03/06/2008 |
…”Người điên vẫn biết nhớ và là một người say vẫn biết buồn”… Có những buổi sáng, ở các dãy phố chợ, người ta thấy nhiều hàng chữ Hoa viết nguệch ngoạc bằng phấn trắng kín cả vỉa hè. Ngày bắt gặp hàng chữ ấy lần đầu tiên, hẵn anh cảnh sát khu vực không biết một chữ nhất một về tiếng Hoa đã báo cáo về trên đến xem nội dung của chúng ra sao. Nhưng có lẽ nội dung không đến nổi phản động hoặc tục tằn gì vì sau đó chẳng thấy một “nhân viên công quyền” nào đến bôi đi. Những dòng phấn trắng cứ tự nó bị xóa nhòa theo dấu chân người đi chợ dẫm lên. Có khi nó chỉ tồn tại không qua buổi chợ sáng vì đã sớm bị xóa bởi một cơn mưa nhỏ, thậm chí sớm bị xóa bởi cặn một ly nước giải khát nào đó từ trong quán cà phê hắt ra. Nhưng thường thì đối với những người ở phố, những hàng chữ Hoa ấy đập vào mắt họ quen thuộc đến nổi họ chẳng cần ra công xóa đi, cũng chẳng cần biết chúng có nghĩa gì. Dù gì thì nó chẳng làm ô nhiễm môi trường như nhiều thứ rác rưởi ở chợ búa vương vải khắp nơi mà phải đợi suốt ngày cho đến gần sáng mới có người gom hốt bỏ đi. Thậm chí những hàng chữ viết bằng phấn trắng ấy như hoa văn làm cho mặt vỉa hè trông bớt gồ ghề hơn, lạ mắt hơn. Trong một buổi uống cà phê sớm ở quán hia Tỷ, Ngân đã gặp những hàng chữ như vậy. Biết vỏ vẻ vài chữ Hoa đọc theo âm Hán, tôi đọc ra một số chữ nhưng chưa ráp thành câu cho có nghĩa: nào là chữ "gia đình", chữ "phụ" (chồng), chữ "tử" (con)… Hỏi hia Tỷ ai viết vậy, hia trả lời, những chữ đó do bà Quảng điên viết. Bà Quảng điên! Đó là người đàn bà khoảng 40 tuổi, tóc tai rủ rượi, thân thể đầy cáu ghét, quần áo nhiều khi rách bươm, thường ngồi một mình nơi hiên phố. Có người điên, hễ khát thì vào một cái quán nào đó, cứ bưng ly nước của khách đang uống nửa chừng mà uống; hễ đói thì cứ vào quán, gặp tô hủ tiếu cặn là bưng lên húp lấy húp để. Có người vừa đi vừa ca hát nghêu ngao, hoặc đột nhiên la làng, chửi bới lung tung. Còn bà Quảng điên thì thường ngồi bên hè phố, nhìn mọi người qua lại, thỉnh thoảng lại cười bâng quơ. Ai cho ăn thì bà ăn, bà còn cười tỏ vẻ cám ơn. Nhưng nhiều người cho rằng đó chỉ là những ngày mát trời của bà Quảng điên. Bà Quảng điên đã nhiều lúc nổi cơn điên và cơn điên của bà cũng kỳ quặc không kém những người điên khác. Thời gian có thể xóa đi nhiều thứ nhưng đối với bà Quảng, thời gian càng làm cho bà ngày càng điên nặng, nhất là trong những ngày nóng bức. Điên đến nổi chuyện riêng hằng tháng của người phụ nữ, bà nào có biết. Có người thương tâm, cho bà Quảng bộ quần áo cũ để thay nhưng chẳng bao lâu thì bộ quần áo ấy cũng tả tơi do chính bà xé. Lang thang trên đường phố, áo phạch ngực, đôi vú thổn thệnh, quần ống thấp ống cao rách toạc tận háng, cười nhăn nhở, bà làm cho nhiều người đàn ông phải sượng sùng, phụ nữ thì mắc cở lãng đi nhanh, chỉ có những đứa con nít ranh mãnh, quá quắc, xúm nhau chạy theo chọc ghẹo, cười ồ ồ. Phố chợ thị xã đã có những ngày xôn xao hẳn lên vì