BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC TRONG VĂN XUÔI CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM THỜI KÌ ĐỔI MỚI VÀ HỘI NHẬP * Đào Thủy Nguyên 1. Lịch sử hình thành và phát triển của văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại chưa phải là dài, mới chừng hơn nửa thế kỉ – bắt đầu từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trải qua những non yếu, sơ lược ban đầu, từ 1986 đến nay với những nỗ lực tìm kiếm và thể nghiệm, văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của nền văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Có thể thấy, trong hơn hai chục năm qua, số lượng tác giả người dân tộc thiểu số tham gia vào đội ngũ người viết văn xuôi ngày càng đông đảo, khiến cho bức tranh văn hóa trong văn xuôi các dân tộc thiểu số thêm đa dạng với nhiều sắc thái phong phú. Do sự khác nhau của các dân tộc về đặc điểm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội mà đội ngũ người viết văn xuôi của các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại cũng đông – thưa không đồng đều. Hùng hậu hơn cả là đội ngũ tác giả dân tộc Tày với số lượng người viết có tên tuổi đã lên đến con số hàng chục. Tiêu biểu có thể kể đến: Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Vi Hồng, Hoàng Hạc, Vi Thị Kim Bình, Triều Ân, Ma Trường Nguyên, Cao Duy Sơn, Hữu Tiến, Hoàng Hữu sang, Đoàn Ngọc Minh, Đoàn Lư, …. Các dân tộc còn lại, nhiều thì có vài ba cây bút, như dân tộc Thái có: Vương Trung, Sa Phong Ba, La Quán Miên; dân tộc Mường có: Hà Thị Cẩm Anh, Hà Trung Nghĩa, Bùi Minh Chức; dân tộc ÊĐê có Y Điêng, H’Linh Niê, Niê Thanh Mai; dân tộc Chăm có: Trầm Ngọc Lan, Jalau Anưk, Trà Vigia, Inrasara… Một số dân tộc mới chỉ có hiếm hoi một đại diện, như dân tộc H’mông có Mã A Lềnh, dân tộc Giáy có Nông Trung, Ba Na có Kim Nhất, dân tộc Hoa có Lý Lan …Thậm chí, nhiều dân tộc thiểu số khác trong Đại gia đình các dân tộc Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có được “người giữ lửa”(Raxun Gamzatop))cho dân tộc mình bằng văn xuôi. Không chỉ khác nhau về số lượng nhiều – ít tác giả, tác phẩm ở mỗi dân tộc thiểu số mà còn có sự khác biệt về đặc điểm sáng tác của văn xuôi dân tộc thiểu số ở các vùng miền và các dân tộc khác nhau. Cùng một mục đích là “ghi dấu ấn dân tộc mình” vào bức tranh chung của nền văn xuôi dân tộc nhưng văn xuôi ở khu vực miền núi phía Bắc – “mảnh đất vàng” của văn học dân tộc thiểu số – nghiêng nhiều về truyền thống. Từ Vi Hồng – thế hệ thứ nhất đến Cao Duy Sơn – thế hệ thứ hai bước chuyển đã khá rõ nét ở những tìm tòi thể nghiệm mang tính hiện đại, nhưng về cơ bản Cao Duy Sơn vẫn chỉ dừng ở mức giữ gìn và phát huy chứ chưa mạnh dạn bứt phá để phát triển. Tình hình cũng có những nét tương tự khi quan sát văn xuôi Tây Nguyên từ Y Điêng qua Hlinh Niê đến Niê Thanh Mai. Thế nhưng, ở văn xuôi dân tộc thiểu số khu vực Nam Trung Bộ, một vài cây bút Chăm đã mạnh dạn đi xa hơn. Trầm Ngọc Lan, Trà Vigia đã đổi mới hơn, “phong phú, nhiều chiều với nhiều khác biệt có khi rất trái ngược nhau”. Inrasara đã không ngần ngại “phác thảo diện mạo tinh thần dân tộc” qua một lối viết mang dấu ấn hậu hiện đại với những chân dung hoạt kê và giọng điệu giễu nhại, bỡn cợt… Dù bằng những con đường khác nhau, với những mức độ đậm nhạt khác nhau, nhưng có thể khẳng định: “Các nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam đã làm được phần việc của mình: kể câu chuyện về dân tộc mình, câu chuyện về mảnh đất mình đang sống đến với độc giả các nơi” (1) 2. Làm nên giá trị cốt lõi/cơ bản của mảng văn học đặc sắc này chính là bản sắc dân tộc thể hiện trong cảm hứng tư tưởng và trong tư duy nghệ thuật của nhà văn. Nói về tầm quan trọng của bản sắc dân tộc trong sáng tác của các nhà văn dân tộc thiểu số, nhà nghiên cứu Phong Lê nhấn mạnh: “Thiếu cái đó – bản sắc dân tộc – tức là chưa có gì đáng nói cả, tức là chưa có cái để phân biệt họ với các nhà văn thuộc các dân tộc khác”(2) Vậy bản sắc dân tộc là gì? Đây là vấn đề đặt ra trong hầu hết những trao đổi, luận bàn về văn hóa. Đã có nhiều cách định nghĩa khác nhau, nhưng nhìn chung các ý kiến đều thống nhất cho rằng: Nói bản sắc dân tộc là nói đến những giá trị cốt lõi/ căn bản, nói đến giá trị gốc, giá trị hạt nhân của mỗi một dân tộc. Đó là những giá trị văn hóa đặc trưng được hình thành, tồn tại và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những giá trị này không phải là “nhất thành bất biến” mà thường xuyên có sự chọn lọc, thay đổi, bổ sung những yếu tố tích cực để phù hợp với những chuyển đổi của lịch sử. Bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện ở nhiều yếu tố. Có những yếu tố dễ nhận ra như trang phục, ẩm thực, phong tục tập quán, khung cảnh thiên nhiên… và có những yếu tố tiềm ẩn như tâm hồn, tính cách con người. Trong tác phẩm văn học, bản sắc dân tộc không chỉ nằm ở đề tài, chủ đề mà nằm ở hầu hết mọi yếu tố cấu thành tác phẩm như: cảm hứng nghệ thuật, ngôn ngữ, cốt truyện, nhân vật, giọng điệu…Tuy nhiên, không phải cứ sử dụng chất liệu miền núi là tác phẩm có được bản sắc dân tộc. Bản sắc dân tộc trong văn học chỉ tạo được ám ảnh và được lưu giữ lâu bền trong lòng độc giả khi nó được viết ra bởi