BÀI VỌNG CỔ NHỊP 8 ĐẦU TIÊN TÊN GỌI VĂNG VẲNG TIẾNG CHUÔNG CHÙA hay là VÌ TIỀN LỖI ĐẠO * Trần Phước Thuận Có một số bài bản cổ nhạc ở Bạc Liêu, lúc mới sáng tác tác giả không đặt tên, thường thì sau khi sáng tác hoặc sau một thời gian lưu hành mới được người khác đặt tên. Kể cả các tác phẩm nổi tiếng như Dạ cổ hoài lang của ông Cao Văn Lầu cũng do nhà sư Nguyệt Chiếu đặt tên, Liêu giang là bản đắc ý nhất của ông Ba Chột cũng do Nhạc Khị đặt tên, Hứng trung thinh của ông Tư Bình cũng được thầy đặt tên …, nhưng không phải cái tên nào cũng được sử dụng rộng rãi và được mọi người công nhận, như trường hợp bản Dạ cổ hoài lang – theo lời kể của ông Cao Kiến thiết (con ông Cao Văn Lầu) trong cuộc hội thảo về Cao Văn Lầu tại Bạc Liêu năm 1989 thì bản này sau khi ra đời được ít lâu, ông Trần Xuân Thơ (Thầy Thống) đề nghị đổi tên là Vọng cổ hoài lang, thế mà từ đó đến nay người ta vẫn gọi theo tên cũ là Dạ cổ hoài lang (mãi đến khi bản Dạ cổ hoài lang biến nhịp, ông Trịnh Thiên Tư đề nghị đổi gọi Vọng cổ mới được sự hưởng ứng của mọi người và được sử dụng cho đến ngày nay). Hai mươi câu Vọng cổ Văng vẳng tiếng chuông chùa do nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa sáng tác năm 1934 cũng được ra đời trong trường hợp tương tự như thế. Nhưng mới đây có người nói rằng bài Vọng cổ nhịp 8 đầu tiên 20 câu này không phải mang tên Văng vẳng tiếng chuông chùa và còn tình nghi rằng tác giả của nó không phải là nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa. Thực ra, lúc mới ra đời bài Vọng cổ này cũng không có tên, tác giả đã dùng năm chữ đầu của câu 1 là Văng vẳng tiếng chuông chùa để làm tên gọi của bài ca này, các nghệ sĩ ở Bạc Liêu đều gọi theo như thế. Mãi đến bốn năm sau (1938), khi bài Vọng cổ này được thu vào đĩa Asia (1) lại được đổi tên thành Vì tiền lỗi đạo (không rõ do ông Ngô Văn Mạnh chủ hãng đĩa đặt tên hay do ai đặt ra), nhưng từ đó đến nay người ta cứ quen gọi theo tên cũ, thậm chí có rất nhiều người không biết Vì tiền lỗi đạo là bài ca nào. Kể cả ông Cao Văn Lầu một ngôi sao sáng của cổ nhạc Nam bộ cũng không gọi bài vọng cổ này là Vì tiền lỗi đạo mà ông vẫn gọi Văng vẳng tiếng chuông chùa, trong Lời giới thiệu sách Ca nhạc cổ điển của soạn giả Trịnh Thiên Tư, ông Cao Văn Lầu đã viết “Để hưởng ứng với đồng nghiệp, tôi nể tình ông bạn Trịnh Thiên Tư, cho đăng bản nhạc Vọng cổ và lời ca của tôi trong sách này, là nhạc phẩm căn bản nhịp tư, mà chư nhạc sĩ tứ phương dần dần mở ra lơi ra nhịp 16 (bắt đầu lời ca Văng vẳng tiếng chuông chùa của kịch sĩ Năm Nghĩa) đến nhịp 32 và 64” (2). Nhà nghiên cứu Trần Tử Văn cũng dẫn lời bên trên của ông Cao Văn Lầu trong bài Vọng cổ bản nhạc vua trên sân khấu ca kịch của ông trên Tạp chí Tin Văn (3). Nhà nghiên cứu Trần Văn Khải trong tác phẩm Nghệ thuật sân khấu Cải lương cũng nói “Trong thời kỳ nhịp tám bản Vọng cổ được phổ bíên khắp Nam phần nhờ nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa tức Năm Nghĩa, mở màn với lối ca chậm rãi và ngân nga nhiều ở mấy chữ cuối câu. Sau đây là bản Gánh nợ đời của Năm Nghĩa ca độc chiếc đồng thời với bản Văng vẳng tiếng chuông