18/10/2011
10 NĂM HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ CỦA TỈNH HỘI PHẬT GIÁO BẠC LIÊU
I.- ĐĂC ĐIỂM TÌNH HÌNH :
Năm 1997 cuối thế kỷ 20, tỉnh Minh Hải được tách chia ra 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Các đặc điểm đời sống của hai vùng đất cuối trời nam tổ quốc được xác lập biên địa kể từ đây. Và cũng khẳng định vị thế của Bạc Liêu không còn bị chi phối bởi quá trình hơn 50 năm sát nhập, tách chia, tái lập đến hôm nay chắc chắn được ổn định, trong đó có sự ổn định của Phật giáo Bạc Liêu. Ngày 13 tháng 5 năm 2000, Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bạc Liêu được tổ chức, đại hội hợp nhất được các hệ phái Phật giáo trong tỉnh : Bắc tông, Nam tông Khmer, Khất sĩ, Cư sĩ hội Phật học Nam Việt, Tỉnh độ cư sĩ, Phật giáo người Hoa. Đại hội đã nhất trí suy cử Hòa thượng Thích Huệ Hà làm Trưởng ban Trị sự và đại biểu của các hệ phái là ủy viên thường trực Tỉnh hội phụ trách hệ phái của mình.
Đại hội họp nhất được các hệ phái Phật giáo trong tỉnh là một thành quả to lớn, kết nối lại được sự đoàn kết gắn bó đã có từ lâu nhất là trong quá trình hai cuộc đấu tranh gian khổ dành độc lập dân tộc trên quê hương Bạc Liêu. Kết quả của Đại hội là điều kiện tạo động lực mới để các vị giáo phẩm của các hệ phái, các tăng ni Phật tử trong hệ thống tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu thực hiện nguyện vọng tiếp nối truyền thống yêu nước của các thế hệ tiền bối cùng nhau chung sức chung lòng góp phần xây dựng quê hương Bạc Liêu phồn vinh thịnh vượng.
Trong suốt quá trình hơn 10 năm hoạt động của Phật giáo Bạc Liêu được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, ban ngành đoàn thể tạo điều kiện thuận lợi cho Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu công tác Phật sự đạt được những thành quả khả quan, hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ trung ương đến tỉnh, huyện, thành phố đến cơ sở tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường được thông suốt. Các ban ngành chuyên trách của Tỉnh hội cũng làm tốt nhiệm vụ ngày càng được đông đảo đồng bào các giới tín nhiệm. Từ đó có cơ sở tổng kết để báo cáo công tác Phật sự qua 10 năm của Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu. Nhân buổi lễ hôm nay chúng tôi xin tóm lược như sau :
II.- CÁC HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ VÀ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC CỦA TỈNH HỘI PHẬT GIÁO BẠC LIÊU :
A)- Về công tác tổ chức :
– Các thành viên trong Ban trị sự Tỉnh hội luôn luôn thống nhất ý chí, hành động, tuân thủ hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
– Tôn trọng giữ gìn bản sắc nghi thức, nghi lễ và nếp sinh hoạt truyền thống của các hệ phái Phật giáo trong Tỉnh hội.
– Triển khai nghị quyết của Đại hội, của các cuộc hội nghị Ban Trị sự Tỉnh hội.
– Tổ chức từ Tỉnh hội đến cơ sở thực hiện thông bạch, thông tư của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chủ trương của lãnh đạo chính quyền, MTTQ, Ban Tôn giáo tỉnh.
– Tổ chức Đại hội bầu cử các Ban đại diện Phật giáo ở các huyện, thành phố; bổ nhiệm trụ trì cho tất cả các tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường và thay đổi khuôn dấu tròn cho tất cả các đơn vị Phật giáo trong tỉnh.
