TẠI SAO TÔI THEO ĐẠO PHẬT
Là đứa con áp út trong gia đình, tôi thường quấn quýt bên mẹ. Ngày đó tôi còn nhỏ lắm, khoảng 6, 7 tuổi và mẹ tôi lúc đó cũng là một thiếu phụ mới ngoài bốn mươi. Mỗi đêm tôi theo mẹ đến một ngôi chùa nhỏ trong xóm để tụng kinh. Đứa con gái nhỏ cầm chiếc đèn pin soi đường cho mẹ, băng qua chiếc cầu nhỏ gập ghềnh, những lối quẹo quanh co.
Khi người mẹ nghiêm trang trong chiếc áo tràng xám đảnh lể Phật, miệng đọc kinh theo tiếng chuông mỏ nhịp nhàng thì đứa con gái cũng lẩm nhẩm những lời kinh quá cao siêu so với số tuổi của nó: Xá-Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ, tưởng, hình, thức, diệc phục như thị. Xá-Lợi-Tử, Thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm… (Xin mở ngoặc nơi đây, tôi biết đọc từ năm lên bốn, lên năm gì đó và khi đến tuổi đi học thì vào học ngay lớp tư là lớp hai bây giờ, thay vì học lớp năm, tức là lớp một) Những buổi tụng kinh như thế bổng trở nên hữu ích khi cha tôi nằm xuống. Sau một cơn bạo bệnh, ông qua đời năm tôi lên bảy. Đó là sự thay đổi lớn lao nhất trong đời tôi. Cha tôi rất thương tôi. Như người đời thường ví von, tôi là đứa con gái rượu của cha. Đi đâu cha cũng dắt tôi theo. Hình như ý cha là để khoe đứa con gái giống cha như đúc, lại thông minh, sáng dạ. Bảy tuổi đời còn quá nhỏ mà cái tang thì quá lớn. Thương cha, tôi chỉ biết nhìn quan tài cha mà khóc. Khi thầy đến tụng kinh cầu siêu cho cha, thầy bảo phải có thân nhân cùng tụng thì nhà tôi lại không có ai. Mẹ thì bận bịu với những chuyện quan trọng hơn. Thế là tôi ngồi cạnh thầy cùng tụng trong suốt mấy thời kinh và trong suốt thời gian quan tài cha còn quàng ở nhà. Một đứa trẻ bảy tuổi, ăn chưa no, lo chưa tới mà đêm nào cũng cũng thức khuya tụng kinh cho cha làm ai cũng mủi lòng. Chính tôi cũng khóc mỗi khi tôi đọc đến mấy câu: Hồi nào mẹ, mẹ, cha, cha. Bây giờ nhắm mắt mà ra ngoài đồng. Hồi nào vợ, vợ, chồng, chồng… <?xml:namespace prefix = o ns = “urn:schemas-microsoft-com:office:office”>
Sau đám tang cha, mẹ tìm về nương tựa Phật. Một thiếu phụ trẻ, đẹp, mới ngoài bốn mươi mà phải một mình nuôi bầy con dại đang tuổi ham ăn, mê ngủ, nếu không nương tựa Phật thì còn chỗ dựa nào an toàn hơn? Cũng sau đám tang, mẹ được Bác Hai tôi giới thiệu đến Phật giáo Nam Tông. Mẹ như người tìm ra chánh pháp, tin tưởng vào đạo Phật mạnh mẽ hơn. Mẹ đến ngôi chùa Nam Tông, cũng nằm trong xóm, rất thường xuyên. Thương mẹ goá bụa, cô đơn, tôi vẫn lẽo đẽo theo mẹ và tin vào những gì mẹ mình tin. Cho đến một hôm, mẹ sai tôi đem gạo đến chùa cúng dường. Tôi vâng lời mẹ đi giữa trưa nắng cháy. Người tu nữ trụ trì chùa đi vắng, chỉ còn một sa di. Khi tôi chào vị sa di để ra về thì vị sa di âu yếm nắm lấy tay tôi. Lúc đó tôi vừa mới lớn, khoảng 13, 14 tuổi. Những hiểu biết từ bao nhiêu năm đi chùa và khái niệm về giới tính của một đứa trẻ dậy thì cho tôi biết hành động này không đứng đắn. Tôi rút tay lại, chạy vội về nhà nói với mẹ thì bị mẹ mắng không nên nói những điều như thế với một người tu. Tôi sợ mẹ nên im nhưng lòng tin đã bị hao hụt. Tôi tránh không đến ngôi chùa đó nữa. Về sau mẹ nghe thêm nhiều chuyện không tốt về vị sa di này nên mẹ cũng ít đến chùa đó hơn.