chùa cùng một ca sĩ” (4). Nhạc sĩ Trương Bỉnh Tòng – Giám đốc trung tâm nghiên cứu cải lương Thành phố Hồ Chí Minh cũng gọi như vậy, trong tác phẩm Nhạc tài tử Nhạc sân khấu Cải lương, ông viết “ Vọng cổ nhịp 8, bài ca Văng vẳng tiếng chuông chùa của nghệ sĩ Năm Nghĩa …” (5). Tiếp theo, trong tác phẩm Nghệ thuật Cải lương những trang sử, nhạc sĩ Trương Bỉnh Tòng cũng nói “Dạ cổ hoài lang từ nhịp 2 đã mở ra đến nhịp 4, cho đến 1935 – 1936 lại mở ra đến nhịp 8, tác phẩm đầu tiên là Văng vẳng tiếng chuông chùa, do Năm Nghĩa ca tại Bạc Liêu rồi được thu đĩa phát hành trong cả nước” (6). Hai nhà nghiên cứu Trần Minh Tiên và Lê Minh Chánh, trong tác phẩm Tìm hiểu nghệ thuật sân khấu Cải lương có đoạn viết “ Nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa (tức Năm Nghĩa) với giọng ca bài Vọng cổ 20 câu Văng vẳng tiếng chuông chùa…” (7). Nghệ nhân lão thành Lâm Tường Vân khi viết cuốn Nhạc sĩ Cao Văn lầu với bài Dạ cổ hoài lang, thêm một lần nữa ông đã xác nhận “Năm Nghĩa tức cảnh sáng tác bài ca Vọng cổ Văng vẳng tiếng chuông chùa nhịp 8 … bài Văng vẳng tiếng chuông chùa là tâm trạng của tác giả, trong cảnh cô đơn lại nghe tiếng chuông chùa công phu… Thế là từ đó mở ra kỷ nguyên ca vọng cổ, thu đĩa hát ở Sài Gòn mà người đầu tiên là Lư Hòa Nghĩa” (8). Giáo sư Trần Quang Hải (con Giáo sư Trần Văn Khê) trả lời phỏng vấn của Hoài Âm. Bài đã đăng trong forum của Vietsciences-free.fr và đã được đăng lại trên Wikipedia tiếng Việt về thảo luận Cải lương (download ngày 1/7/2006) trong đó có một đoạn “… tới năm 1935 – 1937 nghệ sĩ Năm Nghĩa chính thức phổ biến trong giới yêu Cải lương qua bài Vọng cổ Văng vẳng tiếng chuông chùa”. Nghệ sĩ Thanh Nga khi chép lại bài ca của cha cũng ghi như thế; nghệ sĩ Bảo Quốc người con trai đầu lòng của tác giả bài Vọng cổ đầu tiên này cũng gọi không khác hơn; hầu hết nghệ nhân nghệ sĩ, những nhà nghiên cứu ở Bạc Liêu và nhiều tỉnh khác từ trước đến nay đều gọi Văng vẳng tiếng chuông chùa. Trong thời gian gần đây, cũng có một số người nói nghệ sĩ Năm Nghĩa sáng tác bài Vọng cổ nhịp 8 này ở một địa điểm khác, nhưng về tên gọi thì vẫn thống nhất là Văng vẳng tiếng chuông chùa. Qua các chứng cứ bên trên đủ thấy cái tên Văng vẳng tiếng chuông chùa đã được dùng rất phổ biến. Vì vậy chúng tôi cho rằng nếu dùng cái tên mà ít người biết để thay cho cái tên đã phổ cập đại chúng là điều không hợp lý, cho nên sau khi so sánh, chúng tôi vẫn dùng cái tên cũ là Văng vẳng tiếng chuông chùa để gọi bài Vọng cổ nhịp tám đầu tiên này. Còn về về việc tình nghi tác giả của bản Vọng cổ này là người khác thì trong đoạn văn trên, ông Cao Văn Lầu không những xác nhận bài Vọng cổ đầu tiên này mang tên Văng vẳng tiếng chuông chùa mà còn xác nhận tác giả của bài ca chính là nghệ sĩ Năm Nghĩa. Thực ra, đối với vấn đề này ông Cao Văn Lầu hiểu rõ hơn ai hết, vì Năm Nghĩa vừa là là người đồng hương vừa là bạn vong niên của ông, hai người qua lại rất thân thiết và chính Năm Nghĩa đã sáng tác bài Văng vẳng tiếng chuông chùa tại nhà của ông. Hơn nữa với tư cách và vị trí của ông Cao Văn Lầu thì lời nói của ông không thể sai sự thật. Bài