– Tổ chức các Đại lễ và lễ hội Phật giáo truyền thống hằng năm như Đại lễ Phật Đản, Đại lễ Vu Lan, lễ vía Phật và các vị Bồ Tát, lễ tưởng niệm các vị giáo phẩm tiền bối lãnh đạo Phật giáo qua các thời kỳ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
– Tổ chức giữ gìn và phát huy các sinh hoạt truyền thống của Phật giáo như An cư kiết hạ, bồi dưỡng trụ trì, các khóa tu học cho Phật tử ở các đạo tràng tại các tự viện Phật giáo trong tỉnh.
– Tổ chức 4 lần Đại Giới Đàn cho gần 2000 tăng ni và Phật tử thọ giới.
– Chủ trương trùng tu tôn tạo các ngôi chùa cổ bị xuống cấp. Khôi phục, xây dựng lại những ngôi chùa bị chiến tranh tàn phá, vận động cất mới những tịnh thất, niệm Phật đường ở vùng nông thôn sâu có đồng bào tín ngưỡng đạo Phật.
– Chủ trương tổ chức nhiều cuộc lễ kỳ siêu cho anh linh liệt sĩ, đồng bào tử nạn trong chiến tranh, trong thiên tai bệnh tật vào các cuộc lễ lớn tại các tự viện Phật giáo và các nghĩa trang trong tỉnh.
– Tổ chức mở trường trung cấp và cao đẳng Phật học, đến nay đã có hơn 200 tăng ni tốt nghiệp qua các khóa đào tạo, nhiều vị trở thành cán bộ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và trụ trì các tự viện Phật giáo trong và ngoài tỉnh.
– Tổ chức cuộc hội thảo sư Nguyệt Chiếu nhân vật lịch sử Phật giáo tỉnh Bạc Liêu có hơn 80 nhà nghiên cứu, nhà khoa học tham dự, kỷ yếu cuộc hội thảo được phép in ấn 2.000 bản phát hành rộng rãi trong và ngoài nước, giới thiệu về con người và quê hương Bạc Liêu.
– Tổ chức thành công hội nghị 14 tỉnh thành Phật giáo Nam tông Khmer.
– Tổ chức thành lập và được phép hoạt động trang báo điện tử Phật giáo Bạc Liêu, mỗi tháng ra 2 kỳ, đến nay có hơn 60 ngàn lượt đọc giả trên khắp thế giới. Trang báo có mục giới thiệu hình ảnh con người và quê hương Bạc Liêu rất được độc giả quan tâm.
B)- Hoạt động của các ban chuyên ngành của Tỉnh hội :
1- Ngành Tăng sự :
– Thống kê tự viện trong tỉnh có 122 chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường.
– Thống kê tăng bộ trong tỉnh có 481 tăng ni, trong đó Bắc tông và Khất sĩ 175 vị, Nam tông Khmer 315 vị.
– Giáo phẩm 15 vị, Giới phẩm 466 vị.
– Lập hồ sơ xin Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp chứng nhận tăng ni 275 vị.
– Lập thủ tục và xin Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp chứng điệp thọ giới cho 1.677 giới tử trong bốn lần Bạc Liêu khai Đại Giới Đàn.
– Xin Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp 350 chứng điệp an cư kiết hạ cho tăng ni an cư lần đầu trong 11 lần tổ chức an cư kiết hạ tại Bạc Liêu.
– Lập hồ sơ xin Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp 456 chứng nhận tốt nghiệp khóa bồi dưỡng trụ trì cho tăng ni tốt nghiệp 4 khóa tại Bạc Liêu.
– Quyết định của Tỉnh hội bổ nhiệm 110 trụ trì ở các tự viện.
– Lập hồ sơ, ra quyết định trình Tỉnh hội bổ nhiệm Phân ban đặc trách Ni giới Phật giáo Bạc Liêu.
2- Ngành Giáo dục tăng ni :
– Sau Đại hội Phật giáo Bạc Liêu khóa I, Ban Trị sự nhiệm kỳ 2000 – 2005 thực hiện Nghị quyết Đại hội mục tiêu đào tạo tăng ni lớp kế thừa Phật pháp.