bà Quảng. Có những cặp vợ chồng trẻ hoặc bồ bịch rủ nhau đi chợ, tay trong tay hoặc cười nói ra chiều âu yếm đã bị bà lượm bất cứ những gì mà bà thấy ở gần bà như đất đá, vỏ dưa, vỏ dừa vừa chọi vừa chửi rủa. Họ bị "quê" giữa chợ, quần áo lấm bẩn, có khi còn bị lổ máu đầu. Cô gái nào chưng diện ỏng ẹo đi ngang qua bà có thể bị bà Quảng ngứa mắt, túm lấy cào cấu mặt mày, xé quần xé áo. Nhiều lần, người ta thấy bà Quảng đứng trước cửa nhà hàng, khách sạn nào đó, vò đầu bứt tai, chửi quàng xiên bằng tiếng Quảng. Người ta nói bà nổi cơn ghen. Ghen! Vâng! Chớ không phải điên. Người ta nói rằng bà Quảng trước đây đã có chồng nhưng chồng bà có vợ bé, bỏ rơi bà. Bà ghen riết rồi hóa điên. Ngồi uống ly cà phê sữa, Ngân nghe hia Tỷ kể lại câu chuyện về một cô nữ sinh trường Hoa ở Chợ Lớn bị chồng bỏ. Câu chuyện ấy, hia Tỷ đã nghe ai đó kể lại có đúng trăm phần trăm hay không thì chưa biết nhưng chỉ biết rõ là bà Quảng đã điên vì ghen. Vợ bé của chồng bà là một vũ nữ xinh đẹp. Chồng bà là thương gia có chút ít tài sản. Nhưng tài sản của chồng bà đã lần lượt kéo nhau đến nhà hàng, vũ trường, theo những chuyến du lịch Đà Lạt, Nha Trang với vợ bé… Bà đã nhiều lần đến các nhà hàng, vũ trường để tìm chồng bà và cô vũ nữ kia. Rồi một ngày nọ, chồng bà và cô vũ nữ ấy kéo nhau đi để chủ nợ đến xiết ngôi nhà – tài sản duy nhất còn lại vì chồng bà đã cầm cố nó từ lâu. Thế là bà phải rời bỏ căn nhà ấy… Bà đã ra đi, đi tìm chồng, đi tìm kẻ tình địch. Những căn phố chợ người Hoa buôn bán khá sầm uất ở thị xã này có vẻ như khu phố bà Quảng ở trước đây nên bà cứ loanh quanh ở đây, không đi nơi khác. Vẫn những căn phố với cánh cửa sắt kéo rin rít chói tai như khi bà đóng lại sau những đêm khuya chờ chồng mà chẳng thấy chồng về. Vẫn những cái sạp ván nho nhỏ ban ngày bày hàng ra bán, đêm cứ bỏ mặc phía ngoài, thường thì khóa bằng xích nhưng sơ sài. Bà đã từng ngồi trên cái sạp ván đó đợi chồng về mặc cho đàn muỗi vây quanh. Đã có nhiều đêm, bà từng ngủ quên trên cái sạp ván ấy. Vẫn cái nhà hàng hay vũ trường như những nơi chồng bà hay đến và bà cũng đã từng đến để chửi mắng, la làng… Đối với bà, mọi việc lại cứ lần lượt diễn ra ngày này tới ngày khác như thế, thấm thoát, bà đã ở tại thị xã này cả chục năm. Người đàn bà điên mới điên đang ở tuổi ba mươi so với người đàn bà điên cả chục năm đến tuổi bốn mươi quả là có những sự khác biệt đến tàn nhẫn. Trước kia, ắt hẵn cũng có một vài gã đàn ông háo sắc nhìn bà thèm thuồng khi bà đi lang thang giữa chợ, thản nhiên đưa ra bộ ngực căng trần trụi, hoặc là khi bà ngủ, nằm hớ hênh giữa phố. Một sự thật mà người ta không muốn tin là sau vài năm đến ở đây, bà Quảng đã có một giai đoạn sống như nhiều người đàn bà bình thường khác có chồng có con. Ban đầu, nhiều người tưởng bụng bà có khối u vì ăn uống tạp nhạp, bẩn thĩu. Nhưng không. Bà có bầu! Một thằng đàn ông hư đốn nào đó đã đến với bà trong một đêm thấy bà nằm ngủ tô hô giữa nơi