Âm Nhạc Trong Sân Khấu Cải Lương* Hữu ThạnhCác bài bản thông dụng Sau nhiều năm chắt lọc , các bài bản thường được sử dụng trong Cải lương ngoài Dạ Cổ Hoài Lang ra còn có những bài đờn của các thầy đờn sáng tác hoặc lấy trong nhạc Hồ Quảng hay khai thác trong kho tàng âm nhạc dân gian Việt Nam. Nó chia thứ tự như sau :
– Nhất Lý : Lý ngựa ô Bắc, Lý ngựa ô Nam, Lý Thập tình . . . Có thể hát hơi Xuân (vui) hay hơi Ai (buồn) – Nhị Ngâm : Ngâm thơ Sa mạc, Bồng mạc, Thơ Đường, Lục bát. . . – Tam Nam : Nam Ai, Nam Xuân, Nam Đảo, . . .ngoài ra còn Nam chạy. – Ngũ Điểm : Năm bài ngắn gọn : Bình bán vắn, Tây thi vắn, Khổng Minh tọa lầu, Mẫu tầm tử, Long hỗ hội. – Lục Xuất : Văn thiên tường, Trường tương tư, Chinh phụ, Tứ đại oán, Hội ngươn tiêu, Bắc bản chấn. – Thất Chánh : Gồm 7 bài lớn – Bát Ngự : Đường thái tôn,Vọng phu, Chiêu quân, Ái tử kê, Bắc Man tấn cống, Tương tư, Duyên kỳ ngộ, Qủa phụ hàm oan.Cửu Nhĩ : Gồm 2 nhóm – Tứ Bửu (Minh hoàng thưởng nguyệt, Ngự giá đăng lâu, Phò mã giao duyên, Ái tử kê) & Ngũ Châu (Kim tiền bản, Ngự giá, Hồ lan, Vạn liên, Song phi hồ điệp) – Thập Thủ Liên Qườn: Tên của 4 nghệ nhân (cụ Thập – cụ Thủ – cụ Nguyễn Liên Phong – cụ Trần Quang Qườn) sáng tác gồm 10 bài: Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Liên quờn, Bình nguyên, Tây mai, Kim tiền, Hồ quảng, Xung phong, Long hổ, Tẩu mã) Từ những bài bản đó, các thầy tuồng có thể viết lời mới theo hoàn cảnh trong kịch bản như : vui, buồn, hờn, trách, sinh, ly, tử , biệt … Tóm lại các bài bản trong sân khấu Cải lương được chia làm 4 phần sau đây: – Các bài hát từ kho tàng âm nhạc dân tộc – Các bài hát được viết ra bỡi các thầy tuồng – Các bài hát trong các tuồng Hồ Quảng Trung Hoa – Các bài tân nhạc lời Ta điệu Tây, các sáng tác ca khúc hoàn toàn Việt Nam Đến đây ta đã thấy được sự hiện diện của nhạc cụ Trung hoa (Thanh la, não bạt, kèn bóp…) dùng cho nhạc Hồ Quảng và nhạc cụ Tây phương để đệm cho các ca khúc Tân nhạc – dân ca – hò lý trong sân khấu Cải lương thời bấy giờ. Như thế, từ thập niên 30 Tân nhạc đã xuất hiện trong các gánh Cải lương , kể cả đàn piano cũng được khuân xuống ghe hát mà đi biểu diễn khắp đầu sông cuối bãi rồi !