những rung cảm mãnh liệt của nhà văn với vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, khi tâm hồn quê hương và văn hóa dân tộc thấm vào chiều sâu của cảnh vật, thiên nhiên, con người và phong tục tập quán. Trong văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập, với ý thức bảo tồn văn hóa bằng văn học, các nhà văn đã có nhiều cố gắng thể hiện và khẳng định bản sắc dân tộc, bản lĩnh dân tộc… Trong sáng tác của họ, những mạch nguồn cảm hứng mang đậm bản sắc dân tộc đã giúp người đọc nhận ra đặc trưng văn hóa vùng miền khá rõ nét. Bản sắc văn hóa dân tộc trước hết thể hiện ở cảm hứng trữ tình về thiên nhiên miền núi. Đọc tác phẩm của các nhà văn dân tộc thiểu số, ta có thể nhận ra dấu ấn vùng miền khá đậm nét ngay từ hình ảnh thiên nhiên – một đối tượng khách quan tưởng như không liên quan gì đến cái gọi là bản sắc dân tộc. Đọc văn xuôi Hlinh Niê, Y Điêng, Kim Nhất… người đọc khó có thể quên hình ảnh gió núi Tây Nguyên, nhất là cái “Gió Xi ăng”- như một sinh thể bạo liệt và cuồng nộ: “Gió thổi vun vút. Gió thổi như người cắm đầu chạy, như con hổ giật mình cố chạy bán sống bán chết. Gió như từ các dãy núi chung quanh thả những hơi thở dài, thở ập xuống những nơi trống trải của vùng đồi cỏ tranh thấp hơn mình… ”(Chuyện trên bờ sông Hinh – Y Điêng). Văn xuôi Vi Hồng, Cao Duy Sơn tập trung miêu tả bức tranh nhiên nhiên miền núi phía Bắc. Nếu Cao Duy Sơn chú ý phát hiện đặc trưng của thiên nhiên các mùa miền núi qua hình ảnh “đậm và nét” của mưa xuân, sắc vàng và “hương vị ngai ngái đắng của cỏ cây”mùa thu, cái buốt giá của chiều đông vùng núi đá…thì Vi Hồng lại chọn sắc nắng, hình ảnh nắng làm nền cảnh cho bức tranh thiên nhiên bốn mùa ở vùng cao. Sự tinh tế trong cảm nhận bức tranh đời sống khiến Vi Hồng không cần dài lời miêu tả, chỉ qua vài nét vẽ đơn sơ tập trung vào màu nắng, sắc nắng, hình ảnh nắng, ông đã có thể giúp người đọc nhận ra bước chuyển của thời gian trong bức tranh sơn thủy hữu tình của thiên nhiên miền núi vùng Đông Bắc Tổ quốc. Tấm lòng tha thiết với sự sống và ấm nóng tình yêu cuộc đời khiến Vi Hồng thường chọn những gam màu ấm áp và tươi tắn để miêu tả thiên nhiên. Cái nắng trong văn Vi Hồng rực rỡ và đẹp một vẻ đẹp dịu dàng, trong trẻo nên họa và nên nhạc. Thiên nhiên trong sáng tác của các nhà văn dân tộc thiểu số không chỉ mang vẻ đẹp của một bức tranh sơn thuỷ mà còn hiện lên như một sinh thể hữu tình, biết sẻ chia với con người những vui buồn trong cuộc sống. Trong sáng tác của Triều Ân, Cao Duy Sơn, Bùi Thị Như Lan… thiên nhiên là mái nhà chở che, nuôi dưỡng, là người bạn tâm tình giúp con người vơi nhẹ nỗi đau riêng; thiên nhiên như người mẹ hiền ôm ấp, vỗ về khi con người gặp những thất bại trên đường đời; thiên nhiên truyền cho con người sức sống và bản lĩnh vượt lên hoàn cảnh. Với Ma Trường Nguyên, Hà Thị Cẩm Anh, Hlinh Niê…thiên nhiên như là một bộ phận của cơ thể mà nếu bị cắt rời ra thì con người sẽ đau đớn biết chừng nào. …Trong sáng tác của Vi Hồng, thiên nhiên và con người có một mối dây liên hệ đặc biệt kì lạ. Mùi hương của loài hoa bióoc loỏng được con người cảm nhận theo cách riêng, gắn với tâm trạng và cảnh huống cụ thể: “Người bình thường hàng ngày lên nương, lên rừng chỉ ngửi thấy cái mùi thơm của hoa bióoc loỏng thoang thoảng, hơi ngòn ngọt… Nếu hai người yêu nhau tha thiết ngửi hương bióoc loỏng thì sẽ thấy đó là cái hương, cái vị của những giọt sữa non mà chỉ riêng từng cặp mới cảm nhận hết ý nghĩa của cái mùi vị đặc trưng của tình yêu say đắm đó.”(Mùa hoa boóc loỏng – Vi Hồng – trang 150 ). Như thế đủ thấy, thiên nhiên có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống tâm linh con người vùng cao. Những báo ứng đầy linh nghiệm của thiên nhiên về những điềm lành – dữ, tốt –xấu cho con người càng khẳng định điều đó. Có thể gặp trong tác phẩm của các nhà văn dân tộc thiểu số những hình ảnh thiên nhiên như điềm báo linh diệu cho biết bao vấn đề của đời sống con người. Gây sự với tự nhiên thì sẽ gặp quả báo, bị tự nhiên trả thù, trừng phạt. Ngược lại, làm hòa với tự nhiên, gắn bó với tự nhiên thì sẽ gặp may mắn, được hưởng cuộc sống yên ấm, thanh bình. Quan hệ nhân – quả này là nội dung thể hiện trong sáng tác của hầu hết các nhà văn dân tộc thiểu số. Bởi sống gần với tự nhiên, hơn ai hết, con người miền núi chứng nghiệm sâu sắc nhất quy luật của tự nhiên – một quy luật tồn tại độc lập với những luật lệ được đặt ra bởi xã hội loài người. Truyện của Cao Duy sơn, Đoàn Lư, Nông Văn Lập, Đoàn Ngọc Minh, La Quán Miên, Hlinh Niê… là lời cảnh báo con người trước những hành động tàn ác gây sự với tự nhiên, nhắc nhở về luật sống sòng phẳng và nghiệt ngã của tự nhiên. Thông điệp bảo vệ môi trường sinh thái đặt ra trong sáng tác của các nhà văn dân tộc thiểu số như một lời kêu gọi xót xa và khẩn thiết vì chính cuộc sống của con người. Bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện ở cảm hứng trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống. So với thơ ca, văn xuôi có thế mạnh riêng. Với bản chất linh động và dân chủ của thể loại, văn xuôi có khả năng lưu giữ cái sinh động, phong phú của những gía trị văn hóa truyền thống dân tộc ở mọi lĩnh vực, cả văn hóa hữu thể và văn hóa