BÀN THÊM VỀ HAI CHỮ LIÊU TRAI * Mai Quốc Liên Lâu nay, khi nói tới Liêu trai chí dị nhiều người có xu hướng hiểu chữ liêu là hiu hắt, vắng vẻ, cô liêu… mà quên rằng chữ liêu trong cô liêu và chữ liêu trong liêu trai tuy đồng âm và nghĩa khác nhau xa lắm. Thế rồi bèn dịch kiệt tác đó là “thư trai cô liêu” (Nguyễn Huệ Chi – Văn học 1989) là “thư phòng hiu quạnh” (từ điển tác gia, hà Nội, 1982)… Với phát giác trên kèm hai câu văn trong truyện Hồ Mộng, Vũ tiên sinh đã đi đến kết luận Liêu Trai là một bút hiệu của Bồ Tùng Linh. Về hai phát hiệu trên, tôi thấy có nhiều tán thành, tâm đắc. Tuy nhiên, tôi thấy cần trao đổi thêm một vài điều băn khoăn, nghi ngại. khi tra cứu để làm rõ nghĩa chữ LIÊU, tác giả bài báo đã có sự chủ quan, tùy tiện đáng tiếc. tác giả viết: “Theo Từ Nguyên, LIÊU có nghĩa là nhờ cậy (…). Thứ hai, LIÊU có nghĩa là chuyên ròng. Ví dụ kinh điển : liêu lự : tinh tâm dã (dốc lòng suy nghĩ về một đối tương). Thứ ba, LIÊU là phóng khoáng, phóng đãng…” (tr. 66). Chúng tôi đã tra lại chính Từ Nguyên, thì thấy bộ từ điển này chú giải chữ liêu như Vũ tiên sinh viết. Để cho rõ ràng, tôi ghi lại đây nghĩa của chữ liêu theo Từ Nguyên như sau: “1.nhĩ minh dã (tai ù) 2. ngữ trợ dã (trợ từ) 3. cô thả dã (hãy) 4.lại dã (dựa cây), dẫn : dân bất liêu sinh là nói dân không có chỗ để sống. 5. lạc dã (vui), dẫn Sở từ: tâm phiền hội hề ý vô liêu (lòng phiền muộn hề ý không vui). Từ Hải cũng chú giải tương tự. Như thế từ liêu trong Liêu trai có 5 nghĩa, và nào ai biết khi đặt chữ liêu, Bồ Tùng Linh đã viết nghĩ đến nghĩa nào trong 5 nghĩa ấy ? Khi ghép vào các từ khác, liêu thành những từ ghép như: liêu lượng (tiếng rất trong), liêu lãng (phóng đãng), liêu thu (tau ù), liêu lự (tinh khôn)… Vũ tiên sinh đã sử dụng ngịa các từ liêu lãng, liêu lự này khi giải thích nghĩa chữ liêu. Nhưng cần lưu ý rần đó là nghĩa cũa một tổ hợp từ khác mà trong đó hình vị (morpheme) liêu chỉ có ý nghĩa từ vựng rất mờ; có thể nó chỉ là trợ từ, phát ngữ từ, vì nghĩa của liêu lãng, liêu lự nằm ở lãng và lự. Theo công thức ghép từ này, thì liêu trai có nghĩa nằm ở chữ trai, chứ không phải chữ liêu. Như vậy, Từ Nguyên đã không giải thích chữ liêu như chữ Vũ tiên sinh hiểu (trừ nghĩa dựa cậy) (lại). Đó chẳng qua là nghĩa mà Vũ tiên sinh suy đoán. Từ suy đoán đó, Vũ tiên sinh đem kết hợp với tiểu sử, hành trạng của Bồ Tùng Linh như “trôi nổi…, lênh đênh…, nếp sống phải nhờ cậy…”, “tâm hồn phóng khoáng kèm theo nếp sống phóng đảng… có như thế mới dám bịa chuyện ma quỉ, hồ ly…” (tr.66). Đó là những sự lắp ghép, suy đoán để cho tròn cái thuyết của mình, nhưng khi mà liêu không có nghĩa là liêu lãng, liêu lự… thì làm sao có thể suy đoán như vậy mà thuyết phục được bạn đọc? Còn về chữ trai trong liêu trai thì người ta thường hiểu theo hai cách cũng là xuất tự từ điển: trai là ăn chay, dẫn nghĩa thành trong sạch trong lòng (trai tâm). Trai cũng có nghĩa là phòng đọc sách, nơi tu dưỡng tính tình, truy cầu nghĩa lý (thư trai, trai phòng, trai xá). Còn cách hiểu chữ Trai trong các tên hiệu là cùng, ngang nhau, như Vũ tiên sinh thì đó là một suy luận nên suy nghĩ, tuy nhiên các chữ trai đó hiểu là phòng đọc sách, hay là trong sạch, cũng không sai (1). Vấn đề không phải ở chỗ đó, vấn đề là ở chỗ tìm ra mối quan hệ ẩn sau cách đặt tự, hiệu như Ức Trai, Nghị Trai, Cương Trai, Lập Trai… và ở đây là Liêu Trai, nếu như muốn hiểu Liêu Trai là tên hiệu. Vì thông thường thì giữa tên húy (tên thực) và tên tự – tên hiệu, có ẩn dấu một mối quan hệ. Mối quan hệ đó có khi là ở ngữ nghĩa, có khi là ở ý nghĩa và thường dựa vào kinh sách. Sinh cử vài lệ chứng: Nguyễn Trải hiệu là Ức Trai. Tại sao Ức Trai? Theo tả truyện, chữ trãi đứng một mình có