Âm nhạc cải cách và nghệ sĩ tân nhạc trong sân khấu Cải lương Khuynh hướng cảm thụ nghệ thuật của dân chúng ngày càng nâng cao do ý thức thay đổi khẩu vị tuồng tích của các soạn giả thời bấy giờ. Bên cạnh các thể loại đa dạng của kịch bản và cách dàn dựng biểu diễn, vào năm 1933 – 1934 nghệ sĩ Huỳnh Thủ Trung (Tư Chơi) vừa là diễn viên, vừa là soạn giả lại rất thích tìm hiểu về âm nhạc cải cách nên đã viết rất nhiều lời Việt cho các ca khúc Âu châu cũng như sáng tác nhạc cải cách và tự gọi là “bài Ta theo điệu Tây”. Các ca khúc Tây lời Việt của soạn giả Huỳnh Thủ Trung (Tư Chơi) như: Marinella trong vở Phũ phàng, Pouet Pouet trong Tiếng nói trái tim, Tango mystérieux trong Đóa hoa rừng, La Madelon trong Giọt lệ chung tình, J’ai deux amours v.v.. đã ăn sâu vào lòng khán thính giả mộ điệu nên đi đâu cũng có thể nghe văng vẳng tiếng ngân nga của thanh niên thời bấy giờ. Ngoài ra soạn giả Tư Chơi còn sáng tác các đoạn nhạc hòa tấu ngắn cho đàn bầu hay đàn tranh hòa cùng ban tân nhạc để làm nhạc tình huống hay những khúc ca ngắn lấy “điệu Tây” nhưng “âm giai Ta” để biểu diễn trong kịch mục của mình như bài Ừ Thì Ừ (Hòa Duyên) với ca từ rất mộc mạc đơn giản dưới đây: “Tình quyết yêu nhau thì xin cứ thề – Ừ thì thề ! – Thề nếu ai sai thì xin có Trời – Ừ Trời hành!” Ông cũng đưa những bản nhạc cải cách Việt Nam nổi danh thời đó như bài Buồn Tàn Thu của nhạc sĩ Văn Cao cho nữ nghệ sĩ Kim Thoa ca trong tuồng “Mã Lê Công Chúa “, nghệ sĩ Kim Thoa cũng đã ca bài Hòn Vọng Phu của nhạc sĩ Lê Thương trong tuồng “Đêm Đông “. Trước khi có dàn tân nhạc, đêm biểu diễn sẽ được bắt đầu bằng nghi thức “dộng màn”, nghĩa là thay vì tiếng trống chầu thì khán giả sẽ nghe tiếng chày dộng ầm ì xuống nền sân khấu trước lúc kéo màn để báo hiệu giờ biểu diễn. Dàn tân nhạc xuất hiện như một làn gió mới trong sân khấu Cải lương thời bấy giờ vì ngoài công việc đệm nhạc cho các ca khúc, hòa với các nhạc cụ Trung hoa qua các bài Hồ Quảng vốn rộn ràng và giàu tiết tấu – âm điệu, ban nhạc còn hòa tấu để mở màn (thay cho tiếng “dộng màn”), hoặc chơi nhạc tình huống – nhạc cảnh (music en scenes). Thậm chí gánh Kim Thoa của soạn giả Tư Chơi đã mời 2 ban nhạc, một ban nhạc Việt Nam (nhạc trưởng Tám Lang, nay vẫn còn sống tại khu dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu TP.HCM) chơi ngoài cổng bán vé để thu hút sự tò mò của khách vãng lai và một ban nhạc Phi Luật Tân chơi bên trong rạp hát (nhạc trưởng Benito, đã về Phi sau năm 1975). Các đào hát cũng hát nhạc cải cách trong tuồng và thậm chí vào năm 1938 hai đào hát nổi tiếng nhất của hai miền Nam Bắc là nghệ sĩ Kim Thoa (gánh Kim Thoa) và nghệ sĩ Ái Liên (gánh Đại Phước Cương) đã thâu âm 18 bài nhạc cải cách cùng với 3 dàn tân nhạc tại Sài Gòn trong dĩa 78 vòng/ phút của hãng Beka. Các gánh hát khác cũng mời nghệ sĩ tân nhạc về cộng tác để thêm phần hấp dẫn cho quần chúng với các hoạt động trình diễn đa dạng như : nghệ sĩ Xuân Lôi, nghệ sĩ Xuân Tiên (gánh Tố Như, Bích Hợp) – nghệ sĩ Phạm Duy (gánh Đức Huy Charlot Miều) . . . . để chơi nhạc trong các vở diễn hay hát nhạc cải cách, nhạc dân ca trước khi mở màn chính thức. Lúc đó tân nhạc đang trong thời kỳ phôi thai, chưa được quảng bá rộng khắp nên gánh hát chính là cái nôi êm ái để các nghệ sĩ tân nhạc nương náu và trình diễn các ca khúc do mình sáng tác hay của những tác giả khác.