– Năm 2002 thành lập trường Trung cấp Phật học được Nhà nước cho phép khai giảng hai phân hiệu Bắc tông và Nam tông Khmer. Bắc tông có 02 điểm trường, Nam tông có 07 điểm trường trong tỉnh, số tăng ni sinh theo học 250 vị.
– Năm 2004 lớp Cao đẳng Phật học được Nhà nước cho phép tổ chức để đào tạo trụ trì và Tăng ni trung cấp không đủ điểm vào Đại học Phật giáo số lượng Tăng ni sinh gần 50 vị. Cho đến nay trải qua 3 khóa trung cấp, 3 khóa cao đẳng, trường Phật học Bạc Liêu đào tạo hơn 300 vị Tăng ni của ba hệ phái tốt nghiệp trung cấp và cao đẳng Phật học đã ra trường, có số tiếp tục lên Đại học, có số làm trụ trì các tự viện, có số công tác các đơn vị chuyên ngành của Giáo hội.
– Trường Phật học Bạc Liêu hiện nay có đội ngũ giáo sư gồm 05 vị tiến sĩ, 02 thạc sĩ, 08 cử nhân, 03 cao đẳng. Ngoài ra còn 07 vị cử nhân, 04 vị cao đẳng công tác tại Tỉnh hội.
– Năm 2007 trường Phật học Bạc Liêu được gia nhập trở thành thành viên trong Liên hiệp trường Phật học quốc tế, hàng năm đều có cử đại biểu tham dự hội nghị thường niên tại Thái Lan.
3- Ngành Hoằng pháp :
– Ban Hoằng pháp Phật giáo tỉnh Bạc Liêu có 20 vị được đào tạo tốt nghiệp các khóa hoằng pháp Trung ương. Trong 10 năm qua, Ban Hoằng pháp chịu trách nhiệm giảng dạy các lớp giáo lý và thuyết giảng tại các đạo tràng tụ học của Phật tử ở các cơ sở tự viện, ngoài ra còn hơn 100 buổi thuyết pháp được Tỉnh hội và Huyện Thành hội tổ chức vào các ngày đại lễ, lễ hội Phật giáo và kỷ niệm các vị Giáo phẩm tiền bối của Giáo hội, mỗi buổi thuyết pháp có hàng trăm đồng bào phật tử tham dự.
– Các cuộc hội thảo do Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội tổ chức đều có đoàn đại biểu Hoằng pháp tỉnh Bạc Liêu tham dự.
– Ban Hoằng pháp Bạc Liêu tổ chức được một cơ sở bảo trợ học sinh sinh viên nghèo hiếu học hiện có hơn 50 em ăn ở và đi học tại TP Bạc Liêu.
4- Ngành Hướng dẫn Phật tư :
Hướng dẫn Phật tử là ngành có chức năng tổ chức các đạo tràng tu học Phật pháp cho Phật tử tại gia. Tập hợp được lực lượng Phật tử ở các cơ sở tự viện Phật giáo từ thành thị đến nông thôn để sinh hoạt tu học, trao dồi giới pháp, giữ gìn và phát huy truyền thống đạo đức Phật giáo góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp, đời sống đồng bào ở khu dân cư các mặt văn hóa được nâng cao, pháp luật được tuân thủ, giáo luật được hành trì, cộng đồng xóm ấp được an lạc hạnh phúc.
Qua 10 năm hoạt động, Ban Hướng dẫn Phật tử của Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu tổ chức được 53 đạo tràng tu học Phật pháp tại 53 tự viện trong tỉnh. Tổ chức hai lần tiếp sức cho 485 học sinh đi thi đại học tại Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh.