Năm tôi mười sáu tuổi, mẹ mua cho tôi chiếc xe Honda PC màu xanh lá mạ. Ngoài những lúc đến trường, tôi có nhiệm vụ phải đưa mẹ đi chùa. Khi thì chùa Kỳ Viên, khi thì chùa Pháp Quang. Thường nhất là chùa Pháp Quang vì mẹ thọ giới với ngài Thiện Luật là trụ trì chùa Pháp Quang lúc đó. Mẹ tu tập rất là tinh tấn. Mẹ thường thọ bát quan trai giới, trai tăng, phóng sanh… Duyên lành đưa đến, tôi rất hoan hỷ với ngài Thiện Luật nên lại tiếp tục theo đạo. Lúc đó tôi còn có cơ duyên tiếp xúc với các vị cao tăng như ngài Hộ Tông, Ngài Giới Nghiêm, v..v…Không bao giờ tôi bỏ lở dịp Hạnh đầu đà hay tụng kinh sám hối. Đến năm tôi học Đệ nhị thì một duyên lành khác đưa đến. Đại Đức Narada sang thăm Việt <?xml:namespace prefix = st1 ns = “urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags”> Nam ngụ tại chùa Xá Lợi, cách trường tôi chỉ một con đường. Sáng tôi đi học sớm, hoặc khi tan trường, tôi thường ghé qua chùa đảnh lể ngài, phụ giúp ngài một vài việc lặt vặt như lấy muổng, nỉa, dọn bửa ăn trưa, tìm quyển kinh, hay thông dịch một vài câu tiếng Anh đơn giản cho quý bác đến viếng ngài. Tôi may mắn được thọ giới với ngài, được ngài đặt cho pháp danh, và nghe những thời pháp quý báu của ngài qua lời thông dịch của Bác Phạm Kim Khánh. Mỗi lần ngài Narada đến Việt Nam tôi đều có mặt hàng ngày nơi chùa ngài tạm trú, hoặc Xá Lợi hoặc Kỳ Viên. Tôi cảm được cái tâm từ vô lượng và phạm hạnh của ngài nên thấy rất an vui khi ở cạnh ngài.
Không may cho tôi, niềm tin vào đạo Phật của tôi một lần nữa bị lung lay. Trước ngày lên đường vượt biên, tôi đến chùa lể một vị sư. Sư có cử chỉ và lời nói không được trang nhã nên tôi nản lòng. Tôi bỏ quên đạo Phật từ dạo đó dù trong lòng tôi vẫn còn những hạt giống tin yêu của chánh pháp.