Ca khúc Tân nhạc Nhạc sĩ Huỳnh Anh đã sáng tác ca khúc Mưa rừng vào năm 1961 cho vở cải lương cùng tên (soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng) để nghệ sỹ Thanh Nga hát với sự tính toán sao cho giảm bớt những sở đoản của diễn viên cải lương khi hát tân nhạc. Và Mưa rừng đã thành công vượt bậc, giúp cho tên tuổi của nhạc sĩ Huỳnh Anh đã sáng càng tỏa sáng hơn – đưa ông vào lãnh vực viết nhạc phim với hai nhạc phẩm : Loan Mắt Nhung (Phim Loan Mắt Nhung) và Sa Mạc Tuổi Trẻ ( phim Điệu Ru Nước Mắt). Bản thân kịch bản Mưa Rừng cũng đã được chuyển thể thành phim nhựa sau một năm thành công trên sân khấu cải lương. Sau năm 1975, các đoàn cải lương tư nhân đã gom lại thành những đoàn cải lương tập thể và các đoàn của nhà nước (như Sài Gòn 1-2-3, Hương Mùa Thu, Phước Chung, Trúc Giang, Trần Hữu Trang, Văn Công Giải phóng …) với sự góp mặt của nhiều diễn viên – đạo diễn – soạn giả nổi tiếng ở Sài Gòn và trong kháng chiến trở về. Các tác phẩm được sáng tác trong thời gian này hầu hết đều rất hay bởi sự hưng phấn đóng góp và ý thức hòa quyện Tân Cổ trong thời kỳ cải lương đổi mới. Nhưng ca khúc được nhắc đến nhiều nhất là Cây sầu riêng trổ bông do nhạc sĩ Thanh Tùng (chỉ huy & hòa âm tốt nghiệp Nhạc viện Triều Tiên) sáng tác trong vở cải lương cùng tên (của Đoàn cải lương Văn Công Giải Phóng). Ba đoàn cải lương Hồ Quảng (sau này gọi là cải lương Tuồng Cổ) Minh Tơ – Khánh Hồng và sau này là Huỳnh Long đã mang một sắc thái riêng biệt với phần âm nhạc sao chép từ nhạc Hoa và nhạc sáng tác mới do nhạc sĩ Đức Phú biên soạn và hòa âm. Đây là một mảng màu rực rỡ trong bức tranh Tân nhạc của sân khấu cải lương miền Nam. Hiện nay có nhạc sĩ Minh Tâm là cháu trong gia đình nhạc sĩ Đức Phú đã nối tiếp sự nghiệp soạn nhạc cho tuồng Cổ dù hiện nay cải lương và cải lương tuồng cổ đã đứng trên bờ vực của hoài niệm và tiếc nuối!
Ban Tân nhạc và những nhạc sĩ – nhạc công nổi tiếng Ban Tân nhạc lúc đó cũng thay đổi rất nhiều, trước 1975 các ban Tân nhạc theo đoàn cải lương chỉ là những nhạc công bình thường, nhiều khi không biết xem nốt nhạc ! Vì nhạc sĩ – nhạc công giỏi đã hoạt động ca nhạc tại đài phát thanh – truyền hình – phòng trà – vũ trường – sân khấu nhạc trẻ hay đại nhạc hội rồi ! Và nhạc đệm trong tuồng chỉ đơn giản là dùng nhạc hòa tấu xưa của ngoại quốc để minh họa lúc vui lúc buồn – khi tử biệt – sinh ly mà tùy tiện đưa vào theo tiết tấu nhanh chậm – vui buồn của những ca khúc đó. Ban nhạc có saxo thì cùng tutti chứ không soạn hòa âm thêm, điệu thức tùy theo giọng hát diễn viên. Nếu không nối với ca cổ thì chơi điệu thức gì cũng được.Nhiều gánh hát nhỏ ở tỉnh đều sử dụng nhạc nền y như vậy. Danh từ chung gọi là “làm màu có bài bản”! – Còn “làm màu không bài” là . . .theo câu dạo của nhạc trưởng và hòa đàn theo! Sau năm 1975, Tân nhạc trong các đoàn cải lương đã có những thay đổi đáng nhớ bởi sự hiện diện của những nhạc sĩ và nhạc trưởng nổi tiếng trước 1975 như : Trần Vĩnh (saxo) – Đỗ Văn Ngọc (trumpet) – Lý Căn Hoa (violon) – Huỳnh Hiếu (organ – nhạc trưởng ) – Bi “đen” (trumpet) – Đinh Văn Hoàng (clarinet – saxo – nhạc trưởng) – Đức Lưu (saxo – violon) – Tám Lang (trống – nhạc trưởng) – Quang Vui (clarinet – saxo – nhạc trưởng) – Huỳnh Hóa (piano) – Phan Nhật Thanh tức “cậu Quý danh cầm Hà Nội” (đàn bầu) – Vũ Chấn (piano – nhạc trưởng) v.v … Thế hệ trẻ sau 1975 với những tài năng âm nhạc như : Sỹ Đan (keyboard) – Sỹ Độ (bass guitar) – A Chúng (trống thùng) – Minh Tâm (keyboard) cũng góp mặt trong dàn Tân nhạc của sân khấu cải lương tuồng cổ Minh Tơ. (Theo – ANVN) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com