AN TOÀN CHO CÁI ĐẸP, CÁI THIÊNG * Trọng Trà Những ngày gần đây, sau sự kiện nước ta tổ chức Đại lễ nghìn năm Thăng Long, báo chí đề cập khá nhiều đến hiện tượng sau mười ngày Đại lễ là cảnh đâu đâu cũng thấy rác rưởi vứt bừa bãi, bẩn thỉu đến mức ê chề cho một thủ đô vốn được mệnh danh là thanh lịch bậc nhất. Đã đến lúc chúng ta có thể đặt câu hỏi: Đối với Hà Nội mà còn như thế thì có lẽ những thói xấu như vậy đã thành hệ thống, thành bệnh kinh niên rồi chăng, sau những lễ cướp hoa trên các phố hoa trong dịp tết nguyên đán và những lễ hội hoa, những Festival trước đó. Ngày nay, chúng ta nói nhiều về vệ sinh an toàn thực phẩm, về an toàn lao động, an toàn giao thông… Nhưng có một giá trị rất quan trọng đối với đời sống tinh thần của cả cộng đồng thì chưa được chúng ta đề cao đúng mức. Đó là an toàn cho cái đẹp, cái thiêng trong đời sống xã hội. Môi trường sống của chúng ta từ trong gia đình ra ngoài xã hội đang bị biến dạng đến mức gần báo động đỏ. Vì sao? Không phải pháp luật chúng ta không đủ mạnh, không có những khung pháp lý chặt chẽ hay do buông lỏng quản lý văn hóa mà chủ yếu vì cái tâm thức xã hội vẫn còn mang nặng tư tưởng cổ hủ và tầm nhìn thiển cận, hẹp hòi – dấu ấn chưa phai của nền nông nghiệp tiểu nông; vì chúng ta vẫn chưa thể sống hết mình với cái đẹp, cái thiện, cái cao cả, nói gì đến việc bảo vệ những giá trị cao quý đó! Đi đâu, nhìn đâu cũng dễ nhận ra những điều nhếch nhác, tạm bợ, nếu không thế thì lại sạch sẽ, “vương giả” một cách hình thức giả tạo và thiếu bền vững. Có cách gì để chúng ta giữ gìn, bảo vệ an toàn cho nền văn hóa tinh hoa của dân tộc, cho cái đẹp, cái thiện, cái thiêng liêng, cái cao cả? Những giá trị thiêng liêng và cao đẹp luôn hiện diện xung quanh chúng ta, tác động rất to lớn đến đời sống tình cảm và tâm hồn chúng ta. Vì vậy, đã đến lúc cần phải dóng lên những hồi chuông cảnh báo cho xã hội về thực trạng suy thoái đạo đức, niềm tin, về một xã hội kim tiền nơi người ta sẵn sàng chà đạp lên điều thiêng liêng, cao cả trong đời sống cộng đồng chỉ vì lợi ích của cá nhân, lợi ích trước mắt. Đã đến lúc những bậc tôn túc, trưởng thượng nơi các chùa chiền, tu viện hoặc những chốn tôn nghiêm, cần phải thấy được trách nhiệm của mình trong việc giáo dục ý thức tôn vinh cái đẹp, bảo vệ cái đẹp, cái thiện lành an trong tín đồ, đạo hữu; những thầy cô giáo trong trường học cần nêu cao một tấm lòng thiết tha truyền dạy cho học sinh thân yêu của mình ý thức bảo vệ mầm thiện trong mỗi con người, bảo vệ môi trường sống đang ngày càng bị đe doạ không chỉ bởi hiện tượng nóng lên của trái đất, mà nguy cấp hơn là môi trường sống của thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước đang bị bủa vây bởi nạn bạo lực, bởi thói thờ ơ, vô trách nhiệm, bởi sự vô cảm trước những điều tốt đẹp trong cuộc đời. Cũng thế, trong động thái chỉnh trang đô thị, xây dựng đô thị mới, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, rất cần một ý thức bảo vệ cho cái đẹp, cái văn minh, cái thiêng liêng gắn liền với bản sắc văn hóa và nếp sống thanh lịch của người Việt ở các bậc lãnh đạo. Thành phố trẻ Bạc Liêu của chúng ta đang ngày càng khang trang hơn, sạch đẹp hơn, nhưng những tiêu chuẩn và những thiết chế để xây dựng và bảo vệ an toàn cho cái đẹp, cái thiêng đó vẫn chưa được đặt ra và đề cao đúng mức. Chúng ta không chỉ tuyên truyền giáo dục cho người dân về ý thức bảo vệ và xây dựng một đô thị xanh, sạch, đẹp, chúng ta cần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân bằng những công trình văn hoá với những thiết chế văn hoá tiên tiến mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc, bản sắc tộc người. Do đó cần lắm một tầm nhìn chiến lược văn hóa để những giá trị tốt đẹp trong đời sống đô thị ngày càng được khẳng định ở cấp độ văn hóa, văn minh, chứ không phải ở sự chắp ghép xô bồ, manh mún chỉ chuộng thói phô trương hình thức và căn bệnh thích “hoành tráng”. Bởi vì bất kỳ sự phát triển bền vững nào cũng dựa trên nền tảng của một nền văn hóa lành mạnh, một tư duy văn hóa có chiều sâu, có tính nhân bản. Qua đó sẽ giáo dục người dân nhận ra cái linh thiêng, kỳ diệu, cái hồn dân tộc ẩn chứa trong vẻ đẹp đô thị văn minh và hiện đại để giữ gìn cho con cháu muôn đời. |
Cập nhật ( 18/03/2011 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com