Theo quy định của Giáo hội chúng ta, tất cả tân Tỳ-kheo phải cấm túc an cư trên mười năm mới được xuất chúng và được bổ nhiệm làm trụ trì. Tổ Quy Sơn đã dạy Tỳ-kheo phải chuyên trì giới luật, gần thầy để học đầy đủ oai nghi tế hạnh. Thực tế chúng ta thấy một số Tỳ-kheo, hay Tỳ-kheo-ni oai nghi còn thiếu sót, huống chi là tế hạnh.
Đức Phật và Thánh chúng đầy đủ ba ngàn oai nghi và tám vạn tế hạnh, nên các Ngài là Thánh. Chúng ta là phàm, nhưng tu hành lần lần, chúng ta lên Hiền Thánh.
Trở thành Hiền Tăng, căn bản cũng từ bốn oai nghi phát triển lên. Bốn oai nghi được kết nối với ba nghiệp thân, khẩu, ý của chúng ta, cho đến thân nghiệp thanh tịnh, Tăng tướng mới bắt đầu hiện ra. Thực chất của người xuất gia là điều này.
Về thân nghiệp, theo Phật pháp, có bốn tội căn bản là sát, đạo, dâm, vọng. Bốn điều này, luật pháp thế gian cũng quy định là tội. Như vậy, nếu người xuất gia không giữ trọn bốn điều này, đã không tròn tư cách của người thế gian, làm sao là đệ tử xuất gia làm Hiền Thánh mang phước điền cho chúng sanh. Vì vậy, chúng ta phải tu cho tròn bốn nghiệp căn bản của thân. Trong ba nghiệp thân, khẩu, ý, nghiệp nào thanh tịnh thì oai nghi theo đó hiện ra.
Thân nghiệp thanh tịnh, chúng ta không ốm đau, bệnh hoạn, đó là tướng Tỳ-kheo để trở thành Hiền Thánh. Thật vậy, Đức Phật xuất gia, tu hành, có lúc Ngài nhịn đói đến da bụng dính với xương sống mà Ngài vẫn sống bình thường. Tại sao Phật được như vậy. Vì túc nghiệp của Phật đã thanh tịnh, trước khi hiện hữu trên cuộc đời, lúc còn ở bào thai mẹ, cho đến lớn lên ở hoàng cung và đến khi xuất gia, Ngài luôn luôn thanh tịnh. Và với tình thương bao la, Ngài nhìn thấy côn trùng bị giày xéo dưới lưỡi cày, thấy các loài giết nhau, Ngài vô cùng thương xót. Điều này thể hiện túc nghiệp nhiều đời của Phật đã không sát sinh và hoàn toàn thanh tịnh. Vì vậy, khi Ngài sinh ra đời, cho đến khi thành tựu quả vị Phật và suốt 49 năm giáo hóa độ sanh, thân nghiệp của Ngài vẫn thanh tịnh.
Kiểm lại thân phận của chúng ta thường ốm đau, bệnh hoạn, ăn uống thứ này được, thứ kia không được, phải luôn có đầy đủ thuốc men. Vì túc nghiệp của chúng ta đời trước đã không thanh tịnh, nên sanh ra đời này thường ốm đau, bệnh hoạn. Trí Giả đại sư nhắc chúng ta ý này
Riêng tôi, thuở nhỏ tu hành thường bị bệnh, thậm chí bị những bệnh nguy hiểm. 6 tuổi, tôi đã biết cái khổ của bệnh suyễn. 9 tuổi bệnh thấp khớp, buổi sáng thức dậy, đầu gối sưng lên, không đi học được. 12 tuổi phát hiện bệnh đau tim, tim lớn.
Vì vậy, khi xuất gia học đạo, tu theo Pháp hoa, tôi lấy hạnh nguyện của Trí Giả làm đối tượng, nương theo lời dạy của Ngài để tự soi rọi túc nghiệp quá nặng của mình.
Tổ sư dạy chúng ta phải siêng năng sám hối cho tiêu nghiệp. Ngài nói rõ người có túc nghiệp thanh tịnh xuất gia ví như chiếc áo không dơ bẩn. Cho nên khi họ hảo tâm xuất gia, nhuộm màu đạo, thì tướng Sa-môn liền hiện ra, cạo tóc thì tướng giải thoát liền hiện ra.
Bậc thứ hai, túc nghiệp không thanh tịnh, ví như chiếc áo của chúng ta còn dơ, nên tu hành phải siêng năng sám hối giống như giặt áo cho sạch, lấy pháp Phật rửa sạch lòng mình.
Trong mùa an cư, lúc ở Phật học đường Nam Việt, ngoài thời khóa của trường quy định, tôi không bỏ sót và công tác của chúng, tôi hết lòng làm. Thời gian còn lại, tôi sám hối theo Thiên Thai. Ngài dạy sám hối đến độ thấy được hảo tướng, tức nhìn đâu cũng thấy Phật, thì biết túc nghiệp của mình đã hết. Tôi thực tập pháp này suốt hơn mười năm, chuyên lạy Hồng danh sám hối để thấy hảo tướng.
