạnh huyện, Tân – hưng thôn, y cựu phụng – sự. Thần kỳ tương hựu, bảo ngã lê dân. Khâm sai. Tự Đức ngũ niên, thập nhất nguyệt, trấp cửu nhật. * Dịch nghĩa : Lịnh triều đình phong sắc cho vị Thành Hoàng bổn cảnh, chức cũ là vị thần Quản hậu. Giúp dân giữ nước sáng tỏ công lao, linh ứng đến ngày nay, nhân dân bổn địa đều nhìn nhận. Lòng trẫm cũng tin tưởng là Thần giúp nên dân mới được bình an. Vậy hôm nay trẫm gia phong thêm là Quản hậu chính trực, hựu thiện đôn ngưng chi thần. Sắc này chỉ phong vị Thành hoàng tại thôn Tân – hưng huyện Phong – thạnh, nhân – dân sở tại hãy y theo lối cũ mà phụng thờ. Thần sẽ giúp cho, và thần phải hết bổn phận gìn giữ lê dân của Trẫm. Hãy vâng theo sắc lịnh. Tự Đức năm thứ 5 (Nhâm tý 1852) tháng 11 ngày 29. Sau khi đối chiếu bản phiên âm và dịch nghĩa này với bản gốc của sắc thần (xem ảnh) thì phần trình bày thấy không đúng với hình thức một sắc thần, một số từ trong câu và một số dấu phẩy đặt không đúng vị trí; phần phiên âm thì vừa vào đầu đã thiếu mất bốn từ : Tôn hiệu cũ của thần được ghi trong sắc thần là “Quảng Hậu Chính Trực Hựu Thiện” (廣候正直佑善) nhưng trong bản phiên âm chỉ ghi “quản hậu”, tên hiệu của thần đã không viết hoa, từ (廣) đáng lẽ phải phiên âm là “Quảng” lại phiên âm “quản”. Tiếp theo là các từ : Tứ (肆) , phi (丕) , ưng (應) , cảnh (耿) , miến (緬) trong bản phiên âm lại ghi : ”chí, phỉ, ứng, đích, niên” không rõ nghĩa gì? Nội dung của sắc thần được chấm dứt bằng hai từ “ khâm tai” (欽哉), bản phiên âm lại ghi là “khâm sai”. Bốn từ cuối của sắc thần là “nhị thập cửu nhật” (貳拾玖日) ở bản phiên âm lại ghi “ trấp cửu nhật” ; vẫn biết “trấp” cũng là “nhị thập” nhưng qui định viết ngày tháng năm trong sắc thần phải dùng chữ phức chứ không dùng chữ viết tắt, cho nên “ nhị thập” không thể phiên âm là “trấp” được. Phần dịch nghĩa vì vậy cũng bị ảnh hư?ng, nhất là phần cuối của bản dịch lại càng không đúng. Nguyên văn của phần cuối sắc thần ghi : “Tự Đức ngũ niên thập nhất nguyệt nhị thập cửu nhật” ; bản dịch ghi : “Tự Đức năm thứ 5 (Nhâm tý 1852) tháng 11 ngày 29”. Thật ra Hoàng tử Nguyễn Phúc Thì (Hồng Nhậm) lên ngôi từ tháng10 năm Đinh Mùi (1847), nhưng năm đó còn dùng niên hiệu cũ là Thiệu Trị, đến năm sau 1948 mới đặt niên hiệu mới là Tự Đức, tính đến năm 1852 thì đúng niên hiệu Tự Đức thứ 5 và năm này cũng là năm Nhâm Tý, nhưng giữa năm dương lịch và năm âm lịch có một khoảng thời gian chênh lệch với nhau; ngày mùng một tháng giêng của năm Nhâm Tý này nhằm ngày 20/02/1852 dương lịch, nhưng đến ngày 30 tháng chạp cuối năm đó lại là ngày 07/02/1853 dương lịch. Như vậy 37 ngày cuối của năm Nhâm Tý lại là 37 ngày đầu của năm 1853 (chứ không phải của năm 1852). Từ đó suy ra ngày 29 tháng 11 của niên hiệu Tự Đức thứ 5 là ngày 08/01/1853 dương lịch. Bởi các lý do đã trình bày trên, chúng tôi xin phép bổ sung và viết lại hai bản phiên âm và dịch nghĩa sắc thần đnh Tân Hưng như sau : * Phiên âm : Sắc. Bổn cảnh Thành hoàng chi thần, nguyên tặng Quảng Hậu Chính Trực Hựu Thiện chi thần, hộ quốc tí dân nhẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi ưng Cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng Quảng Hậu Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng chi thần. Nhưng chuẩn Phong Thạnh huyện, Tân Hưng thôn y cựu phụng sự. Thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai. Tự Đức ngũ niên, thập nhất nguyệt, nhị thập cửu nhật. 敕。 本境城隍之神,原贈廣候正直佑善之神,護國庇民稔著靈應。 肆今丕應耿命,緬念神庥,可加贈廣候正直佑善敦凝之神。 仍準豐盛縣,新興村依舊奉事。 神其相佑保我黎民。 欽哉。 嗣德伍年,拾壹月,貳拾玖日。 * Dịch Nghĩa : Sắc ban cho Thần Thành hoàng bổn cảnh, nguyên được phong tặng là thần Quảng Hậu Chính Trực Hựu Thiện, đã có công giữ nước giúp dân, lâu nay linh ứng rõ ràng. Nay trẫm vâng mệnh Trời, tưởng nghỉ đến công của thần lâu nay che chở chúng dân. Nên gia tặng thần hiệu là Quảng Hậu Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng. Chuẩn y cho thôn Tân Hưng, huyện Phong Thạnh vẫn phụng thờ theo lối cũ. Thần hãy tiếp tục trông coi giúp đỡ và bảo hộ con dân của Trẫm. Hãy kính cẩn thi hành sắc mệnh này. Ngày 29 tháng 11 (âl) năm Nhâm Tý, niên hiệu Tự Đức thứ 5. (Nhằm ngày 08 tháng 01 năm 1853 dương lịch). |
Cập nhật ( 27/09/2014 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com