5- Ban Nghi lễ :
Nghi lễ Phật giáo là một nhân tố đặc trưng văn hóa Phật giáo. Trong cuộc sống con người, nhu cầu về đời sống tâm linh không thể thiếu. Nghi lễ Phật giáo còn là hình thái hoạt động văn hóa đạo đức quan trọng để xương minh Phật pháp, để đáp ứng nhu cầu tâm linh cho đồng bào phật tử. Những thập niên đầu của thế kỷ 20 Bạc Liêu được coi là là cái nôi của nhạc lễ cổ truyền Phật giáo ở Tây Nam bộ và cũng mở đầu cho phong trào đàn ca tài tử chuyển dần đến vọng cổ cải lương, tên tuổi của các vị chủ xướng các hoạt động văn hóa văn học nghệ thuật này đến nay được tôn vinh như cụ Nhạc Khị, sư Nguyệt Chiếu, Hòa thượng Thơ, cụ Cao Văn Lầu, nghệ sĩ Năm nghĩa, nghệ sĩ Mộng Vân…
Tiếp nối sự nghiệp của tiền nhân, Phật giáo Bạc Liêu luôn trân trọng giữ gìn và phát huy những hình thái nghi lễ cổ truyền Phật giáo hàng năm vào các cuộc Đại lễ như Phật Đản, Vu Lan báo hiếu, Lễ hội Quán Thế Âm, Lễ vía Phật và Bồ tát. Ngoài ra còn có các lễ tưởng niệm, lễ thượng – trung – hạ ngươn, lễ kỳ siêu anh linh liệt sĩ và đồng bào tử nạn thiên tai bệnh tật. Đặc biệt còn những đại lễ Đại Giới Đàn được tổ chức 03 năm một lần. Nhìn chung các cuộc lễ tổ chức trang nghiêm long trọng có hàng trăm phật tử tham dự.
Các cuộc hội thảo nghi lễ do Trung ương Giáo hội tổ chức, đoàn đại biểu Nghi lễ Bạc Liêu đều có cử đoàn đại biểu tham dự.
6- Ban Văn hóa :
Được Tỉnh hội phân công, Ban Văn hóa Phật giáo Bạc Liêu hoạt động kết quả đạt được như sau :
– Chuyển tải tin tức, hình ảnh hoạt động phật sự của Tỉnh hội, Huyện Thành hội, các cơ sở tự viện Phật giáo trong tỉnh đến đồng bào Phật tử. Mỗi năm báo Giác Ngộ, báo Bạc Liêu, đài PTTH đăng tin phát sóng hình ảnh Phật sự của Phật giáo Bạc Liêu hơn 50 kỳ.
– Trang báo điện tử Phật giáo Bạc Liêu phát hành hơn 60 kỳ có gần 700 bài viết gồm nhiều thể loại như tin tức hoạt động phật sự, từ thiện xã hội, lịch sử, văn hóa, y học dân tộc, biên khảo, sáng tác, ca khúc đất và con người Bạc Liêu, số lượng độc giả hơn 60.000 lượt người trên khắp thế giới.
– Tổ chức được 28 cuộc triển lãm hình ảnh hoạt động của Phật giáo Bạc Liêu có gần 40.000 lượt người xem. Hai lần tham gia tổ chức triển lãm tại Hà Nội nhân dịp Đại hội Phật giáo toàn quốc.
– Tổ chức được 03 phòng phát hành kinh sách, nhiều chục ngàn sách báo của các tạp chí như Giác Ngộ, Văn hóa Phật giáo, Vô Ưu, Xưa và Nay, Văn học Nghệ thuật Bạc Liêu, Đạo Phật ngày nay, được phát hành rộng rãi đến tăng ni và Phật tử trong tỉnh.
– Tập lịch sử tự viện và danh tăng Phật giáo Bạc Liêu sắp hoàn thành sẽ phát hành vào ngày Đại hội đại biểu Phật giáo Bạc Liêu lần thứ IV đầu năm 2012.
– Tham mưu cho Tỉnh hội tổ chức thành công hội thảo sư Nguyệt Chiếu vị danh tăng Phật giáo Bạc Liêu.
