BA CHỘT – MỘT CON NGƯỜI KỲ TÀI Ở BẠC LIÊU * Trần Phước Thuận Ông là người con trai duy nhất của Nhạc Khị, từ thuở nhỏ đã nổi danh là thần đồng về cổ nhạc ở Bạc Liêu, khi chưa đến tuổi thành niên ông đã trở thành một nhạc sĩ tài ba tiếng tăm lừng lẫy ở vùng này. Sự nghiệp của ông ngoài 18 sáng tác về bài bản cổ nhạc, ông còn để lại cho đời một sản phẩm vô giá đó là chiếc đờn sến ba dây và cách đờn đặc biệt của loại nhạc cụ này.
Ông vốn thứ ba, thuở nhỏ có tên Chột nên người ta thường gọi là Ba Chột. Nhiều người tưởng rằng ông bị chột mắt nên mới mang tên đó; thực ra ông là người có đầy đủ ngũ quan lại rất mạnh khỏe. Sở dĩ ông mang tên Chột là do một giấc chiêm bao của mẹ ông. Theo những người lớn tuổi ở Bạc Liêu kể lại, Nhạc Khị mặc dù là một nhạc sư rất nổi tiếng nhưng nhà lại rất nghèo, thân thể ông lại tàn tật, nên mọi sinh hoạt gia đình đều trông cậy vào một mình vợ ông, đó là bà Lê Thị Hai – một phụ nữ rất đảm đang và hiền lành chuyên nghề mua bán rau cải ở chợ Bạc Liêu. Khi bà mang thai Ba Chột đã gần đến ngày sinh vẫn phải sớm hôm gánh gồng ra chợ mua bán, hôm ấy vào một buổi mưa to gió lớn bà bị trợt chân té xuống dòng sông trên chuyến đò về nhà, tuy bà bơi lội rất giỏi nhưng lúc đó gần ngày sinh, sức khỏe kém, cử động không được linh hoạt nên khi bà cố lội vào bờ thì rất mệt mỏi và bụng bị đau thốn từng cơn. Bà bị mê sảng suốt đêm hôm đó, trong cơn mê bà nằm mơ thấy mình đang chèo một chiếc xuồng nhỏ trên con sông lớn, bỗng một cơn mưa to úp xuống và sóng gió đùng đùng nổi lên làm chiếc xuồng ba lá của bà bị lật úp. Bà cố lội vào bờ nhưng khi gần đến bờ bỗng nghe tiếng la ú ớ vang lên, bà ngưng lội xoay mình tìm kiếm, chợt thấy một em bé đang chới với giữa dòng sông, bà bất chấp cả sóng to gió lớn băng mình ra để cứu đứa bé kia. Khi đem đựơc lên bờ bà Nhạc Khị mới nhìn kỹ đó là một đưa bé trai khoảng sáu tuổi trông rất kháu khỉnh, nhưng tiếc thay lại bị chột mắt, thêm một điều lạ là trên cổ của đưa bé lại mang một món đồ chơi có hình dáng chiếc đờn ba dây, thân có khía tròn như chiếc hoa mai sáu cánh. Lúc đứa bé trai bỗng xoay đầu nhìn bà nhoẻn miệng cười, đồng thời giữa dòng sông lại vang lên một câu nói rất lạ: “Ta là Thủy thần ở đây, thấy nhà ngươi hiền lành lại có tánh thương người nên cho ngươi đứa bé, mai sau nó sẽ làm rạng rỡ tổ tông”. Tiếng nói vừa dứt bỗng nổ ùm một tiếng, nước sông văng tung tóe làm bà giật mình tỉnh giấc. Thì ra đây là một giấc chiêm bao kỳ lạ, lúc đó bụng bà quặn đau dữ dội – báo hiệu đứa bé sắp chào đời. Khi đứa bé chào đời lại đúng đứa bé trai, bà Nhạc Khị đã kể giấc mơ của mình trước khi sinh cho chồng nghe. Nhạc Khị suy tư một lúc rồi nói: “Đứa con gái lớn của mình được đặt tên Sang, mong được sang nhưng từ đấy đến nay nhà mình vẫn chưa tiến bộ chút nào, thôi thì đứa con trai này đặt tên là Chột theo hình dáng đứa bé trong giấc chiêm bao của bà xem gia đình có sáng sủa được phần nào không”. Đây là câu truyện truyền khẩu trong dân gian, không biết có thực hay hư, nhưng ngay từ lúc mới chào đời, cậu con trai của ông bà Nhạc Khị đã có tên là Chột. Nhưng cũng có người nói rằng, khi đứa con trai ra đời thì gia đình Nhạc Khị rất túng thiếu nên ông mới đặt cho con cái tên Túc – có nghĩa là đủ, những mong được sự đầy đủ trong gia đình, nhưng ông vốn là người Minh Hương gốc Triều Châu nên “Túc” lại được phát âm như “chọt” hoặc “chột”, vì