vô thể. Qua sáng tác của các cây bút văn xuôi dân tộc thiểu số, các giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc miền núi hiện lên với những đặc trưng riêng, thể hiện tình yêu và thái độ trân trọng của các nhà văn với các giá trị văn hóa cội nguồn. Khác với các công trình văn hóa học, dân tộc học, sử học… thường nghiên cứu bản sắc của các tộc người từ góc nhìn đồng đại hoặc lịch đại với cái nhìn khách quan, không bao hàm thái độ khen, chê. Trong các tác phẩm văn chương, bên cạnh những thông tin về đối tượng được miêu tả, nhà văn còn gửi vào đó – ở những mức độ đậm nhạt khác nhau – tình cảm, thái độ của mình. Người đọc có được những hiểu biết về nhiều phương diện của đời sống tộc người, đồng thời cảm nhận tình yêu thiết tha của các nhà văn khi viết về những vẻ đẹp văn hóa truyền thống. Các tác giả không đưa các tri thức văn hóa dân gian vào tác phẩm một cách khô cứng, trần trụi mà chúng được lồng vào câu chuyện với các nhân vật và tình huống hợp lý. Hai yếu tố văn hóa và văn học bổ sung cho nhau, làm nên sự phong phú, sinh động và hấp dẫn cho tác phẩm của các nhà văn dân tộc thiểu số. Có thể gặp trong văn xuôi dân tộc thiểu số vẻ đẹp của những trang phục dân tộc truyền thống và cùng với đó là sự cần cù, khéo léo khi se sợi, dệt vải, nhuộm chàm, may vá… của người phụ nữ dân tộc thiểu số ở các vùng miền. Nếu trang phục dân tộc tôn vinh vẻ đẹp và tài năng người phụ nữ thì săn bắn thể hiện “tinh thần thượng võ” của người đàn ông miền núi. Săn bắn là một tập quán cổ truyền, là một trong những phương thức kiếm ăn duy trì cuộc sinh tồn đặc trưng của người vùng cao trước kia – do cuộc sống của họ gắn với thiên nhiên núi rừng. Săn bắn trở thành tiêu chí nhận diện giá trị của người đàn ông. Vi Hồng, Cao Duy Sơn, Đoàn Lư…dành nhiều trang viết say sưa miêu tả cảnh săn bắn. Sự am hiểu sâu sắc của nhà văn, niềm tự hào về tài nghệ và lòng dũng cảm của những người con của núi khiến người đọc cũng say mê theo từng trang viết để hòa vào với niềm vui của các nhân vật. Y học dân tộc cổ truyền – một phương diện không thể thiếu trong đời sống văn hóa vùng cao – cũng ghi dấu ấn trong văn xuôi của các nhà văn dân tộc thiểu số. Nếu Triều Ân chú ý tôn vinh khả năng chữa bệnh bằng y học cổ truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số thì Vi Hồng lại tinh tế và nhạy cảm khi miêu tả văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc vùng cao. Đọc Vi Hồng ta cảm nhận tình yêu xứ sở thấm vào từng sản vật của quê hương, tạo nên những rung động bồi hồi đưa người đọc về với một vùng văn hóa giàu bản sắc. Món vịt quay xứ Lạng, món canh “nàng tó”, món bánh trứng kiến – đặc sản của mường Nặm Khao, món cá trầm hương đất Trùng Khánh….đã đi vào văn chương Vi Hồng với hương vị đặc sắc khó quên. Trong văn hóa tinh thần của một tộc người thì lễ hội là hình thức văn hóa truyền thống có quy mô lớn nhất, đồng thời là nơi lưu giữ và thể hiện đậm nét nhất bản sắc văn hóa tinh thần của tộc người đó. Tìm hiểu văn hóa lễ hội của một dân tộc là đi tìm đặc trưng văn hóa, cái làm nên phông nền, đồng thời làm nên cốt lõi các giá trị đời sống của một tộc người. Một nhà văn hóa dân gian người Kinh từng khẳng định: “Miền núi với tôi vẫn là một điều bí ẩn kì thú, người miền núi với tôi vẫn là một ẩn số. Nhưng ẩn số vẫn thường được mở theo những định kì, ấy là các dịp lễ hội”(3) Lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số rất phong phú. Mỗi vùng văn hóa có những lễ hội đặc trưng. Lễ hội cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên, lễ hội Lồng Tồng của các dân tộc vùng núi Việt Bắc, các lễ hội của dân tộc Mường, dân tộc Thái, dân tộc Chăm… đựơc miêu tả khá ấn tượng trong văn xuôi của các nhà văn dân tộc thiểu số. Các nhà văn rất có ý thức đưa vào tác phẩm những chi tiết cụ thể của đời sống lễ hội. Y Điêng miêu tả khá tường tận nhiều lễ “ăn năm uống tháng” của đồng bào Tây Nguyên như lễ cúng cầu phúc lành cho nhà cửa, lễ cúng cầu sức khỏe cho con trai mới lớn, lễ đâm trâu, lễ cầu mưa… Inrasara với phẩm chất của nhà nghiên cứu dân tộc học đã tái hiện sống động trong tiểu thuyết của mình nhiều lễ hội mang đậm bản sắc Chăm như: lễ Katê – một lễ hội dân gian thiêng liêng và đặc sắc; tết Rija Nưgar – lễ hội lớn nhất của dân tộc Chăm (tương tự như tết Nguyên Đán của người Việt). Nhà văn – nhà nghiên cứu văn học dân gian Vi Hồng thường dành dung lượng trang viết không nhỏ trong các tiểu thuyết của mình để viết về văn hóa lễ hội như một cách bảo tồn và lưu giữ chúng trong kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc. Với tình yêu và sự am hiểu sâu sắc vốn văn hóa truyền thống dân tộc,Vi Hồng đã thực sự làm sống dậy những lễ hội truyền thống tưng bừng ở vùng núi cao Việt Bắc. Bên cạnh các lễ hội có quy mô và được tổ chức theo truyền thống, chợ phiên miền núi trước đây cũng là một loại hội dân gian đặc biệt và vô cùng phong phú. Người ta đến chợ không chỉ để bán mua mà chủ yếu để gặp gỡ tâm tình, chia sẻ, hát đúm, tỏ tình và hi vọng nên duyên chồng vợ. Chợ tình – một phiên chợ đặc biệt chỉ có ở miền núi qua ngòi bút của Cao Duy Sơn đã khắc họa đậm nét chiều sâu văn hóa truyền thống của người vùng cao. Nói đến văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số