Lễ Vu lan, là một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo. Hàng năm vào khoảng giữa tháng 7 âm lịch, các tự viện ở Việt Nam nói chung và tại Bạc Liêu nói riêng đều tổ chức lễ Vu lan với ý nghĩa báo đáp công ân sinh dưỡng của cha mẹ, thể hiện tinh thần đạo hiếu, tưởng nhớ công ân của những bậc tiền nhân đi trước, ân của Tam Bảo dẫn dắt con đường tâm linh.

Lễ Vu lan xuất phát từ sự tích Tôn giả Mục Kiền Liên với lòng đại hiếu muốn cứu mẹ. Theo kinh Vu lan: Khi Tôn giả Mục Kiền Liên đắc quả A La Hán,Ngài dùng thần thông quán chiếu, muốn biết mẹ Ngài là bà Thanh Đề sau khi chết sinh vào cảnh giới nào, Ngài quán sát khắp các cõi giới, nhìn thấy bà đang chịu khổ sở, đói khát, do lúc còn sống bà đã tạo nhiều nghiệp ác nên khi chết phải đọa vào địa ngục, làm ngạ quỷ chịu nhiều hình phạt. Quá thương mẹ, Ngài mang cơm dâng cho mẹ, do lòng bỏn xẻn chưa dứt lại thêm đói khát lâu ngày nên khi thấy con mang cơm xuống, bà vội vàng một tay che bát một tay cho cơm vào miệng sợ quỷ đói xung quanh tranh mất, vì vậy khi thức ăn vừa đưa tới miệng liền hóa thành lửa đỏ.

Tôn giả Mục Kiền Liên quay về bạch với Đức Phật, mong Đức Phật chỉ bày cho cách cứu mẹ. Phật đã dạy: Dù ông thần lực nhiệm mầu nhưng một mình cũng không đủ sức để cứu mẹ. Phải nhờ sự hợp lực của chư Tăng khắp mười phương, mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng Bảy là ngày tự tứ chúng Tăng mười phương, cũng là ngày Chư Phật hoan hỷ, sắm sửa lễ vật thiết lễ “Giải đảo huyền” nghĩa là lễ Vu lan bồn (giải cứu tội khổ treo ngược). Nương nhờ hai yếu tố: sức oai thần chú nguyện của chư Tăng mười phương và sự phát tâm sả cúng tịnh tài để chuyển hóa tâm bỏn xẻn, tâm chấp hữu, thì mẹ của ông và các hương linh khác cũng sẽ được giải cứu.

Nhân đây, Đức Phật cũng nhấn mạnh về “Bốn trọng ân”của người đệ tử Phật cần phải khắc ghi.Trong đó, ân cha mẹ nuôi dưỡng con cái được triển khai rất rõ về mười ân lớn không gì sánh bằng, từ khi thai nghén đến lúc trưởng thành, trải qua biết bao khổ cực, dù có trải trăm nghìn kiếp vẫn không sao đền trả hết. Vì vậy, phận làm con, phải biết thương yêu, tôn kính, phụng dưỡng cha mẹ còn sinh thời, tạo nhiều phước báu để hồi hướng cho cha mẹ quá cố.

Từ câu chuyện của Tôn giả Mục Kiền Liên và lời dạy của Đức Phật, ngày rằm tháng Bảy hàng năm các tự viện tại Bạc Liêu như: chùa Long Phước, chùa Huệ Quang, chùa Bạch Liên,chùa Giác Hoa,…đều tổ chức ngày lễ Vu lan Báo hiếu. Vào ngày này, Phật tử và người dân nhiều thế hệ con cháu trở về chùa tham dự lễ, thể hiện tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ, cửu huyền thất tổ, đồng thời được lắng nghe chư Tăng hướng dẫn phương pháp hiếu đạo theo lời Phật dạy thông qua những hành động thiết thực và ý nghĩa như:thực hành năm điều đạo đức, cúng dường Tam bảo, phát quà từ thiện cho những hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ những suất cơm nghĩa tình đến các bệnh viện, vừa thể hiện được lòng từ bi của Phật giáo,vừa nếu cao tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam.

Năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, những hoạt động lễ Vu lan trên địa bàn tỉnh được tổ chức nội bộ tại các tự viện, mặc dù không thể tham dự trực tiếp nhưng tấm lòng hiếu kính của những người con hiền cháu thảo luôn hướng về lễ hội văn hóa thấm đượm tình người, gắn kết nhiều thế hệ tưởng nhớ về ân cha mẹ, ông bà tổ tiên, ân các bậc thầy cô dạy dỗ, ân của những bậc tiền nhân đi trước, ân của những người có công với quê hương đất nước, ân của Tam Bảo đã dìu dắt con đường tâm linh. Tất cả những ân sâu ấy, làm đẹp hơn truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam và làm sáng ngời gương hiếu hạnh thông qua lời Phật dạy.




Thực hiện: TTTT PG Bạc Liêu.