BÀN MỘT SỐ ĐIỂM CỤ THỂ TRONG NGÀNH GIÁO DỤC CỦA PHẬT GIÁO * Đại đức Tiến sĩ Thích Phước Chí Ban Giáo dục Tăng Ni Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu Quá trình phát triển của con người và xã hội là quá trình trao truyền kiến thức, kinh nghiệm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hay nói khác hơn, đó là quá trình giáo dục. Giáo dục đã thăng hoa con người từ hoang dã đến văn minh ngày nay. Giáo dục đi đôi với sự phát triển, không có giáo dục thì không có sự phát triển. Nhất là trước tình hình phát triển của xã hội hiện đại ngày nay, giáo dục lại càng mang ý nghĩa vô cùng thiết yếu. Với tôn chỉ “Duy Tuệ Thị Nghiệp”, giáo dục Phật giáo đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự thịnh suy của Phật pháp. Công năng của giáo dục Phật giáo không chỉ duy trì mạng mạch của Phật pháp mà còn có thể chuyển hoá nhân cách của con người từ phàm phu đến quả thánh. Cho nên GHPGVN nói chung, quý Ban trị sự tỉnh, thành hội nói riêng đều đặt công tác Giáo dục đào tạo Tăng Ni lên hàng ưu tiên. Trên tinh thần, ý nghĩa đó và trong khuôn khổ của cuộc hội thảo, bài tham luận này chỉ bàn đến một số điểm cụ thể trong ngành giáo dục được xem như là những đề nghị, và phản ánh những khó khăn, bất cập ở một số cơ sở Giáo dục mà Ban Giáo dục Tăng Ni TW cần đầu tư, quan tâm, chăm sóc để củng cố và phát triển ngành Giáo dục Tăng Ni. 1. Thành lập đoàn thanh tra giáo dục: Hiện nay Ban Giáo dục Tăng Ni TW chưa thực hiện được công tác biên soạn đồng bộ một chương trình cho từng cấp học, cho nên giảng viên giảng dạy theo giáo tài tự biên soạn. Việc này dẫn đến vấn đề là Ban giám hiệu không nắm bắt được những gì mà giảng viên giảng dạy trên lớp. Nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng giảng dạy, quý giảng viên nên cung cấp giáo tài cho Ban giám hiệu để từ đó Ban giám hiệu có cơ sở báo cáo cho Ban Giáo dục Tăng Ni. Ban Giáo dục Tăng Ni TW nên có quy chế yêu cầu các Ban Giáo dục Tăng Ni tỉnh, thành báo cáo chương trình và nội dung giảng dạy cũng như kết quả học tập sau khi kết thúc năm học. Mặt khác, Ban giáo dục Tăng Ni TW nên quan tâm giúp đỡ bằng việc thành lập những phái đoàn hay đoàn thanh tra thường xuyên xuống tận các cơ sở Giáo dục Phật giáo nhằm khuyến khích, kiểm tra, ủng hộ và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập tại địa phương. Có như thế thì công tác Giáo dục ở từng cơ sở mới đạt được hiệu quả cao và phát triển bền vững. 2. Ý kiến thực hiện bộ sách giáo khoa đồng bộ cho từng cấp học: Từ những báo cáo hằng năm chương trình và nội dung giảng dạy của các Ban Giáo dục tỉnh, thành, Ban giáo dục Tăng Ni TW sẽ có cơ sở để chỉnh lý, biên soạn, thực hiện bộ sách giáo khoa đồng bộ cho từng cấp học phù hợp với từng hoàn cảnh ở từng địa phương. Cũng từ đó, độ chênh lệch về trình độ giữa các Tăng Ni sinh ở các tỉnh và những thành phố lớn có thể được giảm thiểu vì chúng ta giảng dạy cùng một chương trình với cùng một nội dung. 3. Tổ chức khoá bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giảng viên: Một thực tế mà ai cũng có thể thấy rõ là nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ giảng viên trong Phật giáo tương đối yếu. Đa số sau khi đã tốt nghiệp tại các trường Phật học hay Học viện liền tham gia giảng dạy ở một số trường địa phương. Hoàn toàn chưa được trang bị về nghiệp vụ sư phạm cho nên bước đầu khá xa lạ, bỡ ngỡ với công việc. Để hoàn thiện về mặt này, Ban Giáo dục Tăng Ni TW nên thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn hay những khoá đào tạo nghiệp vụ sư phạm dài hạn, nhằm đào tạo đội ngũ giảng viên giỏi có trình độ chuyên môn cao. 4. Đề nghị chuyển lớp Cao đẳng Phật học thành trường Cao đẳng Phật học: Tình hình thực tế năm 2005 tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 7 trường Trung cấp Phật học và chỉ có một lớp Cao đẳng Phật học Cần Thơ. Tăng Ni sinh tốt nghiệp Trung cấp ngày một nhiều, nhưng số trúng tuyển vào các Học viện thì lại rất khiêm tốn. Mặt khác, một khó khăn nữa là lớp Cao đẳng Phật học Cần Thơ ngưng hoạt động. Đây là nỗi lo của nhiều Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp Trung cấp có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục chương trình Cao đẳng ở khu vực xa. Trước nỗi lòng bức xúc của Tăng Ni sinh trong khu vực, Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu đề nghị TW cho phép mở trường Cao đẳng Phật học Bạc Liêu. Trong khi chờ đợi sự chấp thuận của Ban Tôn giáo của chính