còn phải nói đến rất nhiều yếu tố khác như: phong tục cưới xin, tang ma, phong tục sinh nở, kết bạn…Có thể thấy, hầu hết các chi tiết đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đều mang trong nó một ý nghĩa văn hóa nào đó. Tương tự cũng có thể khẳng định: Gần như tất cả những nét riêng trong bản sắc văn hóa dân tộc đều được đề cập đến trong văn xuôi của các nhà văn dân tộc thiểu số ở những mức độ khác nhau. Qua các hình tượng văn học, trái tim các nhà văn dân tộc thiểu số đã thực sự rung ngân với những vẻ đẹp mang bản sắc văn hóa dân tộc. Chính vì tình yêu tha thiết với truyền thống văn hóa dân tộc mà trong văn xuôi của các nhà văn dân tộc thiểu số, bên cạnh niềm tự hào, trân trọng, ngợi ca các phong tục tập quán đẹp…các nhà văn còn đau đớn xót xa và suy tư trăn trở trước dự cảm âu lo về sự suy tàn, mai một, mong manh của các giá trị văn hóa truyền thống trước sức tấn công của đời sống hiện đại. Những ngôi nhà sàn, nhà gác bị bán đổ, bán tháo để theo kịp trào lưu xây nhà gạch, nhà ngói, nhà tầng hiện đại; những lễ hội truyền thống đã bị thương mại hóa đến trở thành nhạt nhẽo, trơ trẽn trước mắt mọi người; sự lấn chiếm ghê gớm của văn minh đô thị đối với đời sống miền núi vốn yên ả, thanh bình …Những thực tế đau lòng đó đang là “báo động đỏ” trên những trang văn của các nhà văn dân tộc thiểu số. Bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện ở cảm hứng tự hào về vẻ đẹp tâm hồn, tính cách đồng bào các dân tộc thiểu số. Các nhà văn người dân tộc thiểu số là đại diện tiêu biểu cho các tộc người miền núi. Họ cầm bút vì sứ mệnh thiêng liêng “đột nhập vào vùng phát sáng của dân tộc mình”(Vi Hồng) mà sáng tạo nên những tác phẩm để vừa phản ánh tâm hồn dân tộc vừa có thể từ cái hồn riêng mỗi dân tộc ấy mà gia nhập với quốc gia và hòa nhập cùng nhân loại. Đây là điều vô cùng khó khăn, đòi hỏi cả cái tâm, cái tài và bản lĩnh của người cầm bút. Sống gần với tự nhiên, ít chiụ ảnh hưởng của văn minh đô thị nên con người miền núi còn giữ được nét hồn nhiên như đất trời, như cây cỏ. Và điều này được phản ánh khá rõ nét trong văn xuôi của các nhà văn dân tộc thiểu số. Nhân vật của họ hồn nhiên sống, chân thật, rạch ròi trong những tình cảm yêu ghét. Họ tin vào nguời khác như tin ở chính mình. Nhưng nhiều khi chính sự hồn nhiên, thật thà này khiến cho người dân miền núi phải nhận về những bi kịch xót xa. Nhiều nhân vật trong văn xuôi dân tộc thiểu số đã bị lừa gạt, lợi dụng bởi sự hồn nhiên, cả tin, chân thật … Thế nhưng, có một điều đáng lưu ý là, hầu hết những con người này đều không căm hận tìm cách trả thù bằng mọi giá. Thậm chí, khi có điều kiện, họ vẫn sẵn sàng rộng mở tấm lòng, làm cái phao cứu giúp chính những con người đã xô đẩy mình vào những oan trái, cay đắng, xót xa. Giàu lòng nhân ái là một phẩm chất đáng trân trọng ở những con người này. Nàng Thu Khoan (Dòng sông nước mắt – Vi Hồng), thầy Hạc (Ngôi nhà xưa bên suối – Cao Duy Sơn), các nhân vật chính diện trong tiểu thuyết của Hà Trung Nghĩa (Bão từ hai phía, Gió bụi nhân gian)…dù phải chịu bao nhiêu đau khổ do kẻ xấu gây ra vẫn có chung một phương châm sống là “lấy tình người làm gốc”. Có thể thấy, “điểm sáng” trong cốt cách tâm hồn người miền núi là sự tha thứ, khoan dung và lòng nhân ái. Đồng bào dân tộc thiểu số cũng là những con người có tâm hồn nghệ sĩ lãng mạn. Có lẽ do phần lớn sống ở vùng núi cao, quanh năm suốt mùa gần gũi với mây bay, gió thổi, những điệu nhạc trữ tình của suối ngàn reo, của thác nước đổ, của thiên nhiên hoang sơ, kì vĩ với những huyền thoại, truyền thuyết và những bí ẩn của chốn sơn lâm kì thú đã tạo nên cho con người nơi đây tâm hồn nghệ sĩ lãng mạn. Tìm hiểu bản sắc văn hóa trong văn xuôi cuả đồng bào các dân tộc thiểu số không thể không tìm hiểu một hình thức văn hóa dân gian quan trọng góp phần giải mã vẻ đẹp tâm hồn của đồng bào miền núi, đó là dân ca. Trong các tác phẩm văn xuôi dân tộc thiểu số, các nhà văn đã chú ý giới thiệu vẻ đẹp của những khúc dân ca quê hương đến với người đọc. Những khúc hát sli, hát lượn… của người Tày, Nùng; khúc tồ dung, páo dung của người Dao; khúc gầu tù giua, gầu na nhéng, gầu plềnh của người Hmông; khúc Xường ru, nhạc Khua Luống của người Mường; rồi dân ca Chăm, Ê Đê, Mnông… đã góp vào kho tàng dân ca chung của dân tộc Việt Nam những vẻ đẹp riêng, mang bản sắc dân tộc đậm đà. Qua văn xuôi dân tộc thiểu số, nhiều loại hình dân ca miền núi đã được phục dựng một cách có ý thức, góp phần lưu dấu truyền thống văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, do đặc trưng thể loại, các nhà văn chỉ có thể đưa được vào tác phẩm một số yếu tố của diễn xướng dân ca như khung cảnh/môi trường và chủ yếu là lời ca. Thế nhưng, chỉ với những yếu tố đó, các nhà văn đã làm sống dậy một phần quan trọng cái không khí văn hóa, hồn cốt văn hóa dân tộc cho tác phẩm của mình. Trong tiểu thuyết Mùa hoa bióoc lỏong, Vi Hồng thể hiện rõ phẩm chất của một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian – tỉ mỉ, kĩ càng và đầy tâm huyết khi tái hiện hầu như toàn bộ khung cảnh, thời gian, địa điểm, phương tiện và cách thức tổ chức một buổi lượn truyền thống. Nhưng Vi Hồng không đưa các tri thức văn