Vọng cổ Văng vẳng tiếng chuông chùa sau khi thu đĩa và phát hành đã được thính giả các nơi hoan nghênh nhiệt liệt, lúc đầu đĩa không đủ bán, hãng đĩa phải tái bản nhiều lần mới đáp ứng được nhu cầu của giới mộ điệu. Nhưng sau đó bản Vọng cổ được cách tân thành nhịp 16, nhịp 32… nhiều bài vọng cổ khác tiếp tục ra đời trở nên mùi hơn và nhất là khi Năm Nghĩa qua đời (1959) thì bài Vọng cổ nhịp 8 đầu tiên này dần dần chìm trong quên lãng. Năm 1997, chúng tôi tiến hành sưu tầm nghiên cứu cuộc đời của các tác giả cổ nhạc Bạc Liêu và ghi chép lại các bài bản do các vị sáng tác. Riêng bài Văng vẳng tiếng chuông chùa có một vị trí rất đặc biệt trong quá trình phát triển cổ nhạc vì vậy chúng tôi đặc biệt lưu ý sưu tầm, nhưng mặc dù nhóm biên soạn đã đi qua nhiều tỉnh ở hai miền Nam Bắc suốt một thời gian dài, tìm tòi tư liệu từ trong đến ngoài nước, gặp gỡ nhiều nhà nghiên cứu, nhiều nghệ nhân nghệ sĩ lão thành, trong đó có cả thân nhân của nghệ sĩ Năm Nghĩa, nhưng cũng chỉ sưu tầm được vỏn vẹn có sáu câu đầu trong tổng số 20 câu của bài Vọng cổ (theo nghệ sĩ Bảo Quốc thì đây là sáu câu do Thanh Nga ghi lại lúc còn sinh thời). Chúng tôi vẫn tiếp tục sưu tầm bài Vọng cổ nhịp 8 này, nhưng suốt chín năm dài khó nhọc, tốn rất nhiều công phu nhưng bài ca cổ vẫn bặt vô âm tín, vẫn biền biệt xa vời. Mãi đến cuối năm 2006, trong một dịp tình cờ khi đến xứ Đồng Tháp tôi được ông bạn Đinh Công Thanh cho mượn một số sách báo cũ trong đó có tờ báo Mai xuất bản năm 1938, một số đĩa đá và một cuồn băng có lưu nhiều bài Vọng cổ xưa. Từ những tư liệu này tôi mới tìm được “tung tích” và thời điểm thu đĩa của bài Vọng cổ đã nhiều năm tìm kiếm, đồng thời cũng đã nghe được giọng ca của nghệ sĩ Năm Nghĩa qua 20 câu Văng vẳng tiếng chuông chùa (9). Ôi ! cảm động làm sao khi chính tai mình nghe được lời ca đã phát ra từ hơn sáu mươi năm trước, những câu văn mộc mạc bình dân nhưng chan chứa nghĩa tình, nghe được những tiếng hơ … hơ … kéo dài thật tuyệt vời và độc đáo của một nghệ sĩ tiền bối đã mở ra mở ra kỷ nguyên Vọng cổ và đã cống hiến cả một cuộc đời cho sự nghiệp Cải lương. Chú thích : (1) Theo Trần Minh Tiên và Lê Minh Chánh thì bài Văng vẳng tiếng chuông chùa với giọng ca của Nghệ sĩ Năm Nghĩa được thu vào đĩa hát Béka của ông Jile Kellèr, người Đức ở đường Mác Mahon vào năm 1936 (Tìm hiểu nghệ thuật sân khấu Cải lương, Sở Văn hóa Thông tin Long An – 1989, trang 118). (đường Mác (2) Trịnh Thiên Tư, Ca nhạc cổ điển, xuất bản năm 1962, trang 3. (3) Tạp chí Tin Văn số 13 – 1966, trang 128. (4) Trần Văn Khải, Nghệ thuật sân khấu Cải lương, Nhà sách Khai Trí – 1966, trang 121. (5) Trương Bỉnh Tòng, Nhạc tài tử Nhạc sân khấu cải lương, NXB Sân Khấu – 1996, trang 58. (6) Trương Bỉnh Tòng, Nghệ thuật Cải lương những trang sử, Viện Sân Khấu – 1997, trang 85 – 86. (7) Trần Minh Tiên và Lê Minh Chánh, Tìm hiểu nghệ thuật sân khấu Cải lương, Sở Văn hóa Thông tin Long An – 1989, trang 118. (8) Lâm Tường Vân, Nhạc sĩ Cao Văn lầu với bài Dạ cổ hoài lang, NXB Mũi Cà Mau – 2000, trang 59. |
Cập nhật ( 27/09/2014 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com