vậy từ đó mới có cái tên Ba Chột. Những người này còn nói thêm – không phải chỉ riêng trường hợp của ông Ba Chột mà nhiều trường hợp khác, Túc cũng được gọi là Chọt hoặc Chột, thí dụ như trường hợp ông Trần Kim Túc người cầm đầu cuộc nổi dậy của nông dân Ninh Thạnh Lợi (Bạc Liêu) năm 1927 chống ách thống trị của thực dân Pháp cũng được đa số người Bạc Liêu gọi là Chủ Chọt. Cách giải thích này nghe rất có lý, nhưng cũng có người đặt ra câu hỏi: “Sao ông Nhạc Khị không dùng tiếng Triều Châu đặt tên cho cô Hai Sang mà lại dùng tiếng Triều Châu đặt tên cho mỗi một mình ông Ba Chột?”. Ngoài ra, còn rất nhiều câu chuyện truyền khẩu rất lạ lùng và hấp dẫn chung quanh cái tên Ba Chột. Thực ra tên họ thường dùng của ông đúng là Lê Văn Chột, mọi người đều gọi như thế, trên tấm bia mộ cũ của ông ở phía sau chùa Vĩnh Phước An cũng ghi Lê Văn Chột ; nhưng trong các loại giấy tờ tùy thân của ông lại mang tên Lê Văn Túc. Cái tên của vị nhạc sĩ này đã lắm điều ly kỳ, cả đến cái năm sinh cũng mang nhiều rắc rối. Có người nói ông sinh năm 1901 hoặc 1902, cũng có người nói 1907. Thực ra ông vốn tuổi Quý Mão sinh năm 1903, nhưng đến khi làm giấy căn cước (nay gọi là chứng minh nhân dân) không biết người điều tra lý lịch vô ý thế nào lại ghi nhầm năm sinh là 1907, đến khi lãnh giấy căn cước ông mới phát giác ra thì sự việc đã trễ rồi. Lúc đó ông cũng muốn đính chính nhưng lại ngại thủ tục phiền phức nên không làm. Vì vậy ai cũng tưởng nhạc sĩ Ba Chột tuổi Đinh Mùi và cũng do đó nên nhiều người cảm thấy ông già trước tuổi. Bởi nhà nghèo nên ngay từ thuở ấu thơ ông đã chịu lắm điều cơ cực, hàng ngày phải phụ giúp mẹ và chị trong việc bán buôn, làm bếp núc, giặt áo quần… và nhiều việc cực nhọc khác, buổi tối lại phải học đờn với cha. Người ta thường nói “cái khó nó bó cái khôn”, nhưng đối với ông, chính cái hoàn cảnh đói nghèo thuở thiếu thời đã hun đúc cho ông thêm nhiều nghị lực để vượt qua những sóng gió, những khó khăn của cuộc đời để trở thành một nhạc sĩ tài danh. Ông vốn được trời phú cho cái trí thông minh xuất chúng học đâu nhớ đó, lại được cha là Nhạc Khị hết lòng chỉ dạy, nên năm ông vừa tròn mười tuổi đã đờn đủ ba Nam, sáu Bắc (ba bản Nam, sáu bản Bắc)… và đủ sức hòa tấu với những nhạc sĩ lớn tuổi. Người bạn tâm đắc nhất của ông là ông Sáu Lầu, hai người rất hợp tính nên thường xuyên hòa tấu để cùng luyện ngón đờn với nhau. Có lẽ vì lý do này nên khi hai bản Liêu giang (của Ba Chột) và Dạ cổ hoài lang (của Sáu Lầu) ra đời đã có nhiều điểm tương đồng. Ông vốn có số “đào hoa chiếu mạng” nên trong tuổi thanh niên đã có rất nhiều người yêu, cũng từ đó đã xuất hiện lắm câu chuyện tình ly kỳ hấp dẫn, nhưng đặc biệt người vợ của ông lại do cha mẹ hai bên đính ước, đó là bà Thái Thị Phụng cũng là người Bạc Liêu. Hai vợ chồng ông chỉ có ba người con, gồm một gái hai trai là: Lê Thị Kim Hồng, Lê Văn Em và Lê Phát Hòa. Cả ba người sau đó đã nối nghiệp của ông và đều đã trở thành diễn viên cải lương Nam bộ. Riêng Lê Phát Hòa còn tham gia cả ngành điện ảnh, anh đã có mặt trong một số phim ở Việt Nam. Ba Chột là một người rất hiếu thảo, ông phụng dưỡng từng miếng ăn miếng uống cho cha mẹ, coi sóc các việc lớn nhỏ trong nhà; nhất là thời gian sau khi cô Hai Sang đi lấy chồng, ông phải thay chị đảm đang cả việc nội trợ, ông phải nấu nướng, giặt giũ, chăn nuôi…; cha ông do bị dị tật đi đứng