ngĩa là cởi mở giải thoát họa loạn: “Sử Khước – tử sính kỳ chí, thứ hữu chãi hồ” (Nếu Khước tử làm hết được chí mình, thì có thể giải thoát được họa loạn). Ngô Thì Nhậm tự là Hy Doãn, vì Hy Doãn được Không tử khen là thánh chi nhậm (ông thánh gánh việc đời), nên Nhậm và Doãn liên quan, đặt Hy Doãn. Cao Bá Quát tự là Chu Thần, vì đời Chu có ông hiền thần là Bá Quát, người cũng được Khổng Tử khen trong Luận ngữ là hiền thần, vì thế Cao Bá Quát đặt hiệu là Chu Thần. Phạm Qúy Thích tự là Dữ Đạo hiệu là Lập Trai là lấy chữ và ý trong câu của Khổng Tử: “Khả dữ cộng học, vị khả dữ thích đạo, khả dữ thích đạo, vị khả dữ lập, khả dữ lập, vị khả dữ quyền”… Đại khái như thế. Việc đặt tên hiệu là có quy tắc của nó, có tầm ngữ nghĩa nhiều khi không dễ tìm ra của nó. Bồ Tùng Linh có các tên tự Lưu Tiên, Kiếm Thần và Liễu Tuyền ; các tên hiệu này, và nếu thừa nhận Liêu Trai cũng là bút hiệu như ý Vũ tiên sinh nữa – có mối quan hệ ngữ nghĩa với Tùng Linh ra sao ; đó là điều không dễ tìm ra (Tùng là cây tùng, Linh là tuôi). Sau cùng thì Bồ Tùng Linh mất năm ông đã 76 tuổi (năm 1715), hơn mười năm sau con cháu có dựng bia. Nhờ người cùng làng là Trương Nguyên viết văn bia. Hồ Thích nhờ người dập được bia này và có khảo chứng cẩn thận (x. Hồ Thích văn tồn). Trong tấm bia đáng tin cậy đó cũng chỉ ghi các tên hiệu Lưu Tiên, Kiếm Thần, Liễu Tuyền mà không thấy ghi tên Liêu Trai. Lẽ nào Bồ Tùng Linh không dặn con cháu, hai lẽ nào lúc sống không ai biết đến tên hiệu đó? Vì vậy, dù thích cái thuyết của Vũ tiên sinh, tôi vẫn còn có chỗ dè dặt, hoài nghi. Tôi cho rằng các nhà Trung Quốc học của Anh, Pháp dịch Liêu Trai là Leao Studio Le1ou là cái lý của họ : vì chưa hiểu chắc nghĩa chữ Liêu nên họ dè dặt, cẩn thận là phải. Người Châu Âu khi dịch tên tác phẩm Trung Hoa, vì không có thể phiên âm Hán Việt, như ta, nên thường dịch nghĩa, chẳng hạn Văn tam điêu long của Lưu Hiệp đời Tấn, người Nga dịch là : “Con rồng chạm nỗi của văn học”. Nhưng trường hợp Liêu trai này họ phiên âm, thì là có sự ! Họ bỏ ngõ nghĩa chữ Liêu. Nhân bài của Vũ tiên sinh, nên tra cứu, suy nghĩ thêm cũng là việc thú vị. Chỉ có điều là nên có một chút hoài nghi khoa học, khi chưa thật đủ cứ liệu, bằng chúng và không nên “vọng văn sinh nghĩa”. Theo tôi, Liêu trai nghĩa là…Liêu trai, chữ liêu như trong liêu lãng liêu tự, nghĩa mờ, nghĩa chính ở chữ trai là tĩnh tâm, trong sạch. Vậy Liêu trai cũng gần nghĩa liêu tự (tĩnh tâm). Và biết đâu nó cũng gồm cả nghĩa vui (lạc), nghĩa thứ 5, có ý vị triết lý như trong thơ của nhà triết học Chu Hy đời Tống : “Thời nhân bất thức dư tâm lạc”. Vui và sạch, trong, tinh, tĩnh …sao lại chẳng hợp cùng nhau ? Dù sao đây chỉ là phỏng đoán, xin chờ ý kiến các bậc cao minh. Còn như chữ liễu in nhầm thành chữ liên (liền) trong phần phụ bản của bài, tôi chắc có sự nhầm lẫn khi sao chép ; dù sao cũng nên viết lại chữ liêu mà Vũ tiên sinh đang bàn. Chú Thích: (1):Theo Hiện đại Hán ngữ từ điển, Thương vụ ấn thư quán. Bắc kinh, 1985, tr. 710, mục Liáo, thì liêu dùng trong khẩu ngữ, có nghĩa là nhàn đàm. Bồ Tùng Linh dùng văn ngôn (cổ văn) viết Liêu trai, nhưng biết đâu ông lại dùng chữ liêu trong liêu trai theo nghĩa là một thư phòng nhàn đàm, một thư phòng để ghi lại những chuyện nhàn đàm, chuyện phiếm, chuyện tưởng tượng kỳ lạ (chí dị), và điều đó cũng hợp lý với câu thơ của Vương Ngư Dương để từ Liêu Trai : Côn vọng ngôn chỉ, vọng thính chỉ (nói láo mà chơi, nghe láo chơi – Tản Đà dịch), vọng ngôn và vọng thính gần nghĩa với nhàn đàm. (2):Theo Lược truyện Nguyễn Trãi, Quốc âm thi tập, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1956. |
Cập nhật ( 22/06/2009 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com