vắng vẻ. Và có thể không chỉ một thằng. Và có thể không chỉ một lần. Nhiều người âu lo cho người đàn bà bất hạnh này. Một con người nữa sắp có mặt trên đời này bị sản sinh ra từ bà rồi sẽ sống ra sao. May là thiên nhiên cũng có khả năng sửa đổi những sai lầm đã xảy ra. Một đứa trẻ thơ do bà Quảng đẻ ra không thể sống trên đời vì không đủ sức chịu đựng như bà Quảng đã chịu đựng. Nó đã ra đời sớm ngày sớm tháng rồi sớm trở về với đất. Rút cuộc, chỉ còn lại bà Quảng, một người đàn bà đáng thương người không ra người, thú không ra thú. Hẳn gã đàn ông đê tiện ấy đã thở phào nhẹ nhỏm khi biết sự việc đã sớm dẫn đến kết cục như vậy. Người đàn bà sau thời gian điên hơn mười năm nay đã bốn mươi tuổi. Bà đã sống giữa chợ đời theo đúng nghĩa đen của nó. Có biết bao nhiêu người đàn bà bốn mươi tuổi, năm mươi tuổi đã bớt được tuổi của mình vì có cuộc sống nhàn hạ, ăn sung mặc sướng. Đó là những người đàn bà chủ nhân của những cao ốc, tiệm vàng, vựa lúa, vựa tôm. Hay chí ít đó là những người đàn bà chủ nhân của những cửa tiệm, hiệu may, quán ăn, quán giải khát… Phấn son đã che lấp những vết chân chim, những tàn nhang trên mặt, trên da thịt của họ, hóa trang họ trở thành người đàn bà trẻ lại hơn mươi tuổi. Có những người đàn bà không dấu được tuổi mình và có thể phải cộng thêm nhiều tuổi vì phải dầm mưa dải nắng trên đồng ruộng hoặc mua thúng bán bưng trên đường phố. Họ không cần tô điểm phấn son, cứ sống thật với cuộc đời. Còn bà Quảng, bụi trần là phấn son. Bụi trần đã hóa trang bà thành một con ma đói đen đủi, xấu xí, bẩn thỉu. Quần áo của bà ngày càng rách rưới hơn. Bộ ngực của bà đã lép đi làm cho đôi vú chảy dài. Bà ăn những gì người ta bỏ. Bà ngủ ở những nơi người ta đi. Bà chửi khi người ta cười. Bà thức khi người ta ngủ. Bà điên khi người ta âu yếm… Ngân loáng thoáng nhớ một vài đoạn trong một bản nhạc cũ: "… Em (anh) chỉ là người điên trong vòng hoa tình ái. Em (anh) chỉ là người say bên đường anh (em) nhìn thấy. Anh (em) đi đi, người điên không biết nhớ và người say không biết buồn…". Đó là một bản nhạc tình lãng mạn và tôi đã từng nghĩ rằng chẳng có em hoặc anh nào thất tình đến nổi điên, cả tôi cũng vậy. Nhưng bà Quảng đã là một nhân chứng sống, điên vì tình, vì bị chồng bỏ. Và bà Quảng là một người điên vẫn biết nhớ và là một người say vẫn biết buồn chớ không phải là người điên người say trong bản nhạc nêu trên. Cái điên của bà Quảng không có cái lãng mạn như nhạc như thơ mà đã đẩy bà xuống địa ngục, trở thành một sự đày đọa khủng khiếp làm cho bà không còn là con người nữa. Trên đời này đã có bao nhiêu người phụ bạc, bỏ người yêu, bỏ chồng bỏ vợ? Và đã có bao nhiêu người bị bỏ phải điên? Ắt bà Quảng chỉ là một trong số ít trường hợp cá biệt? Hay là cũng có nhiều người đã điên nhưng đã giấu cái điên dưới bộ mặt khác? Những người bị phụ bạc phải đau khổ tuy sống trong nhung lụa giàu sang nhưng thiếu vắng hẳn tình nghĩa vợ chồng. Đó chỉ là những cặp