Thành phố Bạc Liêu là Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, du lịch của tỉnh Bạc Liêu. Ban Trị sự Phật giáo Thành phố Bạc Liêu song hành từ những ngày đầu thành lập Thành phố Bạc Liêu đến nay qua mỗi nhiệm kỳ là một chặng đường phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của Phật giáo tỉnh và của địa bàn thành phố.

Hiện nay, Phật giáo Thành phố Bạc Liêu có 36 ngôi tự viện với tổng số 159 vị Tăng Ni. Trong đó: Bắc tông 19 cơ sở, 45 Tăng Ni; Nam tông 4 cơ sở, 80 vị Tăng; Khất sĩ 7 cơ sở, 22 vị Tăng Ni; Trúc Lâm 4 cơ sở, 12 vị Tăng Ni.



Là Trung tâm đặt Trường Trung cấp Phật học của tỉnh, công tác giáo dục Tăng Ni đặc biệt quan trọng; hiện có 01 lớp Cao đẳng Phật học tại Quán Âm Phật Đài, 01 lớp Luật Ni tại chùa Bạch Liên. Nhiều Tăng Ni đã tốt nghiệp và đang theo học nhiều chương trình Phật học. Trong đó, đã tốt nghiệp: Cử nhân Phật học (11), Cao đẳng Phật học (6), Trung cấp Phật học (4); đang theo học: Cao đẳng Phật học (2), Trung cấp Phật học (13), Thạc sĩ (1), Tiến sĩ (1). Cho đến nay, hầu hết trụ trì các tự viện tại Thành phố Bạc Liêu có trình độ Phật học từ cao đẳng trở lên.


Về nghi lễ, hoạt động Phật sự đi đầu trong giữ gìn và phát triển Phật giáo, trong năm có 18 nghi lễ Phật giáo truyền thống được các tự viện tổ chức để tôn kính chư Phật, chư Bồ Tát, như: Đại lễ Phật đản, Lễ Vía Đức Phật A Di Đà, Lễ Vía Bồ tát Quán Thế Âm, Lễ Vu Lan,… các lễ hội truyền thống của Phật giáo Nam tông. Bên cạnh đó còn có các nghi lễ tưởng niệm, tưởng nhớ các vị Tổ sư của tông môn hệ phái và các vị chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội qua các thời kỳ đã viên tịch. Ngoài ra thường nhựt các tự viện theo nội quy mà thực hiện tứ thời hoặc lục thời, nghi lễ công phu bái sám.







Hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử là công tác Phật sự quan trọng, đánh dấu sự thành tựu vượt bậc của Phật giáo Thành phố Bạc Liêu trong lĩnh vực này, với hơn 20 đạo tràng tại các tự viện, những khoá tu an lạc hàng tháng, khả năng thuyết pháp của các vị Giảng sư, chư Tôn đức trụ trì, đã làm lan toả phong trào học Phật phổ biến trong các gia đình Phật tử. Đặc biệt, trong chương trình tu học Phật pháp, các vị Hoằng pháp còn lồng ghép đề tài gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thực hiện đầy đủ 8 nội dung mà Phật giáo Bạc Liêu đã đăng ký phần việc theo chủ trương của Uỷ ban MTTQVN tỉnh.


Về đóng góp trong lĩnh vực văn hoá và du lịch tâm linh, Khu Quán Âm Phật Đài là địa điểm đặc biệt thu hút du khách trong và ngoài tỉnh, kể cả ngoài nước; bên cạnh đó là các danh lam như Chùa Long Phước, Thiền viện Trúc Lâm,… cùng những ngôi cổ tự có lịch sử lâu đời nay trở thành điểm tham quan, chiêm bái của du khách gần xa, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo, thư giãn, tìm sự yên định, an lạc khi đến chốn thiền môn.


Đến nay, hầu hết các tự viện Phật giáo tại Thành phố Bạc Liêu đều được trùng tu, xây dựng, tôn tạo cảnh quan, giữ gìn văn hoá truyền thống, kiến trúc tự viện Phật giáo, tạo Phật tích có sức thu hút mạnh mẽ với đồng bào Phật tử gần xa.

Đóng góp về từ thiện xã hội cũng là một đặc điểm hết sức tiêu biểu của Phật giáo Thành phố Bạc Liêu, với tổng giá trị từ thiện gần 34 tỷ đồng trong nhiệm kỳ qua thật sự là một đóng góp lớn lao cho xã hội. Cụ thể như: Xây dựng 55 căn nhà tình thương; 73 cây cầu nông thôn; khoan 307 giếng nước sạch; cúng dường xây dựng 12 ngôi chùa; mua bảo hiểm và hỗ trợ tiền mua thuốc 341 người; khám bệnh cấp thuốc cho 3.650 người; tặng xe lăn, xe lắc cho người tàn tật 177 chiếc; trợ cấp mổ mắt cườm 242 người; trao gần 20.000 phần quà cho người khuyết tật; 15.280 phần cứu tế hộ nghèo; cấp gạo hàng tháng cho người già neo đơn 345 hộ; cơm cho bệnh nhân nghèo 27.120 hộp; hỗ trợ 49 áo quan và đồ tẩn liệm; lắp 65 máy lọc nước uống cho học sinh; cấp học bổng cho học sinh 9.221 suất; tặng xe đạp cho học sinh 70 chiếc; tặng quà cho trung tâm xã hội 5 điểm; 3 lần cứu trợ bão lụt thiên tai miền Trung.






Bên cạnh đó, thực hiện mục 8 trong phần “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tham gia các đoàn thể, hiệp hội để có tiếng nói xây dựng chính quyền vững mạnh. Trong nhiệm kỳ qua, Tăng Ni Phật tử thành viên Ban Trị sự đã tham gia vào các tổ chức, HĐND thành phố 1 vị, Uỷ ban MTTQVN thành phố và các phường, xã của thành phố 7 vị; Hội Khoa học – Lịch sử 1 vị, Hội Chữ Thập đỏ 2 vị, Hội người cao tuổi 1 vị, Hội Khuyến học 1 vị.

Nhiệm kỳ qua, Ban Trị sự Phật giáo Thành phố luôn được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và sự nhiệt tình ủng hộ của lãnh đạo chính quyền, Mặt trận tổ quốc thành phố, đây là điều kiện thuận lợi để Phật giáo Thành phố có được những kết quả đáng phấn khởi trong nhiệm kỳ 2016 – 2021 vừa qua. Vậy nên mặc dù còn một số mặt trong công tác Phật sự vẫn chưa thực hiện tốt, nhất là về chuyển tải đạo đức Phật giáo đến giới trẻ để góp phần rèn luyện cho các em trở thành công dân mẫu mực, thì Phật giáo Bạc Liêu, trong nhiệm kỳ tới, sẽ quyết tâm khắc phục điểm yếu, phát huy nội lực, thành tựu hiện có để cùng Phật giáo Bạc Liêu xây dựng ngôi nhà Phật pháp phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Thực hiện: TTTT PG Bạc Liêu