BÀI THƠ SÁM HỐI VIẾT MUỘN * Huỳnh Ngọc Thành Như một sự tình cờ đưa đẩy, tôi cảm nhận bài thơ Mẹ của tác giả Đỗ Trung Quân gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, dù muộn màng nhưng phải đạo làm con: “Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái” Có bao giờ thơ cho mẹ ta không…” Rồi gục đầu lắng lòng tự vấn mình, tôi đã viết những bài thơ như hết ruột gan cho cuộc tình chia xa với biết bao cung bậc hoài niệm chất ngất niềm đau riêng và nhiều khi muốn buông bỏ tất cả để quay về phụng dưỡng mẹ đến cuối đời. Như tiếc thay, nợ nần vay trả áo cơm không thể dứt lìa để thực hiện lời hứa giản đơn rất đổi bình thường.
Trái lại, còn ràng buộc đắn đo tính toán sự thúc bách mưu sinh từ nhiều phía, trong lòng tôi luôn day dứt vì nguyện ước đơn sơ đã kéo dài nhiều năm liền. Đến mùa An Cư năm 1996 tôi mới cận kề bên giường bệnh cùng mẹ để bật ra khổ thơ quặn thắt: Lâu lắm rồi mới quay về với mẹ Con giật mình chạm tâm tính đổi thay Muốn trách móc mà lòng không cho phép Bởi ngày mai con giống mẹ hôm nay Nhiều đêm trắng bên giường bệnh, trong tôi lại tái hiện như cuốn phim quay chậm về những tai nạn đã ập đến trong đời mẹ vì thiếu sự có mặt chăm sóc của con cháu gần gũi sớm hôm. Rất nhiều những số liệu về thời điểm tổn thương lớn nhỏ xảy ra cho mẹ, như một biểu đồ liên tục phát triển theo cấp số nhân. Đó là những con số mẹ không hề biết nhưng vẫn nhớ mãi trong nỗi đau riêng tư của từng đứa con cháu, như một lời cấp báo về thể trạng của một số phận mỏng manh trước cơn gió vô thường, như giông tố đang hoành hành ở vùng tâm bảo. Một lời hứa chăm sóc mẹ vẫn còn đeo đẳng từng ngày, để giờ đây bên giường bệnh thập tử nhất sinh mới vỡ òa muộn màng quay quắt: Chẳng có ai thoát ly vòng sinh biệt Con tự nhủ với lòng mình rất vội Thôi lãng du đành trở về phụng dưỡng Đến bây giờ báo hiếu đã chậm rồi Cuộc sống còn rất tai ương và bất trắc khôn lường rồi sẽ trôi qua đi. Nhưng bài học về đạo lý làm con mãi mãi không bao giờ có đoạn kết, nếu những đứa con cố tình nhẫn tâm để lãng quên với đấng sinh thành. Con luôn luôn suy nghĩ về một điều thánh thiện như thế, bởi ngày mai con sẽ giống mẹ hôm nay. Mẹ bước vào tuổi tám mươi tư và những mùa Vu Lan đã qua, con vẫn rạng ngời niềm hạnh phúc vì còn nguyên vẹn đóa hồng ấm áp trên tấm áo lành lặn giữa trần gian. Mẹ đã cho con quá nhiều thứ trên đời để không hề thua thiệt bất cứ một ai, kể cả một bông hồng nhỏ nhắn đong đầy rực rỡ giữa lòng phố xá đông vui. Mẹ vẫn còn sống với đời như để khích lệ cho con viết những câu thơ hối lỗi muộn màng tự đáy lòng, dẫu mẹ chẳng còn tĩnh tâm để lắng nghe lời tự tình chân thành và đôi mắt đã mờ nhòa thị lực để nhận diện xung quanh: Mẹ bỏ lại phía sau thời xuân sắc Chút minh mẫn tàn tạ với thời gian Không lẽ nào con dùng dằn với mẹ Sớm muộn gì cũng như mẹ mà thôi Tất cả dồn nén cho khổ thơ cuối. Tôi viết bằng những cảm xúc dâng trào không bao giờ lặp lại để mường tượng mai này có một ngày không thể tránh né của kiếp nhân sinh thì nỗi lòng đứa con kính dâng về miền vĩnh hằng và một bông hồng thanh khiết thân yêu bồng bềnh trôi nhẹ vào cõi hư vô để lặng lẽ gắn một nụ bạch hồng trên ngực áo cho những tháng ngày sẽ tới: Dẫu lú lẫn con mãi mê nhìn mẹ Dù không nghe con vẫn thèm gọi mẹ Chỉ ám ảnh mẹ con mình cách trở Một đóa hồng cài áo sẽ xa con Hơn một tháng sau đó, bài thơ “Những ngày bên mẹ” được sử dụng lần đầu tiên không cắt đoạn nào, đúng vào ấn phẩm đặc biệt Vu Lan Mùa Báo hiếu, Tuần Báo Giác Ngộ số 21-22, ngày 24.8.1996, PL.2540. Bất ngờ, niềm vui nhân đôi. Bài thơ “Những ngày bên mẹ” được tuyển chọn in chung trong tập sách Bông Hồng Mùa Báo Hiếu – NXB Thanh Niên, tháng 8 năm 1999. “Những ngày bên Mẹ” là bài thơ sám hối và được ra đời muộn màng bên giường bệnh trong những ngày cuối đời của mẫu thân với khoảnh khắc hiếm hoi vô tiền khoáng hậu của riêng mình… |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com