vợ chồng chỉ tồn tại đối với luật pháp, còn đối với họ, hai chữ vợ chồng đã bị đánh mất từ lâu. Họ cùng sống chung một mái nhà, thậm chí một giường nhưng đã có một vực thẳm ngăn cách họ. Thế nhưng họ vẫn bám víu nhau để sống vì con cái, vì của cải, vì công danh sự nghiệp. Bà Quảng thì đã phủi sạch tất cả. Bà đã mất tất cả. Bà đã điên nhưng vẫn còn nhớ, nhớ tất cả. Nhớ chồng, nhớ con, nhớ tình địch. Và bà cứ đi, đi tìm chồng, tìm con, tìm tình địch… Lang thang ở thị xã này hơn mười năm, cho dù điên, bà Quảng có vẻ thông thuộc tất cả mặc dù mọi cái đều có nhiều thay đổi. Chợ búa đông hơn. Nhiều con trai con gái ăn diện hơn. Nhiều nhà cao tầng mọc lên. Và cũng có nhiều nhà hàng, khách sạn hơn. Bà Quảng không cần phải đi giáp vòng thị xã như ngày trước để tìm, cào cấu, để chửi bới một cô gái trẻ chưng diện phấn son nào đó, cặp vợ chồng trẻ nào đó. Những hiên nhà nơi bà thường ngủ bây giờ cũng không phải chỉ có một mình bà. Khi bà ngồi thu lu trong bóng tối dưới một hiên nhà nào đó thì ở góc phố gần đấy cũng có dăm ba cô gái phấn son lòe loẹt, kẻ đứng người ngồi. Thỉnh thoảng, có một hoặc dăm ba chiếc xe gắn máy đổ xịch tới, lúc thì bà nghe được tiếng mất tiếng còn, lúc thì nghe tiếng cải vả thô lỗ, tục tằn rồi tiếng xe rú ga chạy vụt đi làm cho bà Quảng giật nảy mình. Nhiều khi sau đó, bà chẳng thấy bóng dáng những cô gái ấy ở đó nữa vì những chiếc xe nọ đã chở họ đi. Bà Quảng chợt nhớ đến cô vũ nữ ngày nào. Bà đau thắt cả ngực. Rồi bà đứng phắt dậy, vừa chạy vừa gào to giữa phố khuya. Cả khu phố từng giật mình thức giấc nhiều lần trong đêm vì bà Quảng đã nhiều lần gào to như thế. Đi thẩn thơ giữa chợ, có thể bà Quảng gặp lão già điên tóc bạc trắng nhưng hóa ra chưa quá sáu mươi tuổi. Lão đã điên vì rượu đã phá nát bộ não của lão tuy lão vốn là họa sĩ. Trong thị xã này, còn có vài thanh niên đã sớm dở điên dở dại vì nốc quá nhiều rượu. Chúng thường thất thểu đến các quán nhậu bình dân ở vỉa hè, xin uống một cốc rượu đế hoặc là xin điếu thuốc. Có tay đã chết yểu vì mắc bệnh cổ trướng. Trong số những người điên mà bà Quảng gặp thậm chí có cả 3 vừa bà vừa mẹ vừa cháu, trong đó cả bà và mẹ đều điên, còn đứa cháu trai khoảng mười mấy tuổi trông cũng khá vạm vỡ nhưng chưa biết có điên không, nhưng chắc chắn cũng ngây ngô, dở dở ương ương vì từ tấm bé đến giờ, đứa cháu ấy sống trong một môi trường cả bà ngoại và mẹ đều điên. Họ sáng sáng từ ngoại ô thuê xe lôi đạp vào chợ, thả dọc theo các sạp quán xin tiền, chiều lại lên xe lôi đạp về như thể đi làm ăn, chẳng điên khùng gì. Còn bà Quảng, trong những đêm không ngủ, đói, các quán xá trong chợ hầu hết đã đóng cửa, bà cũng biết tìm đến những quán bia ven ngoại ô kiếm thức ăn thừa. Nhiều lần, tiếng cười cợt, ca hát đú đởn từ trong quán vọng ra làm cho cái bụng đang sôi cơn đói của bà trào ra cơn giận dữ. Bà nào biết đó là những quán bia ôm thời nay. Bà lại tưởng đó là nơi chồng bà đang ở đó. Chồng bà đang nướng