– Chuẩn bị tổ chức cuộc hội thảo kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và 10 năm thành lập Phật giáo Bạc Liêu.
– Các Huyện, Thành hội Phật giáo có thành lập đội văn nghệ, đàn ca tài tử để phục vụ cho lễ hội Phật giáo.
7- Hoạt động từ thiện xã hội :
Thực hiện các nghị quyết của Tỉnh hội, Ban Từ thiện xã hội của Tỉnh, Huyện Thành hội tích cực hoạt động 10 năm qua tổng hợp kết quả sơ lược như sau :
– Công tác cứu trợ đồng bào nghèo và bị thiên tai bệnh tật bằng lương thực + hàng hóa + tiền mặt : 47 tỷ 850.000 triệu đồng.
– Tổ chức cơ sở từ thiện :
+ Cơ sở Phước Linh Đại bi quán nuôi người già và trẻ em neo đơn hàng năm chi hơn 350.000.000đ.
+ Cơ sở nhà trẻ mồ côi Long Phước hàng năm chi hơn 200.000.000đ.
+ Cơ sở Bửu Linh và Bửu An tổ chức bếp ăn cho bệnh viện Hòa Bình, lớp dạy nghề cho con em gia đình nghèo, mở phòng mạch Tây y khám và trị bệnh miễn phí cho đồng bào mỗi năm chi trung bình hơn 400 triệu đồng.
+ Co sở An Thạnh Linh mở phòng chẩn trị tây y miễn phí hàng năm chi hơn 100 triệu đồng.
+ 7 cơ sở y học dân tộc ở 7 tự viện hàng năm điều trị hơn 40 ngàn thang thuốc nam miễn phí.
+ 500 mét cầu bê tông hơn.
+ 175 giếng nước sạch cho vùng nông thôn.
+ 300 xe lăn cho người tàn tật.
III.- KẾT LUẬN :
Tóm lại, trong 10 năm qua ngoài công tác hoạt đông Phật sự của Giáo hội. Các thành viên của Phật giáo Bạc Liêu từ tỉnh đến cơ sở, tăng ni và cư sĩ đều tích cực tham gia các phong trào ích nước lợi dân, vận động ủng hộ việc làm từ thiện góp phần cùng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa ở xóm ấp và khu dân cư.
Các thành viên của Phật giáo còn tham gia các tổ chức, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng nhân dân, Hội khuyến học, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội chữ thập đỏ, Hội Y học dân tộc, Hội Khoa học lịch sử, Hội Văn học nghệ thuật, Hội Người cao tuổi. Qua các sinh hoạt hội nghị, học tập nghị quyết, thảo luận các dự án luật, các thành viên Phật giáo đã mạnh dạn đóng góp ý kiến, phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân, kiến nghị các cơ quan làm chưa tốt công tác chính quyền, góp phần tháo gỡ những vướng mắc giữa chính quyền và các cơ sở thờ tự về thủ tục đất đai, về lễ hội tôn giáo, về sinh hoạt tín ngưỡng, tạo sự cảm thông, gắn chặt tình đoàn kết, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh.. Những kết quả Phật sự của Phật giáo Bạc Liêu trong thời gian qua là những hạng mục trên lộ trình Phật sự nhiệm kỳ của Tỉnh hội. Hiện tại và sắp tới trên lộ trình còn nhiều hạng mục Phật sự rất to lớn đòi hỏi các thành viên của Phật giáo thể hiện tinh thần đoàn kết cao, cùng chung sức chung lòng phụng sự Phật pháp, phục vụ quê hương Bạc Liêu phát triển ngày càng phồn vinh thịnh vượng.
Kính chúc Chư tôn giáo phẩm, Chư vị khách quý cùng toàn thể quý Phật tử thân tâm an lạc vạn sự kiết tường.
BAN TRỊ SỰ PHẬT GIÁO BẠC LIÊU
Cập nhật ( 18/10/2011 )