phủ, lớp Cao đẳng Phật học khoá I được khai giảng vào ngày 30/10/2005 tại trường Trung cấp Phật học Bạc Liêu. Được sự quan tâm giúp đỡ của TW Giáo hội và chính quyền địa phương các cấp, qua những năm hoạt động, trường đã khẳng định được vị trí trong khu vực và dần dần lớn mạnh qua số lượng từ 23 Tăng Ni sinh tốt nghiệp khoá I, 2005-2008 lên con số 52 Tăng Ni sinh được xét tuyển tham dự khoá II Cao đẳng Phật học Bạc Liêu. Riêng phân hiệu Nam tông Khmer có 7 lớp ở chương trình từ năm thứ 1 đến năm thứ 4, tổng cộng có 205 Tăng sinh theo học. Hiện nay, các lớp đã đi vào hoạt động hiệu quả, nhịp nhàng. Hoàn toàn theo mô hình nội trú của Phật học đường. Cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, khang trang và thoáng mát. Được sự ủng hộ của nhiều nhà nghiên cứu, đội ngũ giảng viên tương đối đầy đủ có trình độ chuyên môn cao. Trường đã thành lập được hệ thống thư viện khá phong phú. Trong kỳ Đại lễ Vesak 2007, tổ chức tại Thái Lan, trường đã chính thức được gia nhập vào Hiệp hội các trường Đại học Phật giáo trên thế giới. Từ những thành quả trên, Ban giáo dục Tăng Ni Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu kính trình lên Ban giáo dục Tăng Ni TW, xúc tiến công việc trình lên HĐTS GHPGVN và Ban Tôn giáo của chính phủ để Ban Tôn giáo của Chính phủ có cơ sở làm việc với các ngành có chức năng, lấy ý kiến thống nhất để trình lên Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn chấp thuận đề án thành lập Trường Cao đẳng Phật học Bạc Liêu. 5. Giáo dục định hướng cho Tăng Ni sinh: Sự mất cân đối về số lượng Tăng Ni giữa vùng sâu, vùng xa và các tỉnh, thành phố lớn là hiện tượng mà hầu như ai cũng thấy rõ. Một số Ban trị sự ở vùng sâu, một vị phải kiêm nhiệm nhiều chức vụ vì thiếu nhân sự. Rất nhiều tự viện bỏ hoang phế không vị trụ trì. Đa số đều tập trung ở những tỉnh và thành phố lớn. Để khắc phục tình trạng này, tại những cơ sở Giáo dục Phật giáo cần đào tạo cho Tăng Ni sinh phát huy tinh thần hy sinh phục vụ, sẵn sàng đưa Phật giáo đến những vùng nông thôn xa xôi. Một điều khó khăn khác hiện nay là hầu hết Tăng Ni sinh đều tập trung về những thành phố lớn không chịu học tập ở các trường tỉnh. Tình trạng này gây sự mất cân đối về số lượng Tăng Ni sinh ở các trường và cũng sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nhân sự sau này ở một số Ban trị sự. Ban giáo dục Tăng Ni TW nên có kế hoạch ưu tiên ủng hộ cho các cơ sở Giáo dục ở vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, tại một số thành phố lớn đã bị “quá tải” về số lượng Tăng Ni sinh, trong khi ở những tỉnh, thành khác thì không có Tăng Ni sinh. Nhằm dàn trải, phân phối đồng đều số lượng Tăng Ni sinh và cũng nhằm cân đối nhân sự sau này, chúng ta cần thực hiện phân phối ngay tại các cơ sở Giáo dục, vì đây là nơi đào tạo nhân sự cho Giáo hội. Thực tế, sau những ngày tháng gần gũi học tập, có rất nhiều Tăng Ni sinh sau khi tốt nghiệp đã tình nguyện ở lại phục vụ tại những Ban trị sự hay những cơ sở Giáo dục vùng sâu, vùng xa. Cho nên cần thực hiện công tác này ngay tại cơ sở Giáo dục. 6. Thành lập cơ sở Giáo dục khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): Nhìn chung quý Ban giáo dục Tăng Ni ở ĐBSCL và các trường Trung cấp hoạt động độc lập mang tính địa phương, chưa có sự giao lưu, phối hợp để tạo thế mạnh khu vực. Để khắc phục tình trạng nói trên, Ban giáo dục Tăng Ni TW cần hỗ trợ cho quý Ban giáo dục Tăng Ni ở ĐBSCL có những buổi cùng ngồi lại để đi đến thống nhất thành lập cơ sở Giáo dục khu vực. Với địa hình khu vực, có thể phân làm 2 cơ sở, Trung cấp và Cao Đẳng. Việc phân công cơ sở nào ở khu vực nào đòi hỏi cần phải tốn nhiều công sức, nhiều thời gian cũng như nhiều buổi trao đổi để đi đến thống nhất. Nhưng nếu không thực hiện ngay sẽ không đáp ứng kịp nhu cầu tu học của Tăng Ni ngày càng gia tăng trong khu vực. Để tạo thế mạnh khu vực và với tinh thần “Uống chung dòng nước Cửu Long”, chúng tôi tin tưởng rằng công tác Phật sự lớn lao và đầy khó khăn này chắc chắn sẽ thành tựu trong một ngày không xa. Trên đây là một vài điểm khó khăn tại một số cơ sở Giáo dục, kính mong Ban Giáo dục Tăng Ni TW xem xét nhanh chống, kịp thời đưa ra biện pháp giải quyết sớm tháo gỡ những khó khăn, bất cập tại một số địa phương nhằm củng cố và phát triển ngành Giáo dục Tăng Ni. Thành kính tri ân và xin trân trọng kính chào toàn thể Đại biểu. |
Cập nhật ( 29/12/2008 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com