hóa dân gian vào tác phẩm một cách khô cứng, trần trụi mà chúng được lồng vào câu chuyện với các nhân vật và tình huống hợp lý. Hai yếu tố văn hóa và văn học bổ sung cho nhau làm nên sự phong phú, sinh động và hấp dẫn cho tác phẩm của Vi Hồng. Truyện ngắn Người con trai Mông là một thành công của Triều Ân. Tác phẩm như một bài thơ trữ tình xinh xắn và lãng mạn viết về con người lao động mới. Quấn quyện và lưu luyến trong toàn câu chuyện là không khí văn hóa Mông truyền thống mà hiện đại được xây dựng trên nền của những khúc dân ca Mông trữ tình và đằm thắm…Cũng giống như đồng bào Tày, Nùng, Mông, Dao… ở miền núi phía Bắc, đồng bào Tây Nguyên rất yêu âm nhạc, dù họ rất xa lạ với khái niệm “nghệ thuật”. Chất nghệ sĩ ở họ dường như là tự nhiên và bản năng không cần phải cố công rèn tập. Trong các sáng tác của Y Điêng, Hlinh Niê…người đọc được sống trong không khí âm nhạc của con người và núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ với âm thanh cồng chiêng, với những đêm kể Khan truyền thống, với lời ca tiếng hát luôn ngập tràn bất tận trong cuộc sống . Bởi yêu ca hát nên người Tây Nguyên giỏi sáng tạo nhạc cụ. Phần lớn nhạc cụ của đồng bào Tây Nguyên là sản phẩm chế tác từ sản vật của rừng. Phải thế chăng mà nó như lời thầm thĩ của rừng già nguyên thủy, lời truyền dạy của các vị thần linh, có khả năng lay động đến tận tầng sâu, tầng xa của cõi tâm linh con người. Đặc biệt, văn hóa cồng chiêng – một sản phẩm tinh thần độc đáo của đồng bào Tây Nguyên được tái hiện qua bộ lọc tâm cảm của những người con dân tộc đã thực sự làm rung động lòng người dù họ có thể đến từ một nền văn hóa khác. Với con người Chăm, phẩm chất nghệ sĩ dường như có từ trong máu. Ca – múa – nhạc là những hoạt động không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội Chăm. Đặc biệt, 72 điệu múa của người Chăm thực sự là một kho tàng nghệ thuật đáng được cả thế giới ngưỡng mộ và khâm phục. Hình ảnh người vũ nữ Chàm “nâu, mỏng manh, buồn và đẹp bí ẩn” hiện lên trong văn Inrasara như ám ảnh khó phai về một trong những nền văn hóa giàu hấp lực và độc đáo nhất của nhân loại. Là sự chắt lọc những tinh túy của vẻ đẹp và sức mạnh đại ngàn, người miền núi mang trong mình tố chất của những bản thể người mạnh mẽ, giaù lòng quả cảm, giàu khả năng hồi sinh, tái sinh như “khóm ngải tàn khóm ngải lại lên xanh”. Ở họ có một tình yêu thiết tha không bao giờ vơi cạn đối với con người và cuộc sống, có niềm tin bất diệt vào lẽ tự nhiên “hết đêm sang ngày”. Nhờ sự nâng đỡ của niềm tin, con người có thể chấp nhận những cay đắng tủi hờn của số phận, lặng lẽ sống trong u ám sương mù để đợi “đến ngày mặt trời mới lên trên đỉnh đầu ta”. Có thể xem các tác phẩm văn xuôi dân tộc thiểu số là những bài ca ca ngợi sức sống tiềm tàng của con người miền núi. Tiếp thu truyền thống của văn học dân gian, các nhà văn dân tộc thiểu số đã có những khám phá, phát hiện tinh tường về hình tượng người phụ nữ trên nhiều phương diện, mà ám ảnh nhất là nỗi khổ và khát vọng về tình yêu. Niềm khát khao về một tình yêu tự do giải thích vì sao các nhân vật phụ nữ miền núi thường là người chủ động trong tình yêu. Họ sẵn sàng là người đi trước khơi nguồn, tỏ tình với người con trai nếu thấy trái tim mình lên tiếng và giục giã. Nhưng chính họ cũng lại là người giàu lòng tự trọng, cam chịu chấp nhận nỗi đau chia biệt nếu nhận ra ở đó những bấp bênh, dối lừa hay bẽ bàng tủi hổ. Những quan niệm về tình yêu vẻ như xưa cũ mà lại rất mới mẻ và hiện đại của các nhân vật trong sáng tác của các nhà văn dân tộc thiểu số chính là biểu hiện mạnh mẽ của khát vọng tình yêu và ý thức cá nhân trong tâm hồn người phụ nữ vùng cao. Bản sắc văn hóa dân tộc còn được thể hiện ở phương diện nghệ thuật của tác phẩm văn học. Rõ ràng, “để thể hiện và củng cố bản sắc dân tộc ở nội dung, văn học nghệ thuật cần phải có những đặc điểm dân tộc về mặt hình thức”(4). Tuy nhiên, đi tìm một hình thức mới phù hợp để diễn tả nội dung dân tộc cũng là một yêu cầu khác mà văn học dân tộc cần hướng tới để đáp ứng yêu cầu mới: hội nhập và phát triển. Văn xuôi dân tộc thiểu số Việt Nam đi thẳng từ dân gian đến hiện đại nên dấu vết của văn học truyền miệng và văn học cổ còn khá đậm nét ở nhiều yếu tố nghệ thuật. Xuất hiện trong các tác phẩm nhiều nhân vật mồ côi nghèo khổ, bất hạnh nhưng có tâm hồn trong sáng, giàu tình người; đồng thời cũng xuất hiện các nhân vật người già như những ông tiên, bà tiên – lực lượng trợ giúp người nghèo khổ. Ngoại hình nhân vật trong văn xuôi dân tộc thiểu số thường được miêu tả một cách ước lệ. Khuôn mặt và dáng vẻ của các cô gái thường được ví với thiên nhiên hay với những mẫu hình người đẹp trong truyện cổ, còn các chàng trai thường có nhiều điểm tương đồng với các nhân vật dũng sĩ trong các truyền thuyết hay trong các bộ sử thi …Lối miêu tả này, một mặt mang được yếu tố truyền thống dân tộc phù hợp với tâm lý và khả năng tiếp nhận của người đọc miền núi, nhưng mặt khác lại khiến cho hình tượng nhân vật trở nên mòn sáo, đơn điệu và làm mờ nhạt đi hình tượng nhân vật. Dấu vết truyện cổ còn thể hiện ở thủ pháp tương phản với kiểu nhân vật phân tuyến đối lập và sự thống nhất giữa ngoại hình và nội tâm. Tuy nhiên, do nhận