Phước Long là huyện vùng nông thôn của tỉnh Bạc Liêu, những năm qua, huyện có những bước đột phá phát triển về mọi mặt, là địa phương dẫn đầu tỉnh trong xây dựng nông thôn mới, huy động tối đa các nguồn lực xã hội để chăm lo đời sống cho người dân. Trong đó, Phật giáo huyện đóng nhiều mặt vào thành tựu chung của Phật giáo tỉnh và địa bàn huyện Phước Long.

Phước Long có 29 cơ sở tự viện với tổng số 48 vị Tăng Ni. Bắc tông có 25 cơ sở, 29 Tăng Ni; Nam tông có 02 cơ sở và 10 vị Tăng; Khất sĩ có 02 cơ sở với số Tăng Ni là 9 vị.Trong đó có 12 cơ sở được UBND tỉnh ra Quyết định công nhận là tự viện thuộc GHPGVN. Trong nhiệm kỳ IV có 17 cơ sở tự viện được hình thành theo nhu cầu tín ngưỡng của đông bào Phật tử tại địa phương,đang tiến hành các thủ tục theo quy định của Pháp luật trình các cơ quan chức năng xét duyệt đề nghị UBND tỉnh công nhận.



Trên cơ sở chư Tăng Ni trong huyện, Phật giáo huyện chú trọng phát triển giáo dục Tăng Ni, đến nay đã có nhiều vị tốt nghiệp ở các bậc học: Thạc sĩ (1), cao cấp (4), cao đẳng (4), trung cấp (3); hiện có 1 vị đang theo học trung cấp Phật học trong tỉnh.
Dù số lượng Tăng Ni không nhiều, nhưng Phật giáo huyện đã thực hiện đầy đủ công tác Hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử. Các đạo tràng tu học định kỳ tại các tự viện diễn ra hiệu quả như: Chùa Phước Huệ mỗi tháng mở khóa tu 1 lần có khoảng 70 người tham dự; Chùa Long Thành với khóa tu niệm Phật hàng tháng có khoảng 80 người tham dự; Chùa Bửu Thanh khóa tu “Một ngày an lạc” mỗi tháng có khoảng 60 người tham dự; Tịnhxá Ngọc Như mỗi tháng cúng hội 2 kỳ có khoảng 50 người tham dự,…


Bên cạnh đó, các nghi lễ mang đậm bản sắc văn hoá Phật giáo hằng năm được tổ chức trang nghiêm như: Đại lễ Phật đản, Lễ vía Đức Phật A Di Đà,Lễ vía Bồ tát Quán Thế Âm, Đại lễ Vu lan,Lễ dâng Y Kathina, Tết cổ truyền Chol Chnam Thmây, Lễ SenDolta,… các nghi lễ được tổ chức thường có cả phần lễ và phần hội, nhất là các lễ hội của đồng bào Khmer theo Phật giáo Nam tông. Những chương trình biểu diễn văn nghệ đặc sắc trong các dịp lễ hội theo văn hoá Phật giáo làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân địa phương.




Trong bối cảnh Nhà nước và nhân dân tập trung toàn lực để xây dựng huyện Phước Long đạt tiêu chí là huyện nông thôn mới nâng cao,Ban Trị sự GHPGVN huyện Phước Long hưởng ứng kế hoạch trên,vừa sửa chữa, trùng tu, xây dựng các cơ sở tự viện khang trang với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng,vừa tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp mang dấu ấn văn hóa Phật giáo riêng biệt, cũng đồng thời phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào Phật tử và thu hút khách tham quan du lịch đến với huyện nhà.

Đặc biệt hiện nay, với sự hỗ trợ của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và sự quyết tâm đồng hành của Ban Trị sự Phật giáo huyện, Trụ sở Ban Trị sự Phật giáo huyện Phước Long đã được xây dựng và đưa vào hoạt động, tạo nhiều thuận lợi cho công tác Phật sự trong huyện.

Đồng thời, góp phần thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo do UBMTTQVN phát động và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Trung ương, dù Phật giáo huyện còn nhiều khó khăn, nhưng nhiệm kỳ qua đã đóng góp công tác từ thiện xã hội lên đến gần 10 tỷ đồng, với những hoạt động hết sức ý nghĩa như: Trao tặng gần 72.000 phần quà cho người có hoàn cảnh khó khăn; tập vở, học bổng cho các cháu học sinh, chi phí học cho lớp Trung cấp Pali; phát 66 tấn gạo; 40 xe đạp và 3 xe lăn; ủng hộ các bếp ăn và quỹ từ thiện; hỗ trợ khám và phát thuốc tây, thuốc nam; bảo trợ người nghèo và ủng hộ bệnh nhân; cứu trợ miền trung và Khánh Hoà; xây dựng 63 căn nhà tình thương; 8 cây cầu nông thôn; đóng 10 cây nước và 9 máy bơm,…





Cùng với việc Phật sự, chư Tăng Ni còn tham gia các tổ chức Đoàn thể và cơ quan dân cử. Phật giáo huyện có 04 thành viên là Ủy viên UBMTTQVN huyện, 01 Ủy viên Mặt trận thị trấn, 04 Ủy viên Mặt trận xã, 01 Đại biểu HĐND cấp huyện và một số tổ chức từt hiện, hội đoàn khác.

Như vậy trong một nhiệm kỳ qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh; sự ủng hộ nhiệt tình của Lãnh đạo Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, Phòng Nội vụ, các ngành, các cấp và địa phương sở tại; cùng sự đoàn kết Tăng Ni các hệ phái, Phật giáo huyện Phước Long đã thật sự góp phần quan trọng vào thành tựu Phật giảo tỉnh và vào công tác xây dựng nông thôn mới của huyện.

Tuy nhiên, trong công tác Phật sự, Ban Trị sự GHPGVN huyện Phước Long hãy còn gặp khó khăn như một số tự viện chưa có Trụ trì, một số ít do Ban Hộ tự quản lý không tham gia sinh hoạt giáo hội; lượng Chư Tăng Ni còn thiếu rất nhiều nên số thành viên Ban Trị sự hiện có không thể bao quát hết công việc Phật sự theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phật giáo huyện Phước Long lần thứ IV đề ra.Vì vậy có một số mặt thực hiện được nhưng kết quả chưa cao.

Do đó trong nhiệm kỳ mới, Ban Trị sự GHPGVN huyện Phước Long quyết tâm khắc phục yếu kém, nỗ lực vươn lên phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Với dự thảo Chương trình công tác Phật sự nhiệm kỳ V (2021-2026), sau khi Đại hội thông qua và căn cứ Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phật giáo lần này, Ban Trị sự GHPGVN huyện Phước Long sẽ chi tiết theo kế hoạnh từng năm sát với thực tế tình hình và nhiệm vụ của địa phương mang tính hội nhập cao, tiếp tục đem đạo vào đời, động viên Tăng Ni và đồng bào Phật tử ra sức cống hiến nhiều hơn nữa để góp phần xây dựng quê hương xứ sở.

Thực hiện: TTTT PG Bạc Liêu