Sen Đolta hay còn gọi là lễ cúng ông bà, có giá trị đặc biệt trong truyền thống hiếu đạo của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ nói chung, Bạc Liêu nói riêng. Dù cuộc sống có bộn bề công việc đến đâu thì trong tâm niệm của người Khmer, đều hướng về ngày lễ trọng đại này. Đây là Lễ hội không thể thiếu trong đời sống văn hóa tín ngưỡng và mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp thắt chặt tình thân, tình đoàn kết dân tộc, là dịp sum vầy, cùng nhau ôn lại chuyện cũ, tưởng nhớ về ông bà, cha mẹ.

Vì thế mà hàng năm, trong những ngày cuối tháng Tám, khắp các phum sóc của đồng bào Khmer tại Bạc Liêu đều chuẩn bị vào Lễ Sen Đolta, sắm sửa, trang trí bàn thờ tổ tiên, trang hoàng nhà cửa. Lễ Sen Đolta thường được diễn ra trong hai ngày chính là 30/8 và 01/9 âm lịch.

Dịp này, đồng bào Khmer sẽ chuẩn bị tươm tất bánh trái, cơm nước đủ đầy để dâng lên chư Tăng và ông bà cha mẹ quá vãng, trân quý những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời trải lòng hướng về cội nguồn, tri ân các vị sư sãi, biết ơn sâu sắc đến hai đấng sinh thành, tri ân tổ tiên đã có công khai phá đất đai, phù hộ phum, sóc và cầu an cho những người còn sống, cầu siêu cho những người đã khuất.

Trong hai ngày Lễ hội, buổi sáng các Phật tử sẽ cùng nhau dậy sớm để lên chùa dâng cơm, công quả. Sau đó, về nhà chuẩn bị cúng cơm tổ tiên trong gia đình.

Chiều đến, Phật tử vào chùa tham dự khóa lễ cầu nguyện, để cầu phước cho ông bà, cha mẹ. Một số chùa còn tổ chức những hoạt động văn nghệ sau lễ để đồng bào được vui chơi, giải trí.

Có thể nói, Lễ hội Sen Đolta là một lễ hội không chỉ thể hiện tinh thần hiếu đạo, tri ân và báo ân của người Khmer mà còn gắn chặt tình đoàn kết của cộng đồng dân tộc.

Dù thời gian có trôi nhanh, thì nét đẹp của văn hóa tín ngưỡng truyền thống này vẫn tồn tại mãi mãi trong lòng của đồng bào Khmer và lưu truyền cho thế hệ mai sau cùng gìn giữ.

Lương Thị Trúc Ly- Cộng tác viên – SV ĐHBL