Cuộc sống nơi xứ người mấy chục năm ròng không thấy bóng một chiếc y cà sa làm lòng tôi cứ ray rứt. Tôi nhớ những lúc đội mâm tứ vật dụng đi vòng nhiễu Phật ở các cảnh chùa vào dịp lể dâng y Kathina, nhớ lời kệ Pali vang vang trên núi Bửu Long, nhớ khu vườn nhỏ sau chùa Pháp Quang, nhớ cốc ngài Thiện Luật, nhớ dãy tăng xá phấp phới lá y vàng … Thỉnh thoảng, tôi ngâm nga một vài câu kệ mà tôi còn nhớ được: Cà sa oai đức chi bằng. Sắc vàng thanh bạch của hàng sa môn…Tôi càng nhớ những bậc thang dẫn lên phòng ngài Narada ở chùa Xá Lợi, nhớ giọng nói từ bi của ngài. Tôi nhớ những buổi sáng chủ nhật đến chùa thính pháp, thấy như trước mắt mình còn tấm bảng ghi XIN ĐỂ GIÀY DÉP NƠI ĐÂY.
Nhớ cảnh chùa xưa, một hôm tôi đến chùa Bắc Tông gần nhà lể Phật. Trước tượng Phật uy nghi, tôi thấy lại mình ngày mười tám tuổi, áo dài trắng trang nghiêm quỳ trước toà sen vào những dịp lể lớn hay những ngày sám hối. Tôi chợt nghĩ tại sao mình không xin một pháp danh? Tiếc là pháp danh tiếng Pali do ngài Narada đặt cho tôi, tôi không còn nhớ. Tôi nhờ chị tôi ở Saigon giới thiệu tôi với một vị sư nào đó hoan hỷ đặt cho tôi pháp danh mới. Chỉ cần gửi đi mấy dòng e-mail là tôi có được một pháp danh. Sư Thiện Minh đặt pháp danh cho tôi là Như Quang. Có lẻ tôi hữu duyên với sư Thiện Minh nên ba năm trước người nhà gửi cho một số băng giảng pháp của quý sư ở Việt Nam, cuộn băng đầu tiên tôi mở ra nghe là Năm Điều Quán Tưởng do sư thuyết. Bài kệ do sư kệ thật động tâm, nhất là đối với một người có tuổi, lại nghe vào một buổi chiều trên xứ lạnh tuyết rơi lả tả. Tôi nghĩ mình phải tiếp tục đi trên con đường chánh pháp mà mình đã dừng chân nghỉ bước quá lâu. Những chặng đường đã qua quả thật là thú vị tuy cũng có lắm nhọc nhằn. Nếu ngày xưa tôi theo Phật giáo vì thương cha, thương mẹ thì ngày nay tôi theo Phật giáo vì yêu chính bản thân và vì lời dạy của Như Lai trước khi nhập niết bàn: Tử sinh là việc lớn. Hãy rèn luyện thân khẩu ý cho thanh tịnh. Hãy làm cho sung mãn tứ vô lượng tâm. Hãy qua khỏi bờ kia, chẳng nên cam chịu hoài cảnh trầm luân khổ đau sinh diệt nữa. Và bài kệ Năm Điều Quán Tưởng đã làm chất xúc tác giúp tôi đứng lên cất bước đi trên con đường còn quá thênh thang.
Đường tình yêu của tôi trắc trở như thế nào thì đường dẫn tôi đến với Phật giáo cũng gập ghềnh như thế ấy. Bây giờ với tuổi đời chồng chất, tôi có cái nhìn khác hơn về những người đại diện cho Đức Thế Tôn. Cho dù có phải rơi vào hoàn cảnh phật lòng của những năm trẻ dại, tôi cũng không bỏ đạo. Mục đích của tôi là đi cho đến nơi Thế Tôn chỉ mình đến chớ không vì gai góc trên đường mà quay ngược lại đường mình đã đi qua hay rẻ về lối khác. Tôi đã có bảng dẫn đường là lời chỉ giáo của Như Lai nên không còn sợ lạc đường: Đường đi Như Lai đã chỉ rỏ, thang Như Lai đã cho rồi và bước đi Như Lai cũng đã chỉ rỏ. Như Lai đã tới rồi và đã chỉ rỏ cho các con. Tới hay không là do nơi các con vậy.
Như Quang
( Canada)
Cập nhật ( 17/07/2008 )