Nếu theo Phật hoàng Trần Nhân Tông, sám hối bốn núi, tức nhắm vô thân tứ đại mà sám hối. Ta bệnh, thân tứ đại không điều hòa, nên nhắm vô những gì không điều hòa bên trong để sám hối.
Sám hối Hồng danh, khi còn trẻ, tôi thường đeo tượng Phật để nhớ nghĩ đến Phật và sám hối, tôi nhìn hảo tướng Phật mà lạy. Tôi được may mắn ở Phật học đường Nam Việt, chùa Ấn Quang có tượng Phật Thích Ca rất đẹp. Tượng đẹp ở chỗ nào. Là do cố Hòa thượng Trí Hữu tạo tượng này bằng niềm tin rất sâu sắc. Ngài trì tụng kinh Pháp hoa, tụng hết một bộ kinh, đốt một liều hương trên đầu để cúng Phật, cho đến đầu của Ngài không còn chỗ đốt. Ngài tiếp tục đốt hương trên hai cánh tay, từ trong ra ngoài không còn chỗ đốt nữa, Ngài phát nguyện đốt một ngón tay, rụng luôn ngón tay.
Tôi hỏi Ngài đốt như vậy có cảm thấy nóng không, vì mình bốc lửa, chưa phỏng đã thấy nóng. Ngài nói nóng thì làm sao dám đốt. Trên bước đường tu, khác nhau ở điểm đó.
Người trì kinh, lạy Phật, tham Thiền mà vượt qua được sự chi phối của thân tứ đại, tức sám hối theo pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông là tâm và thân tách rời nhau được. Tới được sở đắc này, gọi là vượt qua bốn tướng hàn, nhiệt, cơ, khát, vào cửa đạo. Hòa thượng Thanh Từ gọi là vào cửa Thiền, hay cửa Không, cửa Tâm.
Thầy tu vào cửa đạo, sống với tâm thanh tịnh khác với thầy tu chỉ có cái áo tu thôi. Khi Phật giáo suy vi, hình bóng thầy tu ít, nhưng dễ kiếm thấy bậc chân tu. Nhưng khi Phật giáo hưng thạnh, chúng Tăng đông, phải nói khó tìm được người chân tu.
Lịch sử Phật giáo Trung Hoa cho thấy điều này, bốn lần pháp nạn là bốn lần chư Tăng đông nhất. Vào cuối đời Đường, gần như trong nước Trung Hoa, Tăng Ni chiếm quá phân nửa dân chúng, nên người lao động, người đi lính ít, nhưng người tu thì nhiều. Vua Đường Võ Tông đã tuyên bố rằng người tu lười lao động, trốn nghĩa vụ, nên dẹp thầy tu này được, dù bị đọa địa ngục, trẫm cũng cam lòng. Đó là điều mà chúng ta cần suy nghĩ.
Trước đó, vào thời vua Đường Thái Tông, Đường Cao Tông cho đến Võ Hậu, chúng ta thấy Tăng sĩ không đông, nhưng nhờ có cao tăng, Thánh Tăng, nên người ta hết lòng vì đạo. Đường Thái Tông kính trọng Huyền Trang pháp sư và những người tu, vì họ là chân tu sạch nghiệp, là Hiền Thánh, thể hiện tấm gương sáng mà chúng ta cần học theo.
Trở lại pháp sám hối, chúng ta lạy Phật cho đến thấy hảo tướng. Theo kinh nghiệm của tôi, nhìn tượng Phật, đương nhiên ban đầu chúng ta tìm tượng Phật có hảo tướng để lạy, nhằm dễ tạo độ cảm tâm giữa mình với Phật. Nhưng khi lạy Phật đến lúc thấy Phật nhìn mình mỉm cười, Ngài bằng lòng với việc tu hành của mình, nghĩa là ta đã đem được hình ảnh Phật vào lòng mình rồi, thì nghiệp chướng trần lao của mình bắt đầu xóa lần.
Khi còn là học Tăng, năm 1957, tôi bị bệnh lao phổi, Hòa thượng Thiện Hòa chuyển tôi sang chùa Giác Ngộ, vì sợ tôi lây bệnh cho đại chúng. Sang ở chùa đó, cũng trong một mùa an cư, tôi siêng năng lạy Hồng danh sám hối và sau mùa an cư đó, tôi đã khỏi bệnh, quả thật là kỳ diệu.
Vì vậy, tôi nói lạy sám hối tiêu nghiệp. Thật vậy, lúc bị bệnh, tôi chỉ nghĩ mình chết, nên luôn luôn bám sát hình ảnh Phật và nghĩ trong lòng có Phật thì chắc chắn chết theo Phật, gọi là tuyệt thể tuyệt mạng, chúng ta không còn con đường nào khác, một là xuống A-tỳ địa ngục, hai là theo Phật. Cho nên hạ quyết tâm theo Phật dẫn đến sự thay đổi kỳ diệu cho tôi. Cố Hòa thượng Thiện Hoa gọi ý này là sơn cùng thủy tận.