rõ bản chất đời sống không phải lúc nào cũng có thể “trông mặt mà bắt hình dong” con người nên có khi nhà văn miêu tả nhân vật có tính cách trái ngược với diện mạo như trong sáng tác của Triều Ân, Hữu Tiến và một vài sáng tác của Vi Hồng ở giai đoạn cuối. Những nhân vật này đã đánh động suy nghĩ và gây được ấn tượng trong lòng độc giả, đồng thời ghi nhận sự sáng tạo và tư duy biện chứng của nhà văn trong quan niệm về con người. Thế giới nội tâm nhân vật trong văn xuôi dân tộc thiểu số cũng còn mờ nhạt và thiếu sức sống. Có thể ghi nhận những sáng tạo của Vi Hồng ở nghệ thuật khám phá tâm trạng con người qua khung cảnh thiên nhiên hay kiểu nhân vật phức tạp có sự chuyển hóa giữa các mặt của tính cách trong một vài sáng tác của Cao Duy Sơn, Triều Ân, Hữu Tiến… Tuy nhiên, trong văn xuôi dân tộc thiểu sô vẫn còn rất hiếm một chân dung nhân vật hằn nổi và hiện đại như Chí Phèo của Nam Cao hay Đinh Núp của Nguyên Ngọc… “Những câu chuyện kể nghe như cổ tích” (Cao Duy Sơn) và hình ảnh những con người như bước ra từ cổ tích là ấn tượng khi đọc nhiều tác phẩm văn xuôi dân tộc thiểu số. Trong tiểu thuyết của mình, Inrasara không đi theo lối truyền thống. Ông dựng lên hàng loạt các chân dung nhân vật rời lẻ, để chúng xuất hiện đầy ngẫu hứng và bất ngờ. Ngoại hình nhân vật được miêu tả cụ thể và mang tính cá nhân nhưng tâm lý, tính cách nhân vật lại là những mảnh vỡ góp phần khắc họa diện mạo tinh thần Chăm đương đại với những sắc thái đa diện và phong phú. Không có nhân vật loại hình, không có nhân vật lí tưởng, cả nhân vật trung tâm cũng không có. Nhà “Chăm học” chủ ý tạo dựng kiểu nhân vật mang hội chứng rối loạn đa nhân cách nhằm “lập biên bản” tinh thần Chăm đương đại theo cách của kẻ sáng tạo. Nỗ lực đổi mới lối viết của Inrasara giúp chống lại sự xơ cứng, mòn nhàm của cách xây dựng nhân vật trong văn xuôi truyền thống. Tuy nhiên, tính chất minh họa lại là một thực tế cần phải khắc phục để tăng cường chất nghệ thuật cho tác phẩm. Trong văn xuôi dân tộc thiểu số thời kì đầu, cốt truyện tuyến tính với mạch thời gian kể xuôi chiều và kết thúc có hậu vẫn là đặc điểm cơ bản; việc tổ chức các tình huống truyện nhìn chung còn đơn giản; mô típ nhân vật bỏ gia đình, làng bản ra đi trong những tình huống bước ngoặt cho thấy ảnh hưởng của truyện thơ dân gian còn rất đậm nét. Càng về sau, các nhà văn càng có những cố gắng trong tìm tòi thể nghiệm kiểu thời gian gấp khúc, cốt truyện bỏ ngỏ và tình huống gay cấn với sự hỗ trợ của các yếu tố ngoài cốt truyện…. Tuy thành công chưa nhiều nhưng việc mạnh dạn phá vỡ lô gic thời gian và lô gic hiện thực, vượt ra khỏi những khuôn mẫu cứng nhắc để tự làm mới mình đã tạo thêm sức hấp dẫn cho các tác phẩm văn xuôi dân tộc thiểu số nhờ yếu tố hiện đại được gia tăng bên cạnh yếu tố truyền thống. Tiểu thuyết của Inrasara tạo nên bước hẫng cho người đọc. Bị chi phối bởi cảm quan hậu hiện đại ảnh hưởng từ văn học phương Tây, ông chối bỏ sự gò bó, sắp đặt của cốt truyện tuyến tính, cố ý tạo ra sự xáo trộn, đứt gẫy của các yếu tố không gian, thời gian nhằm thể hiện quan niệm về một thế giới với đầy những vênh lệch, so le, biến ảo, không dễ nắm bắt và lý giải. Tiểu thuyết của Inrasara, vì vậy không có cốt truyện để kể, cũng không có kết thúc có hậu, đường biên của các thể loại bị xóa nhòa bởi sự nhào trộn của nhiều thể lọai trong một văn bản nghệ thuật. Lối kể chuyện này đi quá xa tầm đón nhận của người đọc, nhất là người đọc dân tộc thiếu số, nên khó tạo được sức hấp dẫn và phần nào làm mờ đi bản sắc dân tộc trong nghệ thuật thể hiện. Ngôn ngữ trong văn xuôi dân tộc thiểu số mang vẻ đẹp mộc mạc, giản dị gắn với tư duy trực giác và cảm tính. Do sống gần gũi với thiên nhiên và tin vào quan niệm “vạn vật hữu linh” nên người miền núi thường so sánh con người với thiên nhiên và cấp cho thiên nhiên những đặc tính của con người. Phép so sánh và nhân hóa được sử dụng như một thủ pháp đặc trưng và hữu hiệu trong ngôn ngữ văn xuôi các dân tộc thiểu số, trong đó sự so sánh thường có xu hướng cụ thể hóa cái trừu tượng chứ hiếm khi theo xu hướng ngược lại. Nhờ so sánh và nhân hóa mà văn xuôi miền núi rất giàu hình ảnh. Đây vừa là mặt mạnh lại vừa là hạn chế của văn xuôi dân tộc thiểu số. Là mặt mạnh khi nhà văn sử dụng thủ pháp này một cách tiết chế phù hợp, ngược lại khi dùng quá liều lượng cho phép sẽ dẫn đến sự gò gưỡng, đơn điệu, sáo mòn, làm giảm khả năng phân tích lí tính – một yêu cầu cao của văn chương hiện đại. Chất thơ trong tiểu thuyết của Vi Hồng vừa là ưu điểm lại vưà là nhược điểm của cây bút văn xuôi số một của nền văn học dân tộc thiểu số. Đưa thành ngữ, tục ngữ và ngôn từ dân tộc vào tác phẩm cũng là một phương cách góp phần thể hiện bản sắc dân tộc, nhưng chất liệu mới chỉ là yếu tố đầu tiên. Chỉ khi nào nhạc điệu tâm hồn dân tộc được gửi vào con chữ khiến người viết rung động thì khi đó bản sắc dân tộc mới thực sự lên hương lên nhạc và tạo được sức ám ảnh cho người đọc. Trong tiểu thuyết của Inrasara, ngôn ngữ của đời sống bình dân mộc mạc, giản dị, thậm chí là xô bồ, dung tục đã thay thế cho thứ ngôn ngữ mực thước, trang trọng thường thấy trong văn xuôi dân tộc thiểu số trước đây. Cùng với việc tạo cảm giác gần gũi, chân