khó khăn nên ông phải túc trực ngày đêm đỡ đần cho cha trong mọi trường hợp; ngoài ra còn phải thay cha hướng dẫn những người đến học đờn. Có rất nhiều người tuy mang danh là học trò Nhạc Khị nhưng đa số đều do ông Ba Chột tận tình hướng dẫn. Sự nghiệp nghệ thuật của ông vô cùng to lớn, chỉ tính riêng về số lượng tác phẩm cổ nhạc của ông cũng đã là một kho tàng vô giá. Ngay từ những năm chưa đến tuổi hai mươi, ông đã cùng các bạn đồng môn tham gia sáng tác theo chủ đề Chinh phụ vọng chinh phu do cha ông hướng dẫn. Ông đã sáng tác một nhạc phẩm tuyệt vời, có lẽ nó êm đềm và thơ mộng như dòng sông Bạc Liêu nên sau đó được cha ông đặt cho cái tên là Liêu giang, bản này gồm 16 câu nhịp 4 đã chính thức ra đời vào năm 1919. Lúc đầu bản Liêu giang được trình bày bằng dây bắc, nhưng sau đó ít lâu ông lại sáng tác thêm một bản Liêu giang dây oán cũng gồm 16 câu nhịp 4. Từ đó về sau nhạc sĩ Ba Chột còn liên tục cho ra đời các bản: Ngũ quan (1920), Mẫu đơn (1923), Thuấn hoa (1923),Huỳnh ba (1925), Cảnh xuân (1929), Hòa duyên (1930), Vạn thọ (1935), Tam quan nguyệt (1938), Lưỡng long (1939), Nhật nguyệt (1939), Tứ bửu Liêu thành (1940) ngoài ra còn soạn lục và cách tân các bản: Lý con sáo (1921), Xuân nữ (1924), Tẩu mã (1924), Tô Vũ mục dương (1936) và Ngự giá (1926). Tất cả mười tám bản đều được sử dụng rất rộng rãi trong giới đờn ca tài tử và sân khấu cải lương từ trước đến nay. Nhưng nhạc sĩ Ba Chột không chỉ là tác giả của nhiều giai điệu, nhạc phẩm; mà ông còn là người chế tạo ra nhạc cụ, đó là chiếc đờn sến ba dây đang được sử dụng hiện nay. Ông đã bỏ công một thời gian rất dài và đã nhiều phen thất bại mới hoàn thành được chiếc đờn này, thân đờn được làm bằng gỗ vông đồng, có hình dáng chiếc hoa mai 6 cánh cán làm bằng lõi cây tra; toàn bộ chiếc đờn làm bằng vật liệu địa phương chỉ trừ ba chiếc dây nylon là phải mua ở nơi khác. Sau khi hoàn thành ông đã tiếp tục sáng tạo ra một phương pháp đặc biệt để sử dụng đờn. Chính chiếc đờn kỳ lạ này đã làm cho tên tuổi nhạc sĩ Ba Chột một thời vang dội. Đến ngày Thanh Minh 12 tháng 3 năm Quý Mão (05-04-1963), nhạc sĩ Ba Chột lìa đời, chiếc đờn sến ba dây của ông đã để lại cho người sư đệ là nhạc sĩ Năm Nhỏ (Trần Tấn Hưng) sử dụng. Nhạc sĩ Năm Nhỏ rất trân trọng chiếc đờn này nên bảo quản rất kỹ xem như một vật kỷ niệm rất quý báu; nhưng dù sao thì đây cũng chỉ là một vật làm bằng loại gỗ thường, nên dù cho ông cố gắng giữ gìn cũng không thể tồn tại mãi với thời gian; vì vậy đến năm 1985 khi gia đình ông khui thùng xem lại thì chiếc đờn sến ba dây quý báu kia đã mục nát tự bao giờ. Mặc dù chiếc đờn mất đi nhưng kiểu dáng của nó được một số thợ đờn làm theo, nhưng cách sử dụng chiếc đờn này rất khó khăn và đòi hỏi công phu luyện tập rất lớn cho nên hiện nay loại đờn sến ba dây cũng không được phổ biến lắm; nhưng dù sao thì đây cũng là một nhạc cụ tuyệt vời, một sản phẩm tinh kỳ của Ba Chột, người nhạc sĩ tài ba của xứ Bạc Liêu. Nhạc sĩ Ba Chột thực sự đã có những đóng góp rất lớn, không những cho giới cổ nhạc Bạc Liêu mà còn cho cả nền cổ nhạc Nam bộ. Mỗi tác phẩm của ông đều là mỗi tinh hoa nghệ thuật rất thích dụng cho đờn ca tài tử và sân khấu cải lương. Có thể nói các bài bản đó đã có mặt trong hầu hết các buổi giao lưu đờn ca tài tử và các vở cải lương từ trước đến nay. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com