tiền, đang trong vòng tay của kẻ tình địch. Bà chạy vô đập phá, la làng. Những đứa con gái trong quán chạy dạt ra, la chí chóe. Bà càng điên tiết khi bị những cánh tay đàn ông lực lưỡng kéo đi xềnh xệch ra đường. Hia Tỷ không rõ là bà Quảng trước khi điên có con hay chưa. Nhiều lúc bà chửi rủa, rượt đuổi, chọi đá đám con nít phá phách cứ lẳng nhẳng theo chọc ghẹo bà. Có đứa đã bị bà ném vỡ đầu vì vô tình đi ngang qua bà. Người ta đã nhiều lần đến Báo, đến Đài, đến chính quyền, đề nghị đưa bà Quảng vào nhà thương điên Biên Hòa hoặc một trại xã hội nào đó nuôi dưỡng, tránh án mạng có thể xảy ra mà bà là thủ phạm nhưng không thể bị bắt bỏ tù, đó là chưa kể với lý do làm cho bộ mặt thị xã được “sạch sẽ” hơn. Thế nhưng hình như chuyện ấy chẳng đi đến đâu. Nhiều lúc, bà lại nhảy múa, hát nghêu ngao, cười cợt với lũ trẻ quậy phá. Có khi người ta thấy bà đến gần cổng trường học nhìn chăm chăm các em học sinh đang mải mê chơi đùa. Người ta thấy bà cười, cái cười sung sướng, hạnh phúc. Giáo viên và các em học sinh trường ấy có khi nào mời bà Quảng vào cùng chơi? Những lần thấy bà như thế, người ta đoán chắc rằng bà cũng đã có con. Nhưng con bà hiện nay ở đâu, có trời mới biết! Có thể con bà đã được một gia đình hảo tâm nào đó nuôi dưỡng, cho ăn học, no đủ như những đứa trẻ kia. Nhưng con bà có thể cũng đang lang thang như bà, không điên nhưng khổ hơn điên vì phải tỉnh táo chạm mặt với cuộc sống bên lề xã hội mà tuổi đời còn non nớt. Khi bà Quảng ngồi một mình, ai cho ăn thì ăn, thì lúc ấy có những đứa trẻ rách rưới đang đứng hóng bên các quán xá, đợi dịp là xúc lấy xúc để cơm cặn canh thừa, lắm lúc bị chủ quán mắng nhiếc, đuổi xô, thậm chí giành giựt lại lon thức ăn thừa đổ vào khạp nước cặn để bán cho người nuôi heo. Khi bà đi lang thang trên đường phố giữa trưa hè nắng gắt, thì lúc ấy có một nhóm trẻ con lem luốc mỗi đứa vác một bao trên vai tranh nhau lượm từng cái bọc nilon, từng miếng nhựa tái sinh trong những đống rác ven đường. Đêm, khi bà Quảng ngủ bên vỉa hè thì gần đó cũng có vài ba đứa trẻ nằm co quắp ngủ không chiếu không mùng. Thậm chí gần đó có cả một gia đình đủ cả chồng vợ con cái chen chúc trong cái mùng rách. Những đứa trẻ đó, những gia đình đó xem ra còn khốn khổ hơn bà Quảng vì họ không điên. Cái khổ thấm vào máu thịt họ, vào những đầu óc tỉnh táo của họ và bám riết họ như những cái vòi bạch tuộc khát máu, biết chừng nào buông tha họ? Không lẽ họ sẽ chỉ hết khổ khi điên như bà Quảng vì lúc ấy chẳng biết thế nào là khổ?