Nghi lễ dâng đèn trong ngày nhập hạ là một nét văn hóa tâm linh truyền thống của đồng bào Phật tử dân tộc Khmer. Lễ nhập hạ (còn gọi là lễ Chol Neasa hay Bun Chôl Vô Sa) được lưu truyền từ đời Đức Phật Thích Ca và diễn ra trong hai ngày 15 và 16/6 âm lịch (tháng Asat Khmer). Thời gian an cư kéo dài trong 3 tháng mùa mưa, mong cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình được an vui hạnh phúc.

Tại Bạc Liêu, trong ngày lễ nhập hạ, đồng bào Phật tử Khmer dâng lên các vị sư nhang đèn, hoa quả, y cà sa, và các lễ vật thiết yếu để sử dụng trong 3 tháng an cư. Trong các lễ vật được dâng lên không thể thiếu cây đèn cầy hạ, đèn cầy sẽ được thắp lên tục không để tắt trong 3 tháng này.

Đèn cầy hạ được đồng bào Phật tử Khmer dâng lên, đặt cạnh lư hương nơi trang nghiêm bên trong Chánh điện hay ngôi Sala. Những ngọn đèn thắp sáng liên tục trong 3 tháng bất kể ngày hay đêm, giúp cho các chư tăng thuận lợi hơn trong quá trình tu học, chuyên tâm trau dồi đạo pháp.

Đối với đồng bào Phật tử, việc mang đèn cầy hạ đến chùa trong ngày này nhằm mong cầu cho gia đình giàu sang phú quý, yên vui hạnh phúc ở kiếp này và cả kiếp sau. Ngoài ra, ánh sáng từ cây đèn cầy hạ còn là biểu tượng cho trí tuệ sáng suốt của con người vì theo quan niệm của đồng bào dân tộc Khmer, tinh thần minh mẫn và sáng suốt thì sẽ tránh được những rủi ro, xui xẻo từ đó làm việc sẽ được thuận lợi, thành công hơn.

Nghi lễ dâng đèn trong ngày nhập hạ đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa tâm linh của đồng bào Phật tử dân tộc Khmer nói chung và Bạc Liêu nói riêng, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp trong tương lai và niềm tin lạc quan trong cuộc sống, khai mở những thiện duyên, soi sáng tâm hồn của con người. Mong cầu ánh sáng của Đức Phật từ hòa soi đường tu học cho các chư Tăng và tạo phước lành đến cho chúng sinh.


Thực hiện: TTTT PG Bạc Liêu