Nếu các anh em có tâm coi như đã chết, mới sống đời sống đạo. Một là có cuộc sống đời thường. Hai là đi tu, chúng ta dễ rơi vào trạng thái lưng chừng giữa đạo và đời. Đôi khi chúng ta hướng tâm tu theo Phật, nhưng cũng có lúc bị trần lao quấy nhiễu. Nếu chúng ta ở lưng chừng này sẽ bị rớt lại trần lao.
Vì vậy, phải hạ quyết tâm tu để vào con đường đạo, được quả Dự lưu Tu-đà-hoàn thì chúng ta không cần vật chất nữa. Còn chúng ta ở bên bờ sinh tử, nghĩ phải ăn cái này cái nọ mới bổ, mới sống, nhưng qua con đường kia, không nghĩ như vậy. Phật dạy người xuất gia không phải vì ăn mà khất thực, thì bấy giờ chắc chắn chúng ta có cuộc đời khác một cách tốt đẹp. Điều này nghĩa là gì.
Trong thời gian chúng ta khất thực không vì ăn, để kiểm chứng việc tu hành của mình. Phật dạy người tu vào làng khất thực, không đi quá bảy nhà. Nếu đã đi qua bảy nhà mà chưa ai sớt bát, Tỳ-kheo ôm bát không về. Đó là thực chất để trả lời chúng ta quyết tâm tu hay không.
Người tu khất thực vào làng với tâm thanh tịnh và tướng giải thoát để người trông thấy phát tâm. Nếu người chưa phát tâm, chưa cúng dường, chúng ta phải gia tốc tu, khởi phiền não là đọa. Nhưng nếu quý vị mới đi đến một, hai nhà mà bình bát đầy, thì đậy nắp bát, trở về tịnh xá, tự biết công đức của mình đã sanh ra. Nhưng về tịnh xá, cũng phải nỗ lực Thiền quán để thấy được nhân duyên, thấy đi đường này không ai cúng, đi đường khác có người cúng, đó là quán nhân duyên ngay điểm này. Đức Phật cũng kể rằng người mà Ngài đã xả thân cứu độ, nên họ thấy Ngài liền phát tâm.
Như vậy, đi khất thực để thấy nhân duyên, thấy người có duyên với mình, phát tâm cung kính, cúng dường là ta đã giáo hóa họ. Tỳ-kheo thanh tịnh làm đàn-việt phát tâm, nhưng nếu gặp Tỳ-kheo không thanh tịnh, họ thoái tâm và chê ghét đạo Phật.
Hòa thượng Huỳnh Kim lúc còn sống đã nói với tôi rằng một Tỳ-kheo tới tụng đám ma hộ niệm. Tụng kinh xong, cả nhà tới chùa quy y và họ mến đạo, phát tâm theo Phật. Trái lại, một Tỳ-kheo khác cũng được cử đi tụng kinh đám ma, nhưng sau 49 ngày, gia đình nhà đám không trở lại chùa nữa.
Vì vậy, Tỳ-kheo thanh tịnh khác với Tỳ-kheo không thanh tịnh. Tỳ-kheo không thanh tịnh thì túc nghiệp còn, thân nghiệp sát, đạo, dâm còn, nên làm cho người khởi tâm không tốt. Tôi nhắc Tăng Ni trẻ gặp người thương mình, nên tự biết đó là túc nghiệp cần phải tránh, không tránh là chết. Vì dâm nghiệp còn, mình gặp họ, họ khởi tâm yêu thương; không khéo tránh sẽ mất giới thân huệ mạng. Dù hình thức thầy tu còn, nhưng có thể bị ra tòa và tội theo đó trùng trùng sanh ra. Chư Tăng đông kiểu này thì đáng sợ.
Tôi làm Trưởng ban Trị sự Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, thấy Tăng Ni thành phố đông, Tăng Ni vãng lai đông hơn, tuy mừng, nhưng cũng lo sợ.
Phật giáo thạnh do chư Tăng nỗ lực tu. Phật giáo suy do chư Tăng không tu. Tôi mong sao Tăng Ni tăng trưởng đạo lực. Hòa thượng Chủ tịch lúc còn sanh tiền, thường nhắc Tỳ-kheo cần tăng cường đạo lực mạnh mẽ, mới phá trừ được túc nghiệp.
Đặc biệt mùa an cư mà Đức Phật đã quy định cho đời sống tu hành của chúng ta và cũng được Nhà nước chấp nhận, ủng hộ việc an cư. Vì vậy, chúng ta cần hạn chế ngoại duyên, nỗ lực thực tập pháp Phật. Người có nghiệp, cần siêng năng sám hối để có hảo tướng là nhìn đâu cũng thấy Phật, nhìn đâu cũng thấy nở hoa.
Cầu nguyện Tam bảo gia hộ cho tất cả hành giả an cư luôn sống an lạc trong Chánh pháp và đoàn kết, hòa hợp, cùng chung nhau xây dựng đạo pháp tồn tại, phát triển.