thực và dân chủ cho lời kể thì trong không ít trường hợp, sự trần trụi của ngôn từ bình dân và sự quá tay của một thứ “trò chơi ngôn ngữ” ảnh hưởng hậu hiện đại đã làm phương hại đến hứng thú thẩm mỹ của người đọc. 3. Nhìn lại văn xuôi dân tộc thiểu số thời kỳ đổi mới có thể thấy khá rõ một điều: Bản sắc dân tộc đã được chú ý thể hiện nhưng cũng chưa thật đầy đủ và toàn diện. Văn xuôi dường như mới chỉ chú ý những nét bản sắc văn hóa truyền thống đã được lưu truyền từ nhiều đời, nhiều thế hệ. Vấn đề phát triển bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trong thời kì hội nhập chưa được quan tâm nhiều. Giờ đây, cuộc sống miền núi đang có những đổi thay. Đường sá đã vươn tới vùng cao thay thế những lối mòn hoang vắng và nhờ thế miền núi đã bớt dần những hủ tục lạc hậu; sự nghèo nàn, đói rét, bệnh tật đang dần được đẩy lùi… Tuy nhiên, vẫn còn bao nhiêu những vấn nạn nhức nhối của đời sống đồng bào dân tộc thiểu số chưa được giải quyết như: nạn tảo hôn, nạn mù chữ, nạn phá rừng, nạn hút sách…Nền kinh tế thị trường, quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế đã có những tác động không nhỏ vào mảnh đất vùng cao. Những con người miền núi hồn nhiên, hiền lành sẽ chống chọi như thế nào trước bão tố của đời sống dân tộc thời mở cửa? Những gì trong bản sắc đời sống cộng đồng cần được lưu giữ và phát huy? Những gì cần được phá bỏ để xã hội rộng đường phát triển? Xã hội miền núi sẽ biến chuyển ra sao trước tình hình mới?… Những góc khuất ấy của đời sống vùng cao vẫn còn mờ nhạt trong nội dung văn văn xuôi dân tộc thiểu số. Về nghệ thuật, văn xuôi chú ý bảo tồn nhiều đặc điểm nghệ thuật truyền thống, nhưng chưa chú ý phát triển, tìm kiếm cách thể hiện mới phù hợp để theo kịp bước đi của thời đại. Văn học phản ánh, phân tích hiện thực để từ đó giáo dục, hướng con người đến với những giá trị chân – thiện – mỹ. Truyền thống và hiện đại luôn là vấn đề đặt ra trong hành trình đời sống, cũng như bảo tồn và phát triển là yêu cầu tất yếu đặt ra trong quá trình hội nhập. Vậy bảo tồn có làm kìm hãm sự phát triển? Làm thế nào để văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam vừa góp phần bảo tồn hệ giá trị truyền thống vừa góp phần phát triển bền vững bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa? Làm thế nào để“hòa nhập mà không hòa tan”?…Thực ra, giữa bảo tồn và phát triển không có sự xung đột nội tại mà hai phạm trù trên hoàn toàn có thể đi cùng hướng, bổ sung cho nhau, thúc đẩy xã hội phát triển. Tuy nhiên, trong mối quan hệ này, “nguyên tắc phát triển phải là nguyên tắc mang ý nghĩa chỉ đạo cho việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống”(5). Vì mục tiêu phát triển,“cái gì trong kho vốn giá trị truyền thống đóng vai trò động lực thúc đẩy thì ta bảo tồn, phát huy, còn cái nào kìm hãm sự phát triển thì cần hạn chế và dần loại trừ”(6). Hiểu như thế thì việc trả lời các câu hỏi xung quanh mối quan hệ giữa văn học dân tộc thiểu số với văn học dân tộc đa số, và cũng tương tự là mối quan hệ giữa văn học quốc gia và văn học nhân loại sẽ có hướng mở. Để tìm một lối đi hài hòa giữa hai bờ truyền thống và hiện đại cần mạnh dạn tìm trong vốn cổ những yếu tố khả thủ rồi mở cửa giới thiệu vốn cổ ra thế giới; giữ bản sắc, đồng thời làm mới mình trong giao lưu văn hóa; chọn lọc những tinh hoa từ kho tàng văn hóa nhân loại, cải biến để phát triển văn hóa dân tộc… Đó là con đường của văn học dân tộc thiểu số nói riêng và văn học Việt Nam nói chung trên hành trình hội nhập. Cuộc lên đường nào mà chẳng nhiều lo âu, trăn trở. Nhưng nếu người lên đường xác định được rõ cái đích của hành trình ra đi – Ra đi là để Trở về – thì tự nhiên sẽ biết phải ứng xử thế nào cho phù hợp, để, một mặt không thủ tiêu sự tồn tại của bản thân, nhưng mặt khác cũng không trở nên già nua, thiếu sức sống vì không biết tận dụng những tinh hoa văn hóa của nhân loại làm giàu có cho bản sắc của dân tộc mình. Muốn có những trang văn góp phần vào định hướng xây dựng nền văn hóa miền núi “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” thì các nhà văn dân tộc thiểu số một mặt phải bắt rễ vào đời sống dân tộc bằng tinh thần hướng nội nhưng lại cũng phải luôn có ý thức hướng ngoại. Hướng nội để hiểu tận tường đời sống văn hóa dân tộc mình, lặn thật sâu vào cội nguồn truyền thống để từ hiểu biết mà khám phá và sáng tạo. Nhưng lại cũng phải luôn hướng ngoại để cái nhìn không bị bó hẹp trong cái riêng mà vẫn đủ khả năng hội nhập với cái chung. Nếu nhà văn người Kinh viết về miền núi phải vượt qua khó khăn của người đứng ngoài nhìn vào, có cái khách quan mà thiếu cái chủ quan thấm đẫm hồn cốt, bản sắc của người trong cuộc thì các nhà văn dân tộc thiểu số lại phải vượt qua rào cản của chính cái chủ quan để “từ cửa sổ nhìn ra thế giới” mà nhận diện, rồi thể hiện bản sắc riêng của dân tộc mình giữa quốc gia và nhân loại. Sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa trong thời đại mà kĩ thuật thông tin liên lạc cực kì phát triển đòi hỏi ở nhà văn cả cái tài, cái tâm và bản lĩnh để tiếp thu mà không bị ngoại lai, biết phê phán và chọn lọc làm giàu có thêm cho bản sắc văn hóa dân tộc mình. Yêu cầu này, trước hết đặt lên vai các trí thức người dân tộc. Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta đã chú ý đến việc ưu tiên phát triển đội ngũ trí thức dân tộc thiểu số – trong đó đặc biệt quan tâm đến những trí thức làm công tác văn hóa văn nghệ tại vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa… nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều điều bất cập không dễ giải quyết. Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27 tháng 7 năm 2011 xác định rõ: “Chủ thể văn hóa, cộng đồng kế thừa và thực hành văn hóa có một vai trò to lớn và là nhân tố quyết định trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số”. Đây có thể xem là vấn đề sống còn cho việc bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trong thời kì hội nhập. Hiện nay, không thể phủ nhận một thực tế là: Bên cạnh một số trí thức – nhất là những trí thức dân tộc lứa tuổi “lão làng” – vẫn say mê miệt mài với việc sưu tầm, truyền bá vốn văn hóa truyền thống, tìm cách phát huy, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kì mới thì cũng có những văn nghệ sĩ trí thức dân tộc thiểu số có biểu hiện thờ ơ, thiếu gắn bó và tâm huyết với văn hóa dân tộc. Sự mai một bản sắc văn hóa dân tộc có nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế kém phát triển, đời vật chất, văn hóa tinh thần của đồng bào chịu tác động từ nhiều phía…dẫn tới lớp trẻ không mặn mà với truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Vì vậy, cùng với việc quan tâm phát triển đời sống kinh tế miền núi còn cần hết sức coi trọng công tác đào tạo những tài năng trẻ người dân tộc thiểu số để đảm bảo tính kế thừa trong hoạt động văn hóa văn nghệ. Cần có những cơ chế phù hợp, cụ thể và thiết thực taọ điều kiện để tìm kiếm những mầm mống tài năng như: mở những lớp đào tạo ngắn hạn và dài hạn cho các nhà văn dân tộc thiểu số, đưa vào nhà trường – nhất là nhà trường ở các vùng miền có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số – chương trình dạy tiếng dân tộc và chương trình văn học dân tộc thiểu số (cùng với đó là chính sách khuyến khích in sách bằng tiếng dân tộc và sách song ngữ) để khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc. Chỉ khi nào thế hệ trẻ đồng bào các dân tộc thiểu số tìm thấy ở truyền thống văn hóa dân tộc mình cái hay, cái đẹp và có nhu cầu gìn giữ, phát huy, phát triển vốn văn hóa ấy thì văn học dân tộc thiểu số mới hy vọng có được những tác phẩm mang đậm nét bản sắc dân tộc được viết ra từ chính những “người giữ lửa” nhiệt thành của dân tộc, bởi nói như nhà nghiên cứu Phong Lê: “Không ai là người nói lên được tốt nhất thế giới tâm hồn và khát vọng của mỗi dân tộc bằng chính người viết của dân tộc mình(…)Chỉ có người viết dân tộc mới có khả năng làm ánh lên được…những nét riêng trong cảnh sắc sinh hoạt, trong nét dáng tâm lý và ngôn ngữ con người”(7) dân tộc mà thôi. Văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam đang trong quá trình vận động cùng với sự vận động không ngừng của dòng đời sống. Hội nhập, toàn cầu hóa là xu thế tất yếu của mọi quốc gia, mọi dân tộc trong thời đại ngày nay. Đó vừa là thách thức vừa là cơ hội. Bình tĩnh và chủ động để hội nhập là thái độ ứng xử cần thiết để văn chương vừa gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc vừa làm giàu cho kho tàng nghệ thuật nhân loại. Sự tác động qua lại hai chiều giữa dân tộc và quốc gia, dân tộc và quốc tế “một mặt, sẽ “cào bằng” tính đa dạng, đặc thù văn hoá tộc người, địa phương, làm mất đi một số giá trị văn hoá truyền thống. Tuy nhiên, cũng không phủ nhận được rằng, trên cái nền mới của toàn cầu hoá, quốc tế hoá, nhiều giá trị mới, tính đa dạng mới sẽ hình thành và định hình. Bởi vì, suy cho cùng, dù toàn cầu hoá hay quốc tế hoá mạnh mẽ tới đâu thì về phương diện văn hoá, thế giới không bao giờ chỉ là “phẳng”. Nếu như quốc tế hoá, toàn cầu hoá làm cho “thế giới phẳng” thì một xu hướng song trùng, đối trọng là “dân tộc hoá quốc tế” sẽ làm cho thế giới lúc nào cũng “gồ ghề” và đa dạng”(8). Thực tế đó mang đến cho chúng ta niềm tin về một sự vận động, đổi mới và phát triển hợp quy luật của văn xuôi dân tộc thiểu số Việt Nam trên hành trình hội nhập quốc gia và hội nhập cùng nhân loại trong thời kì mới. Chú thích: (1) Inrasara, Văn xuôi dân tộc thiểu số, khác biệt từ vùng miền, Tạp chí Văn nghệ Cao Bằng, Tết 2012 (2) Nhiều tác giả (1998), Nhà văn các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, trang 220 (3) Hoàng Ngọc La (Chủ biên)(2002), Văn hóa dân gian Tày , Sở Văn hóa – Thông tin Thái Nguyên, tr 239) (4) Lại Nguyên Ân (2004), 150 thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, trang 119.) (5),(6),(8) Một số vấn đề lý luận nghiên cứu hệ giá trị văn hóa truyền thống trong đổi mới và hội nhập. Nguồn: http://vanhoanghean.com.vn/nhung-goc-nhin-van-hoa/goc-nhin-van-hoa/1757-mot-so-van-de-ly-luan-nghien-cuu-he-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-trong-doi-moi-va-hoi-nhap.html- Thứ hai, 10 Tháng 1 2011 10:44 (7) Nhiều tác giả (1985), 40 năm văn hóa nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam(1945 -1975), NXB Văn hóa, Hà Nội, trang 264. Nguồn: Nghiên cứu văn học số tháng 3 năm 2013. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com