… Hia Tỷ ực cạn gần nửa ly cà phê sữa còn lại. Chẳng rõ hia thở phào hay thở ra, khẽ nhấc cái bình trà dão rót miếng nước tráng ly rồi hắt ra ngoài. Nước trà rơi ngay vào những giòng chữ Hoa mà bà Quảng đã viết hồi rạng sáng nay. Những giòng chữ Hoa bị nước trà làm loang lổ, chữ còn chữ mất. Khi chưa bị xóa, những hàng chữ ấy cũng đã được mấy ai đọc, đối với người không biết chữ Hoa lại càng mù tịt, thì bây giờ có ai còn để ý đến chúng nữa dù có thể nghĩa lý những hàng chữ ấy rất cao siêu, thắm đượm tình người, nghĩa vợ chồng, gia đình, cuộc sống… Nước trà cặn đã làm cho chữ "gia" bị mất đi bộ "thủ" trên đầu. Chữ "phụ" bị xóa hẵn. Chữ "tử" bị mất đi nét ngang… Và còn những chữ gì bị mất? Chắc chắn sẽ có những chữ "hạnh phúc", tình yêu"… Người ta không thể mất đi tình yêu, mất đi hạnh phúc, lỡ đánh rơi, phải tìm lại. Còn đối với bà Quảng, bà đã bị đánh mất tình yêu, hạnh phúc, gia đình, chồng, con…, vậy thì bà hãy quên hẳn chúng đi, đừng bao giờ viết và nghĩ về chúng nữa. Có thể lúc ấy bà sẽ hết điên… X X X X X
Nhưng nếu thấy bà Quảng cứ trải qua những khổ sở và nhiều tội nghiệt như thế thì có lẽ luật trời sẽ không công bằng mà lại quá tàn nhẫn. Chí ít thì tội lỗi kiếp trước của bà Quảng cũng đã được ông trời khoan hồng khi bỗng nhiên trong con đường hầm tối tăm mà bà Quảng đang đi cũng mở ra một khoảng sáng từ một kẽ đá ăn thông lên phía trên để cho bà nhìn thấy một khoảnh trời trong xanh. Sau khi bài báo của Ngân viết về bà Quảng điên được đăng trên tạp chí Văn nghệ của tỉnh, một ngôi chùa nhận bảo dưỡng những người già neo đơn duy nhất trong thị xã đã “rước” bà Quảng về nuôi. Mỗi sớm tối ở ngôi chùa này đều vang vọng tiếng kinh kệ của các vị sư nhưng bà Quảng hình như không chú ý lắm cho nên đã ở đây vài tháng mà hầu như không thuộc bài kinh nào. Tuy nhiên, bà như sáng ra, đọc vanh vách các chữ Hán ghi trên bàn thờ, trên những bài vị, trên những câu đối chạm trỗ ở các cột chùa… Bà còn phân biệt được chữ “vô” nhưng đọc là “mô” trong câu niệm Phật: “Nam mô a di đà Phật”. Được nhà chùa chăm lo cái ăn cái ở đàng hoàng, không ai chọc ghẹo, bà Quảng gần như hết điên. Tuy chưa nhớ lại quê hương bản quán ở đâu nhưng bà không còn “quậy” như trước. Bà không còn viết bậy chữ Hoa xuống lòng lề đường, xuống nền nhà nữa. Bà bây giờ ăn mặc sạch sẽ, biết nấu cơm rửa chén, thậm chí còn biết đỡ đần những người già yếu đang sống chung với mình, khi thì giăng mùng cho ông lão nào đó, khi thì kè một bà cụ yếu ớt đi vệ sinh… Cái điên vì tình của bà Quảng hầu như đã phôi phai. Có lẽ vì bà thấy bên cạnh bà vẫn còn có nhiều người còn khổ hơn bà. Trong số những người già neo đơn ở đây, có người vẫn còn con cháu nhưng không biết vì lý do lại đến chùa ở. Có người đêm nào cũng khóc vì nhớ cháu nhớ con và trông từng ngày con cháu đến thăm. Còn người tốt thì quá nhiều. Đó là những người làm công quả, đàn bà có đàn ông có. Họ tận tình chăm nom, giúp đỡ những người già ở đây, kể cả bà Quảng cho dù bà trẻ hơn nhiều so với nhưng người già khác. Bà Quảng là một biệt lệ khi đến đây không phải vì già cả neo đơn mà là vì điên, không nơi nương tựa. Nay bà đã có Phật chở che. Những hành động từ bi, bác ái ở ngôi chùa này đã làm cho bà Quảng dần quên đi một mối tình phản trắc đã làm tan nát tuổi thanh xuân của bà… Thanh Chí